Thanh trừng nội bộ và suy tôn lãnh tụ: Tập Cận Bình theo gót Mao

Thứ Ba, 15 Tháng Chín 20201:00 SA(Xem: 4593)
Thanh trừng nội bộ và suy tôn lãnh tụ: Tập Cận Bình theo gót Mao
rfi.fr

Thanh trừng nội bộ và suy tôn lãnh tụ: Tập Cận Bình theo gót Mao

Mai Vân

Phong trào suy tôn lãnh tụ Tập Cận Bình rộ lên trong thời gian gần đây tại Trung Quốc, kèm theo là cả một chiến dịch thanh lọc ngành công an Trung Quốc ngày càng thu hút sự chú ý của giới quan sát tình hình Trung Quốc.

Trong một bài phân tích ngày 03/09/2020 (báo giấy), thông tín viên nhật báo Pháp Le Monde tại Bắc Kinh đã cho rằng nhân vật số một tại Trung Quốc đang dốc sức củng cố quyền lực để tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước lâu dài, bất chấp thông lệ hai nhiệm kỳ.

Tiếp tục nắm quyền chính là tham vọng của đương kim lãnh đạo Trung Quốc. Cho đến nay, khi đến giữa nhiệm kỳ thứ hai của mình,  những người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình đều chuẩn bị giới thiệu người kế nhiệm. Riêng ông Tập thì hoàn toàn làm ngược lại. Cách đây 2 năm, vào năm 2018, ông đã cho xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chức chủ tịch Trung Quốc, và vào lúc này, ông đang làm tất cả để củng cố địa vị trước Đại Hội Đảng 2022 và cả về sau.

Chiếm lĩnh mặt bằng truyền thông

Ghi nhận đầu tiên của Le Monde là trong suốt mùa hè, ông Tập Cận Bình đã chiếm lĩnh không gian truyền thông. Một ví dụ: Ngày 02/09 vừa qua, trên trang web của Tân Hoa Xã, những thông tin chính trong ngày về Trung Quốc đều nêu bật hoạt động của ông Tập Cận Bình, nào là ông Tập với lũ lụt sông Hoàng Hà, với việc giảng dậy triết học chính trị, với cải tổ kinh tế, với môi trường, với Tây Tạng, nào là Tập Cận Bình và hợp tác với Indonesia, quan hệ với Maroc, trao cờ cho cảnh sát…

Hiện tượng suy tôn cá nhân ông Tập Cận Bình rầm rộ đến mức mà nhiều người cho rằng vào năm 2022 tới đây, ông có thể giành được chức vị cuối cùng mà ông còn thiếu: Chức chủ tịch Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã biến mất vào năm 1982.

Song song với trào lưu sùng bái lãnh tụ, Le Monde đặc biệt ghi nhận cả một chiến dịch thanh trừng mới, theo kiểu Mao Trạch Đông, xuất hiện từ tháng Bảy, nhắm vào ngành công an, tư pháp và guồng máy an ninh Nhà nước.

Chiến dịch “chỉnh phong” theo kiểu Mao Trạch Đông

Điểm đáng chú ý là khi trình bày chiến dịch, ông Trần Nhất Tân (Chen Yixin), tổng thư ký Ủy Ban Chính Pháp Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã chọn những từ ngữ gợi lên thời kỳ đen tối chủ nghĩa Mao như “chỉnh huấn đội ngũ cán bộ”, “nạo độc đến tận xương”.

Nhân vật mà nhiều người cho là nằm trong số có thể kế nhiệm Tập Cận Bình, đã so sánh chiến dịch thanh trừng này với chiến dịch “Diên An chỉnh phong” của Mao Trạch Đông trong những năm 1942-1944, đã khiến 10.000 người thiệt mạng trong hàng ngũ các đối thủ thật sự hay chỉ bị nghi là chống Mao trong nội bộ Đảng, sản sinh ra phong trào sùng bái lãnh tụ.

Theo ghi nhận của Le Monde, được tiến hành ở một số đia phương trước khi mở rộng ra toàn quốc, chiến dịch thanh trừng cho đến nay đã có khoảng 30 nạn nhân.

Loại trừ thành phần “hai mặt” không trung thành với ông Tập

Một nạn nhân tiêu biểu của làn sóng thanh trừng mới này là Cung Đạo An (Gong Daoan), lãnh đạo cảnh sát ở Thượng Hải từ năm 2017, đã bị bắt vào giữa tháng 8 vừa qua với tội danh “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật”. Trước đó, vào cuối tháng Sáu, giám đốc công an Trùng Khánh, một thành phố lớn phía tây, Đặng Khôi Lâm (Deng Huilin), cũng bị cùng số phận.

Theo Le Monde, chiến dịch bảo đảm “lòng trung thành tuyệt đối” của lực lượng công an Trung Quốc – như tuyên bố của bộ trưởng Công An Trung Quốc Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi) – đã được thể hiện qua việc truy lùng những kẻ “hai mặt”, những cán bộ bị nghi ngờ là không trung thành với ông Tập cận Bình, một chiến dịch sẽ chỉ kết thúc vào cuối tháng 3 năm 2022, tức sáu tháng trước Đại Hội Đảng lần thứ 20.

Đối với thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh, xu hướng sùng bái cá nhân Tập Cận Bình, chiến dịch chống tham nhũng và nhất là vấn đề xem xét lại các cải tổ kinh tế bắt đầu dưới thời Đặng Tiểu Bình đã gây bất mãn trong giới ưu tú tại Trung Quốc.

Nhiều người trong các thành phần lãnh đạo xí nghiệp quốc doanh, giới cán bộ Nhà nước, giới giảng dậy, đã bị tịch thu hộ chiếu, không thể xuất ngoại vì lý do cá nhân.

Chỉ còn phe thân Tập Cận Bình, phân biệt nhau bằng xuất xứ

Tuy nhiên, ngoài một số người hơn 60 tuổi, mà đa số đã ra nước ngoài, thì không ai dám lên tiếng chính thức phản đối, nhất là khi ông Tập Cận Bình đã cài người của ông vào mọi nơi.

Một nhà ngoại giao giải thích: “Trước đây, người ta phân tích việc đề bạt lãnh đạo các tỉnh trên cơ sở phe phái. Bây giờ thì người ta tìm cách phân biệt họ thuộc nhóm trung thành nào của ông Tập Cận Bình: giới kỹ trị thuộc các tập đoàn công nghiệp quân sự, nhóm Triết Giang, nơi ông Tập Cận Bình khởi đầu sự nghiệp, nhóm những người ông Tập quen biết khi còn ở Đại Học, giới tài chính… Tất cả đều có năng lực và trung thành với Tập Cận Bình”.

Áp đặt đường lối kinh tế trọng doanh nghiệp Nhà nước

Theo ghi nhận của Le Monde quyền lực độc tôn của của ông Tập Cận Bình còn bắt đầu được ông áp đặt trên lãnh vực kinh tế, vốn trên nguyên tắc do thủ tướng Lý Khắc Cường chịu trách nhiệm. Vấn đề là khác biệt trong quan điểm giữa hai người: Thủ tướng Lý Khắc Cường được xem là theo xu hướng tự do, trong lúc ông Tâp Cận Bình lại chuộng mô hình kinh tế quốc doanh.

Tháng Tám vừa qua, chủ tịch Trung Quốc đã khẳng định lại vị trí hàng đầu của các xí nghiệp Nhà nước và học thuyết Mác-xít. Dấu hiệu rất rõ là sự kiện bán nguyệt san Cầu Thị (Qiushi) của Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong số giữa tháng 8, đã đăng bài phát biểu của ông Tập trước Bộ Chính Trị vào năm 2015, trong đó ông đã nhấn mạnh là “quy chế cơ bản của quyền sở hữu Nhà nước và vai trò đầu tàu của doanh nghiệp Nhà nước không thể bị bào mòn”.

Đối với ông Tập Cận Bình, kinh tế tư nhân cũng có một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nhưng phải phục vụ đất nước, tức là đảng Cộng Sản…

Khái niệm kinh tế mới: “Lưu thông kép”

Mùa hè vừa qua, theo Le Monde, một khái niệm kinh tế mới đã nở rộ tại Trung Quốc: Khái niêm “song tuần hoàn”, sẽ chiếm vị trí trọng tâm trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trên nguyên tắc sẽ được đưa ra trước hội nghị toàn thể đảng Cộng Sản, dự trù mở ra vào nửa cuối tháng 10.

Điểm chủ đạo trong khái niệm này không phải là từ bỏ toàn cầu hóa kinh tế (vòng lưu thông-tuần hoàn thứ nhất), mà là hóa giải các giới hạn của toàn cầu hóa bằng cách quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu nội địa (vòng lưu thông-tuần hoàn thứ 2).

Theo hai chuyên gia Jude Blanchette et Andrew Polk thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc tế CSIS tại Washington, đây là chiến lược Bắc Kinh đề ra để đối phó với xu hướng tách rời khỏi kinh tế Trung Quốc (decoupling) đang xuất hiện, đặc biệt là tại Mỹ.

Theo Le Monde, việc Trung Quốc đưa ra kế hoạch này vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 03/11, cho thấy là Bắc Kinh không còn hy vọng về một quan hệ hòa hoãn với Washington, và cho dù tân chủ nhân Nhà Trắng có là ai chăng nữa, thì Trung Quốc vẫn tin chắc rằng là hai quốc gia sẽ là đối thủ hơn là đối tác, và cần phải thủ thế
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn