Không phải công nghệ hay kinh doanh, đây mới chính là 'vũ khí tối thượng' của Elon Musk

Thứ Sáu, 22 Tháng Năm 20207:00 CH(Xem: 6382)
Không phải công nghệ hay kinh doanh, đây mới chính là 'vũ khí tối thượng' của Elon Musk

Elon Musk, người sở hữu Tesla, SpaceX, SolarCity và Neuralink, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ông "không thành công vì các nguồn trợ cấp của chính phủ" đồng thời tuyên bố các đối thủ cạnh tranh nhận được nhiều sự hỗ trợ và ưu ái hơn.

Nhưng theo phóng viên của Bloomberg, Ashlee Vance, thì không phải tài năng quản lý kinh doanh hay hiểu biết về công nghệ kỹ thuật, mà chính kinh nghiệm về thao tác trong lĩnh vực chính trị mới là bí mật thành công của người được mệnh danh là "Iron Man ở Thung lũng Silicon".

Một "doanh nhân thành đạt" điển hình?

Sự phát triển của đế chế kinh doanh trong tay Elon Musk không thể tách rời khỏi sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ, bằng tiền thật.

Theo tờ Los Angeles Times đưa tin, vào năm 2015, Tesla đã nhận được khoảng 2,4 tỷ USD tiền ưu đãi thuế, trợ cấp và các khoản vay chính sách từ chính phủ. Còn SolarCity nhận được khoảng 2,5 tỷ USD, SpaceX là 20 triệu USD.

Điều này có nghĩa là Elon Musk đã kiếm được 4,9 tỷ USD tiền trợ cấp, cao hơn tổng số vốn do các quỹ đầu tư mạo hiểm mang lại. Nên biết rằng theo dữ liệu từ Crunchbase, một công ty dịch vụ dữ liệu doanh nghiệp, thì thông qua tài chính và vay mượn, SpaceX đã nhận được tổng số 1,2 tỷ USD tiền đầu tư, Tesla là 348 triệu USD, SolarCity khoảng 740 triệu USD. Tất cả cộng lại chỉ khoảng 2,3 tỷ USD, chưa bằng một nửa số tiền tài trợ của chính phủ Mỹ.

Trước đó vào năm 2009, Tesla đã nhận được khoản vay lãi suất thấp trị giá 465 triệu USD từ Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, giúp công ty này vượt qua giai đoạn thâm hụt vốn lớn nhất, bằng một nguồn tài chính chi phí thấp. Ngoài ra, việc người tiêu dùng Mỹ có thể được khấu trừ thuế tới 7.500 USD cho các phương tiện năng lượng mới, riêng người dân tại California sẽ được nhà nước trợ cấp thêm 2.500 USD, đã giúp Tesla kiếm lời trên doanh số bán xe lên tới 288 triệu USD.

Nhưng chưa hết, ngoài việc nhận được trợ cấp trực tiếp từ chính phủ, Elon Musk còn rất giỏi trong việc "đào vách tường chính sách".

Theo luật ở bang California, các công ty xe hơi nếu không bán đủ số lượng xe hơi không có khí thải cần phải mua các khoản tín dụng môi trường, nếu không. Và cho tới nay, Tesla đã kiếm được hơn 517 triệu USD từ chính các đối thủ bằng cách bán những khoản tín dụng môi trường, giúp các hãng xe này hoàn thành các quy định của tiểu bang.

SolarCity là một bước quan trọng để Elon Musk tham gia vào lĩnh vực sản xuất điện mặt trời. Khi bắt đầu thành lập, công ty này gặp khó khăn do không đủ trang trải chi phí quá lớn cho việc xây dựng nhà máy và sản xuất thiết bị. Tuy nhiên, nhờ vào chính sách trợ cấp hoàn lại năng lượng tái tạo của Mỹ, SolarCity đã nhận được khoản trợ cấp 510 triệu USD chỉ riêng trong năm 2009-2011.

Không phải công nghệ hay kinh doanh, đây mới chính là vũ khí tối thượng của Elon Musk - Ảnh 1.

Mái nhà năng lượng mặt trời SolarCity.

Theo Los Angeles Times, nhà máy pin mặt trời SolarCity đã trực tiếp nhận được khoản trợ cấp 260 triệu USD từ Kho bạc Mỹ. Và để cho phép Elon Musk mở nhà máy pin mặt trời ở bang New York, chính quyền nơi đây đã đầu tư 75 triệu USD vào nhà máy của Tesla ở Buffalo. Chính phủ California thì hứa sẽ cho thuê một mảnh đất ở quận San Mateo để đặt nhà máy SolarCity với giá thuê 1 USD mỗi năm.

Đồng thời, chính phủ liên bang cũng cung cấp các khoản trợ cấp hoặc tín dụng thuế để giúp SolarCity giải quyết vấn đề nan giải về tài trợ. Với sự hỗ trợ chính sách, SolarCity hiện đã trở thành công ty sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời dân dụng lớn nhất tại nước này.

Quay lại với SpaceX, dường như khoản trợ cấp 20 triệu USD mà công ty này nhận được là "không đáng kể". Tuy nhiên, bên cạnh số tiền này, SpaceX đã ký được hợp đồng trị giá hơn 5,5 tỷ USD với NASA và Không quân Mỹ, từ đó có nguồn vốn tài trợ cho các hoạt động tiếp theo của SpaceX.

Tạp chí WSJ mới đây cũng lên tiếng về việc Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ có kế hoạch phân bổ 16 tỷ USD tiền trợ cấp để cải thiện các dịch vụ Internet ở khu vực nông thôn trong 10 năm tới. Và SpaceX, công ty công nghệ thám hiểm không gian của Elon Musk, đã nhanh tay nhanh mắt để ý đến chiếc bánh lớn này.

WSJ thậm chí còn nói rằng chính tiền đóng thuế của người Mỹ đã biến Elon Musk thành tỷ phú.

Kẻ "không thể tồn tại" mà không có sự hỗ trợ của chính phủ

Từ xe điện, năng lượng mặt trời đến thám hiểm không gian, các ngành công nghiệp mà Elon Musk tham gia thực sự có liên quan mật thiết đến các khoản trợ cấp của chính phủ Mỹ.

Theo Good Jobs First, mỗi năm, các khoản trợ cấp của chính phủ sẽ được cấp cho các ngành công nghiệp khác nhau, lên tới hàng chục tỷ USD. Và Elon Musk là một người thụ hưởng điển hình trong số đó.

Đầu năm 2006, Thống đốc bang California, Schwarzenegger, đã đích thân lên tiếng ủng hộ cho Tesla, thậm chí tự lái chiếc Tesla Roadster tham dự hội nghị của công ty này. Trong thời gian cựu Tổng thống Barack Obama ủng hộ kế hoạch phát triển năng lượng sạch, Elon Musk cũng mạnh miệng hứa rằng vào năm 2015, sẽ có 1 triệu xe điện trên đường phố Hoa Kỳ. Nhờ vậy Tesla đã có thể tham gia vào việc "chia chác" hàng tỷ USD tiền trợ cấp.

Sự phát triển nhanh chóng của SpaceX trong những năm gần đây cũng nhờ vào sự khôn khéo trong cách vận dụng các chính sách của Elon Musk.

Trong những ngày đầu khởi nghiệp, SpaceX gặp rất nhiều khó khăn như thiếu công nghệ nòng cốt, nhu cầu thị trường không đủ và thiếu vốn. NASA và Không quân Mỹ đã đứng ra giải quyết các vấn đề kỹ thuật chính của SpaceX thông qua chuyển giao bằng sáng chế và hướng dẫn kỹ thuật. Nhờ đó ngày nay, SpaceX đã trở thành công ty tư nhân duy nhất trên thế giới làm chủ công nghệ khởi động và phục hồi tàu vũ trụ.

Kể từ khi tàu con thoi được cho nghỉ hưu vào năm 2011, các phi hành gia người Mỹ đã sử dụng tàu vũ trụ Soyuz của Nga để đến và đi từ Trạm vũ trụ quốc tế. Nhưng giờ đây, SpaceX đã thành công trong việc vận chuyển hàng hóa lên Trạm vũ trụ quốc tế và sắp tới là đưa cả phi hành gia của NASA lên đó. Nếu chuyến đi thành công, đây sẽ là lần đầu tiên các phi hành gia người Mỹ "trở về vũ trụ" sau nhiều năm, từ 2011.

Không phải công nghệ hay kinh doanh, đây mới chính là vũ khí tối thượng của Elon Musk - Ảnh 2.

Mô phỏng bên trong tàu vũ trụ Dragon của SpaceX.

Tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới về xe năng lượng mới, Elon Musk cũng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương ở Thượng Hải.

Vào tháng 3/2019, Tesla đã thu được 3,5 tỷ nhân dân tệ cho các khoản vay không có bảo đảm từ một số ngân hàng ở Thượng Hải với lãi suất chỉ băng 90% lãi suất chuẩn hàng năm của ngân hàng trung ương Trung Quốc. Vào cuối năm 2019, Tesla một lần nữa đạt được khoản vay mới kéo dài 5 năm, trị giá 10 tỷ nhân dân tệ với một số ngân hàng Trung Quốc. Tesla đã nhận được tổng cộng 18,5 tỷ nhân dân tệ cho các khoản vay ở Trung Quốc, vượt xa so với chi phí xây dựng ước tính trước đây của siêu nhà máy Tesla Thượng Hải là 14 tỷ nhân dân tệ.

Từ khi bắt đầu xây dựng vào tháng 1/2019 đến khi giao lô hàng đầu tiên của dòng xe Model 3 vào tháng 1/2020, chỉ mất một năm để Tesla xây dựng và vận hành siêu nhà máy này. Elon Musk đã hào hứng nhảy múa tại buổi lễ giao hàng và bày tỏ cảm xúc rằng "không có chính phủ Trung Quốc, sẽ không có Tesla ngày hôm nay".

Cũng vào tháng 11/2019, Musk tuyên bố sẽ xây dựng siêu nhà máy thứ tư của mình ở ngoại ô Berlin, Đức. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Le Monde, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nói rằng chính phủ Đức đã bắt đầu hỗ trợ tài chính cho các hoạt động sản xuất pin xe điện trong nước và trong tất cả các công ty đáp ứng đủ tiêu chuẩn, có tên Tesla.

Và mới đây nhất hôm 11/5, khi nhà máy Tesla tại Fremont bị chính quyền quận Alameda yêu cầu ngừng vận hành để hạn chế sự lan tràn của dịch Covid-19, Elon Musk đã tự mình đứng ra cho nơi này trở lại hoạt động. Thậm chí, ông còn lên tiếng thách thức các nhà chức trách, theo kiểu: "Hãy tới bắt tôi nếu có thể".

Và khi sự việc trở nên gay gắt, người đứng ra dàn hòa lại bất ngờ chính là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông đã viết trên Twitter, yêu cầu chính quyền bang California nên để Tesla và ElonMusk mở lại nhà máy, ngay lập tức.

Hóa ra, Elon Musk đã gọi điện hỏi ý trước Tổng thống Mỹ về việc cho nhà máy hoạt động trở lại từ cuối tháng 4, hứa hẹn sẽ "không gây ra các rủi ro đáng kể" và đã được ông Trump "đồng ý 100%".

Sống bằng trợ cấp nhưng lại ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh nhận trợ cấp

Sau khi trải qua giai đoạn khó khăn ban đầu bằng việc xin trợ cấp, ba công ty của Elon Musk đã trở thành "học sinh giỏi" trong mắt chính phủ Mỹ. Nhưng cũng từ đây, Elon Musk bắt đầu thể hiện khía cạnh nổi loạn của mình.

Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donal Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Và ông chủ Tessla ngay lập tức đệ đơn từ chức khỏi Hội đồng tư vấn của ông Trump. Theo chuyên gia kinh tế Stephen Moore, Musk đã nhận được 4,9 tỷ USD tiền trợ cấp năng lượng mới, nhưng việc rút khỏi thỏa thuận khí hậu có nghĩa là các chính sách trợ cấp có thể không còn được duy trì.

"Tất nhiên ông ta giận Trump", Moore nhận xét.

Và khi đã đủ lông đủ cánh, các công ty của Elon Musk ngày nay đã dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nguồn trợ cấp của chính phủ.

Kể từ đầu năm nay, giá cổ phiếu của Tesla đã tăng vọt lên tới 960 USD, với giá trị thị trường là 174,655 tỷ USD, tương đương với 3 công ty General Motors và 4 lần Ford, vượt quá tổng giá trị thị trường của tất cả các công ty xe hơi hạng A. Ngay cả khi giá cổ phiếu sau đó đã giảm xuống, nó vẫn vượt xa các đại gia xe hơi truyền thống của Mỹ.

Còn SpaceX cũng đã dần đi đúng hướng. Mặc dù bị ảnh hưởng từ sự lây lan của dịch bệnh, NASA và SpaceX vẫn có kế hoạch thực hiện một chương trình không gian có người lái vào tháng 5 này. Giá trị tài sản cá nhân của Musk cũng tăng vọt, biến ông trở thành người giàu nhất trong giới kinh doanh ô tô thế giới.

Không phải công nghệ hay kinh doanh, đây mới chính là vũ khí tối thượng của Elon Musk - Ảnh 3.

Tên lửa Falcon 9 của SpaceX.

Sinh tồn và lớn mạnh nhờ việc nhận trợ cấp của chính phủ Mỹ, thế nhưng Musk luôn nhấn mạnh rằng mô hình kinh doanh của mình không phụ thuộc vào chính phủ và hy vọng rằng chính phủ có thể chấm dứt các loại trợ cấp càng sớm càng tốt.

Vào tháng 5/2019, Reuters đã trích dẫn một tài liệu của tòa án nói rằng SpaceX đã kiện Không quân Mỹ vì vi phạm hợp đồng. Theo báo cáo, với tư cách là đối thủ của SpaceX, United Launch Alliance (ULA), Northrop Grumman (Northrop Grumman) và Blue Origin (Blue Origin) đã nhận được tổng cộng 2,3 tỷ USD tài trợ, nhờ đó khiến SpaceX bất ngờ bị loại khỏi chương trình phát triển tên lửa mới cho không quân. Trước đó vào đầu năm 2019, SpaceX cũng phản đối rằng ULA đã giành được hợp đồng của NASA trị giá 150 triệu USD.

"Hiện tại, Elon Musk đang xem xét mâu thuẫn này từ góc độ của một người chiến thắng. Ông ấy không muốn các đối thủ chiến thắng vì nguồn tài trợ của chính phủ", chuyên gia về các vấn đề môi trường, Jim Motavalli nói. "Giống như trong bộ phim về Iron Man, Musk ở đây giống như Tony Stark, luôn lên án các nhà sản xuất vũ khí nhưng thực tế lại âm thầm tạo ra một thứ vũ khí hoàn hảo."

Tham khảo iFeng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn