Chân dung tiểu vương Dubai bị tố 'cầm tù' Công chúa Latifa

Thứ Sáu, 26 Tháng Hai 202111:00 SA(Xem: 2279)
Chân dung tiểu vương Dubai bị tố 'cầm tù' Công chúa Latifa

Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum là người cai trị Dubai và là phó tổng thống kiêm thủ tướng của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Ở Trung Đông, tỷ phú 71 tuổi này nổi tiếng trong việc giám sát quá trình biến Dubai thành trung tâm kinh tế và du lịch toàn cầu.

Ở những nơi khác trên thế giới, ông Sheikh Mohammed nổi tiếng với tư cách là chủ của trại nuôi ngựa thuần chủng Godolphin.

Con gái ông, Công chúa Latifa, đang trở thành tiêu điểm của truyền thông. Theo lời kể của cô, khi bị cha giam giữ trong biệt thự ở Dubai, cô đã ghi lại video về khoảng thời gian này và cảnh tượng bên trong khu biệt thự.

Video sau đó được BBC công bố và thu hút sự chú ý của công chúng.

Người góp phần kiến thiết Dubai

Ông Sheikh Mohammed sinh năm 1949 tại nhà riêng ở khu trung tâm Shindagha của Dubai. Ông là con thứ ba trong số bốn người con trai của Sheikh Rashid Al Maktoum, người trị vì Dubai trong 32 năm kể từ năm 1958.

Sau khi học xong trung học năm 1965, ông Sheikh Mohammed chuyển đến Vương quốc Anh để học tiếng Anh tại trường ngôn ngữ ở Cambridge.

Chàng trai trẻ Dubai sau đó tham dự khóa huấn luyện 6 tháng tại Trường Sĩ quan Quân đội Anh Mons ở thị trấn Aldershot, hạt Hampshire.

Năm 1968, sau khi trở về Dubai, ông Sheikh Mohammed cùng cha dự cuộc họp với người cai trị Abu Dhabi lúc bấy giờ là Sheikh Zayed Al Nahyan. Tại đây, họ đồng ý thành lập một liên minh, về sau là UAE.

Sau khi UAE giành độc lập từ Vương quốc Anh vào năm 1971, ông Sheikh Mohammed được bổ nhiệm vị trí bộ trưởng Quốc phòng.

Ông đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế Dubai, giúp đưa nước này trở thành trung tâm thương mại và tài chính quốc tế, một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng. Nhờ vậy, nền kinh tế Dubai giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nguồn trữ dầu mỏ đang ngày càng cạn kiệt.

cong chua Dubai anh 2

Những tòa nhà chọc trời là biểu tượng cho sự phát triển của Dubai. Ảnh: Reuters.

Hiện nay, hơn 95% GDP của tiểu vương quốc này không đến từ dầu mỏ, trong đó ngành du lịch đóng góp 20%.

Dân số Dubai cũng đã tăng từ khoảng 40.000 người trong những năm 1960 lên 3,3 triệu người, bao gồm gần 3,1 triệu người nước ngoài.

Năm 1990, ông Sheikh Rashid qua đời do đột quỵ. Kế vị ông là con trai cả Sheikh Maktoum, tức anh trai của ông Sheikh Mohammed.

Năm năm sau, ông Sheikh Maktoum phong em trai Sheikh Mohammed làm thái tử Dubai. Ông cũng giao phần lớn công việc điều hành tiểu vương quốc cho Sheikh Mohammed.

Vào năm 2006, sau khi anh trai qua đời ở tuổi 62 trong chuyến thăm đến Australia, ông Sheikh Mohammed trở thành người cai trị Dubai và phó tổng thống kiêm thủ tướng của UAE.

Dưới sự lãnh đạo của ông, Dubai tiếp tục phát triển nhanh chóng. Năm 2008, tiểu vương quốc này khánh thành tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa, trung tâm thương mại Dubai Mall, và hệ thống tàu điện ngầm Dubai.

Tuy nhiên, những dự án đầy tham vọng như vậy lại phụ thuộc vào vốn vay hàng tỷ USD.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến thị trường bất động sản của Dubai sụp đổ và vào năm 2009. Các công ty liên kết với nước này gần như vỡ nợ.

Khi đó, Abu Dhabi cho chính phủ Dubai vay tiền để vực dậy nền kinh tế.

cong chua Dubai anh 3

Ông Sheikh Maktoum bin Rashid Al Maktoum (trái) và con trai Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum (giữa). Ảnh: AFP.

Ngoài sự nghiệp chính trị, ông Sheikh Mohammed còn nổi tiếng trong lĩnh vực đua ngựa, biến đây trở thành một ngành công nghiệp toàn cầu.

Từ khi còn nhỏ, ông đã cưỡi ngựa trên các bãi biển ở Dubai và sau đó làm quen với môn thể thao này vào năm 1967 tại Anh.

Mười năm sau, ông thành lập đội đua ngựa lớn nhất thế giới Godolphin và thành công nhân giống ngựa đực.

Hiện nay, trại ngựa Godolphin có chi nhánh tại UAE, Anh, Cộng hòa Ireland, Australia, Nhật Bản và Mỹ. Đội đua ngựa này đã chiến thắng 6.000 cuộc đua trên khắp thế giới kể từ năm 1992.

Đời tư gây tranh cãi

Ông Sheikh Mohammed thường xuyên tham dự các sự kiện đua ngựa lớn như Royal Ascot.

Phó tổng thống UAE có chung sở thích về đua ngựa với người vợ thứ 6 của ông. Bà là Công chúa Haya bint Al Hussein, con gái của cố Quốc vương Jordan, ông Hussein. Cặp đôi kết hôn ở Amman năm 2004 và có hai con là Al Jalila và Zayed.

Trong các cuộc phỏng vấn, Công chúa Haya mô tả cuộc sống gia đình mình vô cùng hoàn hảo, nhưng trên thực tế, rạn nứt được cho bắt đầu xuất hiện vào năm 2018.

Khi đó, Công chúa Latifa - con gái lớn của ông Sheikh Mohammed với người vợ khác - cố gắng chạy trốn khỏi UAE với sự giúp đỡ của một cựu điệp viên Pháp và một giáo viên thể hình người Phần Lan.

Chiếc thuyền chở họ bị chặn ngoài khơi bờ biển Ấn Độ. Công chúa Latifa được đưa trở về Dubai.

Trong đoạn video được quay trước đó, cô cáo buộc rằng cô bị nhốt hơn ba năm và bị lạm dụng thể chất sau khi bỏ trốn bất thành vào năm 2002.

cong chua Dubai anh 4

Ông Sheikh Mohammed Al Maktoum giữ dây cương của con ngựa Electrocutionist, sau khi nó vô địch giải đua ngựa Dubai World Cup năm 2006. Ảnh: AFP.

BBC mới đây công bố các video mới do Công chúa Latifa ghi lại sau khi cô bị đưa về Dubai vào năm 2018. Video quay bằng điện thoại bí mật của công chúa này.

Trong video, Công chúa Latifa cho biết cô bị giam giữ một mình mà không được trợ giúp về mặt y tế hoặc pháp lý. Nơi giam giữ là một biệt thự có cửa sổ và cửa ra vào có song sắt, có cảnh sát canh gác.

Vào tháng 4/2019, vợ thứ 6 của ông Sheikh Mohammed, tức Công chúa Haya, cùng các con cũng bỏ trốn khỏi Dubai để đến Anh.

Ông Sheikh Mohammed không bình luận về những bê bối xoay quanh gia đình ông. Tuy nhiên, trên Instagram, ông từng đăng tải bài thơ ông sáng tác, thể hiện sự giận dữ và buộc tội một người phụ nữ giấu tên là "bội bạc và phản bội".

Vào tháng 7/2019, Công chúa Haya nộp đơn lên Tòa án Tối cao Vương quốc Anh ở London, xin được bảo vệ khỏi cuộc hôn nhân cưỡng bức và tình trạng bị lạm dụng tình dục, đồng thời xin quyền giám hộ các con của mình.

Trong khi đó, ông Sheikh Mohammed nộp đơn xin cho những đứa trẻ này trở lại Dubai.

cong chua Dubai anh 5

Công chúa Haya Bint Al-Hussein và chồng, ông Sheikh Mohammed Al-Maktoum tại Royal Ascot vào tháng 6/2010. Ảnh: Reuters.

Tám tháng sau, Tòa án Tối cao Anh đưa ra một loạt phán quyết xác minh sự thật, rằng ông Sheikh Mohammed đã ra lệnh và dàn xếp việc cưỡng chế đưa Công chúa Latifa trở lại Dubai vào năm 2002 và 2018. Ngoài ra, ông được cho là người đứng sau vụ bắt cóc chị gái của Công chúa Latifa là Công chúa Shamsa vào năm 2000.

Năm đó, Công chúa Shamsa chạy trốn khỏi dinh thự của gia đình ở Vương quốc Anh, nhưng bị các đặc vụ của ông Sheikh Mohammed bắt được và đưa về Dubai. Ông cũng từ chối yêu cầu đến Dubai điều tra của cảnh sát Anh.

Tòa án cho rằng phó tổng thống UAE "tước quyền tự do" của hai con gái. Trong khi vợ ông, Công chúa Haya, cũng sống trong sợ hãi về việc bị đe dọa tính mạng do đã ngoại tình với một vệ sĩ.

Ông Sheikh Mohammed kháng cáo phán quyết này, cho rằng mục đích là để "bảo vệ lợi ích và phúc lợi cho bọn trẻ".

“Với tư cách là người đứng đầu chính phủ, tôi không thể tham gia vào quá trình tìm hiểu sự thật của tòa án. Điều này đã dẫn đến việc đưa ra một phán quyết chắc chắn chỉ cho thấy một mặt của câu chuyện”, ông nhấn mạnh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn