GS Vũ Quốc Thúc Vững Vàng Trải Qua Thời Biến

Thứ Ba, 15 Tháng Chín 20202:00 CH(Xem: 4373)
GS Vũ Quốc Thúc Vững Vàng Trải Qua Thời Biến

Chiều 14/08/2020 giữa mùa hè nóng nực, trong đêm tối, ngôi sao Sirius (Thiên lang – Canicule) sáng rực trên nền trời oi bức, chúng tôi đến thăm GS Vũ Quốc Thúc tại nhà riêng ở Nanterre. Thời gian cách ly vừa qua phải chăng đã là một ‘‘thời biến’’ (時 變) khắp nơi trên thế giới, như tựa đề cuốn hồi ký của GS Thúc ? Tuy đã ngoài trăm tuổi, Thầy Thúc vẫn minh mẫn, giọng nói sang sảng nói lên một sức sống mãnh liệt. Thầy chính là kẻ sĩ thời nay, luôn ưu thời mẫn thế :

Khí hạo nhiên chí đại chí cương

So chính khí đã đầy trong trời đất.

Trong thời buổi cách ly mà thầy luôn quan tâm đến vận nước :

Vũ trụ chi gian giai phận sự, nam nhi đáo thủ thị hào hùng.

(Tất cả mọi việc trong vũ trụ đều là phận sự của mình

Như thế nam nhi mới có tài xuất chúng).

Thầy là hiện thân của cây tùng (五鬚松 ), được nói trong cổ văn :

松柏常青 : Tùng bách thường thanh (tùng bách lúc nào cũng xanh tươi).

Bìa sau hồi ký Thời Đại Của Tôi : Đời Tôi Trải Qua Các Thời Biến do Người Việt xuất bản năm 2010, GS Trần Văn Ngô đã tóm lược tiểu sử của GS Thúc như sau : ‘‘GS Thúc sinh năm 1920 tại thành phố Nam Định’’.

Tính đến năm 2020 là tuổi đại thọ bách niên của vị trưởng lão có công đào tạo nhiều thế hệ sĩ phu nước Việt, từ Trường Luật Hà Nội (1951-1954), Trường Luật Saigon (1957-1963), Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (1954-1975), Trường Chính Trị Kinh Doanh Đại Học Đà Lạt (1964-1965), sau cùng là Đại Học Paris XII (1978-1988).

Thầy sinh năm 1920 (Canh Thân). Năm 2019 (Kỷ Hợi) viên tròn bách niên. Năm ngoái, đại gia đình của Thầy từ nhiều nước đã tề tựu, mừng Thượng Thọ của Thầy. Lúc đó, tôi có đôi lời kính chúc như sau :

‘‘Sinh nhật trăm tuổi (16/09/2019) của GS Vũ Quốc Thúc nhằm rằm tháng tám năm Kỷ Hợi (13/09/2019), tuy xê xích ba ngày nhưng vẫn là ánh trăng rằm. Thầy trò cùng nhấp chén trà quê hương, trong khi chúng tôi ngâm nga hai câu thơ trong bài Mạn Hứng (漫興) của Nguyễn Trãi để chúc thọ thầy :

Cố sơn tạc dạ triền thanh mộng

故 山 昨 夜 纏 清 夢

Nguyệt mãn Bình Than tửu mãn thuyền

月 滿 平 灘 酒 滿 船

Trăm năm là một con thuyền ‘‘trải qua các thời biến’’, như tựa cuốn hồi ký của thầy xuất bản cách nay đúng 10 năm (2009). Thuyền bách niên chuyên chở bao nhiêu nỗi u hoài thế sự, đến năm thứ 100 còn ngập ánh hào quang :

Thuyền trôi vẫn quyến sao đêm

Hào quang vẫn ngủ êm đềm trong mơ.

Vũ Hoàng Chương 

Trên bình diện nhân sinh, hào quang của bậc thầy đào tạo các môn sinh lúc nào cũng sáng tỏ. Trên bình diện quốc gia, hào quang bừng sáng, mai này sẽ đem lại tự do, no ấm cho dân tộc. Thầy luôn vững tin vào tương lai đất nước :

Càn khôn ký bĩ nhi phục thái

乾 坤 既 否 而 復 泰,

Nhật nguyệt ký hối nhi phục minh.

日月 既 晦 而 復 明 。

(Càn khôn bỉ rồi lại thái

Nhật nguyệt hối rồi lại minh.)

Nguyễn Trãi

Hai ý nghĩa Thuyền Trăng (để chỉ thời gian) và Thụ Nhân (không gian) gom lại thành bài thơ chúc thọ GS Vũ Quốc Thúc như sau :

Thuyền Trăng

Thuyền trăng chở mãi đến trăm năm

Nợ nước lo tròn chẳng bận tâm

Chính Trị Kinh Doanh trường đại học

Kinh Bang Tế Thế quyết cùng làm

Trồng Người bách niên mà không mệt *

Tuổi hạc da mồi trí vẫn chăm

Tấm thân mòn mỏi, hồn minh mẫn

Thanh bình thịnh trị chẳng bao lăm !

Paris, 16/09/2019

* hối nhân bất quyện (誨 人 不 倦).

Năm nay, thầy 100 tuổi, tính theo dương lịch. Thầy mừng bách niên, tùng bách kiên vững như bàn thạch. Kính mừng sinh nhật bách niên của Thầy giữa mùa dịch bệnh, tôi có bài thơ như sau :

Tùng Bách Vĩnh Sanh (松柏永青)

Trong mùa đại dịch khắp đông tây

Bệnh tật tràn lan cảnh đọa đầy

Hiện thân tùng bách trong ly loạn

Giông bão cuộc đời chẳng chuyển lay

Cây tùng bách niên còn xanh mướt

Vận nước ưu tư chẳng đổi thay

Đại thọ là đây mùa dịch bệnh

Con dân nước Việt sẽ sum vầy.

Paris, ngày 14/08/2020

Ý kiến bạn đọc
Thứ Sáu, 18 Tháng Chín 20207:30 SA
Khách
Hi hi có lẽ hai bài thơ của bác Lê đình Thông làm theo thơ tám câu 7 chữ tự do, chứ không theo thể thơ Đường luật, bác Hà Phương ạ. Đã là thơ tự do ngẫu hứng, nên không cần niêm luật ạ. Vì bát cú đường Luật ngoài niêm (như bác dẫn giải) ra còn bắt đối chữ (câu 3 và 4, cũng như 5 và 6 đối âm, đối nghĩa) nên nó gò bó quá. Bác thông cảm cho bà con nha.
Thứ Tư, 16 Tháng Chín 20206:38 CH
Khách
Vì sự nhầm lẫn do kỹ thuật, xin điều chỉnh vị thứ của chữ trong câu niêm 6, 7 trong mục phản hồi đới với bài "THUYỀN TRĂNG" như sau: Chữ thứ 2 và thứ "6" trong câu 6 và câu 7 phải đồng âm (binh = bình; hoặc trắc = trắc) với nhau. Hay nói một cách khác là tương tự vị thứ của chữ như vậy nhưng câu 6 niêm với câu 3; câu 7 niêm với câu 2. Trong thi "Thất ngôn bát cú (Đường Thi) có hai cách niêm là 1 = 8, 2 = 3, 4 = 5, 6 = 7 ; hoặc là 1 = 8, 2 = 7, 3 = 6, 4 = 5 mà qui luật bình trắc vẫn không thay đổi. Vậy xin cáo lỗi với tác giả cùng bạn đọc của HNPĐ. Thành thật cám ơn.
Thứ Tư, 16 Tháng Chín 20201:49 SA
Khách
Kính đề nghị tác giả bài "THUYỀN TRĂNG" chỉnh lại câu 7 bị thất niêm, vì chữ thứ 2 (Hac) và chữ thứ 5 (Vẫn) của câu 6 (Câu luận) mang âm "trắc", lẽ ra chữ thứ 2 và chữ thứ 5 của câu 7 (Câu thúc) cũng phải mang âm "trắc" thì mới đúng luật "niêm". Nhưng rất tiếc ở câu 7 lại mang âm bình là: Thần (2) và Minh (5). Nếu có điều gì phật ý xin bỏ qua cho. Đa tạ!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn