Harold Wilson cựu Thủ tướng Anh từng bị chụp mũ là gián điệp

Thứ Năm, 19 Tháng Mười Hai 20196:00 SA(Xem: 3784)
Harold Wilson cựu Thủ tướng Anh từng bị chụp mũ là gián điệp

Vào đầu sự nghiệp chính trị, Harold Wilson có vẻ thân thiện với Liên Xô và xuất hiện một số thuyết âm mưu rằng ông làm gián điệp cho Moskva.

Wilson sinh năm 1916 trong một gia đình có truyền thống chính trị ở Yorkshire và tốt nghiệp Đại học Oxford. Ông trở thành nghị sĩ Công đảng năm 1945. Sau khi lãnh đạo Công đảng Hugh Gaitskell đột ngột qua đời năm 1963, Wilson kế nhiệm rồi giữ chức thủ tướng Anh năm 1964 - 1970 và 1974 - 1976. Ông qua đời năm 1995 ở London.

Harold Wilson tại Anh năm 1967. Ảnh: Independent.

Harold Wilson tại Anh năm 1967. Ảnh: Independent.

Là thành viên nội các năm 1947 - 1951 và là Chủ tịch Hội đồng Thương mại, Wilson rất muốn thúc đẩy thương mại với Liên Xô bất chấp Chiến tranh Lạnh và ông đã ba lần thăm chính thức Moskva. Ông là chính trị gia lớn đầu tiên của Anh tới Nga sau Cuộc phong tỏa Berlin (Liên Xô phong tỏa Tây Berlin để phản đối Mỹ, Anh, Pháp đơn phương cải cách tiền tệ) năm 1948 và lãnh đạo Liên Xô Stalin qua đời năm 1953. Ông đã gặp các các chức Liên Xô chủ chốt, bao gồm Ngoại trưởng Vyacheslav Molotov.

Trong khoảng thời gian Công đảng là đảng đối lập ở Anh, Wilson tư vấn cho các công ty giao dịch với Liên Xô, bao gồm một nhà nhập khẩu gỗ của Liên Xô. Năm 1952, Wilson xuất bản một cuốn sách nhỏ có tựa đề "In Place of Dollars", kêu gọi chính phủ Anh dừng nghe theo lời giới chức Mỹ để nới lỏng hạn chế xuất khẩu sang Liên Xô. Trong một chuyến đi Nga năm 1956, Wilson gặp lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev và nhận xét "phương Tây không được đánh giá thấp người đàn ông này".

Những yếu tố này đã khiến thuyết âm mưu về Wilson trở nên đáng tin hơn. Anatoliy Golitsyn, nhân viên Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) đào tẩu sang Mỹ năm 1961, nói với nhân viên tình báo Mỹ Alec MacDonald rằng Wilson là một gián điệp của KGB. Cựu lãnh đạo Công đảng thân Mỹ Hugh Gaitskell đã bị KGB ám sát để Wilson lên thế chỗ, Golitsyn nói.

Tuy nhiên, có một số lỗ hổng lớn trong thuyết âm mưu này. Wilson vốn không được kỳ vọng trở thành lãnh đạo Công đảng sau khi Gaitskell qua đời, ứng viên gần như "chắc chân" là George Brown. Nhưng việc có ứng viên thứ ba trong cuộc đua James Callaghan và một số tính toán sai lầm lớn của Brown đã dẫn đến chiến thắng bất ngờ cho Wilson. Đó là diễn biến khó đoán mà Liên Xô không thể thao túng được.

Lập trường của Wilson vào thời điểm đó cũng không còn thân thiện với Liên Xô mà nghiêng về bảo vệ lợi ích của NATO và các liên minh phương Tây. Thực tế, khi ông trở thành thủ tướng Anh năm 1964, truyền thông Nga đã công kích ông là có quan điểm quá cánh hữu. Cũng không có bằng chứng cho thấy Gaitskell đã bị KGB đầu độc như thuyết âm mưu của Golitsyn.

Lãnh đạo cơ quan tình báo Anh MI5 bác bỏ cáo buộc về Wilson. Christopher Andrew, nhà sử học của MI5, mô tả Golitsyn là "người lan truyền thuyết âm mưu không đáng tin cậy".

Nghi ngờ lại một lần nữa bùng lên khi cựu nhân viên MI5 Peter Wright phát hành cuốn hồi ký "Spycatcher" năm 1987. Theo Wright, người đứng đầu Phòng Phản gián của CIA James Angleton nói Wilson là một gián điệp Liên Xô khi Wilson được bầu làm thủ tướng năm 1964. Angleton nghe điều này từ một nguồn tin, ông không nêu tên nhưng đó có thể là Golitsyn.

Wright viết vào cuối những năm 1960, MI5 nhận được thông tin từ hai người Tiệp Khắc đào tẩu Josef Frolík và Frantisek August rằng Công đảng đã "gần như chắc chắn" bị Liên Xô cài người vào. Họ nêu một danh sách các nghị sĩ Công đảng là gián điệp Liên Xô. Wright tin rằng Wilson đã bị tuyển mộ làm gián điệp khi đến Đông Âu khoảng 10 lần vào những năm 1940 và 1960.

Tuy nhiên, MI5 bác bỏ các thông tin của Wright. Thực tế, MI5 đã mở hồ sơ điều tra Harold Wilson ngay khi ông được bầu vào quốc hội năm 1945. Vì tính nhạy cảm, hồ sơ được giữ với bí danh Norman John Worthington. MI5 theo dõi "Norman", những cuộc gặp gỡ của ông cũng như các giao dịch kinh doanh. Họ kết luận không có bằng chứng nào cho thấy ông là gián điệp và cũng không tìm thấy bằng chứng về sự thâm nhập của Liên Xô vào Công đảng. Wilson khẳng định ông không đứng về phía Liên Xô.

Vào những năm 1990, nhân viên lưu trữ KGB Vasili Mitrokhin đào tẩu sang Anh tuồn ra khỏi Liên Xô một số tài liệu cho thấy Moskva đã mở hồ sơ tìm cách tuyển mộ Wilson làm gián điệp từ năm 1956.

"Vì các mối liên hệ của Wilson với Liên Xô khá nhiều - điều khác thường với một chính trị gia phương Tây trong những năm đầu Chiến tranh Lạnh, Wilson rõ ràng là mục tiêu mà Liên Xô muốn nhắm vào", Christopher Andrews, đồng tác giả một cuốn sách với Mitrokhin, viết.

Tuy nhiên, Liên Xô đã nêu rõ thất bại. "Kế hoạch tuyển mộ không có kết quả", hồ sơ có đoạn viết.

Phương Vũ (Theo Radio Times
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn