Elyesa Bazna - từ người hầu trở thành điệp viên Đức Quốc x

Thứ Sáu, 29 Tháng Mười 20219:00 SA(Xem: 2024)
Elyesa Bazna - từ người hầu trở thành điệp viên Đức Quốc x

Elyesa Bazna có một cuộc sống sôi động nhưng không mục đích trong suốt 40 năm, làm tài xế cho quân đội Pháp, thợ khóa cho một hãng xe Pháp, và thậm chí trong một thời gian ngắn là ca sĩ opera chuyên nghiệp. Nhưng vào tháng 4-1943, Bazba trở thành người hầu tại Đại sứ quán Anh ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi đang ngồi đọc báo và uống cà phê trong phòng khách của khách sạn Ankara Palace, đột nhiên, giữa lúc u ám thế này, Bazna nảy ra một ý tưởng kinh thiên động địa - lợi dụng khả năng tiếp cận của mình, đánh cắp những bí mật quý giá của nước Anh. Bazna bắt đầu đăng ký một vị trí và quyết tâm “bán dịch vụ của tôi đắt hơn bất kỳ ai khác”. Đây là câu chuyện về Elyesa Bazna, điệp viên suýt đem chiến thắng cho Hitler trước quân Đồng minh.

Xâm nhập Đại sứ quán Anh

Khi lần đầu tiên được trình diện với ngài Hughe Knatchbull-Hugessen, Đại sứ Anh tại Thổ Nhĩ Kỳ, Elyesa Bazna có vẻ rất hoàn hảo. Bazna được đề cao, biết nói tiếng Pháp, là một lái xe và thợ máy giỏi, và mang theo những tài liệu tham khảo sáng chói từ tùy viên quân sự Mỹ ở Ankara và đại sứ Nam Tư. Sau khi lý lịch được kiểm tra, Knatchbull-Hugessen thuê Bazna làm người hầu cho mình ngay tại chỗ. Sau đó, vị đại sứ yêu âm nhạc tin rằng mình đã lựa chọn đúng khi phát hiện ra người hầu mới của mình có giọng hát tuyệt vời và thậm chí đã từng tổ chức một buổi hòa nhạc chuyên nghiệp.

Bazna có nhiệm vụ chuẩn bị quần áo cho đại sứ, giúp ông giặt giũ và mặc quần áo, đồng thời túc trực phục vụ bất cứ thứ gì ông cần, kể cả việc đứng canh bên ngoài cửa phòng làm việc của ông để ngăn chặn những vị khách không mong muốn. Vào những dịp đặc biệt, Knatchbull-Hugessen cho người hầu của mình mặc “thổ cẩm thêu hoa văn phong phú, giày có mũi nhọn quay lên, một chiếc mũ có tua… mang một đại đao to lớn”.

Elyesa Bazna - từ người hầu trở thành điệp viên Đức Quốc xã -0
Elyesa Bazna.

Knatchbull-Hugessen không có cách nào để biết rằng Bazna đã bị sa thải khỏi công việc trước đây làm việc cho đại sứ Đức vì chụp ảnh tài liệu ở đó. Ông cũng không thể biết rằng vào ngày 26-10-1943, Bazna đã thực hiện lời hứa với chính mình và gọi điện thoại đến Đại sứ quán Đức. Ngày 25-10, Bazna chụp ảnh một số tài liệu mật ngay trong nhà bếp của Douglas Busk, chủ nhân người Anh đầu tiên và cũng là người đã giới thiệu ông ta với Knatchbull-Hugessen. 

Bởi vì không thể nói và đọc tiếng Anh, Bazna không biết có gì trên những trang tài liệu mà ông ta đã đánh cắp. Tuy nhiên, chúng có vẻ như có có giá trị đối với người Đức, bởi vì Đại sứ Đức Franz von Papen được ủy quyền trả cho Bazna cái giá cao ngất 20.000 bảng Anh - gần 1,4 triệu USD ngày nay - cho bộ tài liệu đầu tiên và 15.000 bảng cho mỗi lần bán thêm. 

Bazna giấu số tiền thu được dưới tấm thảm trong phòng của mình trong tòa nhà Đại sứ quán Anh. Công việc của Bazna trở nên dễ dàng hơn nhờ thái độ lơ là của ngài Hughe đối với tài liệu an ninh nước Anh. Các nhà ngoại giao Anh được cho là phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để bảo vệ những tài liệu nhạy cảm, bao gồm cả việc giữ chúng trong két có khóa trong văn phòng chính thức có bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng, ngài Hughe thích mang công việc về nhà, cất giữ những tài liệu tối mật trong két an toàn cá nhân của mình.

Là một thợ khóa được đào tạo và được sự tin tưởng của ngài Hughe, Bazna không gặp vấn đề gì khi đánh cắp chìa khóa vào một buổi sáng lúc chủ nhân đang tắm để tạo ra những bản sao. Khi nhận ra nguồn thông tin mới của mình có giá trị như thế nào, Đại sứ Franz von Papen quyết định việc chọn Bazna làm điệp viên là đúng đắn. Đại sứ Franz von Papen cũng đặt cho Bazna mật danh “Cicero” – tên của một triết gia và chính khách đại tài, một trong những nhân vật mang tính quyết định sự thành lập của đế chế La Mã.

Tiết lộ bí mật của phe đồng minh

Bộ tài liệu mật đầu tiên mà Bazna bán cho người Đức có chứa biên bản Hội nghị Moscow lần thứ 3, tại đó nhóm lãnh đạo cấp cao của Đồng minh gặp nhau để thảo luận về tiến trình và kế hoạch của cuộc chiến. Điệp viên Cicero đã mở được một cánh cửa vào cấp bậc cao nhất trong số những kẻ thù của Đức Quốc xã. Bazna tiếp tục giữ cho Knatchbull-Hugessen cảm thấy thoải mái với lòng trung thành cá nhân ông ta và sự háo hức hát cho khách nghe trong khi đại sứ chơi piano. 

Trong suốt thời điểm cuối năm 1943, Bazna đã đánh cắp hàng chục tài liệu được đánh dấu là “Bí mật nhất” và “Tối mật”, làm tăng thêm tài sản của mình với mỗi lần mua bán. Trong số những bí mật mà Bazna tiết lộ là tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt nêu ra ý tưởng về việc Đức đầu hàng vô điều kiện là lựa chọn duy nhất cho hòa bình, cũng như chi tiết về một loạt cuộc hội thảo và hội nghị tiếp theo của Moscow ở Tehran và Cairo. Mặc dù những thông tin này rất quan trọng, nhưng không có cái nào chứa thông tin nhạy cảm ở mức độ cao như biên bản Moscow trước đó.

Không thể đọc được tiếng Anh, Bazna chơi “cách an toàn” là chụp ảnh mọi thứ có thể có được - từ danh sách gửi thiệp mừng Giáng sinh của đại sứ đến thư từ riêng với Vua George VI. Luồng thông tin bị rò rỉ được tình báo Đồng minh bắt đầu chú ý vào tháng 12-1943. Bazna thậm chí còn chụp ảnh một thông điệp gửi cho Knatchbull-Hugessen cảnh báo ông ta về một vụ rò rỉ trong đại sứ quán của mình. Khi nhóm nhân viên phản gián của Anh đến để phỏng vấn các nhân viên đại sứ quán, Bazna thoát khỏi sự nghi ngờ vì họ cho rằng ”người hầu quá ngu ngốc để có thể trở thành một điệp viên giỏi và trong mọi trường hợp, không nói hoặc hiểu tiếng Anh”. Các nguồn tin của Liên Xô từ lâu cho rằng Đức Quốc xã sử dụng thông tin của Bazna để lên kế hoạch sát hại Roosevelt, Churchill và Stalin vào năm 1943.

Người Đức đã lãng phí trí thông minh của Bazna

Bằng chứng duy nhất cho thấy Đức Quốc xã từng có ý định hành động dựa trên thông tin của Cicero là âm mưu phái một nhóm biệt kích SS đến Hội nghị Tehran để ám sát Bộ 3 quyền lực lúc đó là Thủ tướng Anh Winston Churchill, Lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin và Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt. Tuy nhiên, “Chiến dịch Bước nhảy dài” của Đức quốc xã không bao giờ được thực hiện, mặc dù có những nghi ngờ rằng nó đã từng tồn tại. Nhiều bí mật mà Bazna bán cho người Đức đã bị mất trong cuộc đấu đá nội bộ quan liêu đặc trưng của chế độ Đức Quốc xã. Von Papen và sếp ông ta là Bộ trưởng Ngoại giao Joachim von Ribbentrop ghét nhau, trong khi cảnh sát trưởng Ernst Kaltenbrunner ghét cả hai người. Cơ quan tình báo quân sự Đức quốc xã Abwehr lại ghen tị với việc Cơ quan An ninh SS kiểm soát hoạt động của Cicero và luôn tìm cách cản trở. Trên hết, nhiều nhà lãnh đạo Đức Quốc xã tin rằng những tài liệu mật do Cicero cung cấp có chất lượng quá cao và chắc chắn là hàng giả - và ngay cả những người tin vào chúng cũng không hành động.

Nếu để ý kỹ hơn, họ có thể nhận thấy rằng vào cuối năm 1943, một từ bắt đầu xuất hiện trong các tài liệu của Bazna ngày càng thường xuyên hơn: “Overlord!” Khi Bazna và người quản lý ông ta là Ludwig Carl Moyzisch nhận ra rằng từ này có thể ám chỉ cuộc tấn công của Tây Âu được lên kế hoạch, họ đã liên lạc với Berlin để báo cáo những nghi ngờ của họ nhưng chỉ để được thông báo rằng mối liên hệ là “có thể nhưng khó có thể xảy ra”. Ngày 6-6-1944, quân Đồng minh bắt đầu đổ bộ hơn 2 triệu quân lên bờ biển Normandy, báo trước sự khởi đầu của sự kết thúc chế độ phát xít ở châu Âu. Các nhà hoạch định quân sự của Đức đã bỏ qua nhiều cảnh báo và manh mối mà họ thu được từ Cicero, triển khai quân đến các khu vực sai lầm, và cuối cùng bị đánh bại. May mắn thay cho Đồng minh, việc người Đức không đánh giá đúng nguồn lực tốt nhất của họ là “Cicero” nên không có sự chuẩn bị trước.

Kết thúc và hậu quả Chiến dịch Cicero

Tháng 1-1944, Moyzisch thuê một nữ thư ký mới, người mà ông ta gọi là “Elisabet”. Trên thực tế, đó là Cornelia “Nele” Kapp, con gái của lãnh sự Đức ở Cleveland bang Ohio (Mỹ). Một vài tuần trước, cô ta đề nghị theo dõi những người đồng hương của mình cho Văn phòng Dịch vụ Chiến lược Mỹ (OSS) để đổi lấy chuyến đi an toàn đến Mỹ.

Kapp theo dõi Moyzisch và Bazna nhiều lần trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4-1944. Mặc dù không bao giờ có thể nhìn rõ khuôn mặt của người đàn ông mang mật danh “Cicero”, Kapp đã thu thập được nhiều bằng chứng chống lại Cicero. Giữa sự cảnh giác của Kapp và nỗ lực của Anh nhằm thắt chặt an ninh tại đại sứ quán, Bazna sớm thấy rằng không thể thu thập thông tin được nữa. Có lẽ là vào khoảng tháng 3-1944, Bazna bỏ việc và rời đại sứ quán một cách an toàn.

Chỉ có điều rất cay đắng, đó là mãi sau này, Bazna mới nhận ra rằng phần lớn số tiền 300.000 bảng Anh nhận được từ người Đức là vô giá trị. Bazna nhận ra được người Đức trả bằng những tờ tiền bảng Anh mới, sắc nét do những tù nhân của trại tập trung Sachsenhausen giả mạo. Việc phát hiện ra hoạt động làm tiền giả của Đức Quốc xã có nghĩa là các ngân hàng đã cẩn thận hơn rất nhiều về tiền giả. Đức Quốc xã đã lừa Bazna với khối tài sản trị giá tương đương 18 triệu USD ngày nay.

Bazna sau đó đã truyền cảm hứng cho nhiều câu chuyện về điệp viên, nổi tiếng nhất là bộ phim “5 Fingers” năm 1952, với sự tham gia của ngôi sao James Mason trong vai một nhân vật dựa trên Cicero. Nhưng ngoài việc phát hành hồi ký “Tôi là Cicero”, Bazna dành phần lớn thời gian còn lại cuộc đời mình trong sự mờ mịt, làm công việc gác đêm ở Munich (Đức). Hitler đã lên kế hoạch tặng cho ông ta một biệt thự sau khi chiến tranh kết thúc, tuy nhiên, điều đó đã không bao giờ xảy ra. Thay vào đó, Elyesa Bazna qua đời không một xu dính túi vào ngày 21-12-1970, ở tuổi 66. Đơn thỉnh cầu của Bazna với người Tây Đức sau này về tiền trợ cấp cũng bị từ chối.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn