Tiểu thuyết Pháp Germinal được dựng thành phim truyền hình

Thứ Tư, 03 Tháng Mười Một 20217:00 SA(Xem: 1868)
Tiểu thuyết Pháp Germinal được dựng thành phim truyền hình
rfi.fr

Tiểu thuyết Pháp Germinal được dựng thành phim truyền hình

Tuấn Thảo

Sau khi đoạt giải thưởng của công chúng nhân kỳ liên hoan Série Mania tại thành phố Lille trong tháng trước, bộ phim dài 6 tập ''Germinal'' sẽ được khởi chiếu kể từ ngày 27/10/2021 trên kênh truyền hình France 2. Đây là phiên bản phóng tác thứ 9, kể cả kịch nói, điện ảnh và truyền hình, nhưng lại là phiên bản đầu tiên được dành riêng cho màn ảnh nhỏ cũng như cho mạng phim trực tuyến Salto của Pháp.

Dựa vào quyển tiểu thuyết nổi tiếng ''Germinal'' dày gần 600 trang của văn hào Émile Zola (1840-1902), bộ phim của đạo diễn David Hourrègue, kịch bản phóng tác của Julien Lilti, kể lại câu chuyện của giới thợ mỏ miền Bắc nước Pháp, đấu tranh bảo vệ quyền công nhân, chống lại sự áp bức của giới chủ. Nhân vật chính là Étienne Lantier, con trai của Gervaise (nhân vật chính trong tiểu thuyết ''L'Assommoir''). Sau khi bị đuổi việc vì dám tát vào mặt ông chủ, Étienne một mình lang thang từ thủ đô lên miền Bắc kiếm sống. Cậu thanh niên được tuyển vào thay thế cho một công nhân (chưa đầy 18 tuổi) đột ngột qua đời do tai nạn hầm mỏ. Étienne tạm trú với gia đình ông Maheu và cũng từ đó mà anh thầm yêu cô con gái là Catherine, mặc dù cô này đã có bạn trai là Chaval. 

Do tận mắt chứng kiến các điều kiện làm việc khổ nhọc, cuộc sống nghèo đói triền miên của giới thợ thuyền, cho nên Étienne mới trở thành người dẫn đầu phong trào đấu tranh đòi quyền lợi cho giới thợ mỏ, chống lại thái độ đè đầu đè cổ của giới chủ hầm mỏ (tiêu biểu qua nhân vật Hennebeau). Cuộc đình công của giới công nhân kéo dài dẫn đến đụng độ giữa hai bên, khiến chính quyền địa phương điều phái binh lính đến khôi phục an ninh, trật tự. Nhiều thợ mỏ bị thiệt mạng (kể cả ông Maheu) trong các vụ nổ súng vào đám đông biểu tình. 

Tiểu thuyết Germinal dựa vào một câu chuyện có thật 

Cuộc đình công của giới thợ mỏ gặp thất bại, nhưng không phải vì thế mà chấm dứt vòng lẩn quẩn của bạo động. Các hành vi trả đũa khiến hầm mỏ bị phá sập, khiến cho nhiều người còn đang lẫn trốn bị mắc kẹt ở bên trong, kể cả Catherine, Chaval và Étienne. Sau khi đội cấp cứu được gửi đến tận nơi, chỉ có Étienne mới thoát chết. Cậu thanh niên rời miền Bắc trở về Paris. Để cho cái chết của những người đã từng cứu mang anh không trở nên vô nghĩa, Étienne dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh công đoàn, với hy vọng một ngày nào đó sẽ cải thiện được đời sống của giới công nhân. 

Để sáng tác quyển tiểu thuyết của mình, văn hào Émile Zola đã gợi hứng từ một phong trào đình công có thật tại Pháp vào mùa đông năm 1883 của giới thợ mỏ Anzin, ở gần thành phố Valenciennes. Cuộc đình công này đã kéo dài trong vòng 56 ngày và quy tụ hơn 10.000 thợ mỏ, họ biểu tình phản đối giới chủ đã sa thải nhiều công nhân vì dám bất phục tùng. Phong trào đình công này sau đó dẫn tới việc ghi vào bộ luật lao động của Pháp (đầu năm 1884) quyền thành lập công đoàn hầu bảo vệ quyền lợi của giới công nhân, nhân viên. 

Nhờ vào kinh nghiệm làm báo thâm niên, nhà văn Émile Zola đã phản ánh sát sườn môi trường làm việc đầy hiểm nguy, cũng như thực trạng cuộc sống tồi tệ của giới công nhân, thợ thuyền ở Pháp thời bấy giờ. Nhờ ngòi bút sắc bén, ông mổ xẻ cuộc đấu tranh giai cấp, phơi bày thực tế qua lối hành văn tinh tế, viết tiểu thuyết còn hay hơn cả phóng sự điều tra. Đọc tiểu thuyết Zola, độc giả hình dung được ngay trong đầu những cảnh tượng mô tả ở trong tiểu thuyết. Sức hấp dẫn của cốt truyện, lối đan xen các tình tiết giải thích vì sao nhiều nhà đạo diễn đã thử sức chuyển thể quyển tiểu thuyết ''Germinal'' thành tác phẩm điện ảnh. 

Phiên bản điện ảnh tốn kém của Claude Berri 

Bên cạnh các bộ phim trắng đen thực hiện trước năm 1940, có một vài phiên bản phóng tác khá quan trọng. Đầu tiên hết là vở kịch cùng tên (1974) qua cái tài chuyển thể của đạo diễn trứ danh người Đức Rainer Werner Fassbinder. Trong các phiên bản điện ảnh, có bộ phim ''Germinal'' (1963) của đạo diễn Pháp Yves Allégret với Jean Sorel và Claude Brasseur trong vai chính. Đúng ba thập niên sau, đến phiên đạo diễn Claude Berri bắt tay thực hiện bản phóng tác điện ảnh tón kém nhất thời bấy giờ, ngân sách thực hiện lên tới 120 triệu franc vào năm 1993, quy tụ trên màn ảnh lớn các diễn viên Miou Miou, Gérard Dépardieu và đặc biệt là Renaud (vai diễn quan trọng nhất của nam ca sĩ). 

Bộ phim này đã thành công trên màn ảnh lớn, đoạt nhiều giải thưởng César và thu hút hơn 6 triệu lượt khán giả vào rạp chỉ trong vài tháng. Thành công của bộ phim cũng kéo theo việc phát hành sách. Quyển tiểu thuyết ''Germinal'' của Zola cũng được tái bản ba lần. Loại sách bỏ túi đạt kỷ lục số bán với hơn 300 ngàn quyển chỉ trong ba tháng sau ngày công chiếu bộ phim. 

Tuy thắng lớn về mặt doanh thu, đồng thời bộ phim nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình lẫn công chúng, nhưng ''Germinal'' lại tạo ra mối bất đồng giữa đạo diễn Claude Berri và nam danh ca Renaud. Do bộ phim này ban đầu dài hơn 3 tiếng rưỡi, cho nên để tiện bề khai thác, phiên bản chiếu ở rạp đã được lược bớt gần 60 phút, còn lại khoảng 2 tiếng rưỡi, trong đó có khá nhiều màn quay với Renaud, do vậy tâm lý nhân vật chính cũng phần nào bị mất đi chiều sâu. Mãi đến nhiều năm sau, khi phiên bản điện ảnh mở rộng được tái bản trên đĩa hình Blu Ray, thì lúc ấy bộ phim ''Germinal'' của Claude Berri mới trở nên hoàn chỉnh. 

Còn trong phiên bản truyền hình năm 2021, nhóm tác giả gồm đạo diễn David Hourrègue và nhà soạn kịch bản Julien Lilti, ngay từ đầu đã muốn tránh khỏi cạm bẫy của việc phóng tác tiểu thuyết thành phiên bản điện ảnh, do vấn đề doanh thu phòng vé cho nên phải hạn chế về mặt thời lượng. Hai tác giả này đã chọn thể loại phim truyền hình nhiều tập, ban đầu dự trù là tám, sau đó cô đọng hơn nữa thành 6 tập. 

Chất liệu đậm tính thời sự trong tiểu thuyết Zola 

Ngoài việc chỉnh sửa ngôn từ sao cho dễ hiểu với khán giả thời nay, công việc của nhà phóng tác kịch bản Julien Lilti quan trọng nhất ở chỗ cập nhật chủ đề, làm mới bối cảnh mà vẫn không bóp méo cái ''hồn'' của tác phẩm. Theo cách nhìn của tác giả Julien Lilti, phụ nữ có vị trí quan trọng hơn trước, hay ít ra đất diễn của các vai nữ không kém gì các vai nam. Còn dưới ống kính của đạo diễn David Hourrègue, phụ nữ có một vai trò chủ động hơn và đề tài này được khai thác trong một tuyến truyện song song, làm giàu thêm cho tuyến chính, chủ yếu tập trung vào cuộc đối đầu dữ dội giữa hai giai cấp, mối xung khắc quyết liệt trong quan hệ ''chủ-nô''. 

Bản thân tác giả Julien Lilti từng tốt nghiệp khoa điện ảnh, ban đầu làm việc trong ngành báo chí truyền hình, trước khi chuuyển sang khâu viết kịch bản và làm phim tài liệu. Cách đây 7 năm, anh thành công nhờ sáng tác kịch bản cho bộ phim ''Hippocrate'' (Lời thề Hippocrate) kể lại ngành bệnh viện công ở Pháp nhìn từ bên trong của người mới vào nghề, đối chiếu thực tế nghề nghiệp với quan niệm hơi lý tưởng của một thực tập sinh. Bộ phim ''Hippocrate'' từng đoạt nhiều giải César và giải thưởng cao quy nhất Valois d'Or nhân kỳ Liên hoan phim tiếng Pháp tại thành phố Angoulême năm 2014. 

Có lẽ với nhãn quan nhạy cảm nhưng không kém phần thiết thực của một người chuyên viết kịch bản, tác giả Julien Lilti đã thành công trong việc chuyển thể quyển tiểu thuyết khá dày đặc của Émile Zola lên màn ảnh nhỏ. Cuộc đấu tranh của giới thợ mỏ cuối thế kỷ XIX, hiện vẫn mang đậm tính thời sự cho dù việc ''bóc lột'' sức lao động giờ đây có khá nhiều hình thức khác nhau, mà đôi khi thoạt nhìn ta không dễ nhận thấy sự chênh lệch giữa công sức và đồng lương, cũng như các điều kiện áp đặt. Chỉ riêng về điểm này, theo tác giả Julien Lilti, các đề tài nổi bật trong bộ tiểu thuyết của Zola vẫn là những chất liệu quý báu còn hơn mỏ vàng. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn