raisi

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Ông Raisi là thẩm phán hàng đầu của Iran

Israel nói cộng đồng quốc tế cần hết sức quan ngại về kết quả bầu cử tổng thống ở Iran, quốc gia vừa bầu ông Ebrahim Raisi làm tân lãnh đạo.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel Lior Haiat nói ông Raisi là vị tổng thống cực đoan nhất của Iran từ trước tới nay.

Ông cũng cảnh báo rằng vị tân lãnh đạo Iran sẽ đẩy mạnh các hoạt động hạt nhân của Tehran.

Ông Ebrahim Raisi được tuyên bố thắng cử trong kỳ bầu tổng thống Iran hôm thứ Bảy, trong cuộc đua ra được nhìn nhận rộng rãi là được tổ chức nhằm tạo ưu thế cho ông.

Ông Raisi, người sẽ tuyên thệ nhậm chức trong tháng Tám, là thẩm phán hàng đầu của Iran và có quan điểm cực kỳ bảo thủ.

Ông hiện đang bị Hoa Kỳ áp các lệnh trừng phạt, và được liên hệ tới các vụ xử tử tù nhân chính trị trong quá khứ.

Chụp lại video,

Bầu cử Iran: Một tổng thống mới sẽ ảnh hưởng đến thỏa thuận hạt nhân?

Trong thông cáo đưa ra sau khi giành chiến thắng, ông cam kết sẽ củng cố niềm tin của công chúng đối với chính phủ, và sẽ là một nhà lãnh đạo của toàn thể quốc gia.

"Tôi sẽ hình thành một chính phủ làm việc chăm chỉ, có tinh thần cách mạng và chống tham nhũng," ông được truyền thông nhà nước dẫn lời nói.

Tuy nhiên, trong một dòng tin mang tính chỉ trích đăng trên Twitter, phát ngôn viên Lior Haiat của Israel nói rằng ông Raisi là "một gương mặt cực đoan, quyết tâm thúc đẩy nhanh chóng chương trình hạt nhân vì mục đích quân sự của Iran".

Từ lâu nay, Iran và Israel trong tình trạng "chiến tranh ngầm", với việc cả hai bên có những hành động ăn miếng trả miếng nhưng tránh để bùng nổ ra một cuộc xung đột toàn diện.

Tuy nhiên, gần đây, sự thù nghịch giữa hai nước đã lại leo thang.

Tình thế phức tạp nhưng chủ yếu căng thẳng phát sinh là do các hoạt động hạt nhân của Iran.

Iran quy trách nhiệm cho Israel trong vụ sát hại khoa học gia hạt nhân hàng đầu của mình hồi năm ngoái và vụ tấn công vào một trong các nhà máy làm giàu uranium của Iran hồi tháng Tư.

Trong khi đó, Israel không tin rằng chương trình hạt nhân của Iran là hoàn toàn vì mục đích hòa bình, và cho rằng Tehran đang nỗ lực hướng tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, theo đó gỡ bỏ những lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với Iran nếu nước này chịu dừng một số hoạt động hạt nhân, đã sụp đổ khi cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hồi 2018 và tái áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt.

Chính quyền ông Biden nay đang tìm cách tái tục thỏa thuận.

Để đáp trả việc bị thắt chặt các lệnh trừng phạt, Iran đã tăng mạnh hoạt động hạt nhân và hiện đang làm giàu uranium ở mức độ cao nhất từ trước tới nay, tuy vẫn chưa đạt được mức để có được vũ khí có chứa hạt nhân.

Bình luận về kết quả bầu cử Iran, Hoa Kỳ nói lấy làm tiếc là người Iran "đã bị khước từ quyền lựa chọn lãnh đạo của chính mình trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng".

Tỷ lệ cử tri đi bầu thấp kỷ lục trong kỳ bầu cử vừa rồi, với chưa tới 50% cử tri có đăng ký tới các phòng phiếu, so với mức hơn 70% hồi năm 2017.

Nhiều người không đi bỏ phiếu bởi họ tin rằng kỳ bầu cử được tổ chức nhằm giành lợi thế cho ông Raisi, đồng minh trung thành của Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.

Ayatollah Khomeini đã liên tục kêu gọi loại trừ nhà nước Israel.

Hồi 2018, ông gọi Israel là một "khối u ác tính" cần phải bị xóa sổ khỏi khu vực.

Đàm phán thỏa thuận hạt nhân

Ông Raisi giành được chiến thắng trong dịp cuối tuần, cùng lúc khi tại Vienna đang có các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran.

Liên hiệp Âu châu nói một cuộc họp chính thức nữa diễn ra trong hôm Chủ nhật giữa Iran và sáu cường quốc thế giới.

Đây là vòng đàm phán thứ sáu các cuộc thảo luận gián tiếp giữa Hoa Kỳ và Iran, và các quan chức nói các bên vẫn có những chia rẽ sâu sắc trong một số vấn đề then chốt, Reuters tường thuật.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói các thảo luận gián tiếp sẽ vẫn được tiếp tục sau khi ông Raisi lên nắm quyền.

'Tên đồ tể của Tehran'

Trong dòng tin trên Twitter, ông Lior Haiat gọi ông Raisi là "tên đồ tể của Tehran", nhằm nhắc tới việc xử tử hàng loạt ngàn tù nhân chính trị hồi năm 1988.

Ông Raisi là một trong bốn thẩm phán, nhóm sau này được biết đến như ""ủy ban tử thần", được cho là đã ra án tử đối với 5.000 người gồm cả phụ nữ và đàn ông, Tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty International nói.

Tuy nhiên, trong các tin tweet của mình, ông Haiat nói hơn 30 ngàn người đã bị giết chết, và đây cũng là con số mà các nhóm nhân quyền Iran nêu ra.

Phản ứng từ các nước khác

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhanh chóng chúc mừng ông Ebrahim Raisi, và nhấn mạnh về mối quan hệ "thân thiết và láng giềng tình hữu nghị truyền thống" giữa hai quốc gia.

Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất cũng gửi những tin nhắn tương tự, bày tỏ sự ủng hộ và chúc mừng đối với tân lãnh đạo Iran.

Phát ngôn viên của Hamas, nhóm các tay súng Hồi giáo Palestine đang kiểm soát Dải Gaza, chúc Iran "tấn tới và thịnh vượng".

Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền nói ông Raisi cần phải bị điều tra về các hành động tàn bạo.

"Là người đứng đầu hội đồng thẩm phán Iran, ông Raisi giám sát một số trong những tội ác ghê tởm nhất trong lịch sử gần đây của Iran và đáng bị điều tra, bị buộc phải chịu trách nhiệm về các vụ đó, thay vì được bầu vào vị trí cao cấp," ông Michael Page từ tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, nói.