Riyad – Washington : Khi Biden khẽ tay hoàng thái tử MBS…

Thứ Tư, 17 Tháng Hai 20217:51 SA(Xem: 3086)
Riyad – Washington : Khi Biden khẽ tay hoàng thái tử MBS…
rfi.fr

Riyad – Washington : Khi Biden khẽ tay hoàng thái tử MBS…

Minh Anh

Ả Rập Xê Út là « một Nhà nước bất hảo », nên có lẽ cần phải « trừng trị ». Và một trong những đòn phạt đầu tiên mà tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra là thông báo tạm ngưng các hợp đồng bán vũ khí cho Ả Rập Xê Út. Đòn « khẽ tay » này dường như đã có tác dụng.

Le Monde (ngày 13/02/2021) trong bài viết đề tựa « Đối mặt với Biden, Riyad cuống cuồng đánh bóng lại hình ảnh », cho biết hoàng thái tử Mohammed Ben Salman (còn được gọi tắt là MBS) có liên tiếp nhiều cử chỉ hướng tới tân chính quyền Mỹ.

Theo tờ báo Pháp, cú khẽ tay của tân chủ nhân Nhà Trắng không chỉ dừng ở đó. Tổng thống Biden còn cho hủy bỏ sắc lệnh đưa nhóm dân quân người Huthi, thân Iran vào danh sách các nhóm khủng bố, một biện pháp mà cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành vài ngày trước khi hết nhiệm kỳ.

Những biện pháp này khiến chính quyền Riyad phải « nhăn nhó, cuống cuồng » tái định vị lại chính sách đối ngoại và có những quyết định « quay ngoắt » chưa từng thấy. Đầu tiên hết, Ả Rập Xê Út vội vã dỡ bỏ các lệnh cấm vận thương mại và ngoại giao đối với Qatar từ đầu tháng Giêng 2021. Lệnh trừng phạt này ban hành từ năm 2017, nhằm buộc Tiểu vương quốc dầu khí phải đoạn tuyệt bang giao với Iran và chấm dứt hậu thuẫn các nhóm Hồi giáo cực đoan trong khu vực.

Quyết định dỡ bỏ nhanh chóng đến mức Qatar không cần phải đánh đổi điều gì. Hành động này không đồng nghĩa với việc căng thẳng giữa Ả Rập Xê Út, Bahrein và Qatar hạ nhiệt. Bằng chứng là chưa bên nào trong ba nước công bố mở lại tòa đại sứ, nhưng máy bay của hãng hàng không Qatar Airway giờ được phép lưu thông trở lại và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh đã có lại một hình ảnh đoàn kết, dù chỉ là vẻ bề ngoài.

Rồi trong vòng hai tháng đầu năm 2021, Ryiad có nhiều động thái trong vấn đề nhân quyền như trả tự do ba công dân song tịch Mỹ - Ả Rập Xê Út, nạn nhân của làn sóng bắt bớ do MBS tiến hành nhắm vào những người bất đồng với đường hướng chính thức ; giảm án tử hình xuống thành 10 năm tù cho ba thành viên tộc người thiểu số Shia vì đã tham gia biểu tình chống chính phủ và hành động mới nhất là trả tự do cho nhà đấu tranh nữ quyền Loujain Al-Hathloul.

« Nhiệm kỳ Obama 3 »

Mọi hành động giải tỏa trên mà không một ai có thể tính tới cách nay vài tháng, cho thấy mức độ căng thẳng của chính quyền Riyad. Bà Cinzia Bianco, nhà nghiên cứu thuộc European Council on Foreign Relations cho rằng « giới lãnh đạo Ả Rập Xê Út lấy làm lo âu, họ xem Joe Biden chẳng khác gì như là nhiệm kỳ Obama thứ 3 ». Bởi vì, trong hai nhiệm kỳ tổng thống Obama, ai cũng biết là quan hệ giữa Washington và Riyad rất xấu.

Ông Ayham Kamel, Trung tâm Nghiên cứu Eurasia đưa ra phân tích : « Các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út đang đối mặt với một hoàn cảnh hoàn toàn mới. Sự rối ren trong quan hệ với Washington không nghiêm trọng như một bất đồng chiến lược. Cũng sẽ không có một sự đoạn tuyệt . Thế nhưng cũng không hẳn là sẽ êm thắm ».

Theo Le Monde, có nhiều nguyên nhân giải thích vì sao nguyên thủ Mỹ muốn xem xét lại mối quan hệ Mỹ - Ả Rập Xê Út. Thứ nhất là trong vấn đề nhân quyền. Ông Biden không quên được vụ sát hại dã man nhà báo Khashoggi hồi tháng 10 năm 2018. Bất chấp việc CIA khẳng định vai trò của hoàng thái tử « MBS » trong vụ việc này, nhưng mối quan hệ thân mật giữa Donald Trump và « MBS » đã dẫn đến việc nhà tỷ phú Mỹ bỏ qua vụ việc.

Thứ hai, giới lãnh đạo Ả Rập Xê Út có thái độ bám chặt lấy Donald Trump dù rằng thất bại của ông Trump là không thể chối cãi. Cứ như họ mong đợi một đòn công kích sau cùng từ cựu tổng thống Mỹ nhắm vào địch thủ Iran, trước khi có chuyển giao quyền lực. Hoặc họ lo sợ rằng trong tương lai nhà tỷ phú Mỹ có thể tái tham gia cuộc bầu cử tổng thống 2024 hoặc vào lúc đó, cựu ngoại trưởng Mike Pompeo lại là ứng cử viên..

« Sự khôn ngoan của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất »

Sự ngoan cố này của Riyad trái ngược hẳn với thái độ khôn ngoan của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE). Tiểu vương quốc này đã biết chuẩn bị cho khả năng ông Biden thắng cử và những thay đổi trong chính sách đối ngoại Mỹ.

Le Monde nhắc lại trong khoảng năm 2018-2019, khi nhiều bài viết báo chí cáo buộc họ có giao tiếp với những phe dân quân thánh chiến người Yemen bắt đầu xuất hiện và khi các báo cáo của các tổ chức phi chính phủ lên án họ có can dự vào tai biến nhân đạo phá hủy vùng di tích cổ Nam Ả Rập (lãnh thổ Yemen ngày nay), các nhà lãnh đạo của UAE hiểu ra rằng đã đến lúc phải thoái lui khỏi cuộc chiến « bẩn thỉu »  và đang trở thành một thách thức cho nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.

Chính quyết định rút một phần lớn lực lượng vào tháng 7/2019 đã giúp cho UAE tránh bị chỉ trích trong lĩnh vực này. Nhưng đáng chú ý nhất là thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel đạt được mùa hè năm 2020 đã giúp cho UAE tránh được mọi áp lực từ phía Mỹ, cho dù bản tổng kết về nhân quyền của tiểu vương quốc này cũng không khá gì hơn so với Ả Rập Xê Út. Mohammed Ben Zayed, nhân vật quyền lực của UAE đủ thông minh hiểu rằng không nên đến dự lễ ký kết thỏa thuận ở Nhà Trắng hồi tháng 9/2020 như thể không muốn cho thấy quá gần gũi với Donald Trump.

Ngược lại, MBS giờ đang phải trả giá do việc Joe Biden quyết tâm đoạn tuyệt với di sản của người tiền nhiệm và nối lại với một chính sách ngoại giao « các giá trị ». Thứ Tư, 10/02, khi đến thăm bộ Quốc Phòng, chủ nhân phòng Bầu Dục đã mỉa mai lạnh lùng bình luận về việc trả tự do cho nhà đấu tranh vì nữ quyền, bà Loujain Al-Hathloul : « Đó là việc nên làm ».

Nhà nghiên cứu Cinzia Bianco đánh giá : « Quyết định trả tự do này vẫn sẽ chưa đủ để Ả Rập Xê Út có lại được những ưu đãi của Nhà Trắng. Nhưng họ cũng chưa hẳn hết hy vọng. Hiện tại họ đang cân nhắc nhiều giải pháp. Các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út cho rằng họ vẫn còn có nhiều cách để vượt trở ngại ». Nhiều cử chỉ hòa giải hơn với Israel, cam kết mở cửa cho đa tôn giáo… là những khả năng mà hoàng thái tử « MBS » nhắm đến.

Báo cáo của CIA

Le Monde lưu ý bản báo cáo của CIA là một trong những ẩn số đang đè nặng lên mối quan hệ giữa Riyad với Washington. Cuối tháng Giêng năm 2021, trong phiên điều trần trước Thượng Viện, bà Avril Haines, được Joe Biden đề cử vào vị trí Giám đốc Tình báo Quốc gia, có tuyên bố rằng nếu được bổ nhiệm, bà sẽ cho công bố báo cáo của CIA về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi xảy ra tháng 10/2018.

Tài liệu này quy trách nhiệm cho hoàng thái tử MBS nhưng chính quyền Donald Trump đã từ chối cho giải mật. Avril Haines, từng là nhân vật số hai của CIA, đã được chính thức bổ nhiệm. Giới quan sát tự hỏi liệu giờ tổng thống Biden sẽ giữ lời hứa đó hay không và bản báo cáo sẽ được công bố toàn phần hay là bị mất đi vài đoạn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn