Nathan Law, seen here in Hong Kong

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Nathan Law nói anh sợ bị Bắc Kinh bắt giữ nếu trở về Hong Kong

Một trong những nhà đấu tranh nổi tiếng của Hong Kong, Nathan Law, đã tới London sau khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh gây tranh cãi.

"Tôi đã lên chuyến bay đêm ... Điểm đến của tôi: London", Nathan Law viết trên Twitter, một tuần rưỡi sau khi anh nói rằng mình đã rời Hong Kong.

Nathan Law kể rằng đã trả lời phỏng vấn của các phóng viên và hiện đang ở trong một "căn hộ nhỏ".

Giới hoạt động cho rằng luật an ninh mới của Trung Quốc sẽ làm xói mòn tự do của Hong Kong.

Nhưng Bắc Kinh bác bỏ chỉ trích trên và khẳng định luật an ninh cần thiết để chấm dứt những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ diễn ra khắp Hong Kong suốt năm 2019.

Nathan Law là nhà lãnh đạo sinh viên một thời, nổi lên từ các cuộc biểu tình lớn vào năm 2014.

Anh cũng từng là một nhà lập pháp địa phương, người đồng sáng lập Đảng Demosisto cùng một nhà hoạt động nổi tiếng khác, Joshua Wong. Tổ chức này đã tan rã khi Trung Quốc áp đặt luật mới.

Nội dung đăng tải trên Twitter hôm thứ Hai không nêu rõ thời điểm Nathan Law đến Anh Quốc.

Nathan Law đăng gì trên mạng?

Trên trang mạng xã hội của mình, Law cho biết đã phải đối mặt với "nhiều điều không chắc chắn", nhưng đã quyết định rời Hong Kong "trước những biến động về chính trị".

"Chúng tôi thậm chí không biết liệu sau các cuộc biểu tình hay các phiên tòa sắp tới đây sẽ là những án tù hay không", anh chia sẻ. Nathan Law cũng nói thêm rằng anh đã tự đặt mình vào "nguy hiểm". "Tôi đã cố gắng kín tiếng về hành tung của mình để giảm thiểu rủi ro."

Trong một bài đăng với một bức ảnh có vẻ được chụp từ cửa sổ máy bay nhìn xuống thành phố London, anh nói rằng anh muốn gửi đến người dân Hong Kong một thông điệp: "Chúng ta sẽ không bị bẻ gãy. Ngược lại, chúng ta đang được trang bị tốt để bước vào trận chiến cam go tiếp theo."

Đầu tháng này, Law nói với BBC rằng anh sẽ tiếp tục vận động từ nước ngoài và người dân Hong Kong sẽ không từ bỏ cuộc đấu tranh. "Tôi nghĩ rằng phong trào vẫn còn khá nhiều hy vọng", anh nói.

Hôm 1/7, chàng trai 27 tuổi này đã nói chuyện qua video trong một phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ về Hong Kong. Anh nói với các chính trị gia Mỹ rằng anh lo ngại sẽ bị Bắc Kinh cầm tù nếu trở lại Hong Kong.

"Chỉ xét đến tình cảnh của người Hong Kong trong dịp như thế này, hoàn toàn trái ngược với luật an ninh quốc gia mới," anh nói trong phiên điều trần.

"Quá nhiều thứ đã lụi tàn ở thành phố mà tôi yêu: đó là quyền tự do để nói lên sự thật."

Luật mới gây tranh cãi là gì?

Chủ quyền của Hong Kong được Anh Quốc trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 với một số quyền được cam kết duy trì ít nhất trong 50 năm theo thỏa thuận "một quốc gia, hai chế độ".

Tháng trước, Trung Quốc đã thông qua luật an ninh dành cho Hong Kong, qua đó giúp việc trừng phạt người biểu tình dễ dàng hơn và giảm quyền tự trị của thành phố.

Luật này trao cho Trung Quốc quyền hành mới đối với thành phố, cho phép Bắc Kinh nhằm vào những ai bị cho là có hành động ly khai, lật đổ và khủng bố với những hình phạt có thể dẫn đến án tù chung thân.

Việc triển khai luật này của Trung Quốc vấp phải sự lên án của quốc tế.

Các điều khoản trong luật mới gồm:

• Quy định việc "kích động hận thù" với chính quyền trung ương Trung Quốc và chính quyền khu vực Hong Kong là bất hợp pháp

• Cho phép những phiên tòa xử kín, ghi âm nghi phạm và nghi can có thể bị đưa tới đại lục để xét xử.

• Một loạt các hành động, gồm việc gây hư hại các công trình giao thông công cộng, được coi là khủng bố

• Các nhà cung cấp internet phải bàn giao dữ liệu người dùng nếu được cảnh sát yêu cầu

Luật mới của Trung Quốc cũng quy định sẽ áp dụng cho cư dân không thường trú ở Hong Kong và cho những người "từ bên ngoài" lãnh thổ.