Ryan Crocker kể cuộc gặp bí mật với Soleimani

Thứ Năm, 16 Tháng Giêng 20206:00 CH(Xem: 4438)
Ryan Crocker kể cuộc gặp bí mật với Soleimani

Trong những ngày hỗn loạn sau vụ khủng bố 11/9, Ryan Crocker, quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ khi đó, đã bay tới Geneva và gặp tướng Iran Soleimani.

"Tôi khởi hành vào thứ sáu và trở về ngay chủ nhật nên không ai trong văn phòng biết tôi đã ở đâu", Crocker kể lại chuyến đi bí mật tới Geneva, Thụy Sĩ hồi năm 2001 để gặp một nhóm quan chức Iran, trong đó có Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). "Chúng tôi đã thức suốt đêm trong những cuộc họp đó".

Soleimani thiệt mạng hôm 3/1 trong vụ không kích của Mỹ bên ngoài sân bay Baghdad ở Iraq. Tuy nhiên, cũng giống nhiều người ở Trung Đông, quan hệ giữa Mỹ với Soleimani khá phức tạp và không phải lúc nào thiếu tướng Iran cũng ở bên kia chiến tuyến.

Tướng Iran Qasem Soleimani tại thủ đô Tehran hồi tháng 9/2013. Ảnh: AFP.

Tướng Iran Qasem Soleimani tại thủ đô Tehran hồi tháng 9/2013. Ảnh: AFP.

Nhà báo Dexter Filkins của New Yorker hồi năm 2013 cho biết từng có khoảng thời gian Mỹ và Iran thậm chí nuôi hy vọng thành lập liên minh tại Afghanistan sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở New York. Soleimani, người đứng đầu lực lượng Quds tinh nhuệ, đã được giao trọng trách thảo luận với phía Washington.

Washington và Tehran cắt đứt quan hệ ngoại giao từ năm 1980 sau vụ khủng hoảng con tin, nhưng Crocker không quá bất ngờ về cách cư xử khéo léo, linh hoạt của Soleimani. "Bạn không thể vượt qua nhiều năm chiến tranh tàn khốc mà không trở nên khôn ngoan", cựu quan chức cho hay.

Nhóm quan chức Iran gọi Soleimani là "Haji Qassem". Trong quá trình thảo luận, có những lúc Soleimani phải gửi lời nhắn tới Crocker, nhưng ông luôn tránh để lộ bất cứ dòng chữ viết tay nào. "Haji Qassem quá thông minh. Ông ấy sẽ không cho người Mỹ nắm được dấu vết của mình", Crocker nhận xét.

Theo lời kể của Crocker, phía Tehran bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Washington để tiêu diệt kẻ thù chung là nhóm phiến quân Taliban, sau đó hai bên chia sẻ thông tin. Crocker nhận được một bản đồ chi tiết các địa điểm của Taliban. Đáp lại, ông tiết lộ với Iran vị trí một cố vấn cho nhóm phiến quân al-Qaeda, người mà sau đó nhanh chóng bị Tehran bắt.

Crocker cho biết nhà đàm phán mà ông làm việc cùng nói rằng "Haji Qassem rất hài lòng với sự hợp tác giữa hai bên". Tuy nhiên, tình hình nhanh chóng xoay chiều. Bất chấp quá trình hợp tác đang diễn ra, cựu tổng thống Mỹ George W. Bush trong bài phát biểu nổi tiếng hồi tháng 1/2002 gọi Iran, Iraq và Triều Tiên là "trục ma quỷ".

Cựu quan chức Mỹ cho rằng sự gán mác đó đã chấm dứt mọi thứ. Một ngày sau bài phát biểu, ông gặp lại người đàm phán phía Iran tại tòa nhà của Liên Hợp Quốc ở Kabul, Afghanistan. "Các ông làm tôi bị tổn hại hoàn toàn. Soleimani đang trong cơn thịnh nộ. Ông ấy cảm thấy bị đả kích", Crocker dẫn lại lời đối tác, nói thêm rằng người này vô cùng tức giận.

Người đàm phán cho biết phát ngôn của Tổng thống Bush khi đó để lại nguy cơ rủi ro rất lớn về chính trị. "Có lẽ đã đến lúc suy nghĩ lại mối quan hệ của chúng ta với người Mỹ", người đàm phán dẫn lại lời Soleimani.

Khái niệm "trục ma quỷ" khiến các cuộc họp giữa phái đoàn Mỹ - Iran phải kết thúc. Những người ủng hộ cải cách và thúc đẩy hợp tác với Mỹ trong chính phủ Iran cũng trở nên yếu thế. "Chúng tôi đã tiến rất gần tới đích. Chỉ một cụm từ trong bài phát biểu đã thay đổi lịch sử", Crocker lắc đầu hồi tưởng lại.

Quan hệ hai nước thậm chí căng thẳng hơn sau khi Mỹ mở chiến dịch quân sự tại Iraq vào năm 2003, từ chối đề nghị đàm phán của Iran, đồng thời ra tay bảo vệ Mujahedeen Khalq, nhóm đối lập ủng hộ lật đổ chính phủ Iran, được cố tổng thống Iraq Saddam Hussein hậu thuẫn. Tướng Soleimani từ đó trở thành kẻ thù trong mắt Washington.

Trong cuộc phỏng vấn hồi năm 2013, Crocker kể lại một lần liên lạc gián tiếp khác với Soleimani vào tháng 4/2008, khi cựu thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki phát động cuộc tấn công quân nổi dậy ở miền nam nước này.

"Sau vài ngày tình hình vô cùng dữ dội, Maliki đã thắng thế nhờ sự hỗ trợ của chúng tôi. Điều đó khiến rất nhiều người Iran lo ngại, trong đó có Soleimani. Ông ấy đã đề nghị họp với Tổng thống Iraq Jalal Talabani và Phó tổng thống Adel Abdul Mahdi", Crocker nói.

Cựu quan chức Mỹ cho biết phía Iran cũng mời ông và cựu tướng David Petraeus, khi đó là chỉ huy lực lượng liên quân Mỹ tại Iraq, dùng bữa tối và chuyển thông điệp của Soleimani. "Động thái của Soleimani cho thấy cuộc tấn công của Maliki khiến ông ấy bối rối và không chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo", Crocker nhận xét.

Theo nhà báo Filkins, trong khoảng thời gian đó, Soleimani, người được coi là quyền lực thứ hai Iran sau lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, đã tiếp cận một số quan chức cấp cao Mỹ và gửi nhiều thông điệp. Hồi đầu năm 2008, cố tổng thống Iraq Talabani đưa cho Petraeus chiếc điện thoại chứa tin nhắn của Soleimani.

"Gửi Tướng Petraeus, ông nên biết rằng tôi, Qassem Soleimani, kiểm soát chính sách của Iran với sự tôn trọng dành cho Iraq, Lebanon, Gaza và Afghanistan. Trên thực tế, đại sứ Iran ở Baghdad là một thành viên lực lượng Quds. Cá nhân thay thế ông ấy cũng sẽ nằm trong lực lượng này", tin nhắn có đoạn.

Sau vụ 5 lính Mỹ thiệt mạng tại Karbala, Iraq, Soleimani cũng gửi thông điệp tới đại sứ Mỹ. "Tôi thề trên mộ của cố lãnh tụ Khomeini rằng tôi không ra lệnh cho bất cứ phát súng nào nhằm vào người Mỹ", tướng Iran cho hay. Tuy nhiên, không có người Mỹ nào tin lời ông.

Filkins cho biết dù Petraeus chỉ trích Soleimani "thực sự tàn ác", có những thời điểm hai người này buộc phải thương lượng với nhau. Các tài liệu ngoại giao bị WikiLeaks phát tán cho thấy Petraeus từng liên lạc với Soleimani thông qua các lãnh đạo Iraq, giúp thỏa thuận ngừng bắn giữa lực lượng của giáo sĩ Shiite cực đoan Moqtada al-Sadr và chính phủ Iraq thân Mỹ được bảo đảm.

Lợi ích của Washington và Tehran một lần nữa phù hợp với nhau khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), kẻ thù chung của cả hai nước, nổi dậy ở Iraq và Syria. Lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn, dẫn đầu là Soleimani, đã góp công đẩy lùi IS tại Iraq, một phần vì nhóm Hồi giáo dòng Sunni cực đoan này là mối đe dọa với Iran, nơi dòng Shiite chiếm đa số. Thêm vào đó, Iran muốn duy trì ảnh hưởng tại Iraq trong tương lai.

Tuy nhiên, việc Trump hồi năm 2018 rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, thành quả đàm phán suốt 15 năm giữa Tehran với 6 cường quốc, đồng thời tăng cường các lệnh trừng phạt, khiến căng thẳng giữa hai nước một lần nữa bùng phát. Một loạt sự cố làm leo thang tình hình vào năm ngoái đã dẫn tới kết cục là cái chết của Soleimani hôm 3/1.

Ánh Ngọc (Theo Washington Post)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn