Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và vợ hồi năm 2019

Nguồn hình ảnh, Pool/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và vợ hồi năm 2019

Ý kiến của học giả từ Nhật Bản bình luận với BBC News Tiếng Việt về việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe 'từ chức' vì lý do 'sức khỏe' cùng tác động, hệ lụy về nội trị và bang giao của Nhật Bản từ diễn biến này.

Hôm 28/8/2020, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, 65 tuổi, đã chính thức tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe.

Trong một cuộc họp báo tại thủ đô Tokyo được truyền thông, báo chí Nhật Bản đưa tin rộng rãi, nhà lãnh đạo nội các năm nay 65 tuổi tuyên bố "Tôi quyết định từ chức thủ tướng" và ông cho biết nguyên nhân là vì căn bệnh "đường ruột tái phát".

Diễn biến này đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, cũng như tại Nhật Bản và được cho là một tin tức 'chấn động', mặc dù Thủ tướng Abe Shinzo nói ông sẽ tiếp tục điều hành công việc của nội các cho đến khi có tân thủ tướng thay thế.

Từ Nhật Bản, Giáo sư Hirohide Kurihara, thuộc Đại học Tổng hợp Tokyo, nhân dịp này dành cho BBC News Tiếng Việt một cuộc trả lời phỏng vấn qua bút đàm trực tiếp bằng tiếng Việt, mà trước tiên ông đề cập đâu là điều đang được công luận và các giới quan sát của Nhật Bản quan tâm và đặt ra:

Tôi cho rằng chủ yếu có hai câu hỏi sau đặt ra bởi công luận: đó là tình trạng sức khỏe của ông Abe thế nào? Xin từ chức có nghĩa là tình trạng sức khỏe "rất xấu"? Và thay ông Abe là ai?

BBC: Việc ông Abe Shinzo từ chức sẽ có tác động ảnh hưởng gì tới đối nội (chính trị đối nội)

Có lẽ không ảnh hưởng gì tới đối nội. Bởi vì Đảng Tự do dân chủ (LDP) đang chiếm đa số ghế trong Quốc hội (cả Thượng nghị viện lẫn Hạ nghị viện).

Nhưng tôi cho rằng sau khi thôi việc ông Abe sẽ vẫn giữ ảnh hưởng to lớn trong Đảng LDP.

BBC:Có thể có ảnh hưởng, thay đổi gì không tới bang giao và chính sách đối ngoại của Nhật Bản như với Trung Quốc, phương Tây, Mỹ, hai miền Triều Tiên, Asean và đặc biệt là với Việt Nam?

Theo lý do đã đề cập ở trên, tôi dự đoán trước mắt chính sách đối ngoại của Nhật Bản cũng không có gì thay đổi.

'Tiêu diệt hết chống đối'?

BBC:Phương án nổi bật thay thế ông Abe Shinzo như thế nào? Có những ứng viên nào quan trọng và đáng kể nhất và khả năng của họ?

Ông Abe đã "tiêu diệt" những người chống đối mình trong Đảng LDP nên không có người thừa kế đáng kể. Bây giờ bên Nhật Bản đang nổi lên tên các ông sau: KISHIDA Fumio, ISHIBA Shigeru, KAWANO Taro v.v…

BBC: Mô hình, thể chế chính trị đa đảng phái của Nhật Bản và đảng cầm quyền của ông Abe Shinzo có bị ảnh hưởng gì không trước một sự thay đổi cá nhân, dù cá nhân có thể chấp chính, cầm quyền lâu năm hoặc có vị thế lớn?

Hiện nay trong Đảng LDP không có nhân sĩ nào bất động chính kiến với ông Abe nữa; ông Abe sẽ tiếp tục giữ uy tín trong Đảng LDP; còn lực lượng các đảng đối lập vẫn yếu. Vì thế nên tôi dự đoán không có sự thay đổi gì.

BBC:Các đảng đối lập hiện đang tính toán gì? Thực lực của họ ra sao?

Đáng tiếc các đảng đối lập nằm trong quá trình tổ chức lại và chưa tìm ra được trụ cột chung để tranh thủ sự ủng hộ của đại đa số nhân dân Nhật Bản, dù nói chung 60 % toàn thể cử tri không ủng hộ Đảng cầm quyền.

Đáng khen cả hay có chỉ trích?

BBC:Nhìn lại sự nghiệp làm Thủ tướng của ông Abe Shinzo qua mấy nhiệm kỳ cho tới nay, ông được khen ngợi cả, hay là có bị chỉ trích gì không? Nếu có, thì chỉ trích đó là gì?

Ông Abe tự hào là sau khi ông được bầu làm Thủ tướng tình hình kinh tế ở Nhật Bản đã khá lên nhiều, nhưng qua cuộc sống thực tế tôi không bao giờ cảm thấy như ông Abe.

Ông Abe không đầu tư nhiều vào lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa. Có lẽ hậu quả đó sẽ dần dần hiện lên trong tương lai không xa.

Ông hay tỏ ra thái độ coi thường các đảng đối lập. Tôi cho rằng đó là hành động làm hỏng nền tảng của thể chế dân chủ: đó là kính trọng nhau mặc dù lập trường và chính kiến khác nhau.

Ông Abe có mặt mơ hồ về ranh giới giữa quan hệ cá nhân - bạn bè và quan hệ ngoại giao, tuy vậy ông là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên giữ lại lập trường dứt khoát đối với các yêu cầu và hành động vô lý của Hàn Quốc.

BBC: Về vấn đề sức khỏe và từ chức của lãnh đạo cấp cao (ở đây là chức Thủ tướng ở Nhật Bản), cách mà ông Abe Shinzo chọn từ chức trong văn hóa chính trị Nhật Bản, Giáo sư có so sánh gì với Việt Nam hay không, như đương kim Tổng Bí thư ĐCSVN và Chủ tịch nước Việt Nam được cho là có vấn đề sức khỏe trong vòng 2 năm qua và khá vắng mặt trước công chúng?

Cái đó thì chúng ta hỏi ông Nguyễn Phú Trọng mới biết được. Tuy vậy ta nên suy ngẫm: tại sao ông Trường Chinh (cố Tổng Bí thư của đảng CSVN) đã xóa bỏ chế độ chung thân (hết đời) đối với lãnh đạo cao cấp.

'Chính trị gia cũng là con người'

BBC:Giáo sư có bình luận gì về cách thức thông tin về sức khỏe của lãnh đạo hay yếu nhân tại Nhật Bản khi họ đang tại chức?

Các nhà chính trị (nghị sĩ) cũng là con người. Họ có quyền lựa chọn: thôi việc hay tiếp tục. Chúng ta cần tạo ra môi trường để họ có thể quyết định tương lai của họ.

BBC:Ông có dự báo gì thêm về tình hình chung của Nhật Bản trong thời gian tới đây, hậu Abe Shinzo? Ngoài ra, việc thay thế (tạm thời) hay chính thức (qua bầu cử, hiệp thương trong đảng, liên đảng) có thể nhanh, chậm hay không và thế nào?

Theo tôi, trong nhiệm kỳ 8 năm của ông Abe nhiều vấn đề nghiêm trọng như tài chính, giáo dục, phúc lợi, v.v… chưa được giải quyết mà cứ để lại. Đồng thời rõ ràng là Đảng LDP chiếm nhiều ghế nhưng không có khả năng giải quyết vấn đề.

Còn bên Nhật chưa có thế lực thay thế LDP. Cũng tại cử tri như chúng tôi. Có lẽ chúng tôi sẽ phải đối xử với tình trạng đầy khó khăn và gian khổ trong tương lai không xa.

Giáo sư Hirohide Kurihara làm việc tại Đại học Tổng hợp Tokyo, ông đồng thời là nhà nghiên cứu châu Á và Việt Nam học, ông cũng quan tâm và có các nghiên cứu về văn hóa chính trị, vai trò cá nhân cấp cao và tập thể trong lãnh đạo chính trị, cầm quyền, ông đồng thời có các nghiên cứu về chính trị, bang giao, xung đột khu vực, trong đó có khảo cứu về chiến tranh biên giới Trung - Việt.