Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel - Paul Krugman khá lạc quan về nền kinh tế Mỹ ( Bài nên đọc )

Thứ Năm, 02 Tháng Bảy 202010:00 SA(Xem: 5138)
Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel - Paul Krugman khá lạc quan về nền kinh tế Mỹ ( Bài nên đọc )
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với Bloomberg, Paul Krugman không thấy khả năng đại khủng hoảng kéo dài nhiều năm tại Mỹ. Ông cho rằng đây sẽ chỉ là một cuộc khủng hoảng bình thường như bao cuộc khủng hoảng khác, không phải sự kết thúc cuối cùng.
6hKn545Ct7STcXHDObA0xU-dmRDbPSp4lOSB7h4kAPogNpwcSYLHJfWn4Sc2GUdvs_gbJSZjrSLyAN3bjuETIwPnFIxLfQasCba4PJQtMUQ6cJvb0X6aWkFs_3Z2gZWtv0K5OnPqOepIPuuW2Q


Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel - Paul Krugman khá lạc quan về nền kinh tế Mỹ


Trong một cuộc phỏng vấn, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel nói rằng sự phục hồi đại dịch có lẽ sẽ không giống như cuộc suy thoái kinh tế vừa qua (2007-2009).

Paul Krugman là một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng và thú vị nhất thế giới. Mặc dù Krugman đã đạt được dấu ấn sự nghiệp trong giới học thuật, nơi mà đóng góp về thương mại và địa lý kinh tế của ông đã mang lại cho ông giải thưởng Nobel năm 2008, nhưng chính những bài bình luận thường kỳ của ông đã mang lại sự nổi tiếng rộng rãi hơn. Tay viết của Bloomberg Opinion, ông Noah Smith đã phỏng vấn Krugman trực tuyến về tình trạng của nền kinh tế Mỹ giữa cuộc khủng hoảng coronavirus. Dưới đây là tóm lược chia sẻ của Krugman về quan điểm của ông với cuộc khủng hoảng kinh tế lần này cũng như tầm nhìn của ông về tương lai kinh tế Mỹ.

Không mô hình kinh tế nào có thể giải thích được cho khủng hoảng kinh tế lần này - chính sách cắt giảm thuế sẽ không hiệu quả

Không giống với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó, đại dịch đi kèm với suy giảm kinh tế lần này chưa từng có tiền lệ. Sự biến động của dữ liệu vĩ mô không còn theo thông lệ thông thường. Liệu có mô hình kinh tế nào giải thích được các biến động này và cho chúng ta một lời giải đáp, một lối đi phù hợp?

Krugman cho rằng mô hình tổng cầu - tổng cung không thể áp dụng để giải thích cho cuộc khủng hoảng này, bởi vì mô hình đó giả định rằng nền kinh tế có thể được đại diện một cách hợp lý là sản xuất một hàng hóa duy nhất – với bối cảnh khác thì phù hợp, nhưng không phải bây giờ. Đơn giản là, nền kinh tế Mỹ đang đóng cửa cả một phần cung và một phần cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Điều này có nghĩa là các mô hình kinh tế vĩ mô tiêu chuẩn, truyền thống không thể áp dụng nếu không có điều chỉnh phù hợp.

Nhưng không khó để tạo ra các mô hình hai ngành sử dụng nhiều đơn giản hóa chiến lược giống nhau mà chúng ta đã sử dụng trong quá khứ. Ông cho rằng có một số nghiên cứu rất hay về câu hỏi liệu việc đóng cửa trong một số lĩnh vực có lan truyền thành suy thoái trong các lĩnh vực khác không (Veronica Guerrieri và cộng sự), và liệu nó có tạo ra sự lan tỏa trên thị trường tài chính (Ricardo Caballero và Alp Simsek) hay không. Cách tiếp cận này thực sự hữu ích như một ống kính để phân tích dữ liệu và phản hồi chính sách.

Điều này có nghĩa là dù các mô hình truyền thống không thể giải thích cho khủng hoảng lần này, nhưng dưới góc độ kinh tế học có thể phân tích. Krugman cho rằng chính phủ Mỹ đang đi đúng hướng về chính sách và xử lý tốt các vấn đề kinh tế. Trong giai đoạn này, các phản ứng chính sách thông thường như kích thích hoặc cắt giảm thuế là không phù hợp, và việc tập trung vào các vấn đề phúc lợi xã hội nên được ưu tiên hàng đầu.

Không lo ngại lạm phát mà lo ngại giảm phát dù thâm hụt ngân sách khổng lồ và chương trình mua tài sản quá lớn của Cục Dự trữ Liên bang

Câu hỏi đặt ra là, trong một tình huống kinh tế bất thường như hiện nay, cho tới giờ phút này, hạn chế trong chính sách của Chính phủ Mỹ có thể là gì? Lo ngại giá cả sẽ bị đẩy bởi một cú sốc nào đó là liệu rằng các chính sách gần đây của chính phủ Mỹ gây thâm hụt ngân sách khổng lồ, chương trình mua tài sản của Cục Dự trữ Liên bang có thể gây ra một vòng xoáy lạm phát mới hay không?

Trả lời câu hỏi này, Krugman cho rằng việc hỗ trợ cho người thất nghiệp có thể gây ra sức ép cho lạm phát. Nhưng các dữ liệu vĩ mô cho thấy điều này dường như không xảy ra. Ông cho rằng thặng dư của khu vực tư nhân đã tăng đủ để đáp ứng thâm hụt khu vực công, mà vẫn còn dư địa - đó là sức ép giảm phát.

"Nhu cầu giảm không chỉ là bao gồm các hộ gia đình hoãn tiêu thụ cho đến khi họ có thể đến nhà hàng một lần nữa; mà còn có một sự suy giảm trong xây dựng nhà cửa, bất động sản thương mại v.v. nói cách khác liệu có ai muốn xây dựng một khu tổ hợp văn phòng trong giai đoạn một bệnh dịch?", Krugman cho biết (theo Bloomberg).

Nguyên nhân khủng hoảng là khác thường nên không thể áp dụng lối suy nghĩ và tư duy chính sách thông thường

Krugman cũng là nhà kinh tế phê bình gay gắt những người đã sử dụng các mô hình kinh tế vĩ mô không phù hợp để cố gắng giải thích cuộc Đại khủng hoảng 2008-9 có nguyên nhân bắt nguồn từ sự thay đổi tiến bộ công nghệ hoặc công nhân quyết định không làm việc. Như bây giờ chúng ta đã rõ, tiến bộ công nghệ và công nhân không làm việc không phải là lý do dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn một thập kỷ trước. Các mô hình kinh tế không phải lúc nào cũng giải thích được các hiện tượng và sự kiện kinh tế bởi các giả định mô hình không còn phù hợp trong bối cảnh mới.

Trả lời cho câu hỏi của phóng viên Bloomberg rằng mô hình kinh tế nào nên được sử dụng lúc này và những loại lý thuyết và ý tưởng nào chúng ta nên tránh sử dụng, Krugman cho rằng những ý tưởng vô dụng nhất bao gồm: thứ nhất, những người bám cứng vào lý thuyết cắt giảm thuế sẽ hiệu quả cho nền kinh tế; thứ hai, những ý tưởng chính sách kinh tế thông thường mà không tính toán đến đặc thù của tình huống hiện tại.

"Bây giờ bạn thấy có những vị - cánh hữu cánh tả đều có - nói chuyện như thể đây là một cuộc suy thoái đa dạng thông thường, mà không tính toán đến đặc thù của việc đóng cửa nền kinh tế và giãn cách xã hội. Nói cách khác, chỉ nên chú ý đến những ai nỗ lực thực sự để vật lộn với các yếu tố mới lạ xuất hiện trong cuộc khủng hoảng này", ông Krugman dẫn chứng (theo Bloomberg).

Theo Krugman, hầu hết nền kinh tế vẫn hoạt động theo cách thông thường, đó là nói ít nhiều về lý thuyết Keynes trong ngắn hạn. Chúng ta có thể hiểu rất nhiều điều bất thường chỉ bằng cách áp dụng các quy tắc hành vi thông thường vào một tình huống bất thường: mọi người có thể thất nghiệp với việc doanh nghiệp bị mất doanh số vì những lý do kỳ lạ, nhưng quyết định chi tiêu của họ có thể sẽ giống như những người mất việc trong thời gian bình thường. Rất nhiều điều đang diễn ra trên thị trường tài chính phản ánh các loại lan truyền rủi ro thông qua bảng cân đối kế toán mà chúng ta đã thấy trong năm 2008-9.

Dưới góc nhìn của một nhà kinh tế học, Krugman cho rằng phần khó là định lượng các tác động đan xen cắt chéo nhau. Ví dụ, những ảnh hưởng của sự gián đoạn chuỗi cung ứng tương quan thế nào với tình trạng thừa công suất trong tác động đến lạm phát? Chúng ta còn bỏ sót những gì trong các yếu tố ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng? Các nhà kinh tế học vẫn đang nỗ lực để tìm ra câu trả lời thích đáng hơn với hy vọng sớm tìm ra lối thoát cho nền kinh tế.

Đại khủng hoảng lần này sẽ không kéo dài trong nhiều năm - nó là một cuộc khủng hoảng bình thường và không phải là sự kết thúc

So sánh trong lịch sử, dịch cúm Tây Ban Nha cũng dẫn đến nhiều sự giãn cách xã hội, dường như không để lại vết sẹo kinh tế lâu dài cho quốc gia. Nhưng nền kinh tế hiện đại rất khác biệt - phụ thuộc nhiều hơn vào chuỗi cung ứng mỏng manh, phụ thuộc nhiều hơn vào các khoản nợ và tín dụng, tập trung vào các dịch vụ hơn là sản xuất và nông nghiệp. Do vậy, liệu khủng hoảng lần này có khiến Mỹ có một thập kỷ mất mát? Sai lầm chính sách nào có thể khiến nỗi đau "mất mát kinh tế" kéo dài hơn?

Trả lời cho câu hỏi này, Krugman đề cập đến dữ liệu của các cuộc suy thoái kinh tế Mỹ trong 40 năm qua. Ông cho rằng các cuộc khủng hoảng có thể chia thành 2 loại: thiếu hụt thanh khoản (tiêu biểu là khủng hoảng kinh tế năm 1979-82) và do mở rộng đầu tư, tiêu dùng quá mức của khu vực tư nhân (như năm 2007-09). Loại khủng hoảng kinh tế do thiếu hụt thanh khoản sẽ phục hồi nhanh chóng theo hình chữ V, loại thứ hai sẽ phục hồi chậm chạp hơn và mất nhiều thời gian để tái tạo việc làm đầy đủ.

Dưới góc nhìn của Krugman, sự suy giảm kinh tế do coronavirus lần này ở Mỹ có tính chất giống như cuộc khủng hoảng năm 1979-82 hơn là cuộc khủng hoảng năm 2007-09: nguyên nhân không phải là những mất cân đối cần nhiều năm khắc phục. Vì vậy, điều đó sẽ có nghĩa là phục hồi nhanh một khi virus được kiểm soát. Tuy nhiên, còn nhiều rủi ro và bất định.

Cho rằng Mỹ không có sự mất cân đối kinh tế trước đại dịch, nhưng bản thân đại dịch có thể đang tạo ra những mất cân đối mới ngay bây giờ, các doanh nghiệp phải đóng cửa kinh doanh - họ cần thời gian để phục hồi. Ngoài ra ngay cả khi Mỹ không có sự mất cân đối kinh tế vĩ mô lớn từ trước, nhưng đại dịch có thể tạo ra những thay đổi dài hạn. Chẳng hạn như sự thay đổi vĩnh viễn sang tập quán bán lẻ từ xa nhiều hơn và bán lẻ trực tiếp ít hơn, sự dịch chuyển này kéo theo dịch chuyển nhân công, sẽ mất nhiều thời gian điều chỉnh lao động. Đó là một cuộc tranh cãi mà nhiều người đã đưa ra vào năm 2009, lúc đó không đúng nhưng giờ nó có thể đúng.

Qua tất cả các phân tích trên, Krugman không thấy khả năng đại khủng hoảng kéo dài nhiều năm. Ông tin tưởng rằng đây sẽ chỉ là một cuộc khủng hoảng bình thường như bao cuộc khủng hoảng khác, không phải sự kết thúc cuối cùng.


https://www.ntdvn.com/
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn