Họ sợ “Chính trị bình dân” được lan toả?

Thứ Năm, 21 Tháng Mười 20216:00 SA(Xem: 2694)
Họ sợ “Chính trị bình dân” được lan toả?
Trịnh Kim Tiến

19-10-2021

Như các vụ án lương tâm trước đó, sau hơn một năm biệt giam, sát ngày xử, luật sư của nhà báo Phạm Đoan Trang mới được tiếp cận hồ sơ vụ án. Theo như lịch được thông báo trên các trang thông tin đại chúng thì “Phiên tòa xét xử bà Phạm Thị Đoan Trang được TAND TP Hà Nội ấn định vào ngày 4/11”.

Khi nói chuyện với mẹ chị, tôi được biết, gia đình vẫn chưa nhận được giấy mời tham dự phiên toà, gia đình nhiều lần làm đơn yêu cầu được thăm gặp nhưng đều không nhận được câu trả lời. Điều này cũng không lạ lẫm gì, vẫn cách thức hành xử quen thuộc ấy của nhà cầm quyền đối với những người bất đồng chính kiến. Phiên toà diễn ra, gia đình có thể không được tham dự, hoặc được vào thì chỉ được theo dõi qua màn hình.

Theo như toàn văn cáo trạng được Luật khoa tạp chí đăng tải thì nhà báo Phạm Đoan Trang có ghi nhận mình là tác giả của tài liệu “Báo cáo – nghiên cứu: Đánh giá luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và tình hình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo” (cả bản tiếng Việt lẫn tiếng Anh), được đăng trên Luật Khoa tạp chí. Các tài liệu thu được để kết tội Đoan Trang đều bằng tiếng Anh; trong đó có báo cáo về thảm hoạ môi trường biển Việt Nam, báo cáo về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và báo cáo đánh giá Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Tuyệt nhiên, không thấy nhắc gì về những quyển sách chị viết; “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”… của nhà xuất bản tự do bị lơ đi một cách kỳ lạ. Vậy là họ công nhận Chính trị bình dân… là một quyển sách bổ ích, đầy kiến thức, không vi phạm luật của họ? Nếu thế việc đọc, lan toả những quyển sách này là một hành động nhân văn, gợi mở tri thức cho nhau trong bối cảnh giáo dục hạn hẹp.

Trước khi bị bắt, một trong những điều chị Trang mong muốn là sau khi chị bị bắt, những quyển sách chị viết có thể được nhiều người đón đọc và nó sẽ giúp ích cho nhiều người trong việc hiểu về chính trị, pháp luật.

Thế nhưng một mặt cơ quan điều tra cố tình bỏ qua những quyển sách giá trị trên trong hồ sơ vụ án của tác giả; một mặt họ cho bắt những người chuyển sách giúp nhà xuất bản tự do, trong đó có anh Nguyễn Bảo Tiên ở Phú Yên.

Dân mà càng hiểu biết thì quan càng khó trị. Nhà cầm quyền luôn sợ tri thức được lan toả, họ luôn muốn kìm kẹp và bắt người dân phải yên vị trong khuôn khổ được kiểm soát. Vì vậy “Chính trị bình dân” hay “phản kháng phi bạo lực”… như là những cái gai trong mắt họ, mà họ muốn xoá sổ chúng trong dư luận. Những tri thức có tiếng nói phản biện như nhà báo Phạm Đoan Trang bị xem là thành phần cần phải xử lý.

Sắp tới đây phiên toà sơ thẩm xét xử chị sẽ diễn ra tại Hà Nội, gia đình không trông mong gì chị sẽ được tự do tại toà nhưng ít nhất, người mẹ già phải được vào trong phiên toà theo đúng quyền công dân của bà để được nhìn người con gái đã bị biệt giam hơn một năm qua lấy một lần.

Một năm qua, dịch bệnh khó khăn, khiến cái tên Đoan Trang ít được nhắc đến, nhưng những ấn phẩm và cống hiến của nhà báo cho sự lan toả tri thức, nâng cao nhận thức về quyền con người, quyền công dân vẫn luôn còn đó.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn