Chuyện về một nữ khoa học gia gốc Việt của Hải Quân Hoa Kỳ

Thứ Sáu, 08 Tháng Mười 20212:00 SA(Xem: 2541)
Chuyện về một nữ khoa học gia gốc Việt của Hải Quân Hoa Kỳ
Kalynh Ngô

CORONA, CA  – “Lúc nào cũng phải cố gắng hết khả năng của mình, quan trọng là phải biết chấp nhận thất bại, biết điểm yếu của mình. Khi thành công rồi thì chia sẻ, hướng dẫn lại cho thế hệ sau.” Quan điểm này được nữ khoa học người Mỹ gốc Việt Sharon Nicholas (tên Việt là Nguyễn Uyên Trang), làm việc ở Trung Tâm Tác Chiến Mặt Nước của Hải Quân Mỹ (Naval Surface Warface Center – NSWC) ở Corona, CA, gọi là “một cách hoài niệm cuộc sống.”

Vượt qua nhiều thử thách

Như những gia đình Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) khác, sau biến cố 1975, cha của Sharon Nicholas, ông Nguyễn Phú Tấn, vốn là sĩ quan Hải Quân VNCH, phải chịu năm năm “tù cải tạo.” Đó là thời gian vô cùng khó khăn cho gia đình ông, khi để lại nhà người vợ vất vả nuôi bốn người con khôn lớn.

“Tất cả đều bị chế độ mới lấy hết. Chị em tôi còn nhỏ, nhưng đều phải phụ giúp mẹ làm mọi chuyện để sống qua ngày. Mẹ tôi làm rất nhiều việc để có tiền. Tôi là con thứ, nên vừa học vừa làm phụ mẹ vừa chăm em. Ví dụ như bán trái cây để phụ tiền mua gạo,” cô Sharon kể lại những năm tuổi thơ của mình.

Sharon không quên sự nhọc nhằn mà mẹ cô phải trải qua suốt những năm tháng đó. Ngoài việc “chạy ăn” từng bữa, nuôi bốn người con gái khôn lớn, bà phải chắt chiu tiền để đi thăm chồng đang “tù cải tạo” ở Kon Tum.

“Mỗi lần đi phải đón xe khuya từ Biên Hoà đến Kon Tum, có những ngày mưa gió nữa, rất cực,” cô nói.

Sharon-UyenTrang-2-scaled
Mẹ của Sharon Nicolas và năm người con gái. Ảnh: Sharon Nicolas cung cấp

“Người phụ nữ Việt Nam, nhất là người vợ, người mẹ của lính VNCH phải hy sinh rất nhiều. Mẹ của tôi cũng như thế. Bà vừa phải một mình nuôi bốn chị em tôi, vừa thăm nuôi chồng trong năm năm. Rồi sau khi cha tôi trở về, 10 năm sau đó, bà tiếp tục nuôi con một mình.”

Sau năm năm “tù cải tạo”, cha của cô “được” trở về nhà. Khó khăn cho ông và gia đình chưa dừng ở đó. Khi ấy, thẻ căn cước (chứng minh nhân dân) đối với người lính Việt Nam Cộng Hoà hay người tù cải tạo là điều “không thể mơ ước”. Cha của Sharon không ngoại lệ. Không có thẻ căn cước đồng nghĩa với việc nhân thân “không hợp lệ” đồng nghĩa với việc không thể tìm việc làm. Chị em của Sharon cũng chỉ có thể học hết trung học rồi đi tìm việc làm. Giảng đường đại học là giấc mơ xa vời với chị em cô vì “muốn thi vào đại học thì phải có đơn ký nhận của chính quyền địa phương chấp nhận cho mình có được đi thi hay không.”

Cha của Sharon quyết định phải tìm một nơi nào đó để sống và nuôi gia đình. Quyết định đó không gì khác hơn, là “vượt biên” vào năm 1980. Khi ấy, mẹ của Sharon đang mang thai người con gái thứ năm.

“May mắn là ông đã đến nơi an toàn vào. Ông được hàng không mẫu hạm USS Robinson (DDG12) của Hải Quân Mỹ cứu vớt. Ông cùng với USS Robinson trải qua 45 ngày phục hồi ở Thái Lan. Sau đó, ông lại được đưa sang Malaysia để dạy tiếng Anh cho những thuyền nhân Việt ở đó. Một thời gian sau thì ông đến Mỹ,” Sharon kể lại.

Khoảng mười năm sau, năm 1991, cũng vào Tháng Tư, gia đình cô trùng phùng ở Mỹ.

Sharon-Father-scaled
Ông Nguyễn Phú Tấn (trái) trên mẫu hạm USS Robinson đã cứu ông. Ảnh: Sharon Nicolas cung cấp.

Tin vào một chữ ‘Duyên’

Khi được hỏi: “Điều đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ của cô khi đặt chân đến Mỹ là gì?” Sharon trả lời ngay: “Đó là phải học tiếp!”

Cũng như những người gốc Việt không sinh trưởng ở Mỹ, tiếng Anh là rào cản lớn nhất với Sharon. Do đó, cô tự nhủ với bản thân phải “cố gắng gấp 10 lần người khác.”

Cô gái 19 tuổi thông minh, nghị lực tìm đủ mọi cách để vượt qua trở ngại đó. Một trong những cách “đỡ tốn kém” và nhanh nhất là “lấy kiến thức đổi ngôn ngữ.”

“May mắn cho tôi là khi tôi học ở college, tôi giỏi về Toán, Hoá, Lý. Thời gian rảnh, tôi làm ‘tutor’ cho các bạn sinh viên người Mỹ, ngược lại họ dạy tôi tiếng Anh. Đó là cách tôi học Anh ngữ nhanh hơn.”

Tấm bằng tốt nghiệp cử nhân Toán của trường University of California, Riverside là kết quả đẹp và hoàn toàn xứng đáng với sự nỗ lực không ngừng của cô con gái của người lính VNCH. Nhưng, may mắn chưa thật sự mỉm cười với Sharon. Bài toán cuộc đời kế tiếp cô phải giải là tìm việc làm đúng với chuyên ngành.

“Khi ra trường, ngành Toán của tôi rất khó tìm việc, trừ khi mình học lên tiếp lấy bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ hoặc mình phải đổi nghề. Trong thời gian đi học, mấy chị em tôi có lấy tấm bằng về làm đẹp (cosmetic). Thế là có cơ hội lấy ra dùng. Tôi đi làm trong một tiệm nail salon, và tự nhủ mình chưa có duyên tìm được việc,” cô kể lại giai đoạn thử thách của 20 năm trước.

Cô vui vẻ đón nhận những gì cuộc đời trao đến và tin vào chữ “duyên” của công việc sẽ đến. Nhớ lại những ngày đó, Sharon biết ơn người chủ tiệm nail tốt bụng đã luôn thông cảm cho cô tân cử nhân chưa tìm được việc làm, nên ưu ái cho cô được vắng mặt bất cứ khi nào cô có cuộc gọi phỏng vấn.

Sharon-wedding-scaled
Sharon Nicolas và gia đình trong ngày cưới. Ảnh: Sharon Nicolas cung cấp.

Hàng trăm lá đơn xin việc được gửi ra. Sharon không nản chí. Cho đến một ngày, sự bền chí của cô được đền đáp. Tình cờ, một người khách của cô là nhân viên phòng nhân sự của Quest Diagnostics America cho biết công ty đang tuyển nhân viên. Thế là, lá đơn xin việc của cô gái với chuyên ngành Toán, và giỏi về Lý, Hoá được gửi đến. Cô được nhận vào làm nhân viên của Quest.

Vẫn chưa hết, vì đây là lúc “duyên” thật sự đến với Sharon. Cô kể:

“Tôi làm ở Quest được một năm. Rồi cũng là cái duyên, một chú người Việt cùng làm ở Quest biết được ‘major’ của tôi, khuyến khích tôi nộp Resumé vào NSWC. Năm đó, nhiều căn cứ Hải Quân Mỹ trong tình trạng thiếu người. Căn cứ ở Corona đang cần người có chuyên ngành về Toán. Thế là tôi được nhận và làm cho NSWC đến nay là 20 năm.”

Cô cười nói vui: “Khi duyên chưa đến, thì 200, 300 lá đơn xin việc không ai để ý. Khi duyên đến thì nó đến tới tấp.”

Quyết định độ an toàn của thiết bị kỹ thuật thuộc Hải Quân Mỹ

Sharon Nicolas là một trong những nữ khoa học gia hiếm hoi gốc Việt của Hải Quân Hoa Kỳ. Nhóm làm việc của cô có trách nhiệm phân tích dữ liệu, kiểm tra tính chuẩn xác, an toàn của các thiết bị kỹ thuật của hàng không mẫu hạm Mỹ cũng như của toàn bộ binh chủng Hải Quân Mỹ.

Trong phạm vi của những gì có thể chia sẻ, Sharon nói rõ hơn về công việc “nặng ký” này:

“Tất cả những dụng cụ, trang thiết bị của hải quân đều phải qua nhóm của tôi để kiểm tra, bảo dưỡng đúng thời hạn. Hãy hình dung thế này, mình chạy một chiếc xe, để cho nó vận hành tốt, an toàn thì mình phải đưa xe đi bảo trì thường xuyên. Những trang thiết bị của hải quân cũng thế. Nhóm của tôi làm việc chung với nhóm kỹ sư để kiểm tra, thu thập dữ liệu của các máy móc đó, đảm bảo độ an toàn, chính xác của máy móc trên tàu trong suốt thời gian các mẫu hạm đi triển khai quân sự.”

Các hàng không mẫu hạm Mỹ luôn có nhiệm vụ triển khai diễn tập quân sự (deploy), thường kéo dài từ vài tháng đến một năm. Áp lực của nhóm các khoa học gia, trong đó có Sharon, cũng chính là đây. Theo lời cô kể, cũng vài lần, khi một hạm đội chuẩn bị đi làm nhiệm vụ mà dụng cụ trên tàu mua về không kịp thời gian để chuẩn bị dữ liệu, đo lường độ chính xác.

“Đó là những áp lực mà hầu như tháng nào nhóm tôi cũng gặp phải. Mỗi khi có thiết bị kỹ thuật mới về cho mẫu hạm nào đó, chúng tôi có nhiệm vụ thiết lập thông số kỹ thuật cho máy đó,” cô nói.

Trong thời gian các hàng không mẫu hạm đi triển khai quân sự, nếu các dụng cụ kỹ thuật trên tàu bị lỗi vận hành, tàu sẽ gửi dữ liệu về nhóm của Sharon. Cô và các đồng nghiệp sẽ “chữa bệnh” từ xa, từ NSWC.

“Sau khi xem xét, chúng tôi sẽ quyết định sửa chữa hay đề nghị mua thiết bị mới,” cô nói.

Sharon-UyenTrang-1
Sharon Nicolas còn là thành viên nhóm Vietnamese American Community ở Garden Grove và Free Wheelchair Mission, là nhóm hỗ trợ xe lăn cho những đồng bào khuyết tật khó khăn trong nước. Ảnh: Sharon Nicolas cung cấp.

‘Ơn đền nghĩa trả’

Hạnh phúc của cô gái đầy nghị lực này còn mang một ý nghĩa khác lớn hơn, đó là ngày xưa, cha của cô là lính Hải Quân VNCH, được hàng không mẫu hạm USS Robinson cứu vớt. Ngày nay, tuy không là lính hải quân, nhưng cô được vinh dự phục vụ cho Hải Quân Mỹ, trả ơn cho đất nước đã cưu mang gia đình cô.

“Nước Mỹ mang đến cho mọi người, trong đó có tôi nhiều cơ hội để vươn lên và thành công. Điều quan trọng với tôi là mình phải ‘give back’ cho thế hệ sau. Có nhiều cách, ví dụ như mình là người đi trước, hướng dẫn, chỉ dạy cho các em. Trong phòng ban của tôi có nhiều người trẻ mới vào, mình phải tận tâm chỉ cho họ cách làm việc sao cho đúng. Thành quả công việc tốt, cũng là cách mình trả ơn cho nước Mỹ,” cô chia sẻ về cách sống mà cô hướng đến.

Đó là trong công việc, còn ngoài xã hội, cô luôn tự nhủ “những gì chúng ta có thể giúp được người khác thì nên làm.”

Sharon Nicolas là thành viên nhóm Vietnamese American Community ở Garden Grove và Free Wheelchair Mission, là nhóm hỗ trợ xe lăn cho những đồng bào khuyết tật khó khăn trong nước.

“Tôi may mắn không chỉ có gia đình mà còn nhiều bạn bè, đồng nghiệp ủng hộ để có sự thành công ngày hôm nay. Tôi phải chia sẻ lại, giúp đỡ lại cho thế hệ sau để họ cũng có cơ hội làm việc tốt. Đó là cách tôi hoài niệm cuộc sống,” Sharon Nicolas nói.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn