John Bolton: “Không nên giao cho ôngTrump nhiệm kỳ thứ hai” ( Ai bảo chỉ có người Việt mới biết thù vặt ? )

Thứ Tư, 05 Tháng Tám 202010:00 SA(Xem: 5574)
John Bolton: “Không nên giao cho ôngTrump nhiệm kỳ thứ hai” ( Ai bảo chỉ có người Việt mới biết thù vặt ? )
rfi.fr

John Bolton: “Không nên giao cho ôngTrump nhiệm kỳ thứ hai”

Mai Vân

Trong bối cảnh báo chí Pháp ra ngày hôm nay 04/08/2020 không tập trung trên một chủ đề chung nào, thông tin nổi bật nhất có lẽ xuất hiện trên nhật báo cánh hữu Le Figaro, với bài phỏng vấn mà cựu cố vấn an ninh Nhà Trắng John Bolton dành cho bẩy tờ báo lớn ở châu Âu trong đó có tờ báo Pháp. Le Figaro không ngần ngại trích nguyên văn câu nói của ông Bolton làm tựa bài trích dịch phần phỏng vấn: “Không nên giao cho ông Trump nhiệm kỳ thứ hai”.

Trong phần giới thiệu, Le Figaro trước hết cho biết là cựu cố vấn an ninh Mỹ đã trả lời phỏng vấn bằng video từ văn phòng của ông tại Washington. Nhóm phỏng vấn bao gồm đại diện của 8 tờ báo lớn ở châu Âu tập hợp trong liên minh báo chí gọi là Lena. Đó là các tờ Die Welt (Đức), Le Figaro (Pháp), El Pais (Tây Ban Nha), La Repubblica (Ý), La Tribune de Genève (Thụy Sĩ), Le Soir (Bỉ), Tages-Anzeiger (Áo) và Gazeta Wyborcza (Ba Lan).

Ông Bolton đã từng làm cố vấn an ninh cho tổng thống Trump trong suốt 17 tháng, nhưng giờ đây thì ông đang cố  ngăn cản ông Trump tái đắc cử. Mới đây, ông đã cho ra mắt độc giả một quyển sách (656 trang) The Room Where it Happened, với những tiết lộ nghiêm trọng về cung cách làm việc của đương kim tổng thống Mỹ.

Bolton: "Lần đầu tiên trong đời, tôi sẽ không bỏ phiếu cho một ứng viên đảng Cộng Hòa"

Giống như những gì ông đã viết trong quyển sách, trong cuộc phỏng vấn, ông Bolton đã tỏ ra khá gay gắt với tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm.

Ông nhận xét: “Khi ông Trump giải quyết các vấn đề an ninh, ông không theo một chủ thuyết chính trị nào, cũng không có một suy nghĩ chiến lược nào… Do đó, lần đầu tiên trong cuộc đời của mình, tôi không bỏ phiếu cho một ứng viên đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử tới đây. Tuy nhiên tôi cũng sẽ không bỏ phiếu cho Joe Biden, tôi chỉ sẽ viết một cái tên khác. Donald Trump không nên được giao nhiệm kỳ thứ hai."

Ông Bolton còn phê phán: “Ông ấy vẫn tiếp tục suy nghĩ là ông ấy vẫn ở Trump Tower, lãnh đạo chính phủ theo ý ông và cũng thường nói thích ký thỏa thuận với Putin, Tập Cận Bình, Erdogan hay Kim Jong Un. Ông bị những  lãnh đạo độc tài thu hút”.

Bolton: "Trump chưa bao giờ có chiến lược chống đại dịch"

Trả lời câu hỏi về đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại Mỹ, John Bolton cũng khá gay gắt :

“Tôi không biết là có thể khẳng định rằng virus corona gây thiệt hại nặng nề ở Mỹ hơn ở những nước khác hay không. Mỹ vẫn ở mức trung bình về tử vong. Nhưng đối với tôi, cách Mỹ thoát ra khỏi đại dịch như thế nào so với những nước khác không quan trọng, điều quan trọng là cách nước Mỹ xử lý khủng hoảng. Tôi cho là chúng tôi đã làm rất tệ. Và ông Trump là người chịu trách nhiêm chính vì ông chưa bao giờ có chiến lược chống đại dịch này”.

Cựu cố vấn an ninh Mỹ giải thích thêm: “Ông ấy nghĩ có thể trút bỏ trách nhiệm. Ngay từ đầu đại dịch, ông ấy đã phủ nhận là có vấn đề; dù tình hình không còn chút nghi ngờ nào. Những cộng tác viên ở Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh đã cảnh báo, nhưng ông Trump lúc đó không muốn nghe bất kỳ lời chỉ trích nào nhắm vào ông Tập Cận Bình, và nhất là không muốn nghe những tin xấu cho là kinh tế Mỹ sẽ bị con virus tác hại và như vậy ảnh hưởng đến khả năng tái đắc cử của ông.

Ông ấy đã mất hai tháng, tháng Giêng và tháng Hai, trong lúc mà trong khoảng hai tháng này, nước Mỹ có thể tiến hành một công cuộc chuẩn bị tầm cỡ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này”.

Le Figaro: Thể thao Pháp trước nguy cơ làn sóng Covid-19  thứ hai

Bài phỏng vấn ông John Bolton chỉ được Le Figaro gợi lên trong một dòng chữ ngắn trên trang nhất, còn hồ sơ chính được dành cho chủ đề thể thao Pháp thời hậu Covid qua hàng tựa lớn: “Thể thao Pháp trước nguy cơ tồn vong khi bắt đầu năm hoạt động mới”.

Đối với Le Figaro, vào lúc các trận thi đấu đang dần dần được tái lập trên đất Pháp, giới thể thao chuyên nghiệp vẫn bị con virus corona đe dọa, và chưa thoát khỏi nguy cơ sụp đổ về kinh tế, tài chánh.

Tờ báo Pháp ghi nhận là từ cuộc đua xe đạp nổi tiếng Tour de France cho đến Thế Vận Hội Tokyo hay Cúp Bóng Đá Châu Âu Euro, khủng hoảng y tế do dịch Covid-19 đã làm đảo lộn lịch trình thể thao và dập tắt lòng cuồng nhiệt của số khán giả thường khi rất đông đảo.

Cuộc sống đang dần hồi phục trong các sân vận động và trên các con đường, kể cả ở Pháp, nhưng lưỡi hái tử thần của dịch Covid-19 vẫn đang lơ lửng trên các sự kiện thể thao, và đôi khi cũng đã giáng xuống rồi như trường hợp giải Lướt Sóng Mở Rộng tại Pháp, lẽ ra được tổ chức từ ngày 12 đến 16 tháng 8 tới đây trên bãi biển Lacanau, nhưng lại vừa bị hủy bỏ vì 3 lý do: tình trạng dịch bệnh đáng lo ngại ở tỉnh Gironde, nơi có bãi biển, số lượng du khách tăng vọt trong vùng và xuất xứ địa lý khác nhau của các vận động viên.

Theo Le Figaro, trên bình diện tài chánh, ngân quỹ của các câu lạc bộ thể thao vốn đã bị hao tổn cực kỳ sau một mùa xuân đen tối vừa qua, giờ đây đang bị nguy cơ cạn kiệt nếu bị một làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Libération: Phong trào "chống khẩu trang" manh nha tại Pháp

Trang nhất Libération đề cập đến một vấn đề xã hội bắt đầu nổi cộm tại Pháp sau khi đã khuấy động một số nước phương Tây khác, từ Mỹ, Canada cho đến Anh, Đức: Sự xuất hiện của một  phong trào chống đeo khẩu trang vào lúc chính quyền muốn mở rộng quy định đeo khẩu trang, kể cả ở ngoài trời.

Dưới hàng tựa lớn: “Đeo khẩu trang lên!”, mô phỏng mệnh lệnh “Giơ tay lên!” thường thấy trong những phim cao bồi miền Viễn Tây Mỹ, Libération giải thích: “Vào lúc những kẻ chống khẩu trang ngày càng thể hiện công khai thái độ phản đối, nghi kỵ của họ, thủ tướng Jean Castex hôm thứ Hai (03/08) đã đến thành phố Lille (miền bắc nước Pháp) để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang, kể cả ở ngoài trời, tại những khu vực đông người”.

Trong hồ sơ dài 4 trang bên trong, tờ báo nêu bật nỗ lực của chính phủ Pháp nhằm thúc đẩy mọi người đeo khẩu trang để tránh cho đất nước phải phong tỏa toàn diện trở lại một lần nữa nếu dịch Covid-19 tái bùng phát. Thành phố Lille là nơi đã bắt buộc người dân phải mang khẩu trang ngay cả trong các công viên, các khu chợ lộ thiên, các con phố đi bộ, và tất cả những nơi có đông người. Biện pháp cứng rắn này đang được nhân rộng ra nhiều nơi khác trên đất Pháp.

Tuy nhiên, Libération cũng ghi nhận là tại Pháp đã bắt đầu xuất hiện phong trào chống khẩu trang, với một lời kêu gọi biểu tình tỏ thái độ vào ngày 08/08 tới đây được loan truyền trên mạng.

Trước nước Pháp, nhiều cuộc biểu tình của giới chống khẩu trang đã nổ ra tại Mỹ, Canada, cũng như tại Anh, Đức.

Lập luận của thành phần chống đeo khẩu trang, theo Libération, rất lung tung, đặc biệt tại Mỹ. Một vài ví dụ được tờ báo liệt kê: nào là “khẩu trang rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí còn có giấu chip điện tử để theo dõi dân chúng, một cách giám sat rất hiệu quả nhờ có mạng 5G mà sóng sẽ khiến con người dễ bị nhiễm Covid hơn”, nào là “khẩu trang vô dụng vì virus corona không lưu hành nữa”…

Tại Pháp, Libération ghi nhận, đã xẩy ra một số vụ hành hung người khác khi bị nhắc nhở là phải đeo khẩu trang.

Les Echos: Chính phủ Pháp sẽ đánh thuế phụ thu trên các công ty bảo hiểm

Báo Les Echos tiếp tục nhấn mạnh trên các vấn đề kinh tế Pháp thời hậu phong tỏa. Tựa chính trang nhất tờ báo nêu bật sự kiện: “Nhà nước muốn đánh thuế các công ty bảo hiểm y tế như thế nào

Theo Les Echos, chính phủ Pháp đã có kế hoạch đánh thuế đặc biệt trên các công ty bảo hiểm và các công ty hay quỹ tương hỗ với lý do là các doanh nghiệp này đã chi ra rất ít trong thời gian nước Pháp bị phong tỏa.

Theo ước tính thì trong giai đoạn các sinh hoạt bị ngưng trệ, các công ty này đã tiết kiệm được khoảng 2,6 tỷ euro nhờ vẫn tiếp tục thu phí bảo hiểm của các cá nhân và tập thể, nhưng phần bồi hoàn cho khách hàng lại giảm đáng kể.

Các công ty bảo hiểm như vậy sẽ phải trả phần thuế phụ thu đầu tiên vào mùa thu tới đây, và phần còn lại vào năm 2021.

Le Monde: Quốc Hội Pháp sẽ thảo luận 40 đề xuất cải thiện ngành tư pháp

Riêng Le Monde thì dùng tựa lớn trang nhất để giới thiệu một thông tin độc quyền mà tờ báo có được: “Tính chất độc lập của Tư Pháp: Hướng cải thiện mà các dân biểu đề xuất”.

Theo báo Le Monde, ủy ban điều tra của Quốc Hội Pháp về “những trở ngại làm suy yếu tính chất độc lập của nền Tư Pháp” vừa hoàn tất nhiêm vụ hôm 09/07 vừa qua sau khi nghe phần điều trần của cựu bộ trưởng Tư Pháp Nicole Belloubet, người đã được tân bộ trưởng Eric Dupond-Moretti thay thế hai ngày trước đó.

Điều khiến tờ báo Pháp khá ngạc nhiên là mặc dù do hai dân biểu có quan điểm hoàn toàn đối lập nhau chủ trì – một người thuộc đảng Nước Pháp Bất Khuất LFI đối lập và người kia thuộc đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước LRM – nhưng ủy ban điều tra lại thống nhất được với nhau về một loạt nhận định chung về tình hình để đưa ra những đề nghi phù hợp.

Theo Le Monde, như vậy là sẽ có khoảng 40 đề nghị cải tổ được đưa ra vào tháng 9 tới đây để Quốc Hội thảo luận, liên quan đến mọi lãnh vực, từ quy chế của các thẩm phán công tố đến những quy định chặt chẽ hơn đối với những cuộc điều tra sơ bộ…

Tờ báo Pháp nhận định: Nhiều khuyến nghị mà ủy ban này đưa ra chắc chắn sẽ được tân bộ trưởng Tư Pháp hoan nghênh. Từ ngày nhậm chức, ông Dupond-Moretti đã không giấu giếm là ông mong muốn cải thiện một cách cụ thể cách làm việc của ngành Tư Pháp.

Ngành xuất khẩu rượu Pháp chịu tác hại đồng thời của Covid-19 và trừng phạt Mỹ

Riêng về kinh tế, Le Monde đã ghi nhận trong môt hàng tựa “Covid-19 góp phần cùng với trừng phạt của Mỹ làm xuất khẩu rượu của Pháp sụt giảm”.

Theo Le Monde, cảnh quan ngành rượu xuất khẩu của Pháp hiện rất ảm đạm. Theo tờ báo trong 5 tháng đầu 2020, rượu xuất khẩu giảm 26% so với cùng thời kỳ năm 2019. Riêng vào tháng 5 thì bị tuột đến -45%, tương tự như tháng 4.

Càng đau hơn nữa là ngành này đã cố sức để từ năm này sang năm nọ góp phần giảm được mức thất thu thương mại Pháp. Thế nhưng guồng máy đã bị trục trặc ngay trước khủng hoảng Covid-19, đẩy một phần thể giới vào phong tỏa. Mây đen đã kéo dần trên bầu trời làng rượu Pháp.

Le Monde đi ngược lên cú sốc đầu tiên, đó là vào ngày 18/10/2019. Trong cuộc tranh chấp Airbus-Boeing, Châu Âu đối đầu với Mỹ, tổng thống Donald Trump quyết định đánh thuế trên một số sản phẩm Châu Âu trong đó có rượu của Pháp, ngoại trừ loại rươu sủi bọt (bulle).

Và từ đấy các loại rượu vang: Bordeaux, Bourgogne hay Provence đều bị thuế 25%  khi vào thị trường Bắc Mỹ. Trừng phạt này kéo dài thêm 6 tháng vào ngày 15/02/2020. Song song tại Châu Á, các sự cố tại Hồng Kông cũng làm cho rượu Pháp không bán được.

Trong bối cảnh căng thẳng này, dịch Covid-19 còn làm cho tình hình nghiêm trọng hơn, Các quán nước, nhà hàng đóng của tại nhiều nước. Các phi trường cũng đóng, những cửa hàng “duty free” bị ứ đọng hàng và rượu Pháp tuột dốc ở các thị trường chính của mình.

Tại Mỹ, thị trường hàng đầu của rượu Pháp, xuất khẩu giảm 59% vào tháng 5. Trung Quốc, Hồng Kông cũng tuột 51% vào tháng 5.

Giai đoạn quan trọng sắp tới là 12/08. Bầu trời có sáng sủa hơn không vì ngành rượu Pháp sẽ biết Mỹ có duy trì thuế cho 6 tháng nữa hay không.

Đã có một dấu hiệu tích cực phía bên này bờ Đại Tây Dương với việc Airbus quyết định chấp hành quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Đây là điều kiện cần thiết để thương lượng kết thúc cuộc tranh chấp. Châu Âu yêu cầu Mỹ bãi bỏ ngay trừng phạt. Có điều phải xem ông Trump trả lời như thế nào.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn