Vấn đề Trung Quốc là thất bại lớn nhất trong thời đại của bà Angela Merkel

Thứ Ba, 22 Tháng Chín 20208:00 SA(Xem: 4128)
Vấn đề Trung Quốc là thất bại lớn nhất trong thời đại của bà Angela Merkel

Thủ tướng Đức đã đặt các thỏa thuận thương mại tiềm năng cao hơn các giá trị đạo đức, nhưng bà không chỉ có một mình.

Tác giả Andreas Fulda, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Châu Á của Đại học Nottingham – Anh Quốc hôm 15/9 đã có bài bình luận đăng trên tờ Foreign Policy. Sau đây là bản lược dịch bài viết:

Thủ tướng Angela Merkel đã nói rõ rằng sẽ từ chức sau cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Đức vào mùa thu năm 2021. Khi đó, bà Merkel sẽ có số năm cầm quyền tương đương với cựu thủ tướng Helmut Kohl (16 năm), người mở đường cho việc thống nhất Tây Đức và Đông Đức.

Tương tự ông Kohl, bà Merkel muốn để lại một thành tựu ấn tượng không kém, lần này là ở phương diện quan hệ của Đức với Trung Quốc, nơi bà đã đến thăm 12 lần trong thời gian giữ chức thủ tướng của mình – nhưng các hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại đang chống lại ý muốn của bà.

Nhiều thông tin cho rằng bà Merkel muốn rời khỏi chính trường với hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu-Trung Quốc mang tính bước ngoặt ở Leipzig, nơi bà theo học ngành vật lý tại Đại học Các Mác vào giữa những năm 1970. Bà Merkel đã đặt hy vọng vào việc ký kết một hiệp ước đầu tư lịch sử, sẽ làm công bằng sân chơi cho các doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc. Nhưng chuyện lại không diễn ra theo ý muốn. Do đại dịch COVID-19, nó đã được rút gọn thành một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến kéo dài một ngày .

Cuộc họp báo trên truyền hình sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai giờ đã cung cấp những góc nhìn đáng chú ý về cách tiếp cận của bà Merkel đối với Trung Quốc. Trong bài phát biểu dài 6 phút của mình, bà Merkel đã nói về Hồng Kông, người thiểu số [Duy Ngô Nhĩ] và nhân quyền chỉ trong 10 giây. Bà thủ tướng với sự nghiêm nghị đặc trưng đã tỏ ra sôi nổi hơn nhiều khi nói về cơ hội lớn trong việc bán rượu và bia của Đức tại thị trường Trung Quốc, theo sau thỏa thuận giữa EU và Trung Quốc về chỉ dẫn địa lý, vốn chiếm đến nửa phút trong tuyên bố của bà.

Không một ngày nào trôi qua mà không có báo cáo về cuộc diệt chủng của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ. Điều này hẳn phải là quan trọng ở một quốc gia mà giá trị chủ đạo là “không bao giờ lặp lại” [sai lầm diệt chủng của phát xít]. Phong trào dân chủ can đảm của Hồng Kông đã bị đàn áp với sự hỗ trợ của cái gọi là luật an ninh quốc gia hà khắc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đe dọa một Đài Loan dân chủ và tự do bằng việc thôn tính quân sự. Và bất chấp bằng chứng rõ ràng về sự tàn bạo độc tài của ĐCSTQ, bà Merkel không sẵn lòng thực hiện những thay đổi thậm chí mang tính thẩm mỹ đối với cách tiếp cận theo chủ nghĩa trọng thương của Đức đối với Trung Quốc .

Vấn đề không chỉ nằm ở bà Merkel. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Politico hồi giữa tháng 7, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã tái khẳng định niềm tin vào chính sách “thay đổi thông qua thương mại” của Đức khi nói: 

“Tôi luôn bị thuyết phục và tôi vẫn tin rằng có thể đạt được sự thay đổi [đối với cách hành xử của Trung Quốc] thông qua thương mại”. Để chứng minh cho tuyên bố của mình, ông đề cập đến cách tiếp cận can dự trước đây của Tây Đức đối với Đông Âu.

Một thực tế dường như không quan trọng lắm đối với ông là một Liên Xô đang sa sút về kinh tế thời đó khó có thể so sánh với chủ nghĩa tư bản thân hữu do nhà nước lãnh đạo của Trung Quốc vào thời điểm hiện tại. Nhưng vì Altmaier trước đây là chánh văn phòng của Merkel, nên quan điểm của ông có sức nặng. Trong cuộc phỏng vấn đó, ông cũng bác bỏ những lời chỉ trích việc giao thương thương mại của Đức với một Trung Quốc ngày càng độc tài khi nói rằng, “Chúng tôi có quan hệ thương mại với nhiều khu vực trên toàn cầu, bao gồm trong nhiều trường hợp, với cả các quốc gia có nhận thức về nhân quyền khác biệt so với nước Đức chúng tôi”.

Tại sao phải mất quá nhiều thời gian để chính phủ Đức từ bỏ chính sách thay đổi Trung Quốc thông qua thương mại đã thất bại của bà Merkel? Khi nói đến Trung Quốc, chính phủ Đức đã chủ yếu tham gia vào xúc tiến thương mại nước ngoài, trong đó để khu vực tư nhân dẫn dắt. Điều đó giải thích cho các chính sách đối ngoại mang nặng tính chủ nghĩa nghiệp đoàn.

Điều này làm cho việc thay đổi chính sách đối ngoại thông qua các phương tiện lập pháp trở nên khó khăn hơn nhiều. Vì chính phủ Đức về cơ bản đã để sách đối ngoại của mình cho khu vực tư nhân. Điều đó cũng có nghĩa là tuyên truyền của doanh nghiệp luôn xuất hiện nhiều trong các bài diễn thuyết trước công chúng Đức về Trung Quốc.

Để biện minh cho thương mại và đầu tư với một Trung Quốc độc tài, các nhà vận động hành lang doanh nghiệp trong nhiều thập kỷ đã thổi phồng tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu truyền thống của Đức.

Trong các chuyến thăm thường xuyên của họ tới Trung Quốc, các chính trị gia cấp cao của Đức bao gồm cựu Thủ tướng Kohl, Gerhard Schröder và Merkel đã cung cấp các hình mẫu truyền thông cho những ngôn luận một chiều như vậy. Bằng cách ký kết các thỏa thuận thương mại và đầu tư trong chuyến thăm Bắc Kinh, họ đã tạo ra ấn tượng rằng Đức phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. 

Thật là trớ trêu khi số liệu thống kê của chính phủ tiết lộ rằng trong năm 2018, Trung Quốc chỉ đứng thứ ba (7,1%), sau Hoa Kỳ (8,7%) và Châu Âu (68,5%) trong tổng xuất khẩu của Đức. Như thường lệ, lời hứa về một thị trường Trung Quốc phần lớn là ảo tưởng cách khá xa thực tế.

Truyền thông Đức thường khuếch đại một cách phi lý những tuyên truyền của doanh nghiệp như vậy. Gần đây tôi đã thảo luận vấn đề này với một chuyên gia truyền thông Đức. Trong cuộc trò chuyện, tôi thấy rõ rằng tư duy nhóm đã góp phần vào lối làm việc khá đáng tiếc của các nhà báo. Thay vì thách thức các ngôn luận chủ lưu, tất cả các nhà báo thường bổ sung một cách tùy tiện và thiếu cân nhắc lối nói kiểu như “thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức” vào các báo cáo liên quan đến Trung Quốc của họ. Như các số liệu thống kê của chính phủ đã đề cập trước đây cho thấy, châu Âu cho đến nay mới là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Đức.

Chính sách Trung Quốc đã lỗi thời của Đức sẽ chỉ thay đổi nếu các chính trị gia và nghị sĩ khẳng định lại vai trò trung tâm của nhà nước và củng cố cả an ninh dân chủ lẫn chính sách công nghiệp. Chuyên gia Didi Kirsten Tatlow từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức gần đây đã chỉ ra rằng:

“Châu Âu có thể bảo vệ lợi ích của mình bằng cách chống lại các thông tin sai lệch, kiểm toán và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, xây dựng các liên minh đáng tin cậy, sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài, dán nhãn minh bạch các nguồn thông tin mang tính tuyên truyền, chặn đứng hoạt động của Mặt trận Thống nhất [của chính quyền Trung Quốc], cấm công nghệ Trung Quốc và coi trọng vấn đề an ninh mạng”. Việc tuân theo những lời khuyên đúng đắn như vậy sẽ đòi hỏi ý chí chính trị, điều mà Berlin ngày nay rất tiếc là đang thiếu hụt.

Cũng cần phải điều chỉnh tốt hơn việc vận động hành lang của các doanh nghiệp. Đó là một bí mật mở trong nền kinh tế chính trị tập thể của Đức, rằng chính trị và công nghiệp gắn bó sâu sắc với nhau. Điều này càng làm cho việc tạo ra sự minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn, ví dụ như dưới hình thức đăng ký vận động hành lang tại Quốc hội Đức. Nếu các tập đoàn tác động đến chính sách đối ngoại của Đức đối với Trung Quốc, thì công chúng có quyền biết tác giả của nó là ai. 

Các học giả và nhà báo nên đóng vai trò của họ bằng cách vạch trần các tuyên truyền của chính phủ và doanh nghiệp vốn vẫn thường hay thổi phồng tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức.Và cuối cùng, công dân Đức nên lưu ý đến chính sách chuyển dịch sang chế độ toàn trị ở Trung Quốc của ông Tập, và yêu cầu chấm dứt chính sách “thay đổi Trung Quốc thông qua thương mại” đã thất bại của Đức hiện nay.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Ba, 22 Tháng Chín 20206:53 CH
Khách
Khi tau khong dap lai nhung y muon cua ba ta,ma von di ba ta da co muc tieu de neu danh su sach . Thi cuc chang da,ba ta phai quay lai va nhap bon voi nhung nguoi doi nghich voi tau cong. Truoc do,ba ta da nhieu lan di dem va dam ngang hong My,chi khi My da chinh thuc rut quan,danh kinh te,ba ta moi bi khuat phuc vi khong con duong nao khac.Phap cung mot phe voi Duc,gio thi Phap co ve van va cung phai tro ve voi Dong minh thoi,Nhung dua cung duong nay,My cung nen can than vi cung da co nhieu cu da gio lai ngang xuong roi !
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn