Carlos Ghosn, cựu chủ tịch Nissan trốn khỏi Nhật đến Lebanon

Thứ Ba, 31 Tháng Mười Hai 20194:00 CH(Xem: 3454)
Carlos Ghosn, cựu chủ tịch Nissan trốn khỏi Nhật đến Lebanon
bbc.com

Cựu chủ tịch Nissan trốn khỏi Nhật đến Lebanon


Carlos Ghosn photographed in October 2018 Bản quyền hình ảnh Reuters
Image caption Hiện chưa rõ ông Ghosn đã rời khỏi Nhật bằng cách nào trong thời gian chờ xét xử

Cựu lãnh đạo Nissan, Carlos Ghosn, đã tới Lebanon sau khi chạy khỏi Nhật Bản, nơi ông đang phải đối diện phiên tòa với các cáo buộc sai phạm trong quản lý tài chính.

Trong một tuyên bố, ông Ghosn nói ông không trốn chạy công lý mà "đào thoát khỏi sự bất công và đàn áp chính trị".

Luật sư của ông cho biết gần đây không nói chuyện với thân chủ của mình.


Hiện chưa rõ cựu CEO của Nissan đã làm thế nào để rời đi được, bởi ông đang bị lệnh cấm đi ra nước ngoài.

Ông Ghosn, có giá trị tài sản ròng khoảng 120 triệu đô la, là một trong những gương mặt quyền lực nhất trong ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu cho tới khi ông bị bắt hồi 11/2018.

Ông bác bỏ việc mình có bất kỳ hành vi sai trái nào.

Vụ việc của ông thu hút sự chú ý toàn cầu, và việc tạm giữ ông trong nhiều tháng đã dẫn tới chuyện hệ thống tư pháp Nhật Bản bị soi xét kỹ lưỡng.

Năm nay 65 tuổi, ông chào đời tại Brazil và có cha mẹ mang dòng máu Lebanon, được nuôi dưỡng tại Beirut trước khi sang Pháp học hành. Ông có quốc tịch Pháp, Brazil và Lebanon.

Tuy nhiên, luật sư của ông, Junichiro Hironaka, nói với các phóng viên ở Tokyo hôm thứ Ba rằng nhóm pháp lý của ông Ghosn vẫn giữ các hộ chiếu.

"Tôi thậm chí còn không biết là chúng tôi có thể liên hệ được với ông ấy không. Tôi không biết là chúng tôi sẽ xử lý tiếp thế nào," ông nói.

Lebanon không có thỏa thuận dẫn độ với Nhật Bản.

Image shows a house in Beirut that belongs to Mr Ghosn Bản quyền hình ảnh AFP
Image caption Ngôi nhà này tại Beirut là tài sản sở hữu của ông Ghosn. Vợ ông, Carole, được sinh ra tại thành phố này

Ông Ghosn được thả hồi tháng 4/2019 với khoản đóng 9 triệu đô la để được tại ngoại hầu tra và phải chịu các điều kiện quản chế nghiêm ngặt, trong đó có lệnh cấm ông đi ra nước ngoài.

Tuyên bố của ông Carlos Ghosn nói gì?

Ông Ghosn ra một tuyên bố ngắn sau khi một số hãng tin tường thuật rằng ông đã tới Lebanon.

Xác nhận việc mình đã tới một quốc gia Trung Đông, ông Ghosn nói ông sẽ "không còn bị cầm giữ làm con tin bởi một hệ thống tư pháp gian lận của Nhật Bản, nơi hành vi phạm tội bị phỏng đoán áp đặt, nạn phân biệt đối xử xảy ra lan tràn, và các quyền con người căn bản bị khước từ."

"Tôi không chạy trốn công lý - tôi đã đào thoát khỏi sự bất công và đàn áp chính trị. Tôi nay cuối cùng đã có thể tự do liên hệ với truyền thông, và tôi sẽ bắt đầu làm vậy kể từ tuần tới."

Hiện vẫn chưa rõ ông đã rời khỏi Nhật bằng cách nào.

Trong nhà ông có cài camera giám sát; ông chỉ được dùng điện thoại và máy tính ở mức độ hạn chế. Ông đã nộp các hộ chiếu cho luật sư, và nếu muốn ra khỏi nhà quá hai đêm ông sẽ phải xin chuẩn thuận của tòa án.

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật nói rằng các điều kiện bảo lãnh tại ngoại hầu tra của ông vẫn không thay đổi.

Giới chức cửa khẩu nói không có hồ sơ nào cho thấy ông đã rời khỏi Nhật, hãng truyền thông nhà nước NHK tường thuật.

Presentational grey line

Dùng hộ chiếu khác?

Rupert Wingfield-Hayes, phóng viên BBC tại Tokyo

Tại Tokyo, nay đang có rất nhiều câu hỏi và có rất nhiều người mất mặt.

Làm cách nào mà một nhân vật nổi tiếng đến thế, người đã giao nộp các loại hộ chiếu của mình, lại có thể rời khỏi một đất nước không hề có biên giới đường bộ với nước khác?

Truyền thông Nhật đang đồn đoán rằng ông Ghosn có thể đã dùng hộ chiếu khác, dưới một cái tên khác.

Cơ quan công tố trước đó đã cảnh báo rằng có nguy cơ lớn ở đường hàng không, bởi ông Ghosn có khối tài sản riêng khổng lồ và có nhiều quốc tịch .

Presentational grey line

Carlos Ghosn đối diện với các cáo buộc gì?

Từng được coi là người hùng tại Nhật Bản sau khi vực dậy Nissan, thậm chí còn được vẽ trong một cuốn truyện hoạt hình Nhật Bản, ông Ghosn đã phải ngồi trong trại giam 108 ngày sau khi bị bắt ở Tokyo hồi 11/2018.

Nissan sa thải ông ba ngày sau vụ bắt giữ.

Cơ quan công tố cáo buộc ông đã chi trả nhiều triệu đô la cho một nhà phân phối Nissan tại Oman.

Trong lúc đó, Nissan cũng đệ đơn kiện riêng rẽ, theo đó nói ông Ghosn đã chuyển tiền của công ty sang tài khoản cá nhân ông.

Ông cũng bị cáo buộc là không khai báo đầy đủ mức lương của mình.

Ông Ghosn bác bỏ các cáo buộc.

Greg Kelly, một cựu quan chức Nissan cùng bị bắt với ông Ghosn, đang chờ ra hầu tòa tại Nhật Bản với các cáo buộc sử dụng tài chính sai trái.

Ông bác bỏ việc đã đồng lõa với ông Ghosn làm sai lệch khoản chi trả cho vị cựu CEO.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn