Sự thật và huyền thoại sau 6 năm cầm quyền của ông Kim Jong Un

Thứ Tư, 17 Tháng Giêng 20186:00 CH(Xem: 7371)
Sự thật và huyền thoại sau 6 năm cầm quyền của ông Kim Jong Un

Người ta có rất ít thông tin chính thức để đánh giá 6 năm cầm quyền vừa qua của ông Kim Jong Un, trừ một số thông tin từ truyền thông nhà nước và những vụ thử hạt nhân, tên lửa.

Cũng như bức màn bí ẩn bao phủ Triều Tiên, có rất nhiều câu hỏi và suy đoán về nhà lãnh đạo Kim Jong Un, từ lúc ông lên nắm quyền vào tháng 12/2011 đến nay.

CNN nhận định ngày sinh của ông gần như chắc chắn đã được thay đổi để phù hợp với những điềm lành đi theo nó. Từ tính cách của ông đến tình trạng sức khỏe và gia đình, tất cả đều là tin đồn, lời kể từ những nguồn tin giấu tên hoặc nhận định dựa trên hình ảnh.

Tình báo Hàn Quốc thiếu chính xác

Khó khăn hơn, phần lớn thông tin về Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim đến từ chính phủ Hàn Quốc, các nguồn tin của giới tình báo Hàn từng không ít lần chứng minh sự kém chính xác của họ. Năm 2015, báo chí Hàn Quốc loan tin ông Kim cho hành quyết kiến trúc sư Ma Won Chun vì ông không thích thiết kế của sân bay Bình Nhưỡng. Về sau, Ma xuất hiện lại trên truyền thông nhà nước Triều Tiên, còn sống và khỏe mạnh.

Thế giới bên ngoài không chắc ông Kim có bị bệnh gút như nhận định của các nhà quan sát hay không. Người ta cũng không biết xung quanh ông là những quan chức chỉ biết tuân lệnh hay đầy những kịch bản ám sát. Dù vậy, người ta có thể chắc chắn một số thứ. Như việc ông sẽ không từ bỏ tham vọng hạt nhân. Hoặc việc ông sẽ tiếp tục con đường của cha ông là phát triển song song sức mạnh quân sự và kinh tế.

Vì những lý do trên, đánh giá của thế giới bên ngoài đối với ông Kim Jong Un thường dựa trên một vài thông tin chính thống và rất nhiều suy đoán.

Su that va huyen thoai sau 6 nam cam quyen cua ong Kim Jong Un hinh anh 1
Hình ảnh mới nhất của ông Kim Jong Un, mặc âu phục và phát biểu chào năm mới ở Triều Tiên. Ảnh: AFP.

Thời thơ ấu ở phương Tây

Trong thập niên 1990, ông Kim và 2 người anh em họ được gửi đi học tại Bern, Thụy Sĩ. Tại đây, họ học tiếng Đức và Pháp, sống giữa những sinh viên quốc tế khác. Ko Yong Suk, dì của họ, về sau đã đào tẩu sang Mỹ cùng chồng và tiết lộ cho giới chức tình báo Mỹ những thông tin khó có thể tìm thấy ở đâu khác.

"Tôi khuyến khích cậu ấy đưa bạn về nhà vì chúng tôi muốn một cuộc sống bình thường. Tôi làm đồ ăn vặt cho bọn trẻ", bà Ko nói trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post.

"Chúng ăn bánh và chơi Lego". Năm đó cậu bé Kim 12 tuổi.

Họ đã đến chơi ở công viên Disney tại Paris, bơi trên bãi biển Riviera của nước Pháp, ăn nhà hàng ở Italy và trượt tuyết trên dãy Alps của Thụy Sĩ. Các nhà quan sát đã ít nhiều vui mừng khi chứng kiến ông Kim kế vị vào năm 2011. Họ hy vọng những năm tháng sống giữa phương Tây của nhà lãnh đạo mới sẽ giúp ông có cái nhìn cởi mở hơn với thế giới bên ngoài.

Bà Ko xác nhận nhiều điều mà người ta đã biết, như việc ông Kim nghiện chơi bóng rổ. Ông chơi liên tục. Bà kể cậu bé Kim thậm chí còn ngủ cùng quả bóng rổ. Các bạn học cũ kể với phóng viên rằng trong chiếc máy PlayStation đời mới nhất của Kim tràn ngập game về bóng rổ và cậu có đôi giày Air Jordan, cũng dòng mới nhất.

Ở mặt khác, bà Ko nói rằng từ sinh nhật thứ 8, Kim đã biết rằng những điều to lớn hơn đang chờ đợi cuộc đời cậu. Cậu được tặng bộ đồng phục tướng quân đội và trong buổi tiệc sinh nhật đó, những vị tướng thực thụ đã cúi đầu trước Kim.

"Cậu ấy không thể nào lớn lên bình thường khi những người xung quanh đối xử với cậu ta như thế", bà nói.

Người dì nói rằng bà và dượng của Kim quyết định chạy trốn sau khi chị gái bà, đồng thời là mẹ của ông Kim, bị ung thư vú. Một khi người chị mất đi, sẽ không còn ai bảo vệ họ nữa. Họ đến Mỹ, mở tiệm giặt ủi và cho con cái đi học ở các trường của Mỹ.

Áp lực củng cố quyền lực

Không giống như cha mình, người đã có nhiều năm gây ảnh hưởng lên Triều Tiên trước khi chính thức kế vị Chủ tịch Kim Nhật Thành, ngày ông Kim bước đi cạnh đoàn xe tang chở linh cữu của cựu lãnh đạo Kim Jong Il, công chúng, cả Triều Tiên lẫn thế giới, hầu như không biết gì về người lãnh đạo mới. Đó là một ngày chính ông Kim cũng không giấu cảm xúc của mình, ông gạt nước mắt trên mặt trong khi mọi người xung quanh quỳ xuống trong nỗi tiếc thương.

Su that va huyen thoai sau 6 nam cam quyen cua ong Kim Jong Un hinh anh 2
Hình ảnh nhiều cảm xúc hiếm hoi của ông Kim trong tang lễ người cha. Ảnh: Reuters/KCNA.

Sau đó là chuyện khác. Nhà lãnh đạo mới nhanh chóng bước vào cuộc chiến để củng cố quyền lực của mình giữa những quan chức kỳ cựu của Triều Tiên. Các nhà quan sát khi đó chỉ nghĩ về ông như con rối bị giật dây bởi tầng lớp cầm quyền già dặn ở Triều Tiên, trong đó có người dượng Jang Song Taek và vợ ông. Ông Kim không bỏ lỡ thời gian. Trong khi cha ông đã để tang Chủ tịch Kim Nhật Thành đến 3 năm, nhà lãnh đạo mới đã xuất hiện và có bài phát biểu công khai chỉ 4 tháng sau đám tang.

Sau thời gian để tang, nhiệm kỳ của ông Kim đã bắt đầu bằng hàng loạt các cuộc thanh lọc hàng ngũ lãnh đạo. Nổi trội nhất trong số đó là việc cô lập chính trị rồi xử tử người dượng. 

Ông cũng đưa sức mạnh quân sự về dưới sự lãnh đạo của đảng Lao động Triều Tiên. Năm 2016, ông đã triệu tập đại hội đảng đầu tiên trong 36 năm qua.

Nghi vấn tấn công những người chỉ trích

Nhiệm kỳ của ông Kim cũng bắt đầu bằng những email qua lại giữa một nhà báo Nhật Bản và Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo và là người từng được chỉ định làm người kế vị trước khi bị "thất sủng". Trong những email do nhà báo người Nhật Bản công bố, Kim Jong Nam, khi đó đang sống lưu vong tại Macau, nói rằng ông lo ngại không biết em trai có thể "đáp ứng nhu cầu" của nhân dân không. Người anh trai cho rằng Kim chỉ là một lãnh đạo "trên danh nghĩa" và giới tinh hoa chính trị Triều Tiên sẽ là những người thật sự nắm quyền lực.

Ông Kim Jong Nam cũng nghi vấn về cuộc chuyển giao quyền lực đến đời thứ ba tại Triều Tiên.

Sau khi những email trên được công bố, Kim Jong Nam đã sống một cuộc đời trầm lặng và kín tiếng cho đến khi một người đàn ông mang hộ chiếu Kim Chol bị đầu độc chết tại Malaysia vào ngày 13/2/2017.

Su that va huyen thoai sau 6 nam cam quyen cua ong Kim Jong Un hinh anh 3
Có một điều Triều Tiên công khai khẳng định nhiều lần rằng ông Kim Jong Un sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa. Ảnh: AFP.

Các nhà quan sát, những người cho rằng người chết đúng là Kim Jong Nam và Triều Tiên đứng sau vụ sát hại, nói rằng cái chết cho thấy tham vọng của ông Kim trong việc củng cố quyền lực, loại bỏ không chỉ những người công khai chỉ trích sự lãnh đạo của ông mà còn cả những người thân phương Tây và có thể thay thế ông.

Triều Tiên dưới thời ông Kim cũng tỏ ra không dung thứ cho những sự bôi nhọ hay đả kích lãnh đạo. Khi hãng Sony Pictures phát hành The Interview, bộ phim về chuyện một nhà báo phương Tây có cơ hội phỏng vấn lãnh đạo Triều Tiên và được giao nhiệm vụ ám sát ông, hãng này đã nhận về cuộc tấn công mạng.

Bình Nhưỡng phủ nhận việc họ đứng sau cuộc tấn công này, nhưng đã chỉ trích tổng thống Mỹ khi đó, ông Barack Obama là "thủ phạm chính" đã ép Sony Pictures phát hành bộ phim này và tống tiền để buộc các rạp chiếu phim.

Người kế vị của ông nội

Cách tạo dựng hình ảnh của ông Kim từ đầu đã gợi nhớ về ông nội ông, Chủ tịch Kim Nhật Thành. Chủ tịch Kim là người lập quốc, là biểu tượng của sự thịnh vượng và tăng trưởng của Triều Tiên trong giai đoạn được Liên Xô đỡ đầu. Từ kiểu tóc đến quần áo, ông Kim dường như luôn nhắc nhở người dân về hình ảnh vị chủ tịch vĩnh viễn. Với nhiều người dân, điều đó là một tín hiệu mừng trong bối cảnh thời gian cai trị của ông Kim Jong Il bị phủ bóng bởi nạn đói kinh hoàng vào thập niên 1990, khi gần 3 triệu người đã thiệt mạng.

Su that va huyen thoai sau 6 nam cam quyen cua ong Kim Jong Un hinh anh 4
So với người cha, ông Kim tạo dựng một hình ảnh gần gũi người dân và có nhiều nét tương đồng với ông nội hơn. Ảnh: AFP.

Ông Kim thường xuyên xuất hiện trên truyền thông nhà nước với hình ảnh đang bắt tay người dân, ôm họ, thăm hỏi các công nhân về công việc và cả những khía cạnh đầy "trần tục" của cuộc sống ở các công xưởng. Điều này cho thấy một sự khác biệt đáng kể so với ông Kim Jong Il, người đã ngày càng cô lập chính mình trong những tháng này cuối đời, ngày càng ít xuất hiện và ít phát biểu trước công chúng.

Dù vậy, sau tất cả, CNN nhận định di sản mà ông Kim nhận lại từ cha ông bao gồm cả kỳ vọng của đất nước mà hai nhà lãnh đạo trước chưa hoàn thành: kỳ vọng rằng Triều Tiên sẽ trở thành một cường quốc hạt nhân được thừa nhận.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn