Ma túy, vũ khí và khủng bố: Một nhân vật đào tẩu cấp cao nói về Bắc Hàn

Thứ Tư, 20 Tháng Mười 20211:00 SA(Xem: 2442)
Ma túy, vũ khí và khủng bố: Một nhân vật đào tẩu cấp cao nói về Bắc Hàn
bbc.com

Cựu tướng bỏ trốn hé lộ về chế độ Bắc Hàn


Ma túy, vũ khí và khủng bố: Một nhân vật đào tẩu cấp cao nói về Bắc Hàn

  • Laura Bicker
  • BBC News, Seoul

Ông Kim Kuk-song đã làm việc 30 năm trong những cơ quan tình báo hàng đầu của Bắc Hàn

Chụp lại hình ảnh,

Ông Kim Kuk-song đã làm việc 30 năm trong những cơ quan tình báo hàng đầu của Bắc Hàn

Thói quen ẩn danh cũ vẫn chưa rời khỏi Kim Kuk-song

Mất vài tuần thảo luận để đi đến buổi phỏng vấn với Kim Kuk-song, và ông ấy vẫn còn lo ngại liệu có ai đó đang nghe mình hay không. Ông mang cặp kính đen khi xuất hiện trước ống kính và chỉ 2 người trong đội ngũ của chúng tôi, nghĩ là mình biết tên thật của ông ấy.

Ông Kim đã có quãng thời gian làm việc 30 năm để đạt đến các vị trí hàng đầu trong những cơ quan tình báo đầu não của Bắc Hàn. Các cơ quan này là "mắt, tai và não của Nhà Lãnh đạo tối cao," ông nói.

Ông cho biết mình đã giữ các bí mật của họ, cử những tên ám sát đến để tiêu diệt giới chỉ trích và thậm chí đã xây dựng một phòng nghiên cứu liên quan đến ma túy bất hợp pháp để giúp huy động nguồn quỹ "cách mạng".

Hiện nay vị tướng cấp cao đã quyết định kể câu chuyện của ông với BBC. Đây là lần đầu tiên một quan chức quân sự cấp cao từ Bình Nhưỡng trả lời phỏng vấn cho một hãng truyền thông lớn.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền, ông Kim nói mình là "nhân vật đỏ nhất trong những nhân vật đỏ", một người phụng sự cộng sản trung thành.

Thế nhưng chức vụ và sự trung thành đó không đảm bảo an toàn tại Bắc Hàn.

Ông ấy đã phải chạy trốn để cứu thân vào năm 2014, và kể từ đó ông đã sống tại Seoul và làm việc cho tình báo Hàn Quốc.

Ông mô tả là giới lãnh đạo Bắc Hàn muốn kiếm tiền bằng mọi giá, từ buôn ma tuý đến bán vũ khí ở Trung Đông và Châu Phi. Ông cũng nói với chúng tôi về chiến lược đằng sau những quyết định của Bình Nhưỡng, công kích của Bắc Hàn đối với Hàn Quốc và mạng lưới điệp viên cùng hệ thống mạng có thể vươn tới khắp nơi trên thế giới.

BBC không thể xác thực độc lập những lời nói của ông Kim, thế nhưng chúng tôi đã xác thực được danh tính của ông, và khi có thể đã tìm thấy những bằng chứng củng cố cho các lời cáo buộc của ông. Chúng tôi đã liên lạc với Đại sứ quán Bắc Hàn tại London và phái bộ Bắc Hàn tại New York để có tuyên bố chính thức nhưng cho đến nay không nhận được phản hồi nào.

'Một lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố'

Vài năm cuối cùng của ông Kim trong đơn vị tình báo hàng đầu của Bắc Hàn đã giúp ông có được cái nhìn sâu sát vào quãng thời gian ban đầu trong sự nghiệp của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông đã cho thấy một bức tranh về một người đàn ông trẻ tuổi hăng hái muốn tự chứng tỏ mình là một "chiến binh".

Bắc Hàn đã thành lập một cơ quan tình báo mới gọi Tổng cục Phục Hưng (Reconnaissance General Bureau) vào năm 2009, khi Kim Jong-un đang được chuẩn bị để thay cha của mình, Kim Jong Il (Kim Chính Nhật) đang bị đột qụy.

Vị tướng này nói rằng vào tháng 5/2009, một mệnh lệnh từ tư lệnh đưa xuống, yêu cầu thành lập một lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố" để giết một cựu quan chức Bắc Hàn đã đào tẩu sang Hàn Quốc.

"Đối với Kim Jong-un thì đây là hành động để làm hài lòng vị lãnh tụ tối cao (người cha của mình), ông Kim nói.

Một 'lực lượng chống khủng bố' được thành lập để bí mật ám sát Hwang Jang-yop. Cá nhân tôi đã chỉ huy và tiến hành phi vụ đó."

Hwang Jang-yop từng là một trong những quan chức quyền lực nhất của Bắc Hàn. Ông từng là kiến trúc sư trưởng của chính sách Bắc Hàn. Việc ông đào tẩu sang Hàn Quốc vào năm 1997 đã không bao giờ được dung thứ. Khi ở Seoul, ông là người chỉ trích gay gắt chế độ và dòng tộc Kim muốn trả thù.

Thế nhưng nỗ lực ám sát bất thành. Hai vị tướng quân đội Bắc Hàn đã bị chịu mức án tù 10 năm cho âm mưu này. Bình Nhưỡng thì luôn luôn bác bỏ việc có liên quan đến vụ việc và cho rằng phía Seoul đã đứng đằng sau.

Thế nhưng tuyên bố của ông Kim cho thấy điều ngược lại.

"Ở Bắc Hàn, chủ nghĩa khủng bố là một công cụ chính trị bảo vệ danh dự tối thượng của Kim Jong-il và Kim Jong-un," ông nói. "Đây là một món quà của người kế vị cho thấy sự trung thành của mình cho người lãnh đạo vĩ đại."

Và còn thêm câu chuyện khác. Một năm sau, vào năm 2010, tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc đã bị một ngư lôi đánh chìm. 46 thủy thủ thiệt mạng. Bình Nhưỡng luôn bác bỏ có liên quan.

Rồi sau đó vào tháng 11 năm 2010, hàng chục quả pháo đã rơi xuống đảo Yeongpyeong. Hai binh sĩ cùng 2 thường dân đã thiệt mạng.

Cũng đã có nhiều tranh cãi ai đã ra lệnh cho vụ tấn công. Ông Kim nói rằng mình "không trực tiếp liên quan đến các trận pháo kích lên đảo Cheonan hay Yeonpyeong", nhưng nhưng các trận pháo kích này "không phải là bí mật đối với các sĩ quan thuộc Tổng cục Phục Hưng (RGB), những người luôn được xem là niềm tự hào và hãnh diện".

Và những chiến dịch này sẽ không thể nào xảy ra mà không có lệnh từ cấp trên, ông nói.

"Ở Bắc Hàn, thậm chí khi xây một con đường cũng cần phải có sự chấp thuận trực tiếp từ Nhà Lãnh đạo Tối cao. Việc tàu chiến Cheonan bị đánh chìm, pháo kích trên đảo Yeongpyeong không thể do cấp dưới tiến hành.

"Loại công việc quân sự này được lên kế hoạch và tiến hành theo những mệnh lệnh đặc biệt của Kim Jong-un. Đó là một thành tích."

'Gián điệp trong Nhà Xanh'

Ông Kim cho biết một trong những nhiệm vụ của ông ở Bắc Hàn là phát triển các chiến lược để đối phó với Hàn Quốc. Mục tiêu là "hạ thấp chính trị".

Trong đó bao gồm việc có tai mắt tại thực địa.

"Có nhiều trường hợp tôi đã cử các gián điệp đến Hàn Quốc và tiến hành các sứ mệnh thông qua họ. Nhiều vụ", ông cho biết.

Ông không nói kỹ, nhưng đã cho chúng tôi một ví dụ thú vị.

"Có một trường hợp khi một đặc vụ Bắc Hàn được cử đi và làm việc trong Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc và trở về Bắc Hàn an toàn. Đó là vào đầu những năm 1990. Sau khi làm việc cho Nhà Xanh (Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc) từ 5 - 6 năm, thì người này đã trở về an toàn và làm việc cho Văn phòng Liên lạc 314 của Đảng Lao động."

Tôi có thể nói với quý vị rằng các hợp tác xã của Bắc Hàn đang đóng một vai trò tích cực trong số nhiều tổ chức xã hội dân sự cũng như các viện quan trọng tại Hàn Quốc."

BBC không có cách kiểm chứng thông tin này.

Tôi đã gặp một số gián điệp Bắc Hàn bị kết án tại Hàn Quốc, và, như Chad O'Carroll, người sáng lập NK News nói trong một bài báo gần đây thì các nhà tù tại Hàn Quốc từng có hàng chục điệp viên Bắc Hàn bị bắt trong những thập niên qua, liên quan đến rất nhiều dạng gián điệp.

Một số vụ tiếp tục xảy ra và ít nhất một vụ có liên quan đến một điệp viên được gửi trực tiếp từ Bắc Hàn. Thế nhưng dữ liệu từ NK News cho biết ít người bị bắt tại Hàn Quốc hơn liên quan đến các vụ do thám kể từ năm 2017, khi Bắc Hàn chuyển sang công nghệ mới, thay vì do các điệp viên xưa cũ cho công tác thu thập thông tin tình báo.

Bắc Hàn có lẽ là một trong những quốc gia nghèo và cô lập nhất trên thế giới, thế nhưng những nhân vật đào tẩu vốn có chức quyền tại đây đã cảnh báo rằng Bình Nhưỡng đã tạo nên một đội quân gồm 6.000 hacker chuyên nghiệp.

Theo ông Kim thì cố lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong-il đã ra lệnh huấn luyện dàn nhân sự mới vào những năm 1980 "để chuẩn bị cho cuộc chiến không gian mạng".

"Đại học Moranbong lựa chọn những sinh viên ưu tú nhất trên toàn quốc rồi cho họ tham gia vào một chương trình giáo dục đặc biệt kéo dài 6 năm," ông cho biết.

Giới chức an ninh Anh Quốc tin rằng một đơn vị của Bắc Hàn, có tên gọi Lazarus Group đã đứng đằng sau vụ tấn công mạng làm tê liệt một số hoạt động của Hệ thống y tế nhà nước Anh Quốc (NHS) và các tổ chức khác hồi năm 2017. Nhóm này cũng được cho đã nhắm vào hãng Sony Pictures trong vụ tấn công gây xôn xao nồi năm 2014.

Ông Kim cho biết văn phòng này gọi là Văn phòng Liên lạc 414.

"Về mặt nội bộ, chúng tôi gọi nó là "Văn phòng Thông tin của Kim Jong-il."

Ông nói văn phòng này có một đường dây điện thoại trực tiếp đến nhà lãnh đạo Bắc Hàn.

"Mọi người nói là các đặc vụ từ Trung Quốc, Nga, và các nước Đông Nam Á, nhưng họ cũng hoạt động ngay tại chính Bắc Hàn. Văn phòng này đảm bảo quá trình thông tin liên lạc giữa các đặc vụ Bắc Hàn."

Ma túy đổi lấy đôla

Gần đây, Kim Jong-un đã tuyên bố đất nước một lần nữa đối mặt với "khủng hoảng" và vào tháng 4, ông đã kêu gọi người dân của mình chuẩn bị tinh thần cho một 'Tháng ba gian khổ' khác - một cụm từ đã mô tả nạn đói thảm khốc vào những năm 1990, dưới thời Kim Jong-il.

Thời đó, ông Kim đang ở trong Cục Tác chiến và được lệnh gây quỹ "cách mạng" cho Lãnh tụ tối cao. Theo ông, điều đó nghĩa là buôn lậu ma túy bất hợp pháp.

Ông nói: "Việc sản xuất ma túy ở Bắc Hàn thời Kim Jong-il đạt đến đỉnh điểm trong 'Tháng Ba gian khổ'. Lúc đó, Cục Tác chiến dùng hết quỹ cách mạng nộp cho Lãnh tụ tối cao."

"Sau khi được giao nhiệm vụ, tôi đã đưa ba người ngoại quốc vào trong Bắc Hàn, xây dựng nơi cơ sở sản xuất ngay tại trung tâm huấn luyện của văn phòng liên lạc 715 của Đảng Công nhân, và sản xuất ma túy.

"Đó là ma túy đá. Sau đó, chúng tôi có thể đổi nó thành đôla để tặng Kim Jong-il."

Lời giải thích của ông về việc buôn bán ma túy vào thời điểm này là hợp lý. Bắc Hàn có lịch sử lâu đời về sản xuất ma túy - chủ yếu là heroin và thuốc phiện. Một cựu quan chức ngoại giao Bắc Hàn cũng là người đào tào tẩu đến Anh Quốc, ông Thae Yong-ho, nói với Diễn đàn Tự do Oslo năm 2019 rằng, nước này đã tham gia vào hoạt động buôn bán ma túy do nhà nước đứng sau và đang cố gắng khắc phục 'đại dịch' nghiện ma túy lan rộng khắp nước.

Tôi hỏi ông Kim, tiền buôn ma túy đã đi đâu. Nó có được chuyển đổi thành tiền mặt cho người dân không?

Ông nói: "Để cho cô hiểu, tất cả tiền bạc ở Bắc Hàn đều thuộc về nhà lãnh đạo Bắc Hàn. Với số tiền đó, ông ta sẽ xây biệt thự, mua xe hơi, mua thực phẩm, quần áo và tận hưởng những thứ xa xỉ."

Ước tính số người chết vì tình trạng thiếu lương thực thực phẩm kéo dài ở Bắc Hàn vào những năm 1990 là khoảng độ vài trăm nghìn người cho đến hàng triệu người.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Một phụ nữ Bắc Hàn thu hoạch cỏ để ăn trên cánh đồng ở tỉnh Bắc Hamgyong, tháng 5 năm 2010

Theo ông Kim, một nguồn tiền khác là đến từ việc buôn vũ khí bất hợp pháp cho Iran, do Cục Tác chiến quản lý.

Ông nói: "Có những tàu ngầm hạng trung đặc biệt, tàu bán chìm. Bắc Hàn rất giỏi trong việc chế tạo các thiết bị tiên tiến như thế này".

Đây có thể là một mảng trong sự tuyên truyền của Bắc Hàn vì các tàu ngầm của nước này sử dụng động cơ diesel, ồn ào khi vận hành.

Nhưng ông Kim xác nhận rằng các thỏa thuận thành công đến mức phó giám đốc Bắc Hàn tại Iran khoe mẽ về việc gọi người Iran đến hồ bơi của ông để bàn chuyện kinh doanh.

Theo Giáo sư Andrei Lankov, một trong những học giả hàng đầu thế giới về Bắc Hàn, các thỏa thuận vũ khí của Bắc Hàn với Iran là một bí mật được công khai kể từ những năm 1980 và thậm chí còn bao gồm cả tên lửa đạn đạo.

Bắc Hàn tiếp tục đẩy mạnh phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, bất chấp việc phải chịu các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của quốc tế. Vào tháng 9, nước này đã thử nghiệm bốn hệ thống vũ khí mới bao gồm tên lửa hành trình tầm xa mới, hệ thống phóng tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh và tên lửa phòng không.

Công nghệ ngày càng phát triển tinh vi hơn bao giờ hết.

Theo ông Kim, Bình Nhưỡng cũng bán vũ khí và công nghệ cho các nước đang có các cuộc nội chiến kéo dài. Trong những năm gần đây, Liên Hợp Quốc cáo buộc Bắc Hàn cung cấp vũ khí cho Syria, Myanmar, Libya và Sudan.

LHQ cảnh báo rằng, vũ khí được phát triển ở Bình Nhưỡng có thể được sử dụng ở nhiều nơi có chính sự rối ren trên thế giới.

'Một đầy tớ trung thành bị bội phản'

Ông Kim đã có một cuộc sống đặc quyền đặc lợi ở Bắc Hàn. Ông xác nhận rằng, ông được dì của Kim Jong-un tặng cho một chiếc Mercedes-Benz và được phép đi du lịch nước ngoài tự do để quyên tiền cho nhà lãnh đạo Bắc Hàn. Ông nói ông bán kim loại và than đá quý hiếm và thu về hàng triệu đôla tiền mặt. Số tiền này sẽ được đựng trong một vali mang về nước.

Ở một đất nước nghèo khó, nơi hàng triệu người đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực, đây là một cuộc sống mà ít ai có thể mường tượng được, chứ đừng nói là thực sự được sống như vậy.

Ông nói, mối nối kết chính trị đầy quyền lực thông qua cuộc hôn nhân cho phép ông đi lại giữa các cơ quan tình báo khác nhau. Nhưng chính những mối liên hệ đó cũng đặt ông và gia đình vào thế nguy hiểm.

Không lâu sau khi lên ngôi vị vào năm 2011, Kim Jong-un quyết định thanh trừng những người mà ông coi là mối đe dọa, bao gồm cả chú ruột của mình, Jang Song-thaek.

Từ lâu, đã có những đề nghị rằng ông Jang là nhà lãnh đạo thực sự của Bắc Hàn, khi sức khỏe của ông Kim Jong-il ngày một giảm sút.

Theo lời ông Kim, tên của Jang Song-thaek đã trở nên được yêu chuộng hơn cả Kim Jong-un.

"Đó là lúc tôi lờ mờ thấy rằng Jang Song-thaek sẽ không tồn tại được lâu. Tôi cảm thấy ông ấy sẽ bị trục xuất về vùng nông thôn", ông nói.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Người dân cúi đầu trước bức tượng của các cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, tháng 2 năm 2021

Nhưng sau đó truyền thông nhà nước Bắc Hàn loan báo vào tháng 12 năm 2013 rằng, ông Jang đã bị xử tử.

Ông Kim nói: "Còn ngạc nhiên hơn cả, đó là một đòn chí mạng và tôi vô cùng bàng hoàng. Ngay lập tức, tôi cảm thấy tính mạng mình đang bị nguy hiểm. Tôi biết mình không thể ở Bắc Hàn được nữa".

Ông Kim đã ở nước ngoài khi biết tin về vụ hành quyết trên một tờ báo. Ông quyết định cùng gia đình lên kế hoạch bỏ trốn sang Hàn Quốc.

Ông nói: "Từ bỏ đất nước, nơi có mồ mả tổ tiên và gia đình mình, và trốn sang Hàn Quốc, nơi mà vào thời điểm đó đối với tôi là quốc gia xa lạ, là quyết định đau đớn nhất về mặt tình cảm".

Ngay cả đằng sau cặp kính đen, tôi vẫn có thể thấy ký ức này gây khó khăn cho ông.

Một câu hỏi tôi luôn đề cập trong các cuộc phỏng vấn của tôi và ông Kim, trong nhiều giờ, là tại sao ông lại quyết định lên tiếng lúc này.

"Đây là nhiệm vụ duy nhất mà tôi còn có thể làm," ông nói. "Kể từ bây giờ, tôi sẽ hoạt động năng nổ hơn để giải phóng những người anh em miền Bắc của tôi khỏi sự kìm kẹp của chế độ độc tài và để họ được hưởng tự do thực sự."

Hiện có hơn 30.000 người đào tẩu ở Hàn Quốc. Chỉ một số ít quyết định mở lời với giới truyền thông. Người càng có tầm cỡ, gia đình càng bị nguy hiểm.

Cũng có nhiều người ở Hàn Quốc nghi ngờ lời kể của những người đào tẩu về cuộc sống của họ. Rốt cuộc, làm thế nào để bất cứ ai có thể thực sự xác minh câu chuyện của họ?

Ông Kim đã sống cuộc đời rất khác thường. Lời kể của ông nên được xem là một mảnh ghép của câu chuyện về Bắc Hàn - chứ không phải toàn bộ. Nhưng câu chuyện của ông cho chúng ta một cái nhìn bên trong một chế độ mà một số ít người có thể trốn thoát. Và câu chuyện cho chúng ta biết điều gì giúp cho chế độ này tồn tại.

Ông nói: "Chính trị xã hội của Bắc Hàn, cách họ phán đoán, cách họ suy nghĩ, tất cả đều đi theo niềm tin về sự phục tùng tuyệt đối với Lãnh tụ Tối cao. Qua nhiều thế hệ, nó tạo ra một "trái tim trung thành".

Thời điểm thực hiện cuộc phỏng vấn này cũng thú vị. Kim Jong-un đã đưa ra dấu hiệu rằng ông có thể sẵn sàng đối thoại với Hàn Quốc trong tương lai gần, nếu một số điều kiện được đáp ứng.

Nhưng cũng tại đây, ông Kim đưa ra một lời cảnh báo.

"Đã nhiều năm kể từ khi tôi đến đây, nhưng Bắc Hàn vẫn không thay đổi chút nào", ông nói.

"Chiến lược mà chúng ta đề ra vẫn tiếp tục. Điều quý vị cần biết là Bắc Hàn không hề thay đổi dù 0,01%."

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn