Thế giới đã kỳ vọng vào Aung San Suu Kyi một cách sai lầm như thế nào

Thứ Bảy, 04 Tháng Mười Một 20176:00 SA(Xem: 7342)
Thế giới đã kỳ vọng vào Aung San Suu Kyi một cách sai lầm như thế nào
Đây không phải là kết thúc đẹp mà chúng ta đã những tưởng rằng sẽ tới.
Khi Myanmar bầu chọn đảng của Daw (dì/bà -tiếng Myanmar) Aung San Suu Kyi lên nắm quyền, bà ta đã được tung hô gần giống như một vị thánh chính trị, một biểu tượng đã chịu đựng muôn vàn khổ đau để dẫn dắt người dân nước bà từ độc tài sang dân chủ.
28int-suukyi-1-superJumbo
Những tín hiệu độc tài đã bị phớt lờ vì một thứ tâm lý chính trị phổ biến: thiên kiến xác nhận (comfirmation bias). Ảnh: The New York Times.
Tổng thống Barack Obama ca ngợi bà ta. Hillary Clinton ôm chầm lấy bà ta giữa công chúng. Lãnh đạo phe đa số trong Thượng Viện Hoa Kỳ, Mitch McConnell, từng so sánh bà với Gandhi.
Giờ đây, bà Aung San Suu Kyi, vị lãnh tụ trên thực tế của Myanmar, là mục tiêu công kích trên toàn thế giới vì bà chọn ủng hộ lực lượng quân đội Myanmar trong việc tiến hành một chiến dịch giết chóc, hãm hiếp và tra tấn chống lại nhóm dân thiểu số người Rohingya theo đạo Hồi.
Cho dù màn sụp đổ danh tiếng của bà ta trông có vẻ hoành tráng đặc biệt, nó thực ra lại là một câu chuyện “thường ngày ở huyện”: Các nhà lãnh đạo phương Tây thường cổ súy một số cá nhân, vốn thường là những nhà hoạt động đã có những hy sinh anh dung, như thể họ là chìa khòa vạn năng để giải quyết vấn đề cho các nền độc tài hay các nền dân chủ non trẻ yếu ớt.
Trong nỗ lực cháy bỏng mong muốn tìm được một giải pháp đơn giản cho vấn đề đầy phức tạp đó là chuyển đổi chính trị, các nhà lãnh đạo phương Tây thường bỏ qua những khiếm khuyết của những người anh hùng họ đang suy tôn, và thường không nhìn ra được những thử thách mà các vị anh hùng đấy phải đối mặt khi lên nắm quyền.
Các nhà lãnh đạo phương Tây thường giả định rằng đất nước nào cũng là sản phẩm của lãnh đạo nước đó, trong khi thực tế thì luôn ngược lại.
28int-suukyi-2-master675
Tu viện Ywama, vốn ủng hộ phong trào Phật giáo dân tộc Ma Ba Tha tại Yangon. Bà Aung San Suu Kyi từng nói vào năm 2013 rằng người dân theo đạo Phật lo sợ “bá quyền Hồi giáo toàn cầu”. Ảnh: Adam Dean/The New York Times.
Những dấu hiệu cảnh báo
“Chúng ta cứ liên tục lâm vào cái hoàn cảnh này: hoặc là thần tượng còn không thì phải ác quỷ hóa những vị lãnh đạo nước ngoài,” Danielle Lupton nhận xét. Bà là một nhà khoa học chính trị của trường Đại học Colgate chuyên nghiên cứu về việc hành vi lãnh đạo ảnh hưởng như thế nào đến chính sách ngoại giao.
Một số lý do cho hiện tượng đó đơn thuần là lý do vì mục đích chính trị. Tuy nhiên bà Luton tin rằng những phán xét đen trắng đơn giản như thế có gốc gác sâu xa từ một hiện tượng tâm lý học ít được biết đến, khiến cho việc có những phán xét như thế khó mà tránh khỏi, và khiến cho người đưa ra những phán xét như thế khó mà thay đổi quan điểm của họ.
“Trong tâm lý học chính trị, có một khái niệm này về thiên kiến xác nhận (confirmation bias): đó là khi bạn có một niềm tin đã xác định từ trước về kết quả của một vụ việc nào đó, hay trong trường hợp đang nói ở đây là về câu hỏi rằng con người kia là tốt hay là xấu.” Lupton giải thích.
Thiên kiến xác nhận dẫn dắt con người ta một cách vô thức. Nó khiến người ta chỉ chọn lựa tiếp nhận những thông tin nào ủng hộ cho các niềm tin sẵn có của họ – và khiến cho người ta phớt lờ những dữ kiện đi ngược lại niềm tin.
Khái niệm này giúp giải thích tại sao những ai đã từng tôn vinh cổ súy bà Aung San Suu Kyi ở phương Tây thường trông có vẻ là đã không nhìn ra được những dấu hiệu cho thấy rằng vị chính trị gia này có thể không thực sự là một mẫu mực bảo vệ những giá trị tự do dân chủ.
Ví dụ, trong một cuộc phỏng vấn trên BBC năm 2013, bà Aung San Suu Kyi đã phản kháng một cách lỗ mãng khi được hỏi về vấn đề bạo lực dâng cao chống lại người Rohingya. Bà nói rằng cả những người dân theo đạo Phật cũng đang bị buộc phải rời nhà cửa của mình, và nỗi sợ hãi là thứ “hai bên đều có.”
Khi được hỏi tại sao bạo lực phần lớn lại chỉ ảnh hưởng đến người theo đạo Hồi, bà Aung trốn tránh, nói rằng người dân theo đạo Phật đang phải sống trong nỗi sợ hãi “bá quyền Hồi giáo toàn cầu.”
Cho dù các biểu hiện hành vi nói trên xuất hiện ngày một nhiều trong quá trình vươn lên đỉnh cao quyền lực của bà Aung, chúng lại mâu thuẫn với hình ảnh thánh thiện của bà ta, và vì thế phần lớn các biểu hiện hành vi đó đã không hề được chú ý.
Giới lãnh đạo phương Tây tiếp tục ủng hộ bà Aung, giúp bà xây dựng một tính chính danh trong khi họ gây sức ép bắt chính quyền quân sự Myanmar phải tổ chức các cuộc bầu cử vốn được mong đợi rộng rãi là sẽ đưa bà Aung lên lãnh đạo đất nước.
“Thiên kiến xác nhận mạnh mẽ đến nỗi làm chúng ta có thể bỏ qua những thông tin vốn mâu thuẫn với niềm tin sẵn có, mà bản thân chúng ta thì có thể không nhận ra rằng mình đang làm việc đó,” Lupton giải thích thêm.
Một số chuyên gia khác cho rằng thiên kiến xác nhận thậm chí có thể dẫn đến một thứ thiên kiến chính trị còn quan trọng hơn: thiên kiến cho rằng một hệ thống chính trị sẽ có những đặc điểm, phẩm chất của người lãnh đạo hệ thống chính trị đó. Trong thực tế, điều ngược lại thường đúng hơn.
Cùng với nhau, các thiên kiến nói trên khiến cho người ta dễ dàng đi đến kết luận rằng các cá nhân anh hùng có thể chiến thắng, giành quyền lực và thế là đủ để mang đến dân chủ và tự do.
“Chúng ta luôn kiếm tìm một vị lãnh đạo nào mà chúng ta có thể tin tưởng sẽ đóng vai trò đối tác, vậy nên thường là chúng ta gần như là ‘bấm nút thông qua’ nhanh nhanh một ai đó để còn quay qua lo lắng cho những việc khác,” Elizabeth Saunders, một nhà khoa học chính trị trường Đại học George Washington chuyên nghiên cứu về chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, bình luận.
28int-suukyi-3-master675
Cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tại Kabul năm 2016. Chính phủ Hoa Kỳ từng tôn xưng ông này như là vị lãnh đạo dân chủ thay thế chính quyền áp bức của Taliban. Ảnh: Adam Ferguson/The New York Times.
Một hàng dài những kẻ cứu thế “hụt”
Câu chuyện giản đơn về một vị lãnh tụ cứu nhân độ thế, người sẽ thay đổi cả một quốc gia, thường hiếm khi xảy ra trong thực tế.
Chính phủ Mỹ từng tôn xưng nhà lãnh đạo người Afghanistan ông Hamid Karzai như là vị lãnh đạo dân chủ thay thế chính quyền áp bức của Taliban. Nhưng Washington đã phải thất vọng mà nhận ra rằng ông Karzai, thay vì vươn lên bứt mình ra khỏi tham nhũng và chủ nghĩa bè phái vốn tràn ngập đất nước Afghanistan, lại quay qua xây dựng cho mình một chế độ mang đầy những vấn nạn đó.
“Nếu bạn tôn một vị lãnh đạo lên làm mẫu mực đạo đức, bạn lại có thể đang giúp người lãnh đạo đó củng cố quyền lực, và việc đó có đủ thứ kết quả không mong đợi,” bà Saunders phân tích.
Tại Rwanda, Tổng thống Paul Kagame đã được suy tôn là vị cứu tinh của đất nước khi ông này thắng cử, với sự ủng hộ từ phương Tây, sau thảm họa diệt chủng tại nước này năm 1994.
Thế nhưng, tuy có thành công trong việc giảm thiểu đói nghèo, Kagame đã thể hiện rằng ông ta là một nhà lãnh đạo chuyên chế. Các chính trị gia đối lập thường bị bỏ tù, phải trốn ra nước ngoài, hoặc bị giết hại. Human Rights Watch đã có nhiều báo cáo về tình trạng dùng quân đội để bắt giam và tra tấn dân thường tại Rwanda.
Và chắc có người vẫn nhớ rằng nhiều người đã dễ dàng ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc Sudan như thế nào, khi phong trào đó vẫn là một phong trào nổi loạn chống lại nhà lãnh tụ độc tài Omar Hassan al-Bashir, người đang bị kết án diệt chủng tại Darfur. Tuy nhiên, sau khi các sỹ quan của phong trào này cùng các đồng minh của họ lên nắm quyền tại đất nước Nam Sudan độc lập mới ra đời, những vị lãnh đạo đó lại đang khiến cho cả đất nước chìm vào nội chiến.
Không chỉ có giới  lãnh đạo phương Tây mới hay có những phán đoán sai lầm như thế. Vào những năm 1960 và 1970, giới hoạt động nhân quyền toàn thế giới từng ca ngợi về sự vươn lên của những lãnh đạo đòi giành độc lập chủ quyền như Robert Mugabe của Zimbabwe. Nhiều vị lãnh đạo đó sau này trở thành những kẻ độc tài.
Có các trường hợp ngoại lệ, như Nelson Mandela, vị tổng thống hậu-Apartheid đầu tiên của Nam Phi. Nhưng, những người như Mandela không nhiều, và thành công của những người đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác bỗng nhiên tác động. Đến giờ nhiều người trong số họ vẫn còn ngạc nhiên về những yếu tố được xem là bí ẩn thần kỳ đó. Ngay cả một số nhà hoạt động vốn đang mất tinh thần tại Myanmar cũng ngạc nhiên như vậy.
28int-suukyi-4-master675
Bà Aung San Suu Kyi tại Nhà Trắng năm 2016. Ảnh: Al Drago/The New York Times.
“Đặc tính của một nhà độc tài”
Bà Aung San Suu Kyi không phải là ông Kagame hay ông Mugabe, nhưng chỉ khoảng gần 20 tháng cầm quyền của bà đã cho thấy dấu hiệu một vài đặc điểm tính cách độc tài.
Vừa giành được quyền lực, bà Aung nhanh chóng đẩy ra rìa các nhà hoạt động và các nhóm dân sự đã giúp đỡ bà giành được quyền lực.
“Bà ta chỉ lắng nghe những ai thân cận với mình,” U (ông/bác – tiếng Myanmar) Yan Myo Thein, một nhà hoạt động của nhóm đấu tranh dân chủ 88 Generation, và là một cựu tù chính trị, cho rằng nhóm người thân cận với bà Aung cư xử như một “đám cuồng cá nhân chủ nghĩa”.
“Đó là một đặc tính độc tài,” ông ta nói.
Trong giai đoạn thế giới còn đang bận tung hô bà Aung, một số người tại Myanmar đã nhìn thấy một số dấu hiệu ngày càng rõ rệt cho thấy bà ta đang củng cố quyền lực và áp chế những ai có ý kiến phê bình.
“Cho dù họ tự xưng rằng mình là biểu tượng của dân chủ, họ lại muốn tập trung hóa và quản lý mọi thứ,” Kyaw Thu, người lãnh đạo một nhóm dân sự có ảnh hưởng là Paung-Ku, nói về chính quyền dân cử đang nắm quyền tại Myanmar. “Những ai không ủng hộ nghị trình của họ thì bị xem là kẻ thù.” Anh nói thêm.
Hàng tá người Myanmar đã bị kết tội dưới một điều luật có mục đích giới hạn các phê phán nhằm vào chính phủ, một tình trạng làm người ta nhớ lại thời kỳ giới quân sự độc tài bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến.
Aaron Connelly, một nhà phân tích chính trị của Viện Lowry tại Sydney (Úc) nhận định rằng các chính sách áp bức này “là đặc trưng cho cách cầm quyền của đảng Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (N.L.D.) tại Myanmar.” Đảng đó chính là đảng chính trị của bà Aung San Suu Kyi.
Ngay khi chưa nói gì đến quan điểm của bà Aung về người Rohingya, thì bà ta đã “vẫn chưa hề cư xử thực thụ như một nhà lãnh đạo có tư tưởng tự do.” Connelly nhận xét.
28int-suukyi-5-master675
Một cuộc biểu tình trong tháng qua tại Yangon nhằm ủng hộ chính sách của bà Aung San Suu Kyi đối với khủng hoảng người thiểu số Rohingya. Ảnh: Adam Dean/The New York Times.
Bài học lớn cho mọi người?
Trong khi giới làm chính sách có thâm niên hoạt động lâu năm có vẻ vẫn đang tự tin với những thói quen của mình, thì giới trẻ hơn đã bắt đầu đặt câu hỏi về việc: liệu có phải là cộng đồng thế giới, sau quá nhiều thất vọng, đáng ra đã phải học được một bài học nào đó?
“Kịch bản này lập đi lập lại quá nhiều để có thể bỏ qua,” Tim Hirschel-Burns, một nhân viên Peace Corps tại Benin, viết trên blog cá nhân của mình.
Có lẽ là, mô hình hiện có của việc cải tạo một quốc gia đang gặp khó khăn, bằng cách lắp vào quốc gia đó một vị lãnh đạo có triển vọng nào đó, là một mô hình ngược ngạo, Hirschel-Burns tranh luận.
Có lẽ rằng thay đổi chỉ có thể đến khi nó diễn ra từ dưới lên trên, cho dù cách thay đổi này khó khăn, bề bộn và cần nhiều thời gian hơn.
“Người dân tại những nước đó, cũng như chúng ta, phần nhiều là sản phẩm từ môi trường của họ.” Hirschel-Burns viết.
Đối xử với bà Aung San Suu Kyi như thể bà ta không dính dáng gì đến những vấn đề sẵn có của Myanmar khiến cho thế giới nhìn nhận bà ta như “một con người đạo đức cao thượng và dũng cảm hơn chính cái lực lượng chính trị mà bà ta đại diện,” Hirschel-Burns phân tích thêm.
Ngay cả những lãnh đạo thường nói những điều đúng đắn và thể hiện những ý định tốt đẹp thường cuối cùng vẫn phản ánh những hệ thống mà họ sinh trưởng cùng.
Nếu bản thân những hệ thống đó vẫn còn hư hỏng, thì tuy có thể công bằng khi phê phán các sai sót cá nhân của những vị lãnh đạo các hệ thống đó, việc mong đợi các vị lãnh đạo đó vượt lên trên chính hệ thống của họ lại là một việc làm không thực tế.
Nói đi thì cũng nói lại, có thể là bà Aung San Suu Kyi đang xây dựng một phiên bản chính quyền dân chủ theo đúng đường lối mà nhiều công dân Myanmar mong muốn.
Một khảo sát năm 2015 của Asia Barometer cho thấy phần lớn người được khảo sát tại Myanmar có quan điểm chống đối các hình thức kiểm soát nhánh hành pháp của đất nước. Nhiều người Myanmar tin rằng giới lãnh đạo tôn giáo nên có vai trò trong việc làm luật và quyền công dân nên được gắn liền với tôn giáo. Ủng hộ giành cho một nhà cầm quyền mạnh tay khá cao, trong khi ủng hộ cho quyền của người thiểu số thì lại thấp.

“Người dân mong muốn dân chủ theo nghĩa là họ mong muốn không còn tình trạng độc tài, và lãnh đạo phải là người được dân chúng bầu chọn,” Thant Myint-U, một nhà sử học và cựu quan chức Liên Hợp Quốc, phân tích. “Nhưng mong muốn đó thì rất khác với việc chấp nhận cả một lô một lốc các giá trị tự do, đặc biệt khi các giá trị đó có liên quan đến các vấn đề như màu da, chủng tộc, hay bình đẳng giới.”
Rất đáng đặt câu hỏi rằng có bao nhiêu phần trong nỗi giận dữ mà phương Tây đang dành cho bà Aung San Suu Kyi, thể hiện qua các hành vi bao gồm việc kêu gọi tước giải Nobel Hòa Bình của bà này, có nguyên nhân sâu xa từ một mặc cảm hối hận của những người đã từng ủng hộ bà Aung, vốn nay đang cảm thấy tội lỗi vì đã có góp phần giúp bà ta giành được quyền lực.
Andrew Selth, một giáo sư của Viện Griffith Asia, viết trong một bài gần đây, “Nếu có một nỗi thất vọng lớn về Suu Kyi thì nỗi thất vọng đó chỉ là vì cộng đồng thế giới đã tâng bà ta lên quá cao mà thôi.”

Amanda Taub viết từ Washington, và Max Fisher viết từ Yangon, Myanmar. Wai Moe cũng đóng góp cho bài báo này từ Yangon.

Trâm Huyền lược dịch từ bài “Did the World Get Aung San Suu Kyi Wrong?” của Mục The Interpreter đăng trên bản điện tử báo The New York Times ngày 31/10/2017. Cách dòng của người dịch.
(Luật Khoa)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn