Bài phỏng vấn của vợ bác sĩ Lý Văn Lượng bị xóa trên toàn mạng Đại Lục

Thứ Hai, 02 Tháng Ba 20201:00 SA(Xem: 5499)
Bài phỏng vấn của vợ bác sĩ Lý Văn Lượng bị xóa trên toàn mạng Đại Lục

Bác sĩ Lý Văn Lượng, người thổi còi dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’, đã qua đời hơn 20 ngày, kết quả điều tra của chính quyền Trung Quốc về cái chết của ông đến nay vẫn chưa công bố. Gần đây, bài phỏng vấn vợ của bác sĩ Lý trên trang tin Tin tức Giới Diện (Jiamian) cũng bị gỡ bỏ hoàn toàn trên mạng internet tại Trung Quốc. 

Lý Văn Lượng
Bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời ngày 7/2 (Ảnh cắt từ video)

Trả lời phỏng vấn, bà Phó Tuyết Khiết (Fu Xuejie), vợ của bác sĩ Lý Văn Lượng cho biết, sau khi biết tin chồng qua đời, vì quá đau buồn, cơ thể đang trong thời kỳ mang thai xuất hiện triệu chứng xuất huyết, từng có thời gian phải nằm viện. Tuy nhiên, bà Phó nói mình sẽ kiên cường trở lại và sinh đứa bé ra một cách bình an. Ngoài ra, bà cũng đang đợi kết quả điều tra của nhóm điều tra Trung ương.

Đối với tin đồn bị lây nhiễm ‘viêm phổi Vũ Hán’, bà Phó làm sáng tỏ rằng: “Tôi chỉ bị sốt, sau khi chồng qua đời, tâm tình không được tốt, ngày thứ hai thì bị sốt, nhưng không phải là sốt do virus corona.”

Còn về tình trạng sức khỏe của những người khác trong nhà, bà cho biết, “Em trai tôi khi đó chụp ảnh CT, thấy phần phổi có chút vấn đề, khi đó không làm xét nghiệm axit nucleic. Buổi chiều chồng tôi qua đời thì ở nhà, người của chính quyền cũng đưa cậu ấy đi cách ly và làm xét nghiệm axit nucleic, về sau kết quả xét nghiệm chuyển sang âm tính, và không có chuyện gì.”

Theo bà Phó Tuyết Khiết kể lại, bà và bác sĩ Lý Văn Lượng quen biết khi thực tập trong bệnh viện, bác sĩ Lý đối với bà rất tốt, hễ có chuyện gì đều nói “Tôi muốn thương lượng với vợ một chút”. Trong thời gian bác sĩ Lý nằm viện, mỗi ngày họ đều nói chuyện video, một ngày trước khi qua đời, ông còn gửi tin nhắn nói “không sao”. Kết quả trái với kỳ vọng ban đầu, cuối cùng bà Phó biết được tin chồng mình qua đời qua báo chí.

Bài phỏng vấn đặc biệt này của trang tin Giới Diện được đăng lúc nửa đêm ngày 27/2, nhưng sau đó rất nhanh chóng bị xóa trên toàn mạng, trên các trang như Sohu, Sina, v.v, đều đã bị gỡ bài.

Có cư dân mạng trên trên Weibo chất vấn, “Cuộc đối thoại ôn hòa như thế này, rốt cuộc là có từ nhạy cảm nào động chạm đến thần kinh của chính quyền?”

Có người cho rằng từ nhạy cảm là cái tên “Lý Văn Lượng”. 

Thực tế, cái tên “Lý Văn Lượng” hiện trở thành đối tượng mà nhiều công ty Đại Lục tranh nhau đăng ký thương hiệu.

Theo trang tin tra cứu thông tin doanh nghiệp trực tuyến TianYanCha cho thấy, Công ty TNHH Thương mại Điện tử Phúc Trà Đường, thành phố Trường Sa đã nộp đơn đăng ký 4 thương hiệu liên quan đến cụm từ “Lý Văn Lượng” trong cùng ngày bác sĩ Lý qua đời. Tên thương hiệu lần lượt được đăng ký cho các ngành nghề như máy móc điều trị y tế, y dược, thực phẩm ăn liền, trong đó máy móc điều trị y tế đồng thời đăng ký 2 thương hiệu “Lý Văn Lượng” và “Văn Lượng”. 

Công ty TNHH Kỹ thuật Thông minh Đặc Lôi Tư Đông Quản nộp đơn đăng ký thương hiệu “Lý Văn Lượng” cho loại sản phẩm lần lượt là máy móc điều trị y tế và trang phục giày mũ.

Lý Văn Lượng
Thông báo xin lỗi của Công ty TNHH Kỹ thuật Thông minh Đặc Lôi Tư Đông Quản về việc lấy tên của bác sĩ Lý Văn Lượng để đăng ký tên thương hiệu

Thông tin liên quan sau khi được lan truyền, cư dân mạng liên tiếp chất vấn, “Người nhà của Lý Văn Lượng đồng ý không?”, “Đây không phải là vì thật tâm phát triển sản phẩm, đây là tranh giành đăng ký một cách ác ý!”

Đối mặt với áp lực dư luận, Cục Thương hiệu, Cục Quản lý Sở hữu Trí tuệ Quốc gia đã lên tiếng cho biết, hành vi các công ty tranh nhau đăng ký tên “Lý Văn Lượng”, có liên quan đến vi phạm “Luật Thương hiệu” của Trung Quốc, đồng thời với lý do “dễ gây ra ảnh hưởng không tốt đến xã hội” nên đã yêu cầu bác bỏ đơn đăng ký.

Sau khi bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời hôm 7/2, sự tức giận của người dân trở lên sôi sục hơn. Nguyên nhân chủ yếu là ông đã từng cảnh báo bạn bè trong vòng tròn bạn bè trên WeChat hồi tháng 12/2019 rằng “Chợ hoa quả, hải sản Hoa Nam đã có 7 trường hợp chẩn đoán xác nhận nhiễm SARS”, nhắc nhở các bạn chú ý phòng hộ. Nhưng không ngờ thông tin này sau khi được lan truyền trên Weibo, đã khiến ông bị công an địa phương hẹn gặp và bị buộc phải ký vào thư khiển trách.

Ngày 8/1, bác sĩ Lý tiếp nhận điều trị một bệnh nhân tăng nhãn áp; ngày 9/1, bệnh nhân này xuất hiện triệu chứng ‘viêm phổi Vũ Hán’; ngày 10/1, bác sĩ Lý xuất hiện triệu chứng ho, đến ngày 11/1 thì bị sốt, sang ngày 12/1 thì nhập viện. Ngày 1/2, ông công bố thông tin bị nhiễm dịch bệnh trên Weibo của mình; ngày 5/2, bệnh tình của ông xấu đi; sáng sớm ngày 7/2, ông qua đời, để lại con nhỏ 5 tuổi và người vợ đang mang thai.

Trí Đạt

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn