Thủ lĩnh Hamas trong tầm ngắm Israel

Thứ Tư, 19 Tháng Năm 202112:16 SA(Xem: 3130)
Thủ lĩnh Hamas trong tầm ngắm Israel

Israel muốn triệt hạ Hamas bằng cách tiêu diệt Yehiya Sinwar, thủ lĩnh chính trị của phong trào, nhưng mục tiêu này rất khó đạt được.

Một cuộc không kích của Israel vào ngày 16/5 phá hủy một tòa nhà ở Khan Younis, thành phố phía nam Dải Gaza. Theo quan chức Israel, mục tiêu của cuộc không kích là nhà ở và văn phòng của Yehiya Sinwar, thủ lĩnh chính trị phong trào Hồi giáo Hamas.

Hiện chưa rõ liệu Israel định hạ sát Sinwar hay chỉ đơn giản gửi thông điệp cảnh cáo tới phong trào này. Ngày 17/5, một chỉ huy hàng đầu của Israel nói rằng Sinwar không chết trong cuộc không kích, nhưng thủ lĩnh chính trị Hamas và các lãnh đạo khác của phong trào này "đã và đang trong tầm ngắm của Israel".

Là lãnh đạo chính trị cao nhất ở Gaza, được lựa chọn trong một cuộc bầu cử nội bộ bí mật của Hamas vào năm 2017 và tái đắc cử trong năm nay, Sinwar được coi là có vị trí cao tương đương Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Nhưng khi Netanyahu đưa ra các tuyên bố trên truyền hình và chia sẻ cập nhật trên mạng xã hội, Sinwar lại rút vào hoạt động bí mật, duy trì sự im lặng gần như hoàn toàn trong suốt đợt xung đột nghiêm trọng nhất ở Gaza kể từ năm 2014.

Thay vào đó, Ismail Haniyeh, cựu thủ lĩnh chính trị ở Gaza và là lãnh đạo chính trị hàng đầu của Hamas ở Qatar, và Muhammed Deif, người đứng đầu cánh quân sự của phong trào, đã ra mặt để gửi đi các thông điệp công khai trong suốt cuộc xung đột.

Yehiya Sinwar, thủ lĩnh chính trị của Hamas, trong cuộc vận động tại Khan Younis, phía nam Dải Gaza, năm 2011. Ảnh: AP.

Yehiya Sinwar, thủ lĩnh chính trị của Hamas, trong cuộc vận động tại Khan Younis, phía nam Dải Gaza, năm 2011. Ảnh: AP.

Sinh ra tại một trại tị nạn ở Khan Yunis năm 1962 dưới thời Ai Cập cai trị, Sinwar là một lãnh đạo sinh viên trước khi trở thành một trong những người đứng đầu cánh quân sự của Hamas trong thập niên 1980.

Israel đã bắt Sinwar ba lần vào các năm 1982, 1985 và 1988. Sau lần bắt cuối cùng, ông bị kết án tù chung thân vì vai trò chủ mưu trong vụ bắt cóc và sát hại hai lính Israel, nhưng đã được thả sau 22 năm trong một vụ trao đổi tù nhân.

Được xem như huyền thoại ở Gaza do nền tảng quân sự và thời gian ngồi tù, cũng như mối quan hệ chặt chẽ với địa phương, Sinwar bắt đầu được các nhà phân tích Israel quan tâm sau khi ông được bầu vào vị trí thủ lĩnh chính trị ở Gaza năm 2017.

"Một mặt ông ấy là nhà lãnh đạo cứng rắn. Mặt khác, tôi muốn nói trong 4 hoặc 5 năm qua, ông ấy đã cư xử theo cách có trách nhiệm hơn nhiều", Kobi Michael, nhà phân tích và cựu quan chức chính phủ Israel, nói.

Trong các cuộc xung đột dọc biên giới Gaza năm 2018 và 2019, Michael cho rằng Sinwar đã cố gắng thúc đẩy vai trò hòa giải của Ai Cập, đồng thời nỗ lực cải thiện tình hình nhân đạo và kinh tế ở Dải Gaza.

Trước cuộc bầu cử nội bộ của Hamas năm 2021, Sinwar muốn "chấp nhận mọi nhượng bộ" để đảm bảo cuộc bầu cử được tổ chức trên khắp lãnh thổ Palestine, dù điều này gây tranh cãi trong nội bộ Hamas, theo Imad Alsoos, chuyên gia về lãnh đạo Hamas ở Viện Nhân chủng học Xã hội Max Planck.

Hamas, từ viết tắt của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo trong tiếng Arab, được thành lập ngay sau phong trào nổi dậy chống Israel (intifada) lần thứ nhất của người Palestine bùng nổ vào tháng 12/1987 do giáo sĩ Ahmad Yassin và nhiều người khác dẫn dắt.

Phong trào ban đầu có hai mục đích: thực hiện cuộc đấu tranh vũ trang chống lại sự chiếm đóng của Israel và thúc đẩy chương trình nghị sự tôn giáo thông qua công tác xã hội và đào tạo tôn giáo.

Lữ đoàn Qassam của Hamas, được thành lập trong khoảng năm 1991, có cấu trúc như một cánh quân sự bí mật và riêng biệt. Sinwar là lãnh đạo đầu tiên của lữ đoàn Qassam, vị trí hiện do Deif đảm nhiệm.

Vai trò lãnh đạo chính trị của phong trào được phân chia cho các quan chức trên khắp lãnh thổ Palestine và những người bên ngoài biên giới của họ. Hội đồng cố vấn của Hamas chịu trách nhiệm định hình chiến lược và giám sát các hoạt động khác nhau.

Lãnh đạo hàng đầu của Hamas Ismail Haniyeh nói trong cuộc biểu tình ở Doha, Qatar hôm 15/5. Ảnh: Reuters.

Lãnh đạo hàng đầu của Hamas Ismail Haniyeh phát biểu trong cuộc biểu tình ở Doha, Qatar hôm 15/5. Ảnh: Reuters.

Lãnh đạo hàng đầu Haniyeh hiện ở Qatar, quốc gia có thiện cảm nhiều hơn với các phong trào Hồi giáo và tài trợ cho Hamas. Phát biểu trước hàng trăm người tại một cuộc vận động vào đêm 15/5, Haniyeh đe dọa tăng cường lực lượng quân sự nếu Israel leo thang các cuộc tấn công. Khaled Meshal, người từng lãnh đạo phong trào trong hai thập kỷ và hiện điều hành văn phòng chính sách đối ngoại của Hamas, cũng đang sống lưu vong ở Qatar.

Daniel Byman, chuyên gia chống khủng bố và an ninh Trung Đông tại Viện Brookings, cho hay việc bố trí các lãnh đạo cấp cao ở nước ngoài đã giúp Hamas gây quỹ, cũng như truyền tải thông điệp và kết nối với cộng đồng người Palestine khắp thế giới.

Nhưng việc trực tiếp có mặt tại Dải Gaza khiến Sinwar là người lãnh đạo có ảnh hưởng rất lớn với Hamas. Phong trào Hồi giáo này đã kiểm soát dải đất dọc theo bờ biển này kể từ khi Israel rút quân khỏi Gaza vào năm 2005.

Michael cho rằng các lãnh đạo Hamas ở Qatar khá tách biệt với thực tế cuộc sống ở Dải Gaza. "Họ không phải lo lắng cho gia đình mình và sống thoải mái trong tháp ngà", ông nói.

Mức độ kiểm soát của các lãnh đạo chính trị Hamas đối với hoạt động quân sự của nhóm hiện chưa rõ ràng. Nhưng Byman nói trong quá khứ, các lãnh đạo chính trị này "tham gia rất nhiều" vào việc đưa ra những quyết sách quân sự lớn.

"Họ không phải là những phe cánh tách biệt và họ có thể tự hào tuyên bố 'chúng tôi là những chiến binh' khi ra tranh cử", ông nói.

Sự tồn tại và ảnh hưởng của cánh quân sự đã khiến nỗ lực tham gia chính trị của Hamas trở nên phức tạp. Nhiều nỗ lực hòa giải trước đây với đảng đối lập Fatah kiểm soát Bờ Tây đã sụp đổ một phần vì Hamas không chịu từ bỏ cánh vũ trang của họ. Cả Mỹ và Israel đều xem Hamas là nhóm khủng bố.

Giới phân tích cho rằng Hamas đang sử dụng cuộc đối đầu vũ trang với Israel để thu hút sự ủng hộ chính trị, sau khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hủy các cuộc bầu cử dự kiến vào tháng này.

Adam Taylor và Claire Parker, hai nhà phân tích của Washington Post, nhận định chính các lãnh đạo chính trị của Hamas cuối cùng là người quyết định bật đèn xanh hoặc chặn lệnh ngừng bắn.

Chính sự chồng chéo và không rõ ràng giữa các bộ phận khác nhau của Hamas đã khiến Israel mất nhiều thời gian trong việc xác định mục tiêu. Cuộc xung đột tháng này không phải lần đầu tiên các lãnh đạo chính trị của Hamas trở thành mục tiêu của Israel.

Israel từng ám sát Yassin và Abdel Aziz Rantisi, một người sáng lập khác của Hamas, năm 2004. Mesha sống sót sau một nỗ lực ám sát của Israel vào năm 1997, khi các đặc vụ của Mossad, cơ quan mật vụ của Israel, đầu độc thủ lĩnh này trên một con phố ở Amman, Jordan, để trả đũa vụ tấn công liều chết vào Israel.

Giới chức Jordan đã bắt các đặc vụ Mossad và dưới áp lực từ chính quyền tổng thống Bill Clinton, Netanyahu đã giao thuốc giải độc và cứu sống Meshal.

"Israel liên tục nhắm mục tiêu vào các lãnh đạo chính trị, nhưng thường tấn công nhiều hơn vào các chỉ huy quân sự của Hamas. Do đó, việc nhắm mục tiêu vào lãnh đạo chính trị chỉ là bước gia tăng áp lực với nhóm này", Byman nói.

Giết Sinwar sẽ "không tạo ra sự khác biệt" đối với Hamas về lâu dài, theo Alsoos. Ông giải thích Hamas là một tổ chức phân cấp nghiêm ngặt và không có truyền thống đi theo một lãnh đạo chính trị như Yasser Arafat của đảng Fatah, người có thể lèo lái tổ chức đi theo con đường mới.

"Không có không gian cho một lãnh đạo như vậy trong nội bộ Hamas, vì tổ chức này luôn đứng trên lãnh đạo của nó", ông nói.

Lãnh thổ Israel - Palestine hiện nay (trái) và do Liên Hợp Quốc đề xuất. Đồ họa: Việt Chung. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.

Lãnh thổ Israel - Palestine hiện nay (trái) và do Liên Hợp Quốc đề xuất. Đồ họa: Việt Chung. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.

Thanh Tâm (Theo Washington Post
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn