Thị trưởng Trương Minh Ẩn – Chia sẻ và giúp đỡ

Thứ Bảy, 25 Tháng Năm 20199:04 CH(Xem: 5142)
Thị trưởng Trương Minh Ẩn – Chia sẻ và giúp đỡ

Như đã đưa tin trên số báo trước, Tiến Sĩ Trương Minh Ẩn, 70 tuổi, vừa trở thành người gốc Việt đầu tiên đắc cử vào chức vụ Thị Trưởng tại Texas. Trong vai trò tân thị trưởng thành phố Haltom trực thuộc Hạt Tarrant, TX, Thị Trưởng Trương minh Ẩn đã dành cho Trẻ cuộc phỏng vấn đặc biệt trên số báo hôm nay. Xin mời quý độc giả cùng theo dõi.

truong-minh-an3

Đinh Yên Thảo (DYT): – Xin chúc mừng Tiến Sĩ Trương Minh Ẩn vừa trở thành tân thị trưởng thành phố Haltom, Texas. Cảm xúc trong những giây phút đầu tiên khi ông nghe tin được đắc cử vào chức vụ thị trưởng là như thế nào? Lúc đó ông ở đâu và với ai?

Thị trưởng Trương Minh Ẩn (TT TMA): – Cuộc bầu cử chấm dứt lúc 7 giờ chiều ngày Thứ Bảy 4 Tháng 5 thì gia đình chúng tôi và một vài bạn bè đến nhà một ứng cử viên hội đồng thành phố khác để có buổi tiệc nho nhỏ chờ kết quả. Mọi người hồi hộp chờ đợi và đến 7:30 tối thì có kết quả bầu cử sớm, tôi thấy kết quả rất khả quan khi các đối thủ của tôi chỉ có khoảng 20% phiếu còn tôi được khoảng 60%, có phần trăm thắng cao. Khoảng đâu 11:20 khuya có kết quả cuối cùng thì tôi nhảy lên, “Mình thắng rồi, người thị trưởng đầu tiên (tại Texas) của Việt Nam”. Đó là những giây phút rất phấn khích trong cuộc đời tôi vì tôi không nghĩ một người tị nạn sang đây mà trở thành thị trưởng một thành phố, là chuyện rất hy hữu. Đây là chiến thắng rất vẻ vang cho riêng tôi và cộng đồng người Việt tại đây. Tôi đã nhận rất nhiều lời cảm ơn và chúc mừng của đồng hương, người bản xứ từ khắp mọi nơi.

truong-minh-an4
Bích chương vận động bầu cử của ông Trương Minh Ẩn

ĐYT: – Vâng đúng vậy thưa ông, sau California thì đây là tiểu bang thứ nhì có một người gốc Việt đắc cử vào chức vụ thị trưởng. Các số liệu cho thấy có khoảng 4%, tức dưới hai ngàn người Việt hiện cư ngụ tại Haltom, ông nhận được bao nhiêu lá phiếu của cử tri gốc Việt?

TT TMA: – Dân số ở đây có gần 50 ngàn người nhưng số người đi bầu chỉ có khoảng 4%. Tôi được đâu khoảng 1,100 phiếu, gần 60% phiếu, còn bên kia mỗi người được hơn 300 phiếu. Lần này có khoảng gần 300 người Việt Nam bỏ phiếu cho tôi, đó là chuyện lạ vì xưa nay không có đến 50 người Việt đi bỏ phiếu. Thường khi tranh cử mà có ba người thì dễ có runoff, tức bỏ phiếu lần hai (nếu tỉ lệ không quá bán), trong khi hai đối thủ  của tôi là hai người Mỹ trắng cũng có tiếng trong vùng và cha mẹ họ cũng là những người đã ở đây rất lâu nhưng với sức mạnh của cộng đồng Việt Nam thì tôi đã thắng vẻ vang,  không bị runoff.

ĐYT: – Khi ông tranh cử thì điều khó khăn nhất là gì? Vấn đề tài chánh thì sao thưa ông?

TT TMA: – Điều khó khăn nhất là làm sao cử tri tin tưởng điều mình hứa hẹn để bầu cho mình, đó là điều quan trọng nhất. Vấn đề tài chánh thì đồng hương mình là số một, có người đã tặng tôi tấm ngân phiếu mười ngàn đô, có người năm ngàn đô, hai ngàn đô nên vấn đề tài chánh không phải là vấn đề trở ngại.

truong-minh-an
Thiếu úy Trương Minh Ẩn tại Pleiku năm 1972

ĐYT: – Khác với giới trẻ gốc Việt tham gia vào dòng chính Hoa Kỳ, ông thuộc thế hệ người Việt tị nạn thứ nhất và ra tranh cử ở tuổi 70 nhưng vẫn thắng cử rất vẻ vang. Điều gì đã dẫn ông đến quyết định này?

TT TMA: – Cũng may mắn là sức khoẻ tôi còn tốt do đó khi ra tranh cử thì tuổi tác không phải quan trọng mà cái chính ở tinh thần phục vụ. Nhưng tôi cũng nói điều này cho thế hệ thứ hai chứ thế hệ thứ nhất như tôi mà bây giờ nghĩ sẽ ra tranh cử, làm lại từ đầu thì chuyện đó không có đâu anh. Tôi ra tranh cử để cha mẹ khuyến khích con cháu và các thế hệ thứ hai, thứ ba nhìn đến mà đi theo.

ĐYT: – Theo ông nghĩ thì tại sao cộng đồng chúng ta cần có những dân biểu hay thị trưởng gốc Việt như ông ?

TT TMA: – Đối với tôi thì cái quyền lợi ngay tại chỗ có người không thấy nhưng với quyền lợi chung thì rất là quan trọng. Chẳng hạn như chuyện trong thành phố này, có một cột điện trong khu gia cư chính phủ mà người Việt Nam ở rất là đông bị hư, bị tắt từ vài tháng nay nhưng không ai lo hết, chỉ đến khi gọi tôi một tiếng thì một giờ đồng hồ sau điện sáng lại. Hay anh gặp trở ngại với một văn phòng nào đó trong thành phố và cần sự giúp đỡ thì tôi có thể mời người sếp của văn phòng đó đến gặp anh để nói chuyện và tôi cũng muốn nghe câu chuyện xảy ra thế nào. Đó là điều tôi đã từng thực hiện rồi chứ cũng không phải là ví dụ. Nó là cái lợi trước mắt khi có người của mình làm lớn trong thành phố.

truong-minh-an1
Trương Minh Ẩn tại trại tỵ nan 1975

ĐYT: – Quả đúng như vậy vì những vị dân cử trong các cấp chính quyền địa phương là những người can dự trực tiếp đến đời sống thường ngày của chúng ta. Nhưng tại khu vực Dallas Fort-Worth đông đúc hàng trăm ngàn người gốc Việt mà ngay lúc này chỉ có mình ông vừa đắc cử, ông nghĩ tại sao?

TT TMA: – Chúng ta không có nhiều những vị dân cử vì hồi nào đến giờ có con cái thì ông bà, cha mẹ đều muốn con cháu đi học bác sĩ, luật sư hay kỹ sư để dễ kiếm tiền. Người Mỹ khi vào phục vụ họ không nghĩ đến tiền. Thường thì người giàu mới ra tranh cử nghị viên hay thị trưởng vì tiền lương rất ít nhưng quyền hạn rất nhiều. Hệ thống của Mỹ là giàu để được quyền còn người Việt thì nghĩ tìm quyền để được giàu, hai cái khác nhau. Do đó có người khi tôi đề nghị tham gia vào các ban phục vụ trong hội đồng thành phố thì thường hỏi “được trả bao nhiêu tiền” hay “không trả tiền tôi không làm”. Người Việt mình làm gì cũng thường bỏ lên cán cân nặng nhẹ về tiền bạc và lợi lộc nên không tham gia nhiều như các sắc dân khác.

ĐYT: – Cũng có một số người gốc Việt đó đây từng đắc cử vào các cấp chính quyền địa phương đến liên bang nhưng dường như không giữ được các vị trí này lâu dài hay thăng tiến cao hơn. Ông nghĩ tại sao?

TT TMA: – Kể chuyện của tôi đi. Năm tôi thắng cử nghị viên thành phố có tỉ lệ là 75%, rất là cao. Sau đó có bất cứ sự kiện nào tôi cũng đều tham dự hay có người gặp trở ngại gì đó mà gọi điện thoại thì tôi giúp liền, chính vì đó mà miệng đồn miệng và là những lá phiếu tương lai để giữ chức vụ của mình. Khi mình đắc cử rồi thì ngày làm việc nào của mình cũng xem như cuộc vận động cho cuộc tái tranh cử tương lai, cho người dân thấy rằng người này đúng là người đại diện của họ, không phải đại diện chỉ bằng cái tên mà bằng hành động và sự giúp đỡ.

truong-minh-an5
Cảnh sát Trương Minh Ẩn và vợ

ĐYT: – Từng là cảnh sát, thám tử rồi thị trưởng hiện nay, hy vọng ông sẽ giải quyết được xu hướng tội phạm nhắm vào cộng đồng người Việt hay Á Châu nói chung hiện nay. Ông có thể nói qua vấn đề tội phạm trong cộng đồng Việt Nam như thế nào và thái độ chấp hành luật pháp của người gốc Việt ra sao, có gì cần lưu tâm?

TT TMA: – Tôi từng làm cảnh sát 32 năm, 5 năm làm cảnh sát Fort Worth, sau đó làm cảnh sát điều tra về du đãng, ma túy, điều tra các vụ án mạng lớn, tôi cũng từng đi giúp đỡ đại hội Thánh Mẫu Missouri đúng mười năm cho đến khi bắt hết bọn tội phạm nên nói về vấn đề tội phạm gốc Việt thì có thể nói hoài không hết, tôi chỉ nói sơ thôi. Việc này theo từng thế hệ, từng thời gian. Thời gian đầu mới sang thì có những đứa trẻ nghĩ mình là ông trời nên coi thường luật lệ, vô băng đảng, cướp bóc đồng hương. Đến giai đoạn hai thì đỡ hơn vì mọi người ý thức được chuyện mình phạm tội thì sẽ bị ở tù. Từ sau năm 2000 thì vấn đề tội phạm bạo lực chuyển sang chuyện làm thẻ tín dụng giả hay ăn cắp ID người khác để làm thẻ tín dụng gạt tiền, tức dạng “white collar crime”. Cũng có một số người giàu lên vì trồng cần sa, sau này dời về bên Georgia vì bên đó rừng nhiều, có khu vực cảnh sát ít lui tới. Đối với người Việt Nam nói chung thì họ rất tôn trọng luật pháp nhưng nhiều người vẫn còn cất giữ tiền vàng trong nhà, thích đeo nhiều vòng vàng, mang túi xách bốn, năm ngàn, để nhiều tiền mặt trong bóp nên là mục tiêu cho tội phạm nhắm vào. Những việc này tôi rất thường nhắc nhở trên các chương trình phát thanh.

ĐYT: – Được biết ông là một cựu phi công chiến đấu cơ của quân lực VNCH, con đường một cựu sĩ quan đến Mỹ trở thành cảnh sát, theo học tiến sĩ rồi trở thành Thị trưởng quả là câu chuyện khá đặc biệt và đáng ngưỡng mộ. Ông có thể kể đôi nét về đời binh ngũ của mình cùng hành trình trên đất Mỹ này ra sao?

TT TMA: – Tôi nhập ngũ năm 1969, đến năm 1970 thì được chọn qua Không Quân và được sang Mỹ huấn luyện một năm. Về nước thì tôi đóng tại Plây-ku bốn năm, tham gia những trận lớn trong Mùa Hè Đỏ Lửa, Đắk-tô, Plây-me, 60 % các phi vụ của tôi hầu như lúc nào cũng dính đạn. Trong chiến tranh nên thấy cái chết là chuyện bình thường. Đến ngày 28 tháng Tư năm 75 thì sau phi vụ cuối cùng tại Nha Trang, tôi bay sang Thái Lan vì các cấp chỉ huy đã bỏ đi hết rồi. Sau đó sang đảo Guam, gặp lại vợ và hai đứa con đã được đưa sang bên đó, rồi cả nhà được đưa sang Camp Pendleton tại California. Thời gian đó gia đình tôi là bốn người và vợ tôi đang có bầu thêm đứa nữa, tôi ở trong trại sáu tháng vì không ai bảo lãnh. May mắn là có một gia đình đại tá lực lượng đặc biệt của Mỹ rước chúng tôi về Pennsylvania. Ông rất tốt và thương người Việt Nam vì từng sang Việt Nam năm lần, lần cuối ông bị thương và được người dân, lính mình cứu…

truong-minh-an2
Cảnh sát Trương Minh Ẩn

Năm 1979 gia đình tôi về Texas, tôi làm đủ mọi việc, từ trong siêu thị, được đề bạt lên làm department manager, sau đó tôi bán bảo hiểm. Lý do tôi gia nhập cảnh sát là hồi đó tôi ở cạnh một hàng xóm hay đánh vợ, cảnh sát đến thì không ai nói được tiếng Anh nên tôi trở thành thông dịch viên, giúp đỡ cảnh sát. Họ mới kêu tôi đi thi và tôi đậu, bắt đầu đi làm cảnh sát từ năm 1987. Lúc đầu tôi tuần tiễu, sau đó làm cảnh sát chìm đúng năm năm. Khoảng năm chín mấy, ở vùng này Việt Nam nổi loạn dữ lắm, đánh lộn, du đãng, cướp bóc mà bên văn phòng biện lý không hiểu nhiều về phong tục, tập quán và ngôn ngữ người Việt nên văn phòng bên đó mời tôi về làm việc. Năm 2013 cảnh sát tìm tôi đề nghị ra ứng cử nghị viên để giúp đỡ cho họ và họ đã giúp tôi thắng cử. Hai nhiệm kỳ sau thì quen việc và các nghị viên khác bầu tôi làm Phó Thị trưởng vì tôi cứng rắn lắm, cái gì không đúng là chỉ ngay trong buổi họp.

Còn chuyện đi học thì tôi ham học lắm, hồi đó tôi đậu Tú Tài 1, Tú Tài đôi sau đó đi sĩ quan rồi theo học Luật. Qua Mỹ đưa giấy tờ đó ra thì TCU cho tôi được 42 tín chỉ để vào cảnh sát vì lúc đó chỉ cần 20 tín chỉ. Sau đó tôi vừa đi làm vừa học lại, từ sáu giờ đến mười giờ, liên tục như vậy trong 20 năm cho đến khi tôi lấy bằng tiến sĩ về Tội Phạm Học tại NorthCentral University. Tôi cũng giúp xây chùa, hai cái chùa ở đây và một cái tại Kentucky. Tôi rất bận rộn nhưng ý chí đã khắc phục được cái mệt mỏi của tôi. Hiện giờ tôi cũng đã học được một thời gian tiếng Tây Ban Nha, cuộc đời tôi chỉ có sự học là tôi mê nhất.

ĐYT: – Quả là một hành trình và nỗ lực bền bỉ và xứng đáng cho giới trẻ nhìn đến. Sau bao nhiêu năm sống và phục vụ như vậy, ông có thể chia sẻ tâm niệm của mình về điều gì ông xem là quan trọng nhất trong đời sống của mình? 

TT TMA: -Tôi nghĩ mình phải biết tha thứ và biết quên. Có ai làm mình giận thì mình xem như câu chuyện buồn, đừng mang theo, chuyện gì mình nghĩ tha thứ được thì nên tha thứ. Đối với tôi thì đừng bao giờ mang lửa từ bên ngoài về nhà và đừng mang lửa trong nhà ra ngoài đường. Điều quan trọng với tôi là sự chia sẻ và giúp đỡ. Mấy chục năm nay tôi vẫn thường giúp đỡ các cô nhi viện bên Việt Nam, giúp xây chùa ở đây, giúp cho các hội cựu chiến binh, hội người già của Mỹ… Tôi nghĩ nhờ vậy mà ơn trên ban cho tôi sự may mắn và thành công. Nói như đạo Phật là mình tích đức thì gặt được quả tốt vậy thôi.

ĐYT: – Cảm ơn ông đã chia sẻ những tâm tình này. Trước khi kết thúc, ông có thêm lời chia sẻ đến cử tri gốc Việt Haltom đã bỏ phiếu cho ông cũng như đồng hương khắp mọi nơi đang vui mừng vì có thêm một thị trưởng gốc Việt tại Hoa Kỳ? 

TT TMA: – Tôi cảm ơn cộng đồng Việt Nam rất nhiều, đã ủng hộ từ tiền bạc, vật chất đến công sức. Có những anh em HO không có nhiều tiền bạc mà khi tôi đưa trả lại tiền xăng để giúp chở người đi bầu nhưng họ không nhận. Cảm ơn tất cả những cử tri Haltom City đã đưa tôi vào vị trí hôm nay. Tôi cũng cảm ơn tất cả những người ở xa đã ủng hộ tôi bằng lời nói, những khuyến khích tinh thần mà đối với tôi là vô giá.

ĐYT: – Xin một lần nữa chúc mừng Thị Trưởng Trương Minh Ẩn. Kính chúc ông nhiều sức khoẻ để tiếp tục con đường phục vụ cộng đồng và xã hội trong vai trò mới của mình.

ĐYT thực hiện

Ý kiến bạn đọc
Thứ Hai, 27 Tháng Năm 20192:40 CH
Khách
Xin cam on ong TM An da hy sinh suot cuoc doi phuc vu cho quoc gia va cong dong. Voi cai bang tien si va kinh nghiem canh sat ong co the kiem duoc nhieu tien hon lam thi truong, nhung ong chon chuc thi truong vi muon phuc vu xa hoi. That dang kinh phuc. Toi che bai cac cap lanh dao vnch dai tuong, trung tuong ham tien ham danh nhung khong khong yeu nuoc thuong dan, nhung ong cuu thieu uy nay thi toi kinh phuc.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn