Hun Manet: ‘Thái tử’ chờ kế nhiệm cha ở Campuchia?

Thứ Ba, 25 Tháng Sáu 20196:00 SA(Xem: 4781)
Hun Manet: ‘Thái tử’ chờ kế nhiệm cha ở Campuchia?
voatiengviet.com

Hun Manet: ‘Thái tử’ chờ kế nhiệm cha ở Campuchia?


Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy ông Hun Manet, trưởng nam của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, đang được thân phụ chuẩn bị để nắm lấy chiếc ghế Thủ tướng sau này, các nhà quan sát chính trị Campuchia nhận định. Tuy nhiên, việc ‘cha truyền con nối’ này không phải điều dễ dàng đối với gia tộc Hun.

Hoạt động bận rộn

“Việc ông Hun Sen muốn giao lại quyền lực cho một trong những người con của ông không phải là điều gì mới mẻ,” nhà báo David Hutt thường trú tại Campuchia cho tờ Diplomat, viết trên một bài báo mới đây có tiêu đề: ‘Hun Manet, Thủ tướng kế tiếp của Campuchia?”.

Trong bài báo này, tác giả Hutt đã dẫn nguồn từ các quan chức Mỹ từ cuối những năm 2000 nhận định rõ ràng rằng ông Hun Manet đang được thân phụ đào tạo để lên nắm quyền. Một điện tín ngoại giao bị rò rỉ hồi năm 20008 cho biết ‘Hun Manet được đề cập đến là đang đóng vai trò ngày càng quan trọng’ trong chính trị, còn một điện tín khác đề năm 2012 cho rằng ‘Hun Manet dường như đang được đào tạo để lên nắm quyền như kiểu con trai của Gaddafi (nhà độc tài Libya bị lật đổ)’.

Bản thân Thủ tướng Hun Sen cũng đã nói hồi tháng 10 năm ngoái rằng người con trai lớn của ông ‘có thể là nhà lãnh đạo tương lai của Campuchia’, nhà báo Hutt cho biết. Hồi năm ngoái ông Hun Manet đã được đề bạt lên vị trí cao thứ hai trong quân đội và giờ đây dường như đang làm việc như người đứng đầu trên thực tế của các lực lượng vũ trang. Ông này cũng có một ghế trong Ủy ban Thường trực của Đảng CPP cầm quyền, cơ quan cao nhất ra các quyết định của Đảng cũng giống như Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo giải thích của ôn Hutt thì ông Hun Sen muốn sắp xếp việc kế nhiệm này là ‘để bảo vệ những lợi ích của ông trước các thành viên phẫn nộ của đảm cầm quyền’.

“Ông Hun Sen trước sau vẫn nói là ông sẽ nắm quyền cho đến ít nhất là đầu những năm 2020 nếu không phải là lâu hơn nữa. Chỉ mới 66 tuổi, với Hiến pháp của ông ấy, thì chuyện đó không khó tin lắm,” bài báo viết. “Tuy nhiên những gì xảy ra trong quá khứ cho thấy ông ấy không có ý định bàn giao quyền hành thông qua bầu cử. Khi đó chỉ còn là việc nối nghiệp.”

“Với việc ông Hun Manet đang kiểm soát một vài khía cạnh của các cơ quan an ninh Campuchia, bao gồm quân đội, cảnh sát quân đội và cảnh sát chìm, một số người đã bắt đầu kết luận rằng một chế độ quân sự đang dần xuất hiện ở Campuchia.”

Nhà báo David Hutt cũng lưu ý rằng trong vòng 6 tháng qua, ông Manet đã đi thăm tất cả các nước quan trọng với Campuchia: Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Mỹ và Nga. Ông cho rằng các chuyến thăm này là ‘làm quen với giới ngoại giao và phát triển các mối quan hệ với các chính phủ nước ngoài để chuẩn bị cho việc kế nhiệm’.

Còn ở trong nước, ông Manet cũng bận rộn đi viếng thăm các tỉnh thành. Năm ngoái, có tin cho rằng ông đã tích cực thực hiện các vai trò xã hội cho đảng cầm quyền. Trong những tháng vừa qua, ông đã cởi bỏ quân phục để mở chùa, khánh thành trường học và thư viện cũng như đến tham dự các buổi lễ tốt nghiệp – nhưng sự kiện mà thân phụ ông thường tham gia. David Hutt còn cho biết rằng ông Manet đã hoạt động tích cực hơn trong cộng đồng các tổ chức phi chính phủ và tổ chức từ thiện ở Campuchia, đề nghị giúp đỡ và cam kết các khoản hỗ trợ tài chính.

Trên mạng xã hội, vốn từng là lãnh địa của đảng đối lập, trang Facebook của Hun Manet đã có hơn 600.000 người theo dõi, nhiều hơn rất nhiều so với tấc cả các quan chức còn lại của Đảng CPP mặc dù chỉ là con số nhỏ so với 11,5 triệu người theo dõi của Thủ tướng Hun Sen. Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng, vốn được xem là kình địch với ông Hun Sen, chỉ có 120.000 người theo dõi, trong khi Hun Many, em trai ông Manet và là người phụ trách cánh thanh niên của Đảng CPP, có 134.000 người theo dõi. Cũng giống như trang Facebook của thân phụ, trang của Hun Manet đăng hình ông làm việc chăm chỉ, những khoảnh khắc thân thiết với người dân Campuchia. Và trong tất cả các bức ảnh, ông đều cười rạng rỡ.

Vai trò quan trọng

Nhà báo Kimseng Men, phóng viên phụ trách mảng chính trị của VOA Ban tiếng Khmer, cho biết bản thân ông cũng quan sát thấy ‘có rất nhiều dấu hiệu’ chỉ về phía ông Hun Manet như là nhà lãnh đạo được quy hoạch trước.

Trong các dấu hiệu này thì quan trọng nhất là việc ông Hun Manet được giao lãnh đạo quân chủng bộ binh và lực lượng chống khủng bố, theo nhà báo Kimseng Men.

“Campuchia là một nước nhỏ, cho nên bộ binh là lực lượng chính của đất nước,” nhà báo Kimseng giải thích. “Với vai trò chống khủng bố ông ấy được làm việc với các lãnh đạo quân sự nước ngoài.”

“Ở Campuchia, nếu anh phụ trách quân đội thì gần như anh nắm quyền lực bởi vì bầu cử chỉ là vấn đề thủ tục mà thôi.”

Một dấu hiệu rõ ràng nữa, theo nhà báo này, là ông Manet được giao nhiệm vụ gầy dựng sự ủng hộ cho Đảng CPP trong thanh niên Campuchia.

“Ông ấy đã đi đến nhiều nơi trên đất nước để tranh thủ sự ủng hộ cho đảng của cha ông ấy. Đó là một vai trò rất lớn do Campuchia có gần 70% dân số dưới 30 tuổi,” nhà báo Kimseng nói thêm.

Ở trong nước, tần suất phủ sóng của ông Hun Manet ‘chỉ xếp thứ hai sau cha ông ấy’, ký giả Kimseng cho biết, và bao trùm các chương trình trên sóng truyền hình Campuchia.

Theo nhận định của nhà báo David Hutt thì ‘ông là người mà các bên đều có thể tìm thấy lợi ích của mình’. Đối với ông Hun Sen và Đảng CPP thì gần như chắc chắn Manet sẽ đi theo con đường chính trị của cha: cho đối thủ chính trị rất ít không gian vận động, nhân nhượng các cường quốc bên ngoài, tự do hóa nền kinh tế và đảm bảo mức sống đàng hoàng cho người dân và đảm bảo rằng những đồng minh vẫn nắm giữ những vị trí quyền lực.

“Đối với các cử tri Campuchia, ông Manet là hiện thân của sự duy trì hiện trạng. Đối với tầng lớp tinh hoa của CPP, ông ấy là người nắm giữ quân đội, và đo đó là sức mạnh bạo lực của đảng. Đối với Trung Quốc, ông ấy là người được giáo dục tốt để thừa hiểu rằng Campuchia không thể tách ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc. Đối với Việt Nam, ông ấy được mong chờ sẽ củng cố mối quan hệ lịch sử giữa hai nước vốn chủ yếu được xây dựng trên mối quan hệ quân đội. Còn đối với Mỹ, ông ấy là người tốt nghiệp trường quân sự West Point và có khả năng có đầu óc tự do hơn thân phụ,” nhà báo David Hutt phân tích.

‘Muốn quan hệ tốt với Việt Nam’

Còn nhà báo Kimseng Men thì lưu ý rằng cho đến nay, ông Hun Manet ‘không hề có bất cứ phát biểu hay quyết định gì khác với cha’.

Tuy nhiên, gần đây, ông Manet đã lên tiếng phản bác một bình luận của cha ông về cải cách quân đội – lần đầu tiên một quan chức trong chính quyền Campuchia dám nói ngược Thủ tướng nhưng sau đó ông Hun Sen không nói gì, ông Kimseng cho biết. Ông đồ rằng đây là một ‘chiến thuật’ của nhà Hun để xây dựng hình ảnh độc lập cho Hun Manet.

Khi được hỏi về quan điểm chính trị và lập trường của ông Hun Manet trên vấn đề đối ngoại, nhất là quan hệ đối với Việt Nam, ông Kimseng nói rằng ngoại trừ vấn đề cải cách quân đội thì ông Manet tuân theo toàn bộ đường lối của thân phụ ông.

“Tôi có cơ hội phỏng vấn ông ấy hai năm trước và lâu nay vẫn theo dõi ông ấy từ xa, tôi thấy rằng ông ấy đi theo đường lối của đảng trong quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng quan trọng như Việt Nam và Thái Lan. Ông ấy muốn có quan hệ an toàn với tất cả các nước này,” nhà báo Kimseng cho biết và nói rằng cho đến nay ông Manet không thể hiện quan điểm chống Mỹ rõ ràng như cha ông.

Ông Kimseng cho biết ông Hun Manet đã gặp gỡ các quan chức quân sự Việt Nam để bàn bạc về hợp tác quân sự giữa hai nước và đào tạo sỹ quan cho quân đội Campuhia.

Tuy nhiên, với tình hình chính trị hiện nay của Campuchia thì liệu ông Hun Sen và Đảng CPP của ông có đủ sức mạnh để đưa con trai ông lên nắm quyền hay không?

Theo ông Hutt thì chính trị ở Campuchia hiện nay không còn là sự tranh chấp giữa Đảng CPP cầm quyền và Đảng CNRP đối lập của ông Sam Rainsy nữa (vốn đã bị ông Hun Sen giải thể) mà là những mối quan hệ bên trong Đảng, và giữa Đảng với cánh quân sự vốn là nguồn gốc quyền lực ở Campuchia.

Nhà báo theo dõi tình hình Campuchia này cho rằng mặc dù vẫn còn những biến số bất định, ‘không có bằng chứng cho thấy ông Manet không được sự ủng hộ của công chúng Campuchia và cũng không có bằng chứng cho thấy những đối thủ chính trị bên ngoài gia tộc Hun có đủ khả năng ngăn chặn bất kỳ kế hoạch kế nhiệm nào của ông Hun Sen’.

Ông Hutt dẫn ra những bằng chứng cho thấy quyền lực mạnh mẽ và rộng lớn của gia đình Hun Sen, vốn sẽ là bệ phóng cho ông Hun Manet lên nắm quyền: Hun Manet và em trai Hun Manith kiểm soát quân đội; Hun Many nắm cánh thanh niên của Đảng CPP; Hun Mana nắm truyền thông và khu vực tư; bà Buny Rany, phu nhân ông Hun Sen, là người nắm hoạt động từ thiện trong nước. Ngoài ra, còn có rất nhiều cháu trai, cháu gái, anh em họ hàng của ông Hun Sen nữa.

“Điều quan trọng là tất cả hệ thống này mặc định sẽ được Hun Manet thừa hưởng – điều này có nghĩa là nếu có ai đó trong nội bộ Đảng CPP chống đối việc chuyển giao quyền lực cha truyền con nối của ông Hun Sen, thì hệ thống của Đảng CPP sẽ sụp đổ và cùng với nó là sự kiểm soát của Đảng CPP đối với xã hội Campuchia,” bài báo phân tích.

‘Gieo rắc nỗi sợ’

Khi được hỏi chính trường Campuchia liệu có thuận lợi để thực hiện việc kế nhiệm theo kiểu cha truyền con nối như thế, nhà báo Kimseng nói: “Những ai là lực lượng trung thành của Đảng CPP sẽ ủng hộ bất kỳ đường lối nào của Đảng, tức có nghĩa là sẽ ủng hộ Hun Manet (lên nắm quyền).” Ông nói tuy nhiên vẫn còn những người ủng hộ phe đối lập nữa.

Một nhân tố nữa cũng rất quan trọng để quyết định Hun Manet có lên làm Thủ tướng hay không là thân phụ của ông: đương kim Thủ tướng Hun Sen, nhà báo Kimseng cho biết.

Nhà báo này nói rằng bên cạnh vai trò là Thủ tướng, hình ảnh mà ông Hun Sen đại diện trong mắt công chúng Campuchia là ‘chế độ độc tài’, là ‘tất cả những yếu tố tiêu cực mà một chế độ dân chủ không muốn có’.

“Do đó, nếu thân phụ ông ấy ra đi thì việc ông ấy có kế nhiệm được không thì anh phải xem liệu công chúng có xem ông ấy như là một người kế nhiệm tốt hay chỉ là con trai của một nhà độc tài, một người gieo rắc nỗi sợ?”

“Khi ông Hun Sen về hưu có nghĩa là nỗi sợ không còn nữa, vậy thì tại sao anh lại ủng hộ con trai của người gieo rắc nỗi sợ để anh tiếp tục sợ hãi cho đến hết cuộc đời?” ông Kimseng phân tích.

Trả lời câu hỏi nội bộ Đảng CPP nghĩ gì về việc đưa ông Hun Manet lên kế nhiệm Hun Sen, nhà báo ban tiếng Khmer vốn có ba thập niên theo dõi chính trị Campuchia cho biết ‘Cũng có những quan chức khác muốn đề bạt con cái của họ hoặc muốn trở thành nhà lãnh đạo kế tiếp của đất nước’.

“Có rất nhiều người được đào tạo ở Việt Nam làm việc cho chính quyền của Hun Sen trong các cơ quan cảnh sát hay quân đội. Họ vẫn trung thành với ông Hun Sen hoặc là họ vẫn sợ ông ấy,” ông nói. “Nhưng cho dù là họ trung hay sợ, họ vẫn có thể chuyển sự trung thành sang phe phái khác trong Đảng.”

“Campuchia là một nhà nước quân chủ, chỉ có các nhà vua mới chuyển giao quyền lực cho con cái chứ tôi chưa thấy một Thủ tướng nào chuyển giao quyền lực cho con trai của mình. Và cá nhân tôi không tin rằng với những thách thức kể trên ông Hun Manet sẽ trở Thành thủ tướng của Campuchia một ngày nào đó,” ông nói.

“Tuy nhiên cũng có nhiều người cho rằng biết đâu đây là đầu tiên Campuchia chứng kiến chuyển giao quyền lực từ cha cho con, nhưng điều đó còn phải chờ xem.”

“Cần phải nhớ rằng người dân Campuchia rất hiền lành nhưng nếu bị đẩy đến một điểm nào đó họ sẽ trở nên tàn nhẫn,” ông nói thêm.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn