New York Times: Với Tổng thống Donald Trump, mọi con đường đều dẫn tới Moscow

Thứ Năm, 12 Tháng Mười Hai 20196:00 SA(Xem: 5042)
New York Times: Với Tổng thống Donald Trump, mọi con đường đều dẫn tới Moscow
Với Tổng thống Donald Trump, mọi con đường đều dẫn tới Moscow

Một bài bình luận gần đây trên tờ New York Times nhận định, khi bàn đến Tổng thống Mỹ Donald Trump và nước Nga, mọi thứ đều có mối liên quan.

Với Tổng thống Donald Trump, mọi con đường đều dẫn tới Moscow - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo chớp nhoáng với các phóng viên tại Nhà Trắng. (Nguồn: AP)

"Bắt tay" với thế lực bên ngoài

Sự liên quan giữa ông Trump và Moscow thể hiện rõ sau khi hai sự kiện gây choáng váng được hé lộ tại Quốc hội Mỹ hôm 9/12: Cuộc điều trần luận tội ông Trump do Ủy ban Tư pháp Hạ viện tiến hành và Công bố báo cáo về nguồn gốc cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về sự liên quan giữa Nga và chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Trump.

Trong đó, một sự kiện liên quan cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và một sự kiện liên quan cuộc bầu cử Tổng thống 2020. Cả hai đều có chung một điểm là: ông Trump phụ thuộc và hoan nghênh sự can thiệp của Nga để giúp ông chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Những gì ông Trump làm hồi năm 2016 đã đủ bộc lộ sự tồi tệ khi công khai kêu gọi Nga xâm nhập thư điện tử của đối thủ. Song khi đó, ông Trump chỉ là một ứng cử viên Tổng thống. Giờ khi đã là Tổng thống, ông Trump lại sử dụng quyền lực to lớn của mình để đạt được mục tiêu tương tự. Đây chính là một hình thức lạm dụng quyền lực đáng quan ngại và là lý do để thiết lập quyền luận tội Tổng thống.

Những kết quả điều tra cũng là lý do vì sao lãnh đạo đảng Dân chủ ở Hạ viện đang thúc đẩy yêu cầu luận tội ông Trump. Họ đang nỗ lực đảm bảo rằng cuộc bầu cử 2020 sẽ không bị hủy hoại bởi một vị Tổng thống Mỹ “bắt tay” với thế lực bên ngoài. Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler nói: “Tính thống nhất và toàn vẹn của cuộc bầu cử sắp tới của chúng ta đang gặp rủi ro. Không có gì cấp bách hơn lúc này”.

Sáng 9/12, các luật sư của Ủy ban Tư pháp và Tình báo Hạ viện đã trình bày bản tường trình luận tội toàn diện nhất đối với Tổng thống Trump. Họ đã lý giải chi tiết cách thức ông Trump “găm” lại hàng trăm triệu USD viện trợ cho Ukraine trong một cuộc họp ở Nhà Trắng như thế nào để gây sức ép buộc Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố 2 cuộc điều tra, một cuộc nhằm vào cha con cựu Phó Tổng thống Joe Biden và cuộc còn lại vào cáo buộc Ukraine can thiệp bầu cử Mỹ 2016 chứ không phải Nga.

Ai được hưởng lợi từ những tuyên bố này? Là ông Trump, người tin rằng những triển vọng tái đắc cử của mình bị ông Biden đe dọa. Hay là ông Vladimir Putin, người đã mất nhiều năm trời để biến Ukraine thành kẻ chịu tội cho chính sự can thiệp của Nga trong bầu cử Mỹ 2016? Ông Putin đã không thể qua mặt những người thuộc cộng đồng tình báo Mỹ, vốn khẳng định rằng chỉ có Chính quyền Moscow chịu trách nhiệm can thiệp bầu cử Mỹ.

Hiện nay, giới nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang làm hết sức mình để đánh “hỏa mù” quá trình luận tội Tổng thống Trump. Họ là những người bảo vệ trung thành nhất cho những hành động của ông Trump mặc dù ở tâm thế: “Ừ, đúng là ông ấy làm việc đó? Thế thì đã sao?”.

Với Tổng thống Donald Trump, mọi con đường đều dẫn tới Moscow - Ảnh 2.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bill Taylor và Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ George Kent, tuyên thệ trong phiên điều trần công khai do Hạ viện tổ chức nhằm luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Getty Images)

Lý do quyền luận tội tồn tại

Thông tin quan trọng nữa là việc Tổng thanh tra Bộ Tư pháp Mỹ Michael Horowitz công bố báo cáo 434 trang về cơ sở để FBI tiến hành điều tra về mối liên hệ của Nga trong chiến dịch tranh cử Tổng thống 2016 của ông Trump. Giống như bằng chứng về việc ông Trump tìm cách mua chuộc Tổng thống Ukraine, những bằng chứng về mối liên hệ với Nga là không thể bàn cãi. Đó là lý do vì sao giới nghị sĩ Cộng hòa thay vì công kích cuộc điều tra này, đã khẳng định những hành động phi pháp của đặc vụ FBI, vốn không ưa ông Trump.

Ông Horowitz đã bác bỏ luận điệu này, khẳng định cuộc điều tra của FBI dựa trên bằng chứng đầy đủ về mối đe dọa an ninh quốc gia đang diễn ra và không có bằng chứng nào cho thấy cuộc điều tra này bị ảnh hưởng bởi sự thiên vị chính trị chống lại ông Trump. Mặc dù vậy, ông Horowitz chỉ trích FBI mắc quá nhiều “lỗi cơ bản” trong quá trình điều tra, trong đó có những sai sót và bỏ qua chi tiết làm cho thông tin hỗ trợ cuộc điều tra trở nên nghiêm trọng hơn thực tế. 

Tuy nhiên, những công bố về sai sót này lại không làm phiền lòng giới nghị sĩ Cộng hòa. Họ chỉ đơn thuần quan tâm về những gì có thể giúp bảo vệ vị Tổng thống của mình trước cuộc điều tra luận tội mà do chính ông gây ra kể từ khi lên nắm quyền.

Về phần mình, ông Trump cho rằng báo cáo nói trên của FBI là “những điều mà nhiều người lầm tưởng, chỉ làm mọi việc thêm tồi tệ”. Những tuyên bố kiểu như vậy là một phần tính cách của ông Trump, và đáng nói là lại tỏ ra hiệu quả trước công chúng.

Như vậy, cho dù ông Trump đã “bắt tay” với Nga để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 2016 hay ông là một nhà lãnh đạo sẵn sàng chống lại sự can thiệp của Nga để tái đắc cử vào năm 2020, thì những gì ông Trump đang làm chính là điều mà những nhà lập pháp Mỹ lo sợ. Họ lo sợ một lãnh đạo “khát” quyền lực và vô kỷ luật. Đó là lý do vì sao những nhà lập pháp Mỹ đặt ra quyền luận tội trong Hiến pháp nước này.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Năm, 12 Tháng Mười Hai 20194:28 CH
Khách
New York Times ??????? For old Liberal dudes in Southern California chew it. It is 2-cent news paper.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn