Quyền lực và thiên chức

Thứ Bảy, 10 Tháng Hai 201810:00 CH(Xem: 5068)
Quyền lực và thiên chức

Chỉ vài giờ sau khi đắc cử lãnh đạo Công Đảng New Zealand vào tháng 8-2017, bà Jacinda Ardern bị tới 2 người dẫn chương trình truyền hình đặt câu hỏi về kế hoạch lập gia đình. Trong đó, một câu hỏi thậm chí muốn biết cụ thể rằng liệu có chấp nhận thủ tướng một quốc gia đang cầm quyền mà lại nghỉ thai sản hay không.

Hiếm thấy

"Hoàn toàn không thể chấp nhận được khi năm 2017 rồi mà còn đặt câu hỏi như vậy với phụ nữ đi làm. Khi nào lựa chọn có con là quyết định của phụ nữ và điều đó không nên ảnh hưởng đến việc theo đuổi sự nghiệp" - nữ lãnh đạo đối đáp. Tháng 10 năm đó, nữ thủ lĩnh Công Đảng 37 tuổi trở thành thủ tướng trẻ nhất New Zealand trong hơn 1 thế kỷ. Và hôm 19-1, bà thông báo sắp có thêm một vai trò mới - làm mẹ. Nữ thủ tướng cùng người bạn đời Clarke Gayford sẽ chào đón đứa con đầu lòng vào tháng 6 tới.

Bà Ardern không phải nữ lãnh đạo đầu tiên mang thai khi đang tại nhiệm song trong lịch sử thế giới, những trường hợp như vậy cũng cực kỳ hiếm hoi. Gần 30 năm trước, Thủ tướng Pakistan lúc đó - bà Benazir Bhutto - đã sinh hạ cô con gái Bakhtawar vào ngày 25-1-1990 và trở thành người đứng đầu chính phủ hiện đại đầu tiên sinh con khi đang tại nhiệm. Đứa con đầu lòng của bà Bhutto, Bilawal, sinh ngày 21-9-1988, chỉ vài tháng trước khi bà nhậm chức vào tháng 12-1988. "Nhóc tì" thứ ba, Aseefa, cũng mới vài tháng tuổi khi bà Bhutto trúng cử lần thứ hai hồi tháng 10-1993. Nữ lãnh đạo được mệnh danh là "bà đầm thép" này bị ám sát vào tháng 12-2007.

Ngoài ra, ở chừng mực nào đó có thể kể tới Nữ hoàng Elizabeth II đang trị vì nước Anh hơn 65 năm qua. Hai trong số 4 người con của bà chào đời sau khi bà lên ngôi năm 1952, đó là các hoàng tử Andrew và Edward. Ngược dòng lịch sử về xa hơn, Nữ hoàng Anh Victoria sinh nở tổng cộng 9 lần kể từ khi ngồi ngai vàng từ ngày 20-6-1837.

Dù nữ thủ tướng trẻ tuổi của New Zealand có thể không phải là người đầu tiên có con trong khi đang điều hành một đất nước nhưng bà có thể là người duy nhất trong các nữ lãnh đạo ngày nay sắp sinh con. Nữ Thủ tướng Anh Theresa May (61 tuổi) từng thổ lộ với Telegraph rằng bà không thể có con. Thủ tướng Iceland Katrin Jakobsdottir (41 tuổi) đã có 3 cậu con trai trước khi ngồi vào chiếc ghế quyền lực.

Trong khi đó, một nữ lãnh đạo khác gần với độ tuổi của thủ tướng New Zealand hơn, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic, cũng chưa có dấu hiệu sinh con. Trên thế giới cũng còn rất nhiều bóng hồng quyền lực khác, như Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid (46 tuổi), Tổng thống Peru Mercedes Rosalba Aráoz Fernández (56 tuổi), Tổng thống Singapore Halimah Yacob (54 tuổi)... đều không sinh con trong thời gian nắm quyền.

Quyền lực và thiên chức - Ảnh 1.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cùng người bạn đời Clarke Gayford hạnh phúc thông báo tin vui với báo giới Ảnh: SKY NEWS

Truyền cảm hứng

"Tôi không phải người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm nhiều vị trí. Tôi không phải người phụ nữ đầu tiên đi làm và có em bé" - Thủ tướng New Zealand nói trong cuộc họp báo hôm 19-1. Theo tờ The Washington Post (Mỹ), nữ thủ tướng thừa nhận việc bà có thai là ngoài dự kiến nhưng rất tuyệt vời. Bà và người đàn ông gắn bó từ lâu rõ ràng muốn được làm cha mẹ. Thế nhưng, một khi trở thành lãnh đạo lèo lái cả một quốc gia, những kế hoạch như vậy đã được tạm gác sang một bên.

Bà Ardern nói mang thai sẽ không cản trở việc lãnh đạo cũng như những mục tiêu của bà với đất nước. Nữ thủ tướng có kế hoạch nghỉ thai sản 6 tháng đúng như quy định và trong khoảng thời gian đó, Phó Thủ tướng Winston Peters sẽ đảm trách nhiệm vụ của bà. Theo báo giới địa phương, thông báo có thai của bà Ardern cùng những cam kết rõ ràng về việc tiếp tục công việc như bình thường đang thúc đẩy một làn sóng ủng hộ từ những lãnh đạo nữ và các nhóm nữ quyền. Đối với nhiều nữ giới trên khắp thế giới, bà Ardern đã mang lại một hình mẫu quyền lực, cho thấy một phụ nữ không cần phải chọn lựa giữa làm mẹ hay vị trí lãnh đạo.

"Mỗi phụ nữ hẳn nên lựa chọn gắn kết cả gia đình và sự nghiệp" - cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark viết trên Twitter. Trong khi đó, nữ lãnh đạo Scotland Nicola Sturgeon chia sẻ: "Đây trước hết là khoảnh khắc cá nhân đối với cô ấy (Ardern) nhưng nó cũng giúp chứng minh cho những phụ nữ trẻ rằng không phải cứ nắm giữ những vị trí lãnh đạo là rào cản đối với khát vọng có con".

Trên thực tế, các nữ chính trị gia đối mặt với không ít thách thức khi thực hiện thiên thức làm mẹ. Hồi tháng 11-2017, nữ nghị sĩ Nhật Bản Yuka Ogata đưa con trai mới 7 tháng tuổi đến một cuộc họp của Hội đồng TP Kumamoto nhằm nhấn mạnh các vấn đề mà phụ nữ phải đối mặt nơi công sở. Thế nhưng, bà bị các nghị sĩ khác yêu cầu ra khỏi phòng. Nữ nghị sĩ được vào họp sau khi gửi con cho một người bạn. Hành động của bà Ogata đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi, trong đó những người ủng hộ ca ngợi bà dũng cảm, còn những người phản đối chê trách việc đưa một đứa trẻ đến nơi làm việc chẳng có gì hay ho.

Trong khi đó, trước khi các luật lệ của quốc hội Úc được thay đổi vào năm 2016, những nhà lập pháp nữ nước này không được chăm sóc trẻ sơ sinh trong phòng họp, việc cho con bú chốn nghị trường bị cấm và những phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ có thể ủy quyền bầu cử cho thành viên khác trong quốc hội. Sau khi luật lệ thay đổi, Thượng nghị sĩ Queensland Larissa Waters - đồng Phó Chủ tịch Đảng Xanh của Úc - đã làm nên lịch sử khi trở thành người đầu tiên cho con bú tại cuộc họp quốc hội hôm 9-5-2017. 

ĐỖ QUYÊN

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn