Những lần thay đồng minh như thay áo của Thổ Nhĩ Kỳ ( Thằng này, với Duterte và Putin chơi với nhau được )

Thứ Sáu, 02 Tháng Hai 20186:41 SA(Xem: 6388)
Những lần thay đồng minh như thay áo của Thổ Nhĩ Kỳ ( Thằng này, với Duterte và Putin chơi với nhau được )

Nằm ở vị trí chiến lược, Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên thay đổi đồng minh tùy theo lợi ích an ninh, chính trị của mình.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Anadolu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Anadolu.

Được mô tả trong Kinh thánh là "vùng đất nằm giữa giao lộ", Thổ Nhĩ Kỳ có vị thế địa chính trị chiến lược, được bao quanh bởi Địa Trung Hải, Biển Đen, Biển Aegean cùng 8 quốc gia Trung Đông, châu Âu và vùng Caucasus. Đây được coi là lý do nhiều cường quốc thế giới và quốc gia láng giềng muốn làm bạn với đất nước có nền kinh tế, quân sự hùng mạnh nhất Trung Đông này.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy những lần xây dựng đồng minh của Ankara cũng nhiều như những lúc họ bỏ rơi những người bạn, đồng minh cũ, theo Trumpet.

Israel và Jerusalem

Mustafa Kemal Ataturk, "cha đẻ của người Thổ", sáng lập đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại vào năm 1923. Ông lập nên quốc gia này như một nhà nước thế tục hướng tới phương Tây, áp dụng các nguyên tắc phương Tây trong điều hành, dù 99,8% dân số Thổ Nhĩ Kỳ là người Hồi giáo.

Năm 1949, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia người Hồi giáo chiếm đa số đầu tiên công nhận Nhà nước Israel. Năm 1996, họ cũng là nước đầu tiên trong thế giới Hồi giáo ký hiệp định thương mại tự do với Israel.

Tuy nhiên, mối quan hệ hữu nghị này dần thay đổi kể từ khi ông Recep Tayyip Erdogan lên nắm quyền, với tư tưởng thiên về Hồi giáo và ủng hộ lập trường của người Palestine. Từ năm 2003 đến nay, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đổi chiều liên tục, với những sự cố làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin giữa hai bên.

Vụ việc tiêu biểu trong số đó diễn ra vào năm 2010, khi Thổ Nhĩ Kỳ điều một đội tàu cứu trợ tới Dải Gaza để hỗ trợ cho những người Palestine đang bị Israel phong tỏa đường biển. Đặc nhiệm Israel đã đột kích vào đoàn tàu cứu trợ, khiến 9 nhân viên Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó cắt quan hệ ngoại giao với Israel trong 6 năm và chỉ ký thỏa thuận hòa giải để nối lại quan hệ vào tháng 6/2016.

Vị thế chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Đồ họa: RAND.

Vị thế chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Đồ họa: RAND.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối năm ngoái thông báo công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhanh chóng tuyên bố rằng quyết định này của Trump đã biến Mỹ thành "đồng lõa trong cuộc đổ máu" ở Jerusalem do Israel gây ra. Ông khẳng định Jerusalem là "giới hạn đỏ của người Hồi giáo" và đe dọa sẽ một lần nữa cắt quan hệ ngoại giao với Israel.

Với việc ông Erdogan tuyên bố Israel là một "nhà nước khủng bố" và khẳng định người Palestine "đã bị chiếm đóng từ năm 1947", quan hệ hữu nghị giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel một lần nữa lại đứng trên lằn ranh mỏng manh.

Nga và Iran

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các cường quốc xung quanh gồm Nga và Iran cũng trải qua những giai đoạn thăng trầm, thậm chí là kịch tính.

Khi Nga tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria để bảo vệ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối gay gắt. Ankara muốn lật đổ chính quyền của ông Assad và tạo điều kiện để liên quân do Mỹ đứng đầu sử dụng các căn cứ quân sự trong nước để tiến hành chiến dịch không kích ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ còn hậu thuẫn cho Quân đội Syria Tự do (SFA), nhóm nổi dậy tìm cách lật đổ chính quyền Damascus.

Căng thẳng giữa Moscow và Ankara lên đến đỉnh điểm khi tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cường kích Su-24 Nga ở phía bắc Syria vào tháng 11/2015. Nga đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí triển khai các hệ thống phòng không hiện đại nhất tới Syria, liên tục theo dõi các chiến đấu cơ hoạt động trên đất Thổ.

Nhưng sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016, cục diện thay đổi khi quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ xấu đi. Ankara cáo buộc Washington ủng hộ giáo sĩ âm mưu đảo chính, trong khi Mỹ chỉ trích chiến dịch thanh trừng hậu đảo chính của ông Erdogan. Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách "làm lành" với Nga, bắt đầu bằng việc xin lỗi về vụ bắn rơi cường kích Su-24.

Thổ Nhĩ Kỳ sau đó tích cực ủng hộ chính sách của Nga đối với vấn đề Syria, tham gia tích cực vào hội nghị hòa bình ở Kazakhstan hồi tháng 9/2017 để xây dựng liên minh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ - Iran và nhất trí đảm bảo một thỏa thuận ngừng bắn để thành lập 4 vùng giảm căng thẳng ở Syria.

Tổng thống Nga Putin (trái) trò chuyện cùng ông Erdogan. Ảnh: Moscow Times.

Tổng thống Nga Putin (trái) trò chuyện cùng ông Erdogan. Ảnh: Moscow Times.

Tuy nhiên, theo chuyên gia về địa chính trị Jacob Shapiro, liên minh ba bên này được xây dựng trên những lợi ích hoàn toàn khác nhau của mỗi bên, khiến nó không bền vững và dần tan rã. Hôm 9/1, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập đại sứ Nga và Iran để bày tỏ sự tức giận không chỉ với việc hai nước này không giảm bớt được xung đột trong các khu vực giảm căng thẳng, mà còn ủng hộ quân đội Syria tấn công các ngôi làng do quân nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở tỉnh Idlib.

Trước đó, Nga cũng ám chỉ rằng nhóm nổi dậy này đã dùng máy bay không người lái để tập kích căn cứ Hmeymim của Nga ở Syria. Shapiro cho rằng những mâu thuẫn kiểu này dần dần sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ xa rời Nga và Iran.

Mỹ và NATO

Cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua ở Syria đã gây ảnh hưởng nặng nề đến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây, đặc biệt là với Mỹ. Tuy nhiên, trong lịch sử, hai nước từng trải qua những giai đoạn rất "mặn nồng".

Năm 1951, Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO với sự ủng hộ tích cực của Mỹ và trở thành tiền đồn quan trọng của phương Tây để chống lại ảnh hưởng của Liên Xô cũng như mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Ankara cũng nhận được nhiều hỗ trợ về quốc phòng, an ninh từ Washington, trong khi Mỹ thường xuyên sử dụng các căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng quan hệ đồng minh gắn bó này dần sứt mẻ vì nhiều lý do, đặc biệt là sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016, cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ ủng hộ dân quân người Kurd ở Syria, vốn bị Ankara coi là một nhánh của tổ chức khủng bố Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Cuối tháng 12/2017, Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua tên lửa S-400 của Nga, bất chấp sự phản đối từ Mỹ và các thành viên khác trong NATO. Trang National Interest gọi hợp đồng mua S-400 này của Thổ Nhĩ Kỳ là "yếu tố thay đổi cuộc chơi ở Trung Đông".

Mỹ khẳng định sẽ không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tích hợp S-400 vào mạng lưới phòng thủ chung của NATO vì lo ngại về an ninh mạng. Ông Erdogan đáp trả rằng Ankara sẽ không phụ thuộc vào chiếc ô bảo vệ của NATO và tuyên bố "Chúng tôi tự lo được cho mình".

Quan hệ đồng minh này một lần nữa bị thử thách vào ngày 14/1, khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố kế hoạch xây dựng một "lực lượng biên giới" 30.000 người ở phía bắc Syria, với nòng cốt là dân quân người Kurd. Kế hoạch này vấp phải phản ứng dữ dội từ Ankara, khi ông Erdogan cho rằng Mỹ đang hậu thuẫn cho "khủng bố" và đe dọa sẽ nghiền nát lực lượng này trước khi được thành lập.

Một tuần sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự tấn công người Kurd ở miền bắc Syria. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ giành được nhiều thắng lợi, liên tiếp đẩy lùi dân quân người Kurd ra khỏi nhiều vùng kiểm soát, trước sự "quan ngại sâu sắc" của Mỹ và cái nhắm mắt làm ngơ của Nga.

Theo bình luận viên Anthony Chibarirwe, vị thế chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc nước này phải luôn tìm cách cân bằng quan hệ với các nước láng giềng và đồng minh. Bởi vậy, với những gì đang diễn ra ở khu vực Trung Đông, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Ankara tiếp tục bỏ rơi đồng minh cũ, xây dựng tình bạn mới trong tương lai.

Trí Dũng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn