Cựu tù nhân chính trị, nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên

Nguồn hình ảnh, PTN

Chụp lại hình ảnh,

Cựu tù nhân chính trị, nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên

Nhà hoạt động, cựu tù nhân chính trị Phạm Thanh Nghiên vừa nhận được lệnh triệu tập của cơ quan điều tra công an TP Hà Nội, liên quan đến cuốn sách 'Những mảnh đời sau song sắt' mà bà Nghiên là tác giả.

Cuốn sách được xuất bản tại Mỹ năm 2017.

Theo bà Nghiên, bà chỉ được biết sự việc do người nhà ở Hải Phòng thông báo, và chỉ biết 46 tiếng trước ngày bà được yêu cầu có mặt ở Hà Nội, trong khi bà sống tại TP Hồ Chí Minh. Cả hai nơi này đều đang bị phong tỏa do dịch Covid-19.

Trao đổi với BBC News hôm 27/7, bà Nghiên nói:

"Giấy triệu tập ghi ngày 13/7. Cơ quan điều tra công an Hà Nội gửi giấy này cho công an Hải Phòng, và công an Hải Phòng chuyển đến nhà tôi sau 13 ngày nữa. Tức 26/7 gia đình tôi ở Hải Phòng mới nhận được giấy. Họ yêu cầu tôi phải có mặt ở trụ sở cơ quan công an điều tra ở Hà Nội hôm 28/7.

Tức là tôi chỉ có khoảng 46 tiếng để chuẩn bị từ khi biết mình bị triệu tập. Ngay kể cả khi tôi có muốn đi thì cũng bất khả thi vì cả hai thành phố đều đang bị phong tỏa."

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên châm biếm về gói cứu trợ 62 ngàn tỷ

Nguồn hình ảnh, PTN

Chụp lại hình ảnh,

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên châm biếm về gói cứu trợ 62 ngàn tỷ

Tôi thắc mắc sao họ lại đi đường vòng như vậy bởi tôi sống ở Sài Gòn. Đến giờ tôi cũng chưa được cầm tờ giấy đó trong tay mà mới chỉ nghe gia đình nói lại.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra có nhiều phương tiện phục vụ công việc của họ một cách nhanh chóng, trong một thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão. Tại sao họ phải mất tới 13 ngày?

Tôi sẽ phải qua được các chốt kiểm dịch với giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính để ra sân bay ở Sài Gòn, rồi phải qua được các chốt kiểm dịch từ sân bay Nội Bài về nội thành Hà Nội. Chưa kể các chuyến bay giờ rất hạn chế, và dịch bệnh không làm gì ra tiền để mua vé."

BBC: Gần đây có đăng nhiều bài viết trên Facebook chỉ trích cách chống dịch của chính quyền và thảm cảnh của người dân Sài Gòn. Đây phải chăng cũng là nguyên nhân?

Tôi nghĩ rằng không ngoại lệ. Với bất cứ ai dùng quyền tự do biểu đạt để phản ánh về các thực trạng tại Việt Nam thì đều đứng trước nguy cơ bị mời, bị triệu tập, thậm chí án tù. Tôi nghĩ việc triệu tập tôi liên quan đến cuốn 'Những mảnh đời sau song sắt' mà tôi là tác giả có thể chỉ là một cái cớ, ngoài ra còn có nhiều việc khác…

nghiên

Nguồn hình ảnh, Fb Nguyen Tin

Chụp lại hình ảnh,

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên và chồng (giữa) tại nơi từng là căn nhà mới xây của vợ chồng bà ở Vườn rau Lộc Hưng

Nói về cách chống dịch, cách đây 4 hôm vào một buổi tối, trước khi có lệnh giới nghiêm, chồng tôi ra mở cửa thì có chị phụ nữ đưa cho chồng tôi hai bó rau, một cây cải nhúng khá lớn, và một cái bắp cải mà tôi chưa thấy có cái bắp cải nào bé như thế.

Họ nói đây là của hội phụ nữ phường tiếp tế. Tôi không biết nên vui hay tỏ thái độ thế nào. Tôi cũng hỏi luôn đây có phải nằm trong gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ của chính phủ hay không. Tôi chưa bao giờ làm đơn xin nhận từ gói này. Còn bạn bè hay hàng xóm, hay những người mà tôi biết và giúp đỡ cũng chưa có ai nhận được đồng nào trong gói này.

Theo tôi, khi dịch bùng phát lần thứ 4, nhà nước đã rất yếu kém trong chống dịch. Chưa kể các phát ngôn bất nhất, trái ngược nhau của các lãnh đạo cả trung ương lẫn địa phương.

Báo chí nhà nước nói người dân ủng hộ cách làm của nhà nước, nhưng thực ra dân kiệt quệ lắm rồi. Chỉ cần trợ giúp như tuyên bố nhà nước cũng không làm được. Chưa kể trói chân trói tay người ta bằng các chỉ thị.

Khi chưa có chỉ thị 16, vẫn lấp lánh những tấm lòng nhân ái của người dân với người dân, của các tổ chức từ thiện, giúp miếng cơm manh áo cho nhau chứ không đao to búa lớn. Nhưng bản thân các công việc bác ái đó cũng bị nhiều nơi, nhiều địa phương ngăn chặn.

Với cách chống dịch như bây giờ, hậu quả là người dân thiếu ăn, thiếu mặc, đói khổ, bệnh tật không được chữa trị. Nhưng nhà cầm quyền không nghe chuyên gia, nhà khoa học. Nên tiếng nói nhỏ nhoi như tôi, một công dân bị liệt vào dạng chống đối nữa thì họ không ghi nhận đâu.

BBC: Trong bối cảnh chính quyền VN tăng cường các vụ bắt giữ và xét xử người bất đồng chính kiến thời gian gần đây, có lo ngại tới đây sẽ đến lượt ?

Trước đây tôi là người độc thân. Vướng bận duy nhất là mẹ tôi. Đến giờ rất khác rồi vì tôi đã là mẹ. Con tôi mới hơn 3 tuổi. Tâm thế tôi khác đi, sức khỏe của tôi giờ cũng không được như trước. Khi đi tù tôi 31 tuổi, nay tôi 44 tuổi rồi.

Tuy nhiên tôi vẫn xác định con đường mình đi là đúng đắn. Những gì mình làm đều xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm, giúp cho sự đổi thay của đất nước và sự phát triển của xã hội.

Tôi không mong chờ gì những điều này. Nếu phải rơi vào cảnh ngộ mà tôi không mong muốn thì điều khó khăn nhất là con gái của tôi. Tôi không thể nói dối là không lo lắng, xót xa. Tuy nhiên tôi sẵn sàng đón nhận những gì đến với tôi trong tâm thế bình thản nhất và đường hoàng nhất có thể. Tôi sẽ không làm gì để sau này con tôi phải xấu hổ.

BBC: Sau biến cố Vườn Rau Lộc Hưng (VRLH), hiện nay đời sống của gia đình ra sao?

Thực ra lần nào tôi cũng thấy rất khó khăn khi phải nhắc lại biến cố Vườn Rau Lộc Hưng đầu năm 2019. Nhà tôi cùng khoảng hơn 500 căn nhà khác bị đập. Riêng nhà tôi mới xây, chúng tôi mới ở được 1 đêm thì hôm sau tất cả thành đống đổ nát. Đến giờ tôi cũng không chắc chắn tại sao gia đình mình có đủ sức mạnh vượt qua chuyện đó.Nhưng chúng tôi cũng đã vượt qua rồi.

Sau khi sự việc xảy ra, con gái tôi bị ảnh hưởng về tâm lý. Cháu hay khóc, hay hoảng sợ. Bây giờ cháu cũng đã tạm ổn và đã hơn 3 tuổi.

Mấy năm nay tôi tạm gọi là được yên ổn, không bị sách nhiễu có thể do con còn nhỏ và nhà vừa bị đập. Bắt tôi khi đó không có lợi cho công an CSVN.

Nay có lẽ đã đến lúc tôi phải đối diện với những khó khăn mới.