Pasteur và Mendel trên vai người khổng lồ

Thứ Tư, 10 Tháng Mười Một 20215:00 SA(Xem: 2795)
Pasteur và Mendel trên vai người khổng lồ

Thành ngữ “Đứng trên vai những người khổng lồ” là một phép ẩn dụ ám chỉ những nhân vật vĩ đại có công lao vô cùng to lớn đối với nhân loại. Ngày nay, nếu có một danh sách những người như thế, Louis Pasteur và Gregor Mendel phải được xếp lên hàng đầu …

Chính xác hơn, thành ngữ “đứng trên vai những người khổng lồ” là một phép ẩn dụ ám chỉ những bậc thiên tài biết tận dụng những thành tựu của các bậc tiền bối để khám phá ra những bí mật lớn lao, đẩy sự hiểu biết của nhân loại lên một tầng cao hơn, sâu hơn, rộng hơn, tổng quát hơn, bản chất hơn.   

Lối nói ẩn dụ này đã có từ thời xa xưa, được rất nhiều học giả tây phương sử dụng. Nguyên gốc La-tinh của nó là “nanos gigantium humeris insidentes”, tiếng Anh là “standing on giants’ shoulders”.

Một trong những thí dụ tiêu biểu của phép ẩn dụ này là hình ảnh các vị thánh trong những ô cửa kính mầu trong Nhà thờ Đức Bà ở Chartres – một nhà thờ Công giáo cách Paris khoảng 80km về phía tây-nam, được xây dựng trong những năm 1194 – 1220.  

Cửa kính hình tròn phía trên được gọi là cửa kính Hoa Hồng. Dưới cửa kính Hoa Hồng là 5 cửa kính có hình dọc đứng, nhọn đầu (kiến trúc gô-tích). Tất cả các cửa kính đều có những hình vẽ theo những điển tích trong Kinh Thánh. Trong những ô cửa kính dọc đứng dưới cửa kính Hoa Hồng ta thấy hình ảnh 4 nhà truyền giáo Phúc Âm ngồi trên vai 4 nhà tiên tri trong Cựu Ước. Ở giữa là hình Đức Mẹ bế Chúa Hài Đồng. 4 nhà tiên tri trong Cựu Ước được xem như 4 người khổng lồ, và 4 nhà truyền giáo Phúc Âm là những người ngồi trên vai những người khổng lồ:

2 Glass Windows
  1. Thánh Luca ngồi trên vai nhà tiên tri Jeremiah
  2. Thánh Mát-thêu ngồi trên vai nhà tiên tri Isaiah
  3. Thánh Giô-an ngồi trên vai nhà tiên tri Ezekiel
  4. Thánh Mác-cô ngồi trên vai nhà tiên tri Daniel

Còn nhiều thí dụ thú vị khác về phép ẩn dụ “đứng trên vai những người khổng lồ”, nhưng trường hợp nổi tiếng nhất và được người đời ngày nay biết đến nhiều nhất là một phát biểu của Isaac Newton (1643-1727) trong một bức thư gửi cho Robert Hooke ngày 05/02/1676[1]:

Những gì Descartes đã làm là một bước tiến tốt … Nếu tôi nhìn thấy xa hơn ấy là vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ[2].

Câu nói ấy vừa thể hiện sự khiêm tốn, vừa thể hiện lòng tự tôn. Nhưng dù là khiêm tốn hay tự tôn, người đời vẫn “tâm phục khẩu phục”, vì những gì Newton cống hiến cho nhân loại đã biến ông thành một người khổng lồ đứng trên vai những người khổng lồ. Tác phẩm vĩ đại của ông, “Philosophiae Naturalis Principia Mathematica” (Những nguyên lý toán học của triết học tự nhiên), đã cung cấp cho khoa học một cái nhìn triết học về vũ trụ, một bức tranh toàn cảnh về thế giới tự nhiên, qua đó người ta nhìn thấy những nguyên lý chung nhất, phổ quát nhất chi phối mọi tương tác vật chất trong thế giới xung quanh. Bức tranh ấy đẹp và hoàn hảo đến nỗi nhà toán học Lagrange trong thế kỷ 18 đã phải thốt lên lời than phiền rằng “Newton đã khám phá ra tất cả mọi bí mật rồi, chẳng còn gì cho chúng ta làm nữa”. Vậy ai là người khổng lồ để Newton đứng trên vai?

Đó là René Descartes (1596-1650), như chính Newton nhắc đến trong thư gửi Robert Hooke, và chắc chắn còn nhiều người khác như Nicolaus Copernicus (1473-1543), Galileo Galilei (1564-1642), Johann Kepler (1571-1630) … Xa hơn về quá khứ, có thể kể đến Aristotle, Euclid …

Sau Newton, ai xứng đáng được coi là “người khổng lồ đứng trên vai những người khổng lồ”?

Những tên tuổi lớn sau đây sẽ là những ứng cử viên sáng giá nhất:

  1. Louis Pasteur
  2. Gregor Mendel
  3. Lord Kelvin
  4. Henri Poincaré
  5. Max Planck
  6. Albert Einstein
  7. Niels Bohr
  8. Werner Heisenberg
  9. Kurt Gödel
  10. Marie Curie

Hai tên tuổi vĩ đại cần phải được tôn vinh trước tiên là Louis Pasteur và Gregor Mendel, vì những lý do sau đây:

● Năm 2022 sắp tới sẽ là dịp kỷ niệm tròn 200 năm ngày sinh của cả hai ông: Gregor Mendel sinh ngày 20/07/1822, Louis Pasteur 27/12/1822. Đây là dịp để thế giới nhìn nhận và đánh giá chính xác hơn, đầy đủ hơn về ảnh hưởng to lớn và sâu xa của hai nhà khoa học xuất chúng này đối với khoa học và sự nhận thức của con người trong thời đại ngày nay.

● Louis Pasteur và Gregor Mendel là NHỮNG NGƯỜI ĐẦU TIÊN đưa khoa học chính xác vào sinh học. Trước Pasteur và Mendel, sinh học với đại diện tiêu biểu là Lamarck và Darwin không phải là một khoa học chính xác như vật lý và hóa học, mà chỉ là những học thuyết mô tả định tính, bao gồm nhiều phỏng đoán thiếu chính xác, mơ hồ, thậm chí sai lầm. Sinh học chỉ trở thành một khoa học chính xác kể từ khi Pasteur và Mendel tiến hành những thí nghiệm có thể lặp lại và kiểm chứng được, từ đó rút ra những định luật chính xác không thể chối cãi. Nói cách khác, cả Pasteur lẫn Mendel đều tạo ra cuộc cách mạng về phương pháp nghiên cứu trong sinh học, dẫn tới những nhận thức cách mạng trong sinh học, và hoa trái của nó là nền sinh học hiện đại ngày nay.

● Khoa học về sự sống hiện nay là ngành khoa học hấp dẫn nhất và quan trọng nhất. Pasteur và Mendel chính là hai nhà sáng lập của khoa học sự sống hiện đại, cần phải được tôn vinh hơn ai hết.

● Đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn thế giới dường như nhắc nhở chúng ta nhớ tới Louis Pasteur, ông tổ của khoa học về virus và vaccine, và Gregor Mendel, ông tổ của khoa học di truyền. Thế giới đang rất cần đến những tài năng xuất chúng như Pasteur và Mendel. Thiết tưởng vào giờ phút này, không ai xứng đáng hơn hai ông để được nhân loại tưởng nhớ đến.  

z1

Cống hiến khổng lồ của Louis Pasteur cho khoa học và cho hạnh phúc của nhân loại làm cho nhiều người tin rằng ông là người được sinh ra để thực hiện một “sứ mệnh nhà trời”. Nếu không, sẽ rất khó giải thích làm sao một đời người có thể có nhiều khám phá vĩ đại đến như thế, mang lại hiệu quả trực tiếp nâng cao tuổi thọ của nhân loại rõ ràng đến như thế.

Ông vốn không phải là nhà sinh học, nhưng sự nghiệp khoa học phi thường của ông đã biến ông trở thành cha đẻ của “Vi sinh học” (Micro-biology). Ông không phải một bác sĩ y khoa, nhưng những phương pháp chữa bệnh kỳ diệu của ông đã biến ông trở thành “ân nhân vĩ đại nhất” (the greatest benefactor) của nhân loại. Với những khám phá về cơ chế miễn nhiễm ở sinh vật và phương pháp trích ngừa để đẩy lùi bệnh truyền nhiễm, ông được coi là cha đẻ của “miễn nhiễm học và vaccine” (Immunology and vaccination). Chính các bác sĩ chứ không phải ai khác đã tôn vinh ông là cha đẻ của “y học hiện đại” (Modern Medicine). Diễn văn của bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng Joseph Lister trong lễ mừng sinh nhật lần thứ 70 của Pasteur được tổ chức tại Đại học Sorbonne ngày 27/12/1892 có thể xem như lời tạ ơn của nền y học hiện đại đối với Pasteur:

Tôi có đặc ân lớn lao được chuyển tới ngài lòng biết ơn và sự kính trọng từ tất cả những người làm việc trong y khoa và ngành phẫu thuật; thật đúng đắn khi nói rằng, trong tất cả mọi người trên thế giới ngày nay, y khoa nợ ngài nhiều nhất … Trong nhiều thế kỷ, bệnh truyền nhiễm đã bị che phủ dưới một tấm màn đen tối. Khi khám phá nguồn gốc vi khuẩn của bệnh tật, ngài đã vén bức màn đó lên![3].

Liệu chừng ấy công lao đã đủ để vẽ nên bức chân dung chính xác của Louis Pasteur chưa?

CHƯA!

Vì Pasteur còn là nhà khoa học vĩ đại khám phá ra 2 ĐỊNH LUẬT CƠ BẢN CỦA SỰ SỐNG – những định luật có tầm vóc lớn lao ngang tầm với những định luật vật lý phổ quát nhất mà tất cả chúng ta đã biết, như Định luật vạn vật hấp dẫn, Định luật quán tính, Định luật Entropy …. Tuy nhiên, sách báo viết về Pasteur bấy lâu nay thường ít đề cập đến 2 định luật này, hoặc đề cập rất sơ sài, thậm chí không đề cập. Hậu quả là rất nhiều người không biết, kể cả một số người làm công việc liên quan đến nghiên cứu hoặc giảng dạy sinh học. Đó là thiếu sót lớn của sách báo phổ biến khoa học và của nền giáo dục toàn thế giới nói chung.

Nhân dịp kỷ niệm LOUIS PASTEUR 200 năm sắp tới, cần phải gióng lên một tiếng chuông với cộng đồng khoa học, rằng cần phải nhận định về Louis Pasteur đầy đủ hơn:

Cùng với Mendel, Louis Pasteur đã tạo nên một cuộc cách mạng trong sinh học thế kỷ 19, vì lần đầu tiên đã khám phá ra NHỮNG ĐỊNH LUẬT CHÍNH XÁC của sự sống, biến sinh học thành một khoa học chính xác như vật lý và hóa học.

Nếu Mendel khám phá ra các Định luật Di truyền thì Pasteur khám phá ra 2 định luật cơ bản sau đây:

  1. Định luật về tính bất đối xứng của sự sống (The Law of Life Asymmetry), 1848, được gọi tắt là Định luật Pasteur (Pasteur’s Law).  
  2. Định luật Tạo Sinh (The Law of Biogenesis), 1861.
z2

Năm 1848, chàng thanh niên 26 tuổi Louis Pasteur đã khám phá ra một bí mật vô cùng lớn của sự sống: Trong khi phân tử của vật chất vô sinh luôn luôn tồn tại 2 dạng cấu trúc đối xứng gương với nhau, giống như bàn tay trái và bàn tay phải, với số lượng cân bằng, thì phân tử của vật chất sống là bất đối xứng – chúng luôn luôn chỉ có một dạng cấu trúc, hoặc tất cả các phân tử đều là phân tử dạng L (thuận tay trái), hoặc tất cả các phân tử đều là phân tử dạng D (thuận tay phải).

3 Chirality

Khám phá đó là nội dung chính của Luận án Tiến sĩ Vật lý và Luận án Tiến sĩ Hóa học của Louis Pasteur năm 1847. Ngay năm sau, 1848, Pasteur đã trình bày khám phá này trước Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, với kết luận tính bất đối xứng là đặc trưng của sự sống ở cấp độ phân tử.

Kết luận đó là một định luật, như Viện Pasteur của Pháp đã khẳng định:

Ông thiết lập nên một định luật quan trọng bậc nhấtChỉ những sản phẩm bắt nguồn dưới ảnh hưởng của sự sống thì mới bất đối xứng bởi vì chúng hình thành dưới ảnh hưởng của các lực vũ trụ mà bản thân những lực này là bất đối xứng[4]

Trong Từ điển “Dictionary of medical eponyms” (Từ điển danh nhân được đặt tên trong y khoa), định luật ấy được gọi tắt là “Định luật Pasteur” (Pasteur’s Law)[5].

Xin nhắc lại để nhấn mạnh, Định luật Pasteur là một định luật quan trọng bậc nhất. Vậy mà có một số người hành nghề sinh học không hề biết định luật này. Khi biết, họ vẫn không muốn tin đó là một định luật. Nhưng sinh học hiện đại đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy Louis Pasteur là một nhà tiên tri:

DNA chỉ bao gồm những nucleotide dạng D (thuận tay phải) và protein chỉ bao gồm các acid amin dạng L (thuận tay trái)[6].

Từ đó có thể rút ra một kết luận mang tính triết học vô cùng quan trọng sau đây:

● Sự sống đã được THIẾT KẾ một cách có chủ ý! Nói cách khác, sự sống đã được định hướng theo một thiết kế xác định. Điều này làm tan vỡ giấc mộng chế tạo ra sự sống từ vật chất vô sinh!

Tại sao vậy? Vì không có bản thiết kế của sự sống trong tay, khoa học không thể chế tạo ra các phân tử bất đối xứng!

Thực tế trong hơn 150 năm qua, kể từ ngày Darwin tưởng tượng ra câu chuyện thần thoại về “cái ao ấm áp”, trong đó nói rằng sự sống đầu tiên đã ra đời một cách ngẫu nhiên từ vật chất vô sinh, các nhà tiến hóa không làm thế nào có thể chứng minh chuyện thần thoại đó là sự thật. Vì không thể tìm thấy hóa thạch nào chứng minh cho tư tưởng của Darwin, họ đã nỗ lực tiến hành những thí nghiệm hóa học, hòng chế tạo ra sự sống từ vật chất vô sinh trong phòng thí nghiệm. Nổi tiếng nhất là Thí nghiệm Urey-Miller năm 1953. Kết quả: họ chỉ tạo ra được một vài acid amin đối xứng (cân bằng số lượng phân tử dạng L và phân tử dạng D). Đó không phải là phân tử của sự sống, vì sự sống chỉ sử dụng các acid amin dạng L (thuận tay trái)!

Hóa ra tính bất đối xứng của sự sống là một bức tường không thể xuyên thủng đối sinh học dựa trên vật lý và hóa học thuần túy. Nói cách khác, Định luật Bất Đối xứng của sự sống chỉ ra GIỚI HẠN của sinh học dựa trên học thuyết Darwin – một học thuyết có tham vọng giải thích nguồn gốc sự sống dựa trên những tương tác thuần túy động lực học. Điều này phù hợp với hệ quả triết học của Định lý Gödel, rằng khoa học không thể trả lời những câu hỏi về nguồn gốc (nguồn gốc vũ trụ/nguồn gốc sự sống).

Đó chính là lý do để các nhà tiến hóa không thích thú gì với Định luật Pasteur. Cách duy nhất để chống lại định luật này là tảng lờ nó. Càng ít người biết đến nó càng tốt. Nhưng làm thế nào để che đậy một sự thật của khoa học trong thời đại internet hiện nay? Càng che đậy càng làm cho người ta thấy rõ rằng những khám phá của Louis Pasteur mang ý nghĩa cách mạng, vì nó gợi ý cho khoa học về sự sống thấy rằng CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ BÍ ẨN NẰM BÊN TRONG SỰ SỐNG, VƯỢT QUÁ HIỂU BIẾT CỦA KHOA HỌC THUẦN TÚY VẬT CHẤT!

Ngày nay chúng ta biết bí ẩn đó là thông tin của sự sống!

Xin nói thêm: Năm 1848, Định luật Pasteur là định luật sinh học đầu tiên được nêu lên và được chứng minh một cách chính xác không thể chối cãi. Trước đó không hề có một định luật sinh học nào cả. Vậy định luật này không chỉ là công trình đầu đời của riêng Louis Pasteur, mà còn là định luật chính xác đầu tiên của sinh học! Năm 1848 có thể coi là năm mở màn cho một nền sinh học mới – một nền sinh học dựa trên những phương pháp nghiên cứu khoa học chính xác như vật lý và hóa học!

z3

Bạn chỉ có thể đánh giá được hết ý nghĩa sâu xa của Định luật Tạo Sinh nếu bạn biết rõ lịch sử ra đời của nó.

Trong thế kỷ 20, bắt nguồn từ một tư tưởng sai lầm thịnh hành trong giới toán học đương thời cho rằng toán học là hoàn hảo, Kurt Gödel đã tìm ra một phản đề, đó là Định lý Bất toàn, chứng minh rằng toán học không hoàn hảo!

Tương tự, trong thế kỷ 19, bắt nguồn từ một tư tưởng sai lầm thịnh hành trong giới sinh học đương thời cho rằng “sự sống hình thành tự phát từ vật chất vô sinh”, Louis Pasteur đã tìm ra một phản đề, đó là Định luật Tạo sinh, chứng minh “Sự sống chỉ ra đời từ sự sống” (Life comes only from life).

Tư tưởng “sự sống hình thành tự phát từ vật chất vô sinh”, gọi tắt là Thuyết Tự Sinh (Spontaneous Generation) do nhà đại bác học Aristotle (384BC-322BC) nêu lên từ thế kỷ thứ 4 trước CN. Mãi cho tới thế kỷ 17, nhân loại nhẹ dạ cả tin vẫn coi Thuyết Tự Sinh như một chân lý hiển nhiên đúng. Chẳng hạn, người ta cho rằng một miếng thịt thối rữa sẽ “tự nhiên” sinh ra giòi, rồi giòi biến thành ruồi. Tuy nhiên, từ thế kỷ 17, những người thông minh bắt đầu nghi ngờ Thuyết Tự Sinh.

Người đầu tiên phải kể đến là Francesco Redi (1626-1697), một nhà sinh học người Ý. Redi cho rằng những con giòi này thực ra sinh ra từ những quả trứng do ruồi đẻ ra trên thịt. Ông khẳng định những quả trứng quá nhỏ để có thể nhìn thấy bằng mắt người. Năm 1688, ông tiến hành các thí nghiệm để kiểm tra giả thuyết của mình. Redi đặt thịt trong những chiếc lọ, một số lọ để ngoài trời và một số lọ được đậy bằng lưới hoặc đậy kín. Kết quả, giòi chỉ phát triển trên thịt mà ruồi có thể tiếp cận. Do đó, người ta xác định rằng sự sống không tự phát sinh trên thịt thối rữa.

Nhưng một nhà khoa học người Anh là John Needham trong thế kỷ 18 đã tấn công những phát hiện của Redi. Ông tuyên bố rằng các thí nghiệm khoa học của chính ông đã xác minh rằng vi sinh vật trên thực tế đã tự phát sinh ra trong một số loại nước thịt, sau khi đã nước thịt đã được đun sôi kỹ trong chai.

Nghi ngờ tuyên bố của Needham, năm 1768, một thầy tu Công giáo là Lazzaro Spallanzani (1729-1799) đã tiến hành một thí nghiệm khoa học đơn giản để kiểm tra lại những phát hiện của Needham. Ông chuẩn bị nước thịt theo cách mà Needham đã làm, chia nó thành hai chai và đun sôi kỹ, giết chết tất cả vi sinh vật. Một trong những chai đã bị đóng nút, và chai còn lại được để ngoài không khí. Spallanzani lập luận rằng nếu vi sinh vật tự phát sinh từ nước thịt thì nước thịt từ cả hai chai sẽ chứa đầy vi sinh vật sau vài ngày. Tuy nhiên, kết quả cho thấy chỉ có nước thịt trong chai mở là có vi sinh vật sau thời gian quy định. Một lần nữa, người ta xác định rằng sự sống không tự phát sinh.

Tuy nhiên, đối với những người tin vào Thuyết Tự Sinh, những thí nghiệm của Redi và Spallanzani không đủ thuyết phục. Họ cho rằng không khí chứa đựng những “lực sống”, do đó cần có không khí để tạo ra sự sống tự phát, trong khi chai có nút của Spallanzani không cho phép không khí lọt vào nước thịt.

Giữa thế kỷ 19 tại Pháp, Félix Pouchet công bố những báo cáo ủng hộ Thuyết Tự Sinh, đẩy cuộc tranh cãi về Thuyết Tự Sinh đến tình trạng hỗn loạn, không có câu trả lời thuyết phục. Viện Hàn lâm Pháp treo Giải thưởng cho ai tìm được câu trả lời quyết định. Đó là lúc Louis Pasteur bước vào cuộc.

Pasteur đã đặt “nước dùng dinh dưỡng”, tương tự như nước thịt của Needham, vào một bình có cổ dài và cong hình chữ S nằm ngang, sách vở ngày nay gọi là “bình cổ cong thiên nga”. Bình không được đậy kín mà để ngoài không khí để không khí có thể lọt vào. Tuy nhiên, những đoạn cong của cổ bình đóng vai trò như một cơ chế cản trở các hạt bụi và vi sinh vật bám trên bụi trong không khí, ngăn chúng tiếp cận với nước dùng. Bình được quan sát trong khoảng thời gian cả một năm trời mà không hề thấy vi sinh vật xuất hiện. Tiếp theo, ông bẻ gãy phần cổ cong chữ S để bụi và vi sinh vật tiếp cận được với nước dùng. Chỉ sau một ngày, nước dùng đã vẩn đục vì bụi và đầy vi sinh vật. Thí nghiệm này đã chứng minh hùng hồn rằng vi sinh vật trong nước thịt là con đẻ của vi sinh vật bám trên bụi trong không khí. Pasteur tiến hành một loạt thí nghiệm tương tự ở những độ cao khác nhau, cho thấy ở những khu vực trên cao, ít bụi hơn và do đó sự nhiễm khuẩn cũng ít hơn, chậm hơn.

Năm 1861, khi ấy Pasteur 39 tuổi, đã trình bày trước Hội Hóa học Paris bài giảng về sự sống chỉ ra đời từ sự sống, bác bỏ Thuyết Tự Sinh. Bài giảng này có thể xem như giấy khai sinh cho Định luật Tạo sinh (The Law of Biogenesis) – định luật khẳng định “sự sống chỉ ra đời từ sự sống”.

Viện Hàn lâm Khoa học Pháp quyết định trao tặng cho Pasteur Giải thưởng Jecker (Prix Jecker) vì các công trình nghiên cứu bác bỏ Thuyết Tự Sinh, khẳng định một định luật của sự sống mà sau này được gọi là Định luật Tạo sinh.

Đó là sự bác bỏ trực tiếp đối với thuyết tiến hóa, vì thuyết này tin rằng sự sống đầu tiên đã ra đời một cách ngẫu nhiên từ vật chất vô sinh cách đây khoảng 3.5 tỷ năm! Niềm tin ấy cho đến nay vẫn chỉ là một chuyện tưởng tượng 100% vì không có bất cứ một bằng chứng nào cả. Mọi thí nghiệm nhằm chế tạo ra sự sống từ vật chất vô sinh đều thất bại. Khoa học hiện đại đã chỉ ra lý do rất rõ ràng:

  • Khoa học vật chất không thể chế tạo ra “mã DNA” – chương trình kiến tạo và duy trì sự sống! Không có mã DNA, vật chất vô sinh không bao giờ tập hợp lại thành sự sống, bất kể thời gian dài bao lâu.
  • Không có bản thiết kế của sự sống, khoa học không thể chế tạo ra các phân tử bất đối xứng mà sự sống yêu cầu.

Đó là những sự thật mà các nhà tiến hóa không muốn bạn biết. Nhưng họ không có cách nào chống lại Định luật Tạo sinh, ngoài cách hạ thấp giá trị của nó xuống. Chẳng hạn, thay vì gọi định luật ấy là ĐỊNH LUẬT TẠO SINH, họ chỉ gọi nó là “Thuyết Tạo sinh” (Biogenesis). Nhưng không may cho họ, khoa học càng phát triển càng ủng hộ Định luật Tạo Sinh.

Thật vậy, khoa học Di truyền chi ra rằng không có mã DNA được thừa hưởng từ cha mẹ, sự sống sẽ không hình thành. Giả sử bạn có một nồi súp trong đó có tất cả các vật liệu để lắp ráp thành sự sống. Nhưng nếu không có những chỉ thị hướng dẫn làm thế nào để lắp ráp các vật liệu ấy thành sự sống thì các nồi súp ấy sau bao nhiêu tỷ năm cũng không thể tạo ra sự sống. Tương tác ngẫu nhiên không tạo ra những cỗ máy có tổ chức, mà chỉ tạo ra sự hỗn loạn. Để tạo nên những cỗ máy có tổ chức, phải có thiết kế và các chỉ thị hướng dẫn. Đó là lý do để Giáo sư John Michael Fischer đã khẳng định trong bài báo khổng lồ của ông, “Debunking Evolution”[7] (Bóc trần Thuyết tiến hóa), rằng KHÔNG THỂ CHẾ TẠO RA SỰ SỐNG TỪ CÁC CHẤT HÓA HỌC!

Chìa khóa của vấn đề là “mã DNA” – thông tin của sự sống!

Nhưng làm thế nào để các phản ứng hóa học tạo ra thông tin? Không có cách nào cả, IT’S IMPOSSIBLE, vì thông tin không phải là vật chất! Thông tin chỉ đến từ những nguồn trí tuệ thông minh!

Tất nhiên Darwin không thể biết điều đó. Nhưng sống trong thời đại thông tin hiện nay mà không hiểu điều đó thì thật đáng ngạc nhiên. Đó là trường hợp của những nhà khoa học đoạt Giải Nobel như Jacques Monod (1965), George Wald (1967).

Đối với Monod, toàn bộ sự sống kỳ diệu như ta thấy ngày nay đều xuất phát từ NGẪU NHIÊN (!). Ông tin như vậy, nhưng ông không có bằng chứng nào cả. 

Còn George Wald thì tuyên bố: “THỜI GIAN TỰ NÓ SẼ TẠO RA CÁC PHÉP LẠ” (!!!). Có lẽ một em bé cũng phải ngạc nhiên khi nghe tuyên bố đó.

Mặc dù đó là những nhà khoa học đoạt Giải Nobel, nhưng rõ ràng họ không hiểu gì về khái niệm thông tin, không thấy VAI TRÒ CHÌA KHÓA của Mã DNA trong việc kiến tạo sự sống, và họ không hiểu rằng Mã DNA không thể nẩy sinh từ các phản ứng hóa học!

Nếu thần đồng toán học Blaise Pascal từng coi toán học chỉ là một nghề nghiệp tương tự như các nghề nghiệp khác, thì có lẽ Giải Nobel cũng chỉ là một chứng chỉ cao cấp dành cho một thành tựu lớn trong một nghề nghiệp chứ không đánh giá được trí thông minh thực sự của con người. Đó là cách duy nhất để chúng ta có thể thông cảm với các nhà khoa học đoạt Giải Nobel mà có những phát biểu phản khoa học như Jacques Monod và George Wald. Nhưng hãy quên những tuyên bố phản khoa học đó đi để tìm hiểu ý nghĩa thâm thúy của Định luật Tạo Sinh.

Quả thật định luật này nghe rất đơn giản, ấy thế mà nó lại chứa đựng những chân lý vô cùng sâu sắc.

Thật vậy, tương tư như Định luật Pasteur về tính bất đối xứng của sự sống, Định luật Tạo Sinh cùng ngầm dự báo cho khoa học rằng có một bí mật nào đó của sự sống làm cho vật chất vô sinh không thể ngẫu nhiên tập hợp lại thành sự sống.

Ngày nay chúng ta cũng đã biết rõ rằng BÍ MẬT ĐÓ LÀ DNA!

Thật thú vị để nhận định rằng cả Pasteur lẫn Mendel đều không sống đủ lâu để chứng kiến sự kiện khám phá ra DNA, nhưng công trình của cả hai ông đều NGẦM BÁO TRƯỚC có một bí ẩn nằm bên trong sự sống mà thiếu nó sự sống không thể hình thành!

Thật vậy, khi tuyên bố “Sự sống chỉ ra đời từ sự sống!”, Pasteur đã nói với người đời rằng: Này bạn, mọi sự sống phải có cha mẹ – một cỗ máy vật chất dù tinh vi đến mấy, nếu không tiếp thu những “yếu tố của sự sống” từ cha mẹ thì nó sẽ không bao giờ thành sự sống. Ngày nay chúng ta biết “yếu tố của sự sống” đó chính là DNA!

Các bạn thấy không? 2 định luật về sự sống do Pasteur khám phá ra quan trọng đến thế đấy. Ý nghĩa của chúng sâu xa đến thế đấy. Vậy nếu không biết 2 định luật ấy thì có thể đánh giá chính xác tầm vóc tư tưởng lớn lao của Pasteur không?  

Đọc Pasteur và Mendel, đôi lúc tôi phải dừng lại để suy ngẫm về những chuyện “tình cờ”. Hai ông “tình cờ” sinh cùng năm 1822. Hai ông “tình cờ” cùng áp dụng phương pháp thí nghiệm chính xác để rút ra những định luật không thể chối cãi được. Và hai ông “tình cờ” cùng gợi ý cho nhân loại thấy rằng sự sống chứa đựng những bí ẩn để khoa học không thể khám phá ra sự sống đầu tiên được.

Nếu tuyên bố của Pasteur rằng “sự sống chỉ ra đời từ sự sống!” chỉ mới là một gợi ý rằng bí mật ấy nằm trong cơ chế di truyền thì Mendel chứng minh một cách dứt khoát sự tồn tại của cơ chế di truyền ấy!

z4
z5

Đầu thế kỷ 20, khi các Định luật Mendel về Di truyền được tái khám phá, thuyết tiến hóa lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Tại sao vậy? Vì thuyết tiến hóa mâu thuẫn với các Định luật Mendel về Di truyền:

Trong khi thuyết tiến hóa nói rằng loài này có thể biến đổi thành loài khác thì Định luật Mendel cho thấy loài là cố định – sự biến đổi chỉ diễn ra trong một phạm vi giới hạn, cụ thể, đó là biến đổi bên trong loài, sao cho loài nào chỉ sinh ra loài ấy, không hề có sự biến đổi loài này thành loài khác, tức là không hề có tiến hóa!

Để cứu vãn tình thế, các nhà tiến hóa đã sáng chế ra cái gọi là Thuyết Tân-Darwin (Neo-Darwinism), trong đó nói rằng đột biến sẽ làm thay đổi bộ gene của loài, và tích phân những thay đổi này sẽ dẫn tới sự thay đổi loài. Họ ăn mừng vì nghĩ rằng đã tìm được lối thoát, trong đó họ cố gắng mô tả lý thuyết của Mendel về di truyền và lý thuyết tiến hóa của Darwin như 2 lý thuyết tương thích với nhau và bổ sung lẫn cho nhau, và do đó có thể kết hợp lại thành một lý thuyết tổng hợp về tiến hóa, được lịch sử gọi là Thuyết Tân-Darwin.

Nhưng thực chất Thuyết Tân-Darwin là một cuộc “kết hôn gượng ép”, một cuộc “cưỡng hôn”, vì về bản chất các Định luật Mendel về Di truyền hoàn toàn mâu thuẫn với Học thuyết Darwin. Bài báo sau đây cho chúng ta biết rõ điều đó:

“Mendel’s Opposition to Evolution and to Darwin[8] (Sự chống đối của Mendel đối với thuyết tiến hóa và đối với Darwin) của B. E. Bishop, đăng trên Tạp chí Di truyền “Journal of Heredity”, Tập 87, Số 3, Tháng 05 năm 1996, trang 205-213.

Đó là một bài báo chuyên sâu với hơn 11000 chữ, đăng trên một tạp chí uy tín hàng đầu về di truyền học, cho thấy sự đối lập về tư tưởng rất rõ ràng giữa Mendel và Darwin. Trong phần tóm tắt mở đầu, tác giả nhấn mạnh: 

Nghiên cứu cẩn thận tác phẩm Pisum của Mendel xuất bản năm 1866, xem xét thời gian và hoàn cảnh xuất hiện của nó, không những thấy rõ nội dung chống đối thuyết tiến hóa của nó, mà còn thấy nó mâu thuẫn rõ rệt với cuốn Nguồn gốc Các Loài của Darwin, xuất bản năm 1859, và rằng các lý thuyết của Mendel và Darwin, được hợp nhất vào những năm 1940 thành lý thuyết tổng hợp hiện đại, là hoàn toàn trái ngược với nhau[9].

Ngày nay mọi học trò tốt nghiệp phổ thông đều có thể nắm vững các Định luật Mendel về Di truyền, nhưng đó chỉ là một mớ kiến thức kỹ thuật thuần túy nếu không hiểu rõ ý nghĩa cách mạng của các Định luật Mendel đối với việc nhận thức bản chất sự sống.

Muốn thấy rõ ý nghĩa cách mạng về nhận thức di truyền do Mendel tạo ra, phải thấy rõ Darwin và những người đương thời đã sai lầm như thế nào trong sự hiểu biết về di truyền. Chỉ khi đó mới có thể đánh giá được công lao to lớn của Mendel.

z6

Vấn đề di truyền đặt ra một tình thế bối rối cho thuyết tiến hóa Darwin. Khi Darwin đang xây dựng lý thuyết của mình, ông không biết gì về cơ chế di truyền. Chính ông đã thừa nhận điều này trong cuốn “Nguồn gốc các loài”, xuất bản năm 1859, rằng “Các định luật chi phối sự di truyền hoàn toàn chưa được biết”. Vào thời điểm đó, niềm tin ngây thơ cho rằng sự di truyền được truyền qua máu vẫn được chấp nhận một cách phổ biến. Niềm tin mập mờ ấy dẫn Darwin tới chỗ đặt lý thuyết của mình trên một nền tảng sai lầm.

Sai lầm lớn nhất của Darwin là tin vào “sự di truyền những đặc tính mới giành được” (the inheritance of acquired traits) mà ông tiếp thu từ Lamarck.

Đặc tính mới giành được không phải là những đặc tính bẩm sinh – không phải những đặc tính mà con cái nhận được từ cha mẹ – mà là những đặc tính mới nẩy sinh trong quá trình sống và thích nghi với môi trường. Lamarck và Darwin cho rằng những đặc tính ấy có thể di truyền lại cho các thế hệ tiếp theo. Thí dụ vì một lý do nào đó trong đời sống mà bạn bị một thương tật nào đó thì thương tật ấy có thể di truyền cho các đời sau. Đó là cơ sở “logic” để Lamarck giải thích tại sao hươu cao cổ có cái cổ dài (do vươn cao để ăn, cổ sẽ dài ra để thích nghi, và sự biến đổi ấy được di truyền cho các thế hệ sau).

Darwin rất thích thú với khái niệm “di truyền những đặc tính mới giành được” này. Ông cho rằng “đặc tính có lợi” là một loại đặc tính mới giành được. Có nghĩa là Darwin sử dụng quan niệm về di truyền của Lamarck để giải thích quy luật chọn lọc tự nhiên, và từ chọn lọc tự nhiên giải thích sự tiến hóa!

Trong cuốn “Bí mật lớn về tiến hóa” (The Great Evolution Mystery), tác giả Gordon Taylor cho chúng ta thấy rõ Darwin chịu ảnh hưởng bởi Lamarck như thế nào:

Học thuyết Lamarck được xem như học thuyết về sự di truyền các đặc tính mới giành được… Darwin có khuynh hướng tin rằng sự di truyền như thế đã xẩy ra và có trường hợp ông được nghe báo cáo rằng một người bị mất các ngón tay sinh ra những đứa con không có ngón tay… Năm 1868, khi ông công bố cuốn Varieties of Animals and Plants under Domestication (Tính đa dạng của động vật và cây trồng dưới sự thuần hóa), ông đã cho một loạt thí dụ về sự di truyền theo lý thuyết của Lamarck: một người mất một phần ngón tay út và tất cả con trai của người đó sinh ra với những ngón tay biến dạng; những bé trai sinh ra với bao quy đầu có độ dài giảm thiểu là kết quả của nhiều thế hệ được cắt bao quy đầu…”[10]

Nhưng Di truyền học Mendel chứng minh niềm tin của Lamarck là SAI: các đặc tính mới giành được không thể chuyển giao cho các thế hệ tiếp theo vì chúng không hề làm thay đổi các gene. Sự di truyền, theo lý thuyết của Mendel, diễn ra theo những định luật bất biến xác định. Các định luật di truyền của Mendel đã hủy hoại thuyết tiến hóa!

Trớ trêu thay, nhiều sách báo hiện đại thừa nhận lý thuyết của Mendel chống lại lý thuyết của Lamarck, nhưng tảng lờ sự thật là lý thuyết Mendel cũng chống lại lý thuyết của Darwin (vì Darwin tiếp thu Lamarck). Tuy nhiên, bài báo “Sự chống đối của Mendel đối với thuyết tiến hóa và với Darwin” của Bishop trên Tạp chí Di truyền đã trả lại sự thật cho những ai muốn biết sự thật. Xin trích và lược dịch vài ý kiến tiêu biểu trong đó:

● “Vấn đề di truyền là một thành phần sống còn trong lý thuyết của Darwin, vì ông lý luận rằng sự biến đổi là rất quan trọng về mặt tiến hóa nên nó phải được di truyền, mặc dù ông thừa nhận: “Các định luật chi phối sự di truyền hoàn toàn chưa được biết”. Do đó, điều rất có ý nghĩa là chỉ một vài năm sau, Mendel đã xây dựng nên một lý thuyết rõ ràng ở cấp độ sâu về di truyền, hơn nữa, lý thuyết này chỉ dẫn đến kết quả cố định: “Quá trình thuần túy của sự di truyền theo Mendel không tạo ra bất kỳ sự thay đổi tiến hóa nào cả: quần thể vẫn giữ nguyên (Ridley 1985)

● “…trong trường hợp của Darwin, chính vấn đề về (sự biến đổi) loài đã tạo cảm hứng cho Mendel trong công trình nghiên cứu về di truyền”

● “Mendel (1866) nói rằng: “…ông ấy (Gartner) tìm thấy bằng chứng rõ ràng rằng một loài có những giới hạn cố định mà nó không thể vượt quá” … Mendel nghĩ rằng định luật do ông tìm ra ủng hộ lập trường của Gartner … ông đã chấp nhận quan điểm do Gartner nêu lên rằng các loài là cố định bên trong các giới hạn mà chúng không thể thay đổi vượt quá giới hạn đó”

● “Callender (1988), trong bài báo nhan đề “Gregor Mendel: Một người chống đối quan điểm di truyền các biến đổi” nhận xét: “… Mendel tất nhiên đã phủ nhận cơ sở của quá trình tiến hóa là sự thay đổi các đặc điểm di truyền … khái niệm về đột biến di truyền hoàn toàn không có trong toàn bộ công trình đã xuất bản của Mendel” (tô đậm để nhấn mạnh, PVHg)

● “Lý thuyết của Mendel rõ ràng là được xây dựng nên để phủ nhận toàn bộ tư tưởng của Darwin về di truyền và do đó phủ nhận lý thuyết của Darwin về sự chuyển giao các biến đổi (giành được)

● “Các dạng chuyển tiếp không được quan sát thấy trong bất kỳ một thí nghiệm nào (Mendel 1866; nhấn mạnh trong bản gốc) … Hugo de Vries, một trong những người tái khám phá ra các định luật Mendel, nhận xét: Việc thiếu các hình thức chuyển tiếp giữa bất kỳ hai đặc tính đối kháng đơn giản nào trong bản lai có lẽ là bằng chứng tốt nhất cho thấy những đặc tính như vậy là những đơn vị được phân định rõ ràng… Do đó sự khác biệt giữa tư tưởng của Mendel và Darwin về di truyền không chỉ là vấn đề giải thích: “sự thật” của Mendel khác với sự thật của Darwin và với mọi người đương thời

Với những sự thật như thế, Bishop đi tới kết luận, rằng mục tiêu của Mendel khi viết bài báo Pisum năm 1866 chính là để bác bỏ quan điểm về sự thay đổi loài mà Darwin đã nêu lên trong cuốn Nguồn gốc các loài, xuất bản lần đầu tiên năm 1859.

Chính vì biết rõ học thuyết Darwin trái với các Định luật Mendel về Di truyền nên các nhà tiến hóa đầu thế kỷ 20 phải nghĩ ra Thuyết Tân-Darwin, với nội dung cốt lõi của nó là đột biến sẽ làm thay đổi bộ gene, và sự thay đổi bộ gene sẽ dẫn tới sự biến đổi loài.

Đó là một sự thật hay một giả thuyết? Câu chuyện sau đây là câu trả lời:

z7

Cho tới hôm nay không hề có một sự thật nào chứng minh đột biến gene dẫn tới sự biến đổi bộ gene của một loài. Toán học xác suất đã vào cuộc để chứng minh rằng xác suất để đột biến gene dẫn tới tiến hóa là bằng zero!

Lý thuyết Tân-Darwin dựa trên sự di truyền những biến dị ngẫu nhiên (random mutations) có thể tóm tắt như sau:

Trong quá trình sống, hệ di truyền của sinh vật có thể xuất hiện những biến dị ngẫu nhiên có lợi cho việc thích nghi với môi trường, và những biến dị có lợi này sẽ được di truyền lại cho các thế hệ nối tiếp. Qua hàng triệu, hàng tỷ năm, những biến dị này có thể tích phân lại thành một biến đổi lớn làm thay đổi loài.

Tư tưởng đó thổi một sức sống mới vào thuyết tiến hóa, làm thỏa mãn các nhà sinh học tiến hóa đến nỗi trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày ra đời cuốn Về Nguồn gốc các Loài của Darwin, nhà tiến hóa luận Julian Huxley đã tuyên bố dõng dạc đầy tự tin rằng thuyết tiến hóa của Darwin đã đạt tới một sự thật không thể tranh cãi được, và rằng toàn bộ vũ trụ được mô tả trong một quá trình duy nhất và liên tục của tiến hóa luận.

Nhưng trạng thái hớn hở lạc quan đó không kéo dài được bao lâu. Những thách thức toán học do Sir Peter Medawar và nhiều nhà toán học khác nêu lên đã phủ một bóng đen ngờ vực lên khả năng biến dị có thể tích lũy thành một biến đổi lớn làm thay đổi loài – xác suất để sự kiện đó xẩy ra gần như bằng 0, tức là không thể xẩy ra!

Bài báo “Mathematicians and Evolution[11] (Các nhà toán học và thuyết tiến hóa) của Casey Luskin trên trang mạng Evolution News ngày 11/07/2006 cho biết:

Một trong những cuộc xâm nhập của toán học vào khoa học tiến hóa được biết đến nhiều nhất là Hội nghị chuyên đề Wistar 1966 ở Philadelphia, nơi các nhà toán học và các nhà khoa học khác trong những lĩnh vực liên quan đã họp lại để đánh giá xem liệu thuyết Tân-Darwin có thể thực hiện được hay không. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ toạ của Sir Peter Medawar, một nhà khoa học từng đoạt Giải Nobel. “Sự nhất trí chung của nhiều người tham dự hội nghị là thuyết Tân-Darwin không thể bảo vệ được bằng toán học” (The general consensus of many meeting participants was that Neo-Darwinism was simply not mathematically tenable). Biên bản của hội nghị mang tên Mathematical Challenges to the Neo-Darwinian Interpretation of Evolution (Những thách thức toán học đối với sự diễn giải của thuyết Tân-Darwin về tiến hóa) cho biết các nhà toán học đáng kính và các học giả tương tự trong hội nghị đã nêu lên nhiều thách thức khác nhau.

Chẳng hạn, chủ tịch hội nghị, Sir Peter Medawar, tuyên bố lúc khai mạc: “Lý do trực tiếp của hội nghị này là một cảm giác bất mãn rất phổ biến đối với cái đã được xem như một lý thuyết tiến hóa được chấp nhận trong thế giới nói tiếng Anh, đó là cái được gọi là Lý thuyết Tân-Darwin… Có những phản đối được nêu lên bởi những nhà khoa học cảm thấy trong lý thuyết tiến hóa hiện nay có một số thứ đã mất tích… Những phản đối như thế đối với lý thuyết Tân-Darwin là rất phổ biến trong số các nhà sinh học nói chung; và chúng ta, tôi nghĩ, không vì ai cả phải làm cho sáng tỏ vấn đề. Chính sự kiện hôm nay chúng ta có mặt ở hội nghị này là bằng chứng cho thấy chúng ta chưa làm sáng tỏ vấn đề

Trong tham luận mang tên “Làm thế nào để trình bầy các bài toán đánh giá sự tiến hóa bằng toán học”, nhà khoa học Stanislaw Ulam làm tan vỡ niềm hy vọng của thuyết Tân-Darwin bằng nhận định sau đây: “Dường như phải có hàng ngàn, hàng triệu biến dị có lợi để tạo ra một sinh vật phức tạp ở mức thấp nhất mà chúng ta thấy trong cuộc sống hiện nay. Bất kể là xác suất để một biến dị đơn lẻ lớn đến đâu, thậm chí bằng một phần hai, nhưng xác suất để xẩy ra một dãy các biến dị có lợi như thế nối tiếp nhau sẽ phải nâng lên lũy thừa một triệu, như thế bạn sẽ có một xác suất rất gần với zero, và một sự kiện như thế dường như không thể tồn tại trên thực tế”.

Tóm lại, thuyết Tân-Darwin không có cơ sở khoa học. Nó không có bằng chứng thực tế, và không được toán học ủng hộ. Thậm chí toán học đã đưa ra những con số mang tính phủ định nó. Rốt cuộc, thuyết Tân-Darwin cũng chỉ là một giả thuyết phi hiện thực. Nó tiếp tục làm khoa học dựa trên các giả thuyết thuần túy không thể chứng minh được. Đó là truyền thống của chủ nghĩa Darwin!

Trong thập kỷ 1980, bằng chứng về sự gián đoạn trong hồ sơ hóa thạch và trong các genes đã chia rẽ các môn đệ của Darwin thành 2 phái: phái “biến đổi từ từ từng tí một” (gradualist) và phái “biến đổi nhẩy cóc” (punctuationist). Đặc biệt Stephen Jay Gould và Niles Eldredge đã phải nổi đóa lên với phái đối lập để thuyết phục rằng đồ thị tiến hóa không phải là một hàm liên tục, mà là một hàm nhảy cóc đột xuất từng đợt một. Cuộc tranh cãi giữa 2 phái này kéo dài cho đến nay chưa chấm dứt. Có nghĩa là phái “gradualist” trung thành với thuyết tiến hóa nhưng bế tắc, còn phải “nhảy cóc” là phái tiến hóa phản bội lại tiên đề của thuyết tiến hóa!

Cuối thế kỷ 20 nhân loại chứng kiến một cuộc bùng nổ tri thức về di truyền học. Người ta đã có thể chỉ rõ ra các gene cụ thể, trong mã di truyền của nó, và quan sát sự sắp xếp của các cặp gene tương ứng vào trong giao tử (tế bào sinh sản trưởng thành, như một tinh trùng hoặc một trứng, có thể kết hợp với một tế bào khác để tạo nên một cơ thể mới). Một hiểu biết mới đã trở nên rõ ràng: tế bào rất khó tính trong việc đảm bảo sao cho các gene được sao chép một cách chính xác và đóng góp không sai sót.

Điều đó có nghĩa là hầu như không có cơ hội cho sự biến dị ngẫu nhiên có lợi.

Trong một số trường hợp có thể có những chữ cái của DNA cá biệt biến đổi mà không gây ra sự hủy hoại – có một sự co giãn nhất định trong mã di truyền sao cho một biến đổi riêng lẻ không tạo nên sự thay đổi bất kỳ một chức năng hoạt động nào cả. Những biến dị đó gọi là biến dị trung tính (vô hại). Người ta cũng khám phá ra cơ chế đọc và sửa chữa rất kỹ lưỡng của DNA, chứng tỏ rằng tế bào có nhiều cách sửa chữa các biến dị. Vả lại, phần lớn biến dị có trong thực tế đều gây ra bệnh tật hoặc tử vong, trong khi cho đến hôm nay các nhà sinh học tiến hóa không thể chỉ ra một trường hợp nào rõ ràng chứng tỏ biến dị dẫn tới loài mới, hoặc thậm chí một biến dị có lợi nào để biện hộ cho lý thuyết chọn lọc tự nhiên.

Rất nhiều ý đồ tạo ra biến dị đã được thực hiện, đặc biệt đối với ruồi giấm Drosophila, nhưng nói chung đều gây nên bệnh tật, thoái hóa, dị dạng hoặc chết chóc cho loài này. Không hề có biến dị có lợi.

Trải qua bao nhiêu nỗ lực, cho đến nay, những phỏng đoán của Darwin đang tiến tới bờ vực của sự sụp đổ, trong khi các định luật của Mendel tiếp tục đứng vững.

Việc khám phá ra DNA là bước cuối cùng đẩy thuyết tiến hóa Darwin tới cùng đường.

z8

Nếu việc khám phá ra DNA, hay nói chính xác hơn, việc khám phá ra Mã DNA – thông tin của sự sống – là khám phá vĩ đại nhất thế kỷ 20, thậm chí là vĩ đại nhất trong lịch sử khoa học mọi thời đại, thì các Định luật Mendel chính là NGUỒN GỐC DẪN TỚI KHÁM PHÁ VĨ ĐẠI ĐÓ. 

Bài báo “DNA From The Beginning[12] (Lịch sử DNA từ khởi đầu) nhận định:

“Mãi cho đến năm 1865, một tu sĩ dòng Augustino tên là Gregor Mendel mới phát hiện ra rằng các đặc điểm cá thể được xác định bởi các “yếu tố” rời rạc, sau này được gọi là gene, được di truyền từ cha mẹ. Cách tiếp cận chính xác của ông đã biến ngành chăn nuôi nông nghiệp từ một nghệ thuật thành một khoa học”.

4 DNA form the Beginning

Nói cách khác, các Định luật Mendel về Di truyền đã dẫn tới một kết luận VÔ CÙNG QUAN TRỌNG rằng trong sinh vật tồn tại một yếu tố vật chất chịu trách nhiệm về sự di truyền, và yếu tố ấy là những phần tử rời rạc, sau này được gọi là gene.

Đó là một cuộc cách mạng vĩ đại về nhận thức!

Tin chắc vào kết luận đó, các nhà khoa học trong thế kỷ 20 đã lao vào tìm kiếm các “yếu tố rời rạc” ấy. Cuối cùng, người ta đã tìm thấy nó, đó là phân tử DNA.

Kể từ năm 1865, khi Mendel công bố các định luật di truyền đến năm 1953, khi Crick và Watson khám phá cấu trúc DNA, thời gian ngót một thế kỷ, chính xác là 88 năm. Trong 88 năm đó, rất nhiều người đã có công lớn đóng góp vào việc tìm ra DNA, và nhất là khám phá ra Mã DNA. Nhưng người có công lớn nhất vẫn là Gregor Mendel, bởi nếu ông không chứng minh được về mặt lý thuyết sự tồn tại của “yếu tố rời rạc” chịu trách nhiệm di truyền để kéo mọi người vào việc tìm kiếm “yếu tố” ấy thì không biết đến bao giờ người ta mới tìm thấy nó. Nếu không có khám phá của Mendel, rất có thể nhân loại sẽ tin theo học thuyết di truyền của Darwin, và do đó sẽ lạc hướng. Vì thế, Mendel không chỉ là Ông tổ của khoa học di truyền, mà còn là cội nguồn dẫn tới việc khám phá ra DNA! Bất kể một khoa học nào về DNA đều phải bắt đầu từ Mendel!

Và cái gì đến ắt sẽ đến. Điều chết người là ở chỗ người ta không chỉ khám phá ra phân tử vật chất DNA, mà còn khám phá ra CHƯƠNG TRÌNH KIẾN TẠO SỰ SỐNG mà DNA mang theo. Tạm ví phân tử DNA như phần cứng của computer, và chương trình kiến tạo sự sống mà nó mang theo là phần mềm đã được cài đặt vào chiếc computer đó.

Đây là một ĐỘT PHÁ CÁCH MẠNG trên con đường nhận thức sự sống: Kể từ 1953, khoa học đã nhận ra rằng hóa ra sự sống không chỉ đơn giản là một cỗ máy vật lý và hóa học, mà còn là một CỖ MÁY THÔNG TIN!

Đó là dấu chấm hết cho nền sinh học dựa trên vật lý và hóa học thuần túy! Bởi vật lý và hóa học không thể đẻ ra thông tin, vì thông tin không phải là vật chất!

Sinh học trở thành một khoa học về thông tin!

Dựa trên Lý thuyết Thông tin, có thể thấy rõ rằng không có tiến hóa, vì sự tiến hóa đòi hỏi sinh vật phải có thông tin mới!

Đột biến không bao giờ cung cấp thông tin mới. Đột biến chỉ có thể làm cho thông tin bị méo mó, sai lệch. Bản thân chương trình thông tin của sự sống có cơ chế tự sửa lỗi. Sinh vật có xu hướng phục hồi nguyên trạng thông tin nguyên thủy của bản thiết kế. Trong trường hợp nó không sửa được lỗi thì sinh vật sẽ mắc bệnh, thoái hóa hoặc chết.

Các nhà tiến hóa đã tiến hành vô số thí nghiệm gây đột biến trên ruồi giấm và trên vi khuẩn với hy vọng chứng minh đột biến dẫn tới những biến dị có lợi, nhưng kết quả chỉ thấy đột biến dẫn tới bệnh hoạn hoặc chết. Bất kỳ thông tin nào nói rằng đã tìm ra những đột biến “có lợi” đều là sai sự thật hoặc phóng đại sự thật. Ngay cả trong trường hợp tìm thấy một vài đột biến có lợi thì vẫn vô nghĩa, không thể có tiến hóa, như hội nghị Wistar ở Philadelphia năm 1966 đã kết luận.

Cần nói thêm rằng hiện nay người ta thường xuyên lấy ví dụ vi khuẩn biến hóa để chứng minh có sự tiến hóa. Nhưng người ta quên không nói với bạn rằng vi khuẩn vẫn là vi khuẩn, nó không hề biến thành bất cứ một thứ sinh vật nào khác. Vậy không có tiến hóa, mà chỉ có biến hóa mà thôi. Mọi sự biến hóa, như Gartner hay Mendel đã khẳng định, chỉ diễn ra trong một giới hạn nhất định, đó là biến đổi trong loài.

Bài toán chết người mà DNA thách thức các nhà tiến hóa là hãy giải thích “nguồn Mã DNA?”. Một giải thưởng 5 triệu USD đang được treo để thưởng cho bất kỳ ai trả lời được câu hỏi này, nhưng không có một nhà tiến hóa nào tỏ ra hào hứng với giải thưởng này, vì người ta ngầm biết rằng không có câu trả lời. Nói cách khác, DNA đã chỉ ra giới hạn của khoa học động lực, đúng như Lord Kelvin đã tuyên bố từ cuối thế kỷ 19:

Tôi cần phải nói công khai rằng sự khởi đầu và sự duy trì sự sống trên trái đất hoàn toàn vượt quá phạm vi của mọi phỏng đoán hợp lý trong khoa học động lực. Đóng góp duy nhất của khoa học động lực cho sinh học lý thuyết là sự phủ định tuyệt đối sự khởi đầu tự động hoặc duy trì tự động của sự sống”.

Dưới ánh sáng của những khám phá về DNA, tuyên bố của Kelvin phải được xem như một lời tiên tri. Ngay cả Mendel, khi ông viết bài báo Pisum để phê phán quan điểm di truyền của Darwin, có lẽ ông cũng không thể nào tưởng tượng được những định luật do ông khám phá ra có thể đẩy khoa học về sự sống đi xa đến như vậy – tới giới hạn cuối cùng của sinh học lý thuyết thuần túy dựa trên vật lý và hóa học. Nói một cách dễ hiểu: DNA chỉ ra rằng vật lý và hóa học không đủ để hiểu bản chất sự sống. Đối với một học sinh tốt nghiệp phổ thông ngày nay, câu nói của Kelvin là điều dễ hiểu, bởi:

  • Sự sống chỉ ra đời từ sự sống (Pasteur)
  • Sự sống chỉ hình thành khi nó nhận được di truyền từ cha và mẹ (Mendel)
  • Điều kiện thiết yếu của sự sống là mã DNA (Sinh học hiện đại)

Hóa ra tư tưởng của Louis Pasteur, Gregor Mendel, Lord Kelvin đều hội tụ về một mối: Sự sống chứa đựng những bí mật vượt quá khả năng của khoa học thuần túy vật chất!

Bí mật ấy là DNA!

z9

1/ Không hẹn mà gặp, Pasteur và Mendel là 2 người sinh cùng một năm và cùng tạo nên cuộc cách mạng trong sinh học thế kỷ 19, khai sinh ra nền sinh – y học hiện đại: Hai ông là những người đầu tiên thực hiện những thí nghiệm chính xác để rút ra những định luật chính xác cho sinh học, biến sinh học thành một khoa học chính xác. Đó là điều chưa từng có trong sinh học trước đó.

2/ Di sản của Pasteur và Mendel để lại cho nhân loại lớn hơn ta tưởng. Bên cạnh ý nghĩa thực tiễn mang tính kỹ thuật, khám phá của 2 ông tạo nên cuộc cách mạng trong nhận thức về bản chất sự sốngSự sống không đơn giản chỉ là một cỗ máy động lực học, mà còn chứa đựng những bí ẩn vượt quá khả năng nhận thức của các khoa học động lực. Ngày nay chúng ta biết đó là THÔNG TIN CỦA SỰ SỐNG!

3/ Các định luật do Pasteur và Mendel khám phá ra ủng hộ lẫn nhau và cùng tự động bác bỏ học thuyết của Darwin.

  • Định luật Pasteur về tính bất đối xứng chặn đứng tham vọng chứng minh sự sống có thể ra đời vật chất vô sinh.
  • Định luật Tạo Sinh chứng minh Thuyết Tự Sinh của thuyết tiến hóa là trái khoa học.
  • Các định luật Mendel về di truyền cho thấy loài là cố định, không có tiến hóa. 

4/ Các định luật khoa học do Pasteur và Mendel khám phá đều cho thấy sự sống đã được thiết kế. Do đó ắt phải có Nhà Thiết kế hoặc Nhà Lập trình cho sự sống.

  • Sự sống đã được thiết kế theo định hướng bất đối xứng (Pasteur)
  • Sự sống đã được thiết kế để sự sống chỉ ra đời từ sự sống (Pasteur)
  • Sự sống đã được thiết kế để tuân thủ các định luật di truyền (Mendel)

5/ Ai đóng góp vào việc cứu sống con người nhiều hơn bất kỳ một nhà khoa học nào khác? Ai được gọi là nhà sinh học vĩ đại nhất mọi thời đại? Ai, bằng những khám phá của mình, đã tạo nên cuộc cách mạng trong y khoa và sức khỏe cộng đồng? Đó là Louis Pasteur… Hàng ngày, nếu bạn uống sữa không bị chua, nếu bạn thưởng thức nhiều thực phẩm bổ dưỡng khác, nếu bạn được tiêm chủng để tránh được những bệnh chết người, nếu bạn được sống thọ hơn tổ tiên của bạn, thì bạn hãy biết ơn ông bác sĩ giỏi người Pháp (Pasteur), bởi vì bạn nợ ông ấy nhiều vì sức khỏe thể chất và sự an toàn của bạn (David F. Coppedge, một nhà khoa học của NASA)[13].

6/ Khám phá của Pasteur về tính bất đối xứng của sự sống là một trong hai vật chướng ngại mà ông đã dựng lên trên con đường của thuyết tiến hóa, những chướng ngại ngày càng lớn hơn qua thời gian. Khám phá của Pasteur và Mendel làm cho những hy vọng ban đầu của những môn đệ của học thuyết Darwin tắt lịm … Chướng ngại thứ hai mà Pasteur đã dựng lên đối với thuyết tiến hóa là Định luật Tạo sinh do ông khám phá, đó là nguyên lý khẳng định rằng sự sống chỉ ra đời từ sự sống… (David F. Coppedge, một nhà khoa học của NASA)

7/ Pasteur dường như tin rằng sự sống quá phi thường đến nỗi không thể giải thích được bằng những tác động hóa học dưới các lực tự nhiên … Pasteur phủ nhận thuyết tiến hóa vì những lý do khoa học. Ông là nhà khoa học đầu tiên ở Âu Châu làm điều đó… Ông nói, “…Một cái gì đó sâu thẳm trong linh hồn nói với chúng ta rằng vũ trụ (phức tạp) hơn nhiều so với một sự xếp đặt các thành phần nhất định trong một sự cân bằng cơ học, xuất hiện từ đống hỗn độn các nguyên tố nhờ một tác động dần dần của các lực của tự nhiên”. Đây là một sự bác bỏ rõ ràng đối với chủ nghĩa tự nhiên của học thuyết Darwin” (David F. Coppedge, một nhà khoa học của NASA)

8/ Nhiều sai lầm của người đi trước trở thành gợi ý tốt để người đi sau khám phá ra ra chân lý:

  • Thuyết Tự Sinh, sai lầm thịnh hành trong thế kỷ 19, trở thành gợi ý tốt để Louis Pasteur khám phá ra chân lý “sự sống chỉ ra đời từ sự sống” (Định luật Tạo Sinh).
  • Thuyết di truyền pha trộn (Blending Theory of Inheritance), một sai lầm lớn trong nhận thức về di truyền của các nhà sinh học thế kỷ 19 bao gồm cả Darwin, trở thành gợi ý tốt để Gregor Mendel khám phá ra sự thật của cơ chế di truyền, rằng cơ chế di truyền được thực hiện thông qua các “yếu tố rời rạc”, hoặc các “yếu tố đơn vị” (sau này được gọi là gene), được chuyển giao từ cha mẹ. Điều này ngụ ý rằng sự sống chỉ có thể hình thành từ sự sống của cha mẹ, không thể hình thành từ vật chất vô sinh! Công lao vô cùng lớn của Mendel chính là ở chỗ khám phá sự tồn tại của các “yếu tố rời rạc” đó. “Nói ngắn gọn, nội dung cốt lõi trong lý thuyết của Mendel nằm trong việc khám phá ra đặc tính hoặc nhân tố đơn vị” (William Bateson, in Problems in Genetics, 1913, p. 3.)[14].

9/ Sự ra đời của di truyền học hiện đại là do khám phá của Gregor Mendel (1823–1884), một tu sĩ dòng Augustino, một giáo viên dạy khoa học tự nhiên cho học sinh trung học ở thị trấn Brno thuộc Moravia (nay là một phần của Cộng hòa Séc). Cái nhìn sâu sắc nhất của Mendel là tập trung vào các đặc tính rời rạc, phân biệt rõ ràng thay vì đo lường các thuộc tính liên tục thay đổi, chẳng hạn như chiều cao hoặc cân nặng. Mendel đã sử dụng cây đậu và nghiên cứu các đặc điểm như hạt nhẵn hay nhăn, hoa có màu đỏ hay trắng, và vỏ có màu vàng hay xanh lá cây hay không … Khi được hỏi liệu có cá thể cụ thể nào thừa hưởng những đặc điểm này từ cha mẹ của nó hay không, Mendel có thể trả lời dứt khoát là “có” hoặc “không”, thay vì mập mờ là “có thể” hoặc “một phần nào”. Các đặc điểm rõ ràng, rời rạc như vậy được gọi là các đặc tính Mendel. (David P. Clark, Molecular Biology (2010), Ch. 1 : Basic Genetics)[15].

10/ Khi phát biểu “Sự sống chỉ ra đời từ sự sống”, Louis Pasteur đã gián tiếp thừa nhận rằng sự sống chỉ hình thành khi nó được di truyền những “yếu tố quyết định sự sống” từ cha mẹ. Vì thế, sự hiểu biết về DI TRUYỀN đóng vai trò chìa khóa để hiểu biết sự sống. Darwin và những nhà khoa học thế kỷ 19 tiếp thu quan điểm di truyền sai lầm của Lamarck nên sẽ có những phán đoán sai lầm về sự sống. Người vén mở sự thật về di truyền là Gregor Mendel: “Di truyền là sự chuyển giao các đặc tính từ cha mẹ cho con cái. Các đặc tính này được chuyển giao như thế nào? Nó được chuyển giao thông qua DNA – vật liệu di truyền. Và tất cả câu chuyện bắt đầu từ một thầy tu người Áo tên là Gregor Mendel và mảnh vườn thực vật của ông”[16].

Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.


[1] Có tài liệu nói ngày 15/02/1676

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Standing_on_the_shoulders_of_giants

[3] The life and works of Louis Pasteur, M. Schwartz Institut Pasteur, Paris, France,  http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1046/j.1365-2672.2001.01495.x/pdf

[4] Tôi tô đậm để nhấn mạnh (PVHg). Nguyên văn tiếng Anh: He established a law of primary importance. “Only products originating under the influence of life are asymmetrical because they developed under the influence of cosmic forces which were themselves asymmetrical” https://www.pasteur.fr/en/institut-pasteur/history/early-years-1847-1862

[5] http://www.whonamedit.com/doctor.cfm/2994.html

[6] Xem “A Huge Article on Evolution / Một bài báo khổng lồ về thuyết tiến hóa” https://viethungpham.com/2021/07/26/a-huge-article-on-evolution-mot-bai-bao-khong-lo-ve-thuyet-tien-hoa/

[7] https://viethungpham.com/2021/07/26/a-huge-article-on-evolution-mot-bai-bao-khong-lo-ve-thuyet-tien-hoa/

[8] https://academic.oup.com/jhered/article/87/3/205/908553?login=true

[9] Nguyên văn: Although the past decade or so has seen a resurgence of Interest In Mendel’s role In the origin of genetic theory, only one writer, L. A. Callender (1988), has concluded that Mendel was opposed to evolution. Yet careful scrutiny of Mendel’s Pisum paper, published In 1866, and of the time and circumstances In which It appeared suggests not only that It Is anti-evolutionary In content, but also that It was specifically written In contradiction of Darwin’s book The Origin of Species, published In 1859, and that Mendel’s and Darwin’s theories, the two theories which were united In the 1940s to form the modern synthesis, are completely antithetical.

[10] Dẫn theo bài báo “Darwinism Refuted” http://www.darwinismrefuted.com/short_history_03.html

[11] https://evolutionnews.org/2006/07/mathematicians_and_evolution/

[12] http://www.dnaftb.org/

[13] Ý kiến của David Coppadge: https://viethungpham.com/2018/03/20/quotes-about-pasteur-trich-dan-y-kien-noi-ve-pasteur/

[14] Briefly put, the essence of Mendelism lies in the discovery of the existence of unit characters or factors. https://en.wikiquote.org/wiki/Gregor_Mendel

[15] Wikiquote > Gregor Mendel > https://en.wikiquote.org/wiki/Gregor_Mendel

[16] https://www.ck12.org/c/biology/mendel/lesson/Mendel-Advanced-BIO-ADV/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn