G7: Nghệ thuật ngoại giao táo bạo và khôn khéo của tổng thống Pháp

Thứ Hai, 02 Tháng Chín 20195:00 CH(Xem: 3738)
G7: Nghệ thuật ngoại giao táo bạo và khôn khéo của tổng thống Pháp
vi.rfi.fr

G7: Nghệ thuật ngoại giao táo bạo và khôn khéo của tổng thống Pháp

Tú Anh

mediaTổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump, tại hội nghị G7 ở Biarritz, ngày 25/08/2019.Andrew Harnik/Pool via REUTERS

Hội nghị G7 kết thúc vào hôm nay 26/08/2019 sau ba ngày họp tại Biarritz đã đưa đến một số kết quả cụ thể, đặc biệt trên hồ sơ Iran, môi trường và công nghệ số.

Trước một Donald Trump phản ứng khó lường, nghệ thuật ngoại giao dàn cảnh của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hóa giải những tranh cãi tiêu cực. Một đạo diễn kỳ tài, theo nhận định của giới phân tích.

Tiếp Vladimir Putin hồi giữa tháng 8, mời Donald Trump ăn trưa trước giờ G7 khai mạc hay sẽ hội kiến với Tập Cận Bình vào tháng 11, cho thấy tổng thống Emmanuel Macron, tin vào quan hệ cá nhân, không xem ai là đối thủ.

Đối thoại với tất cả, nếu có thể sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong mọi xung khắc, đặt nước Pháp vào trung tâm bàn cờ thế giới. Đó là phương châm ngoại giao mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron áp dụng triệt để trong ba ngày thượng đỉnh G7 gồm các nước công nghiệp hùng mạnh nhất thế giới.

Ý thức vị thế áp đảo của phe Tây phương ngày càng yếu đi do chia rẽ nội bộ hay bị các nước đang lên tranh giành ảnh hưởng, tổng thống Pháp muốn chuyển đổi G7 thành một câu lạc bộ bán chính thức giữa các đại cường, muốn mở rộng đến Nam Phi, Úc và Ấn Độ.

Trong lúc tổng thống Mỹ Donald Trump, với phản xạ và văn hóa của một doanh nhân, lúc nào cũng nhắm vào những « hợp đồng vĩ đại » thì tổng thống Emmanuel Macron thúc đẩy sao cho đả thông bế tắc, đạt được tiến triển nào đó trên các hồ sơ nóng đe dọa hòa bình hay tương lai sống còn của nhân loại.

Được chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ nhiều tháng, thượng đỉnh G7 được dự kiến sẽ gay go, trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo hoặc bị suy yếu như thủ tướng Đức, hoặc phân tâm vì chính trị đối nội như tổng thống Mỹ, thủ tướng Anh, Ý. Trong bối cảnh này, Le Monde, nhật báo khó tính nhất của Pháp, cũng nhìn nhận tổng thống Macron đã thành công khi tất cả các hồ sơ nóng hiện nay đều được đưa ra thảo luận. Đó là thương chiến Mỹ-Trung, nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới, có nên mở cửa cho Nga tái hội nhập G7 hay không, cháy rừng Amazon, khí hậu, đại dương ô nhiễm, khủng hoảng Iran và thuế GAFA đánh lên các tập đoàn kỹ thuật số Hoa Kỳ.

Điều tiến bộ cụ thể không ai phủ nhận là cuộc khủng hoảng Iran. Sự kiện ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif bất ngờ đến Biarritz trong 5 tiếng đồng hồ, không được mời tham gia hội nghị nhưng được hội kiến với tổng thống và ngoại trưởng Pháp, đã đặt hồ sơ hạt nhân vào trung tâm thượng đỉnh. Nếu không có quyết định chung nhân « bữa ăn trưa » ngày hôm trước, có lẽ tổng thống Donald Trump đã không giữ thái độ thản nhiên, thậm chí còn tuyên bố chính ông « khuyến khích » tổng thống Macron mời ngoại trưởng Iran. Theo Reuters, chủ nhân Nhà Trắng dường như chấp nhận cho ngoại giao cơ hội giải quyết khủng hoảng khi tuyên bố thêm sau đó : G7 thống nhất lập trường.

Một hồ sơ nóng khác đang gây xung khắc Mỹ- Pháp và có châu Âu đứng sau, là chuyện đánh thuế các tập đoàn tin học lớn, (thường được gọi một cách không chính xác là thuế GAFA, bao gồm 4 tập đoàn Mỹ Google, Apple, Facebook và Amazon). Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ trả đũa trên rượu vang của Pháp. Theo tin mới nhất, trước cuộc họp báo chung kết thúc G7 dự kiến vào 15 giờ 30 giờ Pháp, Donald Trump tuyên bố hai bên sắp đạt được thỏa thuận.

Bình luận về G7, nhật báo cánh tả Libération cũng nhìn nhận Emmanuel Macron với cao vọng, với nỗ lực đối thoại không ngừng nghỉ và khôn khéo thuyết phục, nên tránh cho thế giới một cuộc chiến tại Trung Đông.

Tuy với tổng thống Donald Trump, tương lai sẽ còn nhiều bất trắc nhưng rõ ràng là với thiện chí và nghị lực của Emmanuel Macron, một khung thỏa thuận mới giữa Washington và Teheran đã được phác họa.Theo nhận định của Robert Malley, nhà phân tích của International Crisis Group ICG, nếu thành công thì đó là một chiến thắng to lớn, còn nếu thất bại thì có ai nỡ trách tổng thống Pháp làm chi.

Dù sao thì cũng không nên lạc quan thái quá. Trên Le Figaro, nhà bình luận Guillaume Tabard cảnh giác : Giữa thành quả một hội nghị và hiệu quả thực tế bao giờ cũng có sự khác biệt. Ván bài thấu cáy của Macron liệu có tác động gì lên tình hình căng thẳng tại Trung Đông, ngọn lửa thiêu đốt rừng Brazil và chiến tranh thương mại đe dọa hàng xuất khẩu của Pháp ?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn