Việt Khang-Trúc Hồ, hai nhạc sĩ, một mối tình thâm

Thứ Năm, 15 Tháng Hai 20185:35 SA(Xem: 8552)
Việt Khang-Trúc Hồ, hai nhạc sĩ, một mối tình thâm
bbc.com
Tina Hà Giang bbcvietnamese.com

Việt Khang, Trúc Hồ Bản quyền hình ảnh Ảnh nhân vật cung cấp
Image caption Trúc Hồ đón Việt Khang tại sân bay

Ngoài giòng máu nóng Lạc Hồng, thì âm nhạc, hay sự quan tâm đến đất nước là nhịp cầu đã đưa hai người nhạc sĩ tuổi đời cách nhau hơn một thập niên, và ở xa nhau cả nửa quả địa cầu đến với nhau? Cuộc truyện trò với BBC và hai người nhạc sĩ này sẽ mang cho độc giả câu trả lời.

Trả lời phỏng vấn của BBC, nhạc sĩ Việt Khang cho đó là 'cơ duyên'.

Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi

Quyết bảo vệ giang san ta thà chết cho quê hương.

Đây muôn triệu con tim, đây muôn triệu khối óc,

Cùng giòng máu Việt Nam.

Đây Hai Bà Trưng, đây Lý Lê Trần,

Bốn ngàn năm chưa một lần khuất phục ngoại xâm…

(Đáp lời sông núi, Trúc Hồ, 2008)

Đó là tâm tư mà nhạc sĩ Trúc Hồ, lúc ấy 45 tuổi, trong một lúc quằn quại nhớ nhà, cộng với nỗi lo canh cánh về một Việt Nam trước nạn ngoại xâm, đã gói ghém gửi đến những người có chung giòng máu Việt, trong nhạc phẩm có tên 'Đáp Lời Sông Núi'.


Đáp Lời Sông Núi được phổ biến cùng với nhiều tác phẩm khác, trong cuốn video có tên Lá Thư Từ Chiến Trường, do trung tâm Asia phát hành khoảng năm 2009, đã không vào Việt Nam qua ngả đường chính thức, và vì thế, rất lâu mới đến được với người nghe.

Tâm tư tưởng rằng 'gửi gió cho mây ngàn bay' này của nhạc sĩ Trúc Hồ, ngờ đâu đã làm một thanh niên trẻ đam mê nhạc ở Việt Nam hết sức xúc động. Võ Minh Trí, tên chàng thanh niên lúc ấy 34 tuổi, lên tiếng khẳng định:

Là một người con dân Việt Nam

Lòng nào làm ngơ trước ngoại xâm

Người người cùng nhau

Đứng lên đáp lời sông núi…

(Việt Nam Tôi Đâu, Việt Khang, 2011)

Một người hô và một người xướng.

Việt Khang, Trúc Hồ Bản quyền hình ảnh Nhân vật cung cấp
Image caption Một đoạn trong bài 'Việt Nam tôi đâu' của nhạc sỹ Việt Khang

Nói về những giây phút đầu tiên bỡ ngỡ đặt chân đến phi trường LAX tại Los Angeles, California, Việt Khang tâm sự:

''Việt Khang hôm đó bất ngờ rất lớn trước sự đón nhận của đồng bào, nhiều người kêu tên Việt Khang, Việt Khang, không biết nhìn ai luôn, chỉ chỉ biết gật đầu, biết cúi đầu chào, và chỉ biết kêu tên anh Trúc Hồ, tìm coi anh Trúc Hồ đâu…''

''Anh Trúc Hồ là người Việt Khang biết từ bé, không hiểu sao em cảm nhận được, thích cái giòng nhạc đó, thích giai điệu của anh. Từ khi chậm chững mới vào cái nghề ca hát, em đã hát những bài nhạc của anh Trúc Hồ. Những nhạc phẩm Việt Khang sáng tác có mang ảnh hưởng của anh Trúc Hồ, điều này anh Trúc Hồ biết, và nói thật lòng là Việt Khang yêu quý anh Trúc Hồ đã từ lâu.''

''Lúc đó thì thấy em mình nó qua được rồi có bao nhiêu người tiếp đón thì mình đứng đó mình mừng. Mình mừng cho đến khi mình thấy nó kêu mình 'anh Hồ ơi, anh Hồ ơi' thì chạy đến mình không biết nói gì, chỉ ôm nó một cái thôi.'' Nhạc sĩ Trúc Hồ thổ lộ.

Trả lời câu hỏi có ai khóc không, cả hai im lặng giây lát, rồi Việt Khang ngần ngại nhìn sang Trúc Hồ, tố cáo:

''Anh Trúc Hồ khóc, anh khóc quá trời!''

''Ôm nó cúi đầu xuống để không ai thấy không ai biết gì hết trơn…'' Trúc Hồ thú nhận.

''Cái người anh Hồ ảnh rung rung vậy nè, tại ảnh khóc, ảnh mừng đó.''

Việt Khang, Trúc Hồ Bản quyền hình ảnh Nhân vật cung cấp
Image caption Cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ chào đón Việt Khang khi nhạc sỹ mới đặt chân tới sân bay

Làm sao tả hết được mối thâm tình của họ?

Trúc Hồ cho biết anh 'không biết Việt Khang là ai' cho đến khi xem bản tin của một phóng viên SBTN ở San Jose đưa tin là có một nhạc sĩ sáng tác ở Việt Nam bị bỏ tù.

''Vào Youtube xem thì Trúc Hồ mới biết được mặt Việt Khang, rồi mới thấy người nhạc sĩ này viết nhạc hay, và còn hát hay nữa. Việt Khang hát bài 'Một Mai Giã Từ Vũ Khí' rất là hay.'' Nhạc sĩ Trúc Hồ hồi tưởng.

Ông tâm sự:

''Mình thấy thương cho một người nhạc sĩ rất yêu nước mà lại bị ở tù. Bản thân mình cũng là một nhạc sĩ thì cảm thấy chuyện đó là điều không thể xẩy ra được ở đất nước mà mình đang sống, nhưng đã xẩy ra ở Việt Nam.''

''Từ đó Trúc Hồ tìm mọi cách để giúp Việt Khang. Việt Khang là một người có khiếu sáng tác nhạc, quan tâm tới đất nước, có giọng hát hay, thì anh nên sống ở cái nơi anh được quyền sáng tác, được quyền nói lên những suy nghĩ của mình. Đó là việc cần phải làm. Sau sáu năm trời thì rốt cục anh em cũng đã gặp được nhau.'' Ông giải thích.

Trả lời câu hỏi mối cảm thông giữa hai bên đã ảnh hưởng đến mình như thế nào, Trúc Hồ đáp:

''Thì tôi quan tâm đến nhân quyền cho Việt Nam nhiều hơn. Trước đó tôi chỉ sáng tác những bài nhạc yêu nước, và chống ngoại xâm, nhưng sau khi thấy một người thanh niên yêu nước, yêu nước nhe, và chống ngoại xâm, mà còn đi tù, thì còn có điều gì mà họ không làm để áp bức người dân, vì thế Trúc Hồ bắt đầu để ý đến những vấn đề vi phạm nhân quyền nhiều hơn, và dùng âm nhạc để kêu gọi mọi người cùng quan tâm đến những quyền căn bản mà người dân ở nước nào cũng phải có bằng cách sáng tác những bài như 'Triệu Con Tim', 'Thiên Thần Trong Bóng Tối'...

Sáu năm tù tội, phải xa cách gia đình, mất hết tự do, có phải là cái giá quá đắt cho việc sáng tác không, và nếu đi ngược lại được giòng thời gian, liệu anh có làm khác đi không, Việt Khang thoáng buồn pha chút khôi hài, khi trả lời câu hỏi này:

''Là người sống trong nước, Việt Khang biết là mình thốt ra những lời chống ngoại xâm như vậy thì rất nguy hiểm, và cũng tìm cách bảo vệ bản thân, không lấy tên thật. Cũng không nghĩ sẽ đi tù lâu như vậy, mình mới sáng tác vài bài hát, nghĩ nếu có đi tù thì chắc cũng một năm thôi, ví dụ vậy, ai ngờ… hơi bị lâu…''

Rồi ông chậm rãi:

''Việc gì cũng có cơ duyên. Con người nào cũng có định mệnh. Gọi là định mệnh thì con người mình bé nhỏ không thể nào cưỡng lại được. Việt Khang thấy là trong suốt thời gian qua, nhất là thời gian ở trong tù, trải qua rất nhiều nỗi niềm mà bình thường không phải ai cũng trải nghiệm được. Trải nghiệm để được trưởng thành hơn, để được vững vàng hơn, để có được những tác phẩm sau này, để những tác phẩm của Việt Khang nó thật hơn, nó lột tả được những khó khăn mình phải đối diện lúc trong tù, cả lúc về nhà với bao thay đổi…''Kể về một kỷ niệm sâu đậm nhất giữa hai anh em. Trúc Hồ chia sẻ:

''Một kỷ niệm sẽ suốt đời không quên là hai anh em lo lắng từng ngày cho lần đi kỳ trước. Ngày 31 tháng Giêng đi, thì ngày 30 Việt Khang có vé máy bay rồi, nhưng cuối cùng lại không đi được. Hai anh em lo lắng quá. Việt Khang phải an ủi Trúc Hồ, thôi anh Trúc Hồ đừng lo quá, số mệnh đã được ơn trên an bài rồi, trước sau gì em cũng phải được đi thôi...''

''Cũng may Trúc Hồ không phải là người duy nhất thương Việt Khang đâu. Nhiều người thương Việt Khang lắm. Quốc Khanh giờ là người bảo trợ cho Việt Khang.'' Nhạc sĩ Trúc Hồ khoe.

Rồi ông cười:

''À Việt Khang có chuyện này hay lắm. Hỏi tôi 'Anh Hồ ơi, khi mà em xuống máy bay á, mình có phải đi trình diện địa phương không? Bên này nó không phải như bên kia. Bây giờ Quốc Khanh là địa phương của em, là cái nhà, bây giờ Việt Khang đi đâu cũng phải xin phép địa phương…''

Việt Khang, Trúc Hồ Bản quyền hình ảnh Nhân vật cung cấp
Image caption Chân dung nhạc sỹ Việt Khang trên một thông cáo báo chí tại Hoa Kỳ

Ông chia sẻ:''Nghe Việt Khang nói thì Trúc Hồ mới cảm nhận là Việt Khang ở tù lâu quá. Trong cuộc đời Trúc Hồ cũng đã ở tù hai lần, năm 16 tuổi ở tù ở Vĩnh Long vì tội vượt biên, ở có một tuần. Sau khi ở tù về thì vẫn năm 16 tuổi, cha mẹ tìm đường cho vượt biên bằng đường bộ, lại bị bỏ tù, vì Thái Lan buộc tội làm điệp viên. Cũng chỉ một tuần thôi, mà bảy ngày đó sao thấy nó khủng khiếp quá. Đó là tù Thái Lan đó nhá. Tù Thái Lan nó còn văn minh hơn tù cộng sản. Không thể nào tưởng tượng nổi thằng em mình nó bốn năm ở tù, rồi ra tù bị giam ở nhà hai năm, thì nó kinh khủng như thế nào, mới thấy thằng em của mình nó chịu đựng giỏi quá.''

Nói về dự tính tương lai, liệu hai anh em có sáng tác chung không, Việt Khang tươi cười: ''Thì còn tùy duyên thôi, hai anh em bây giờ đã kế bên nhau rồi, chuyện gì cũng thể xẩy ra…''Trong lúc Việt Khang trả lời, nhạc sĩ Trúc Hồ trầm ngâm, đăm đăm nhìn người nhạc sĩ nhỏ tuổi hơn mình hơn một thập niên, bằng cái nhìn trĩu nặng ưu tư, và thương mến.

Bài viết của Tina Hà Giang, Trưởng biên tập Văn phòng Bangkok của BBC Tiếng Việt.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn