Án tham nhũng khác thường của cựu lãnh đạo chứng khoán Trung Quốc

Thứ Hai, 28 Tháng Mười 20193:00 CH(Xem: 7108)
Án tham nhũng khác thường của cựu lãnh đạo chứng khoán Trung Quốc

Cựu chủ tịch ủy ban chứng khoán Trung Quốc Liu Shiyu thừa nhận tham nhũng, song không bị ra tòa hay khai trừ đảng, một điều bất thường.

Trước khi bị điều tra tham nhũng hồi tháng 5, Liu Shiyu, cựu chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Quốc gia, thường xuyên xuất hiện trên mặt báo. Trong ba năm cầm quyền tại Ủy ban Chứng khoán quốc gia 2016-2019, Liu thường xuyên mở hàng loạt cuộc điều tra vào những gì ông gọi là "man rợ, ác quỷ, sinh vật quỷ quái hoặc cá sấu tài chính" trên thị trường chứng khoán.

Liu Shiyu được điều chuyển giữ chức phó bí thư đảng ủy Liên đoàn hợp tác xã Cung tiêu (ACFSMC) Trung Quốc hồi tháng một để phục vụ điều tra. Ông tiếp tục trở thành tiêu điểm đầu tháng này khi sau 5 tháng im lặng, cơ quan chống tham nhũng hàng đầu quốc gia kết thúc điều tra mà không cáo buộc hình sự và chỉ đưa ra hình thức phạt rất nhẹ.

Không giống như quan chức khác bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng đả hổ diệt ruồi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Liu, 58 tuổi, sẽ không phải ra tòa và không bị khai trừ khỏi đảng. Đó là một ngoại lệ có thể không thuyết phục được công chúng, theo các nhà quan sát.

Trong một thông báo của Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC), siêu cơ quan chống tham nhũng, các nhà điều tra nói rằng Liu đã nhận tội nhận quà và tiền để đưa ra các quyết định có lợi cho các cá nhân, doanh  nghiệp trong quá trình làm việc. "Những hành vi sai trái" của ông đã "vi phạm nghiêm trọng các luật liên quan nghĩa vụ", nhưng vì Liu hợp tác điều tra, thành khẩn khai nhận nên được khoan hồng.

Cựu chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) Liu Shiyu. Ảnh: Bloomberg.

Cựu chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) Liu Shiyu. Ảnh: Bloomberg.

Hình phạt đối với Liu là bị cách chức phó bí thư đảng ủy ACFSMC và không phải đối mặt với án tù. Trong khi hầu hết quan chức bị buộc tội tham nhũng phải đối mặt cáo buộc hình sự và bị khai trừ khỏi đảng, Liu chỉ bị quản chế hai năm trong đảng và vẫn là đảng viên.

Việc xử lý vụ án của Liu cũng khác thường ở chỗ hình thức kỷ luật được Bộ Chính trị thông qua trước tiên, một sắp xếp vốn không được tiết lộ công khai trong các cuộc điều tra tương tự đối với quan chức cấp bộ trưởng. Ngoài ra, ít nhất một số sai phạm của Liu xảy ra sau đại hội đảng năm 2012 khi ông Tập phát động chiến dịch chống tham nhũng và các đảng viên đã được cảnh báo để sửa chữa theo cách của họ.

Trong những lần xuất hiện công khai, Liu đều vạch ra đường lối của đảng với độ dài đáng ngạc nhiên, ngay cả theo tiêu chuẩn của quan chức Trung Quốc. Năm 2017, Liu cho biết các doanh nghiệp nhà nước có kết quả tài chính tốt nhất là những doanh nghiệp ưu tiên xây dựng đảng. "Những người làm rối tung doanh nghiệp của họ thường là những người không chú ý nhiều đến việc xây dựng đảng", ông nói.

Nhận xét của Liu được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh gây tranh cãi khi yêu cầu thành lập chi bộ đảng trong các doanh nghiệp tư nhân. Cuối năm đó, Liu ca ngợi ông Tập vì đã ngăn chặn âm mưu tiếm quyền từ các đối thủ chính trị.

Giáo sư luật của Đại học Vũ Hán Qin Qianhong nói rằng vì cơ quan chống tham nhũng tiết lộ rất ít thông tin về trường hợp của Liu, nên không thể biết mức độ tham nhũng của ông nghiêm trọng như thế nào.

"Chúng ta không thể biết số tiền hoặc giá trị quà tặng ông ấy nhận được và cũng không thể xác định ông ấy có vi phạm luật hình sự hay không. Công chúng cũng không thể xác định tuyên bố của cơ quan giám sát có bao nhiêu sự thật", Qin nói. "Nếu tuyên bố này là chính xác, theo luật hiện hành, cơ quan chống tham nhũng đã có quyền khép lại vụ án mà không buộc tội".

Nhưng nếu Liu được tha tội trong khi ông ấy đã thực sự tham nhũng số tiền lớn và vi phạm luật hình sự, công chúng sẽ thất vọng. James Zimmerman, đối tác của công ty luật quốc tế Perkins Coie tại Bắc Kinh và cựu chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho biết trường hợp của Liu có thể gửi một thông điệp sai đến thị trường tài chính và cộng đồng doanh nghiệp.

"Trường hợp này không chỉ thúc đẩy việc dùng lời thú tội đổi lấy sự khoan hồng, mà còn cho thấy rằng việc khúm núm trước lãnh đạo chính trị có thể mang lại lợi thế", Zimmerman nói. "Quyết định trong trường hợp này phản ánh sự xói mòn của luật pháp, trong đó công lý cần được thực thi một cách công bằng, bất kể sự giàu có, quyền lực hay liên kết chính trị".

Trong hai năm qua, các cựu quan chức bị điều tra đều không may mắn như Liu. Qin Guangrong, cựu bí thư đảng ủy tỉnh Vân Nam, đã bị khai trừ khỏi đảng vào tháng trước và sẽ phải đối mặt với phiên tòa về tội tham nhũng. Ai Wenli, cựu phó chủ tịch của cơ quan tham vấn chính trị tỉnh Hà Bắc, bị kết án 8 năm tù vào tháng 4.

Nhưng các tuyên bố chính thức về trường hợp của Qin và Ai cứng rắn hơn so với Liu, nói rằng họ bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, cụm từ có thể có nghĩa là họ đã nhận hối lộ lớn.

Zhuang Deshui, phó giám đốc Trung tâm Chính phủ sạch của Đại học Bắc Kinh, nói rằng đảng Cộng sản Trung Quốc có thể dùng trường hợp của Liu để khuyến khích các quan chức tham nhũng tự xoay xở và hợp tác.

"Điều này vừa đáng ngạc nhiên vừa không. Cơ quan chống tham nhũng đã cố gắng không bỏ tù tất cả quan chức có vấn đề, tùy thuộc vào bản chất của vụ án và mức độ mà họ hợp tác. Nó có thể giúp làm gương về việc nhận tội để đổi lấy sự khoan hồng", Zhuang cho hay.

Huyền Lê (Theo SCMP
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn