Tim Cook và hành trình tìm lối đi cho Apple thời ‘hậu iPhone’

Thứ Năm, 23 Tháng Năm 20191:00 SA(Xem: 3348)
Tim Cook và hành trình tìm lối đi cho Apple thời ‘hậu iPhone’

Gần 8 năm kể từ khi nhận chức vụ CEO, 21 năm kể từ khi gia nhập Apple, Tim Cook đang đối mặt với thách thức lớn: tìm ra bản sắc của Apple thời hậu iPhone.

Tim Cook xuất hiện tại Apple khi công ty này đang ở trong tình cảnh khó khăn nhất. Ông cũng lèo lái Apple để đạt tới giá trị 1.000 tỷ USD, 7 năm sau khi nhà sáng lập huyền thoại Steve Jobs qua đời.

Giờ đây, Apple của Tim Cook phải đối mặt với một thách thức mới: tìm ra bản sắc của Apple khi iPhone thoái trào. Đây không phải là lần đầu tiên Apple chuyển đổi trọng tâm bằng một sản phẩm mới. Họ từng làm được điều đó với iPhone, và bỏ chữ “Computer” đã tồn tại ở tên công ty suốt từ ngày thành lập tới năm 2007.

Tuy nhiên lần này, Tim Cook sẽ không có sự đồng hành của nhà sáng lập Steve Jobs. Nói cách khác, nếu như Apple một lần nữa tìm được con đường thành công mới, di sản của ông sẽ vĩ đại chẳng kém gì Steve Jobs.

Tim Cook va hanh trinh tim loi di cho Apple thoi ‘hau iPhone’ hinh anh 1

Câu chuyện Tim Cook gia nhập Apple là một ví dụ cho câu nói “đúng người, đúng thời điểm”. Apple vào tháng 3/1998, không lớn mạnh nhất thế giới như hiện nay. Mặc dù CEO Steve Jobs đã trở lại được gần 1 năm, Apple vẫn đang vật lộn với nhiều khó khăn trong ngành sản xuất máy tính.

Đó là lúc những phẩm chất của Tim Cook được thể hiện rõ nhất. Tim Cook khi đó đã có 15 năm làm việc trong ngành công nghệ, bao gồm 12 năm bắt đầu sự nghiệp tại tập đoàn sản xuất máy tính huyền thoại IBM. Tại đây, ông đã trực tiếp làm việc với dây chuyền sản xuất, bắt đầu từ những khâu cơ bản nhất như đảm bảo nhà máy đủ linh kiện để lắp ráp.

“Đó là một công việc rất, rất khó. Nếu phạm sai lầm, bạn có thể khiến sản phẩm không thể sản xuất kịp, hoặc mắc kẹt với đống linh kiện dư thừa. Trường hợp nào cũng rất tệ. Đây là lĩnh vực tôi thấy Tim dành nhiều thời gian và thể hiện khả năng nhất”, Richard Daugherty, phó chủ tịch quản lý nhà máy của IBM tại RTP chia sẻ.

Tim Cook va hanh trinh tim loi di cho Apple thoi ‘hau iPhone’ hinh anh 2

Được đánh giá là một “nhân viên tiềm năng” tại IBM, Tim Cook lần lượt trải qua các vị trí như quản lý sản xuất hay trợ lý giám đốc nhà máy. Ông cũng thể hiện khả năng lãnh đạo được nhận xét là “thiên bẩm” của mình. Đến năm 1994, sau 12 năm làm việc tại IBM, Tim Cook trở thành giám đốc mảng hậu cần sản xuất tại vùng Bắc Mỹ, trước khi chuyển sang làm việc tại Intelligent Electronics và Compaq.

Khi Tim Cook làm việc tại Compaq, Apple vừa trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn. Năm 1995, hệ điều hành Windows 95 ra đời giúp cho hàng loạt hãng máy tính như Dell, Compaq, Gateway có thể tích hợp một hệ điều hành thân thiện vào những máy tính giá rẻ. Ngay trong năm đầu tiên, Windows 95 đã bán được 40 triệu bản. PC chạy Windows bán rất chạy, còn máy tính của Apple thì không.

Để đối phó với những máy tính chạy Windows giá rẻ, CEO Gilbert Amelio của Apple lúc đó đã mở rộng dải sản phẩm của Apple lên hơn 40 mẫu, thậm chí phải tạo ra những lưu đồ để giúp khách hàng xác định sản phẩm mình cần.

“Đến tôi cũng không thể xác định mình cần gì thì làm sao khách hàng hiểu được”, Steve Jobs nhận xét về dải sản phẩm giai đoạn đó, trước khi ông trở lại Apple trong thương vụ mua lại công ty NeXT.

Sau khi lấy lại được vị trí CEO, Steve Jobs đưa ra một quyết định mà một thành viên hội đồng quản trị nhận xét là “tự sát”. Ông chỉ giữ lại 4 mẫu máy tính, và mạnh tay cắt giảm tất cả những sản phẩm thừa. Để làm được điều này, Jobs biết rằng ông cần phải cải thiện toàn bộ quy trình vận hành sản xuất.

Năm 1993, Apple đã đặt hàng quá nhiều linh kiện cho dòng PowerBook. Tới năm 1995, họ lại đặt hàng quá ít linh kiện cho máy Power Macs, dẫn tới không thể sản xuất đủ sản phẩm để giao cho khách hàng. Đó là “một trong những thảm họa tệ hại nhất của ngành cung ứng”, theo nhận xét của tạp chí Supply Chain Digest.

Để hiểu chuỗi cung ứng của Apple lúc đó tệ thế nào, hãy hình dung quy trình sản xuất một chiếc PowerBook. Có những trường hợp máy tính sẽ được lắp ráp sơ tại nhà máy của Apple tại Singapore, gửi đến nhà máy tại Ireland để lắp thêm linh kiện, gửi lại về Singapore để hoàn thiện lắp ráp, sau đó mới được chuyển đến Mỹ để bán. Đó là quy trình cực kỳ thiếu hiệu quả.

Tim Cook va hanh trinh tim loi di cho Apple thoi ‘hau iPhone’ hinh anh 3

Đó cũng là năm mà Tim Cook nhận được cuộc gọi của Steve Jobs. Mặc dù đã từ chối bộ phận tuyển dụng của Apple nhiều lần, cuối cùng ông cũng không cưỡng lại được ý muốn gặp một huyền thoại trong ngành của mình.

“Steve tạo ra toàn bộ ngành công nghiệp mà tôi đang làm. Tôi cực kỳ muốn gặp ông ấy”, Tim Cook kể lại với nhà báo Charlie Rose về khoảnh khắc đó.

Chưa cần nhận việc, Tim Cook đã để lại ấn tượng tốt với bộ sậu của Apple khi ông đem tới nhiều kiến thức quý báu cho Steve Jobs ngay từ quá trình phỏng vấn.

“Tôi nhớ lúc mà Steve phỏng vấn Tim, bởi ngay sau đó ông ấy quay về và nói với chúng tôi rất nhiều điều bổ ích về quá trình vận hành mà rõ ràng ông học được khi phỏng vấn Tim. Tim đã có ảnh hưởng tới chúng tôi và tư duy vận hành của ông đã được áp dụng từ trước khi ông nhận việc”, Greg Joswiak, phó chủ tịch tiếp thị sản phẩm của Apple kể lại.

Quả thực, Tim Cook đã thay đổi hẳn quá trình vận hành của Apple. Ông thẳng tay vứt bỏ hàng chục nghìn máy Mac tồn kho, thuyết phục các nhà cung ứng chuyển nhà máy về gần nhà máy của Apple, và chọn thuê sản xuất ngoài bất cứ khi nào có thể. Một năm sau khi nhận chức, Tim Cook đã cắt giảm thời gian tồn kho linh kiện tại Apple từ 30 ngày xuống chỉ còn 2 ngày, tốt hơn cả Dell.

Tim Cook va hanh trinh tim loi di cho Apple thoi ‘hau iPhone’ hinh anh 5

Khả năng của Tim Cook khiến cho ông ngày càng được tin tưởng. Năm 2002, ông phụ trách thêm mảng kinh doanh. Tới năm 2004, ông trở thành giám đốc mảng phần cứng Macintosh, và năm 2005 trở thành giám đốc vận hành. Rõ ràng Jobs đã nhìn thấy ở Cook khả năng để thay thế ông, trở thành người đứng đầu Apple.

Tim Cook trở thành CEO tạm quyền của Apple khi Steve Jobs nghỉ chữa bệnh vào tháng 1/2009, rồi một lần nữa vào tháng 1/2011. Cuối cùng, người sáng lập Apple đã không chiến thắng nổi bệnh tật, và chính thức bổ nhiệm Tim Cook thay thế cho ông vào tháng 8/2011, 2 tháng trước khi ông qua đời.

Tim Cook va hanh trinh tim loi di cho Apple thoi ‘hau iPhone’ hinh anh 6

“Triều đại” của Apple dưới thời Tim Cook bắt đầu không hề suôn sẻ. Sản phẩm lớn đầu tiên mà ông công bố là iPhone 4s với điểm nhấn là trợ lý ảo Siri, nhưng lại bị chê trách vì khả năng hạn chế khi ra mắt. Một thảm họa phần mềm khác là Apple Maps, được tích hợp trên iOS 6 vào giữa năm 2012 khiến cho Scott Forstall, một trong những quản lý quan trọng nhất thời Steve Jobs phải rời khỏi Apple.

Cũng trong năm 2012, Tim Cook mời John Browett, từng là lãnh đạo chuỗi cửa hàng điện tử châu Âu Dixons về để lãnh đạo mảng bán lẻ Apple Store. Tuy nhiên, Browett thể hiện mình quan tâm tới lợi nhuận hơn là trải nghiệm khách hàng, đi ngược lại giá trị mà Tim Cook theo đuổi. Chỉ sau 6 tháng, ông trở thành lãnh đạo đầu tiên của Apple bị sa thải dưới thời Tim Cook.

Mọi chuyện tốt dần lên khi Tim Cook định hướng tập trung vào thị trường Trung Quốc. Chỉ trong 3 năm từ 2010-2012, doanh thu từ Trung Quốc đã nhảy vọt lên mức 12% tổng doanh thu của Apple, so với chỉ 2% trước đó.

Tiếp đó là một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, thể hiện tài lãnh đạo của Tim Cook. Những con số không biết nói dối: gần 7 năm kể từ khi trở thành CEO, Tim Cook đã đưa giá trị Apple lên mốc 1.000 tỷ USD, trở thành công ty công nghệ đầu tiên đạt cột mốc này. Giá trị của Apple khi Steve Jobs qua đời, tháng 11/2011, chỉ là 300 tỷ USD.

Tim Cook va hanh trinh tim loi di cho Apple thoi ‘hau iPhone’ hinh anh 7

Tất cả những chỉ số kinh doanh của Apple đều thăng hoa. Apple đạt doanh thu 265,6 tỷ USD trong năm 2018, gần 2,5 lần so với năm 2011. Họ bán ra tới 216 triệu iPhone, 43,5 triệu iPad, và 18 triệu máy Mac trong năm 2018.

Vậy điều gì đã làm nên thành công của Apple dưới thời Tim Cook? Dấu ấn lớn nhất chắc chắn đến từ iPhone, khi Apple thường xuyên bán được 200 triệu máy từ năm 2015. Tuy nhiên, Tim Cook cho thấy ông còn có khả năng khai phá những thị trường mới.

Ngay sau khi Steve Jobs qua đời, nhiều người có ấn tượng rằng Apple sẽ không thể tạo nên những sản phẩm đột phá như trước kia khi thiếu óc sáng tạo của Jobs. Nhưng Apple Watch và AirPods, những sản phẩm ra mới dưới thời Tim Cook đã chứng minh đây là suy nghĩ sai lầm.

Tim Cook va hanh trinh tim loi di cho Apple thoi ‘hau iPhone’ hinh anh 9

Cuối năm 2014, Tim Cook giới thiệu chiếc Apple Watch trong cùng sự kiện ra mắt iPhone 6s. Theo tiết lộ của Phó chủ tịch phụ trách thiết kế Jony Ive, đây là sản phẩm đầu tiên không có bất cứ đóng góp nào của Steve Jobs.

“Những buổi thảo luận đầu tiên diễn ra đầu năm 2012, vài tháng sau khi Steve qua đời. Sự kiện đó khiến chúng tôi dừng lại, nghĩ về cách mà mình muốn định hướng cho công ty, và tìm ra những gì thúc đẩy chúng tôi”, Jony Ive kể về quá trình phát triển Apple Watch trên Hodinkee.

Mặc dù Apple chưa bao giờ tiết lộ số lượng Apple Watch đã bán ra, những nhà phân tích đều đồng ý rằng đây là một thiết bị cực kỳ thành công. Strategy Analytics cho rằng Apple đã bán ra 22,5 triệu chiếc Watch trong năm 2018, chiếm một nửa thị trường smartwatch.

Một phụ kiện khác cũng gây chú ý trong vài năm gần đây là AirPods. Chiếc tai nghe này đã mở đầu cho trào lưu tai nghe không dây hoàn toàn, kéo theo một loạt sản phẩm ăn theo. Counterpoint Research cho rằng Apple đã bán tới 35 triệu tai AirPods trong năm 2018, trở thành hãng tai nghe hàng đầu thế giới.

Như một cách xác nhận thành công của những dòng sản phẩm phụ kiện, CEO Tim Cook tiết lộ vào đầu năm 2019 rằng chúng đã vượt xa doanh thu của iPod, máy nghe nhạc huyền thoại của Apple.

“Trong một khoảng thời gian nhất định, doanh thu từ thiết bị đeo đã vượt 50% so với doanh thu iPod ở thời kỳ đỉnh cao”, ông tiết lộ trong bài phỏng vấn của CNBC.

Tim Cook va hanh trinh tim loi di cho Apple thoi ‘hau iPhone’ hinh anh 10

Bên cạnh câu chuyện kinh doanh, Tim Cook cũng thay đổi công ty theo những chiều hướng tích cực cả về văn hóa và đóng góp xã hội. Dấu ấn đầu tiên của ông là những động thái quyết liệt với đối tác Foxconn để đảm bảo môi trường làm việc tốt hơn cho công nhân vào năm 2012. Những nỗ lực của ông đã được Hiệp hội công bằng lao động (FLA) của Mỹ ghi nhận.

“Không có công ty nào trong ngành công nghiệp giúp cải thiện điều kiện của công nhân như Apple”, chủ tịch FLA, ông Auret van Heerden viết trong một bức thư năm 2012.

Tim Cook va hanh trinh tim loi di cho Apple thoi ‘hau iPhone’ hinh anh 11

Tim Cook cũng luôn thúc đẩy Apple trở thành công ty “thân thiện với môi trường”. Họ vận hành các trụ sở bằng năng lượng tái tạo, mời một nhà hoạt động môi trường từng làm việc cho chính phủ Mỹ về giữ chức phó chủ tịch môi trường, chính sách xã hội, và vận hành những cơ sở, phòng nghiên cứu về tái chế sản phẩm.

Dù vậy, vấn đề quyền riêng tư của người dùng mới là điểm nhấn đáng chú ý nhất trong quá trình Tim Cook tại vị. Tim Cook và Apple luôn thể hiện sự tôn trọng đối với quyền riêng tư của khách hàng, thậm chí sẵn sàng đối mặt với chính quyền để giữ quan điểm.

Tim Cook va hanh trinh tim loi di cho Apple thoi ‘hau iPhone’ hinh anh 12

Tháng 2/2016, Apple được FBI yêu cầu phải tạo ra một phiên bản iOS có thể mở khóa chiếc iPhone của tên tội phạm trong vụ xả súng tại San Bernardino nhằm lấy thông tin bên trong. Tim Cook khẳng định từ đầu là sẽ từ chối yêu cầu của FBI, bởi ông tin rằng một phiên bản như vậy, nếu bị lộ ra ngoài, có thể khiến hàng trăm triệu khách hàng của Apple bị ảnh hưởng.

Tuy vậy, CEO Apple cùng nhóm cộng sự vẫn phải thức cả đêm để đưa ra một bức thư trả lời phù hợp nhất, thể hiện quan điểm của Apple là bảo vệ khách hàng. Bức thư đó được công bố lúc 4h30 sáng, vừa kịp lúc cho bản tin buổi sáng.

Lựa chọn không đứng về phía chính phủ khiến Apple nhận nhiều chỉ trích từ các chính trị gia, bao gồm cả ông Donald Trump, lúc đó đang tranh cử Tổng thống Mỹ. Thậm chí một khảo sát của Pew Research cũng cho kết quả là hơn 1 nửa số người nghĩ rằng Apple nên giúp FBI.

Tim Cook va hanh trinh tim loi di cho Apple thoi ‘hau iPhone’ hinh anh 13

Vài ngày sau, trong một cuộc phỏng vấn với ABC News, ông một lần nữa khẳng định lại quan điểm của mình và Apple.

“Đây không chỉ là chuyện về một chiếc điện thoại, mà là vấn đề của tương lai. Việc của chúng tôi là bảo vệ người dùng”, Tim Cook chia sẻ.

Quan điểm mạnh mẽ này của ông góp phần tạo ra sự khác biệt giữa Apple và các công ty công nghệ khác. Tháng 3/2018, khi được hỏi về định hướng tôn trọng sự riêng tư, Tim Cook thẳng thắn nói:

“Thực tế là, chúng tôi có thể kiếm cả đống tiền nếu làm tiền từ khách hàng, hay biến khách hàng thành sản phẩm của chúng tôi. Nhưng chúng tôi lựa chọn không làm điều đó”.

Tất cả những giá trị mà Tim Cook theo đuổi phần nào tạo nên một hình ảnh Apple rất khác những công ty công nghệ khác. Tuy nhiên, liệu điều này có giúp cho họ tìm được một bản sắc trong tương lai?

Tim Cook va hanh trinh tim loi di cho Apple thoi ‘hau iPhone’ hinh anh 14

Năm 2010, khi được phóng viên Nick Bilton của New York Times hỏi về tình hình kinh doanh thất vọng của thiết bị Apple TV, CEO Steve Jobs nổi nóng. Ông khẳng định chưa bao giờ coi Apple TV là một thiết bị quan trọng như bộ 3 “chân kiềng” Mac, iPhone và Music từng được ông nói đến năm 2007.

“Với chúng tôi, Apple TV chỉ là một thú tiêu khiển”, Steve Jobs khẳng định.

Sau 9 năm, thú tiêu khiển đó bỗng nhiên trở thành một ngành kinh doanh cực kỳ quan trọng của Apple. Họ tổ chức một sự kiện vào tháng 3/2019, giới thiệu một loạt dịch vụ sẽ ra mắt trong năm 2019. Trong sự kiện đó, Apple TV+, dịch vụ phim ảnh với nội dung do Apple đầu tư được quan tâm nhất, với sự xuất hiện của một loạt ngôi sao.

Tầm quan trọng của mảng dịch vụ được CEO Tim Cook tái khẳng định trong bài trả lời về tình hình kinh doanh cuối tháng 4/2019.

“Chúng tôi sẽ không tham gia một dịch vụ nếu không nhận thấy nó có ý nghĩa, đó là góc nhìn của chúng tôi. Đúng vậy, đó không phải là những thú tiêu khiển”, ông Cook nói.

Tim Cook va hanh trinh tim loi di cho Apple thoi ‘hau iPhone’ hinh anh 15

Những công bố mới cho thấy tầm quan trọng của mảng dịch vụ với Apple, khi nó trở thành mảng có doanh thu lớn thứ hai chỉ sau iPhone. Ngược với doanh thu lên xuống thất thường, đang trên đà giảm của iPhone, doanh thu từ dịch vụ đã tăng liên tiếp trong 6 năm liền. Quý vừa qua, doanh thu dịch vụ của Apple đạt kỷ lục 11,5 tỷ USD.

Sau iPhone, dịch vụ giờ đây đang là mảng kinh doanh quan trọng nhất của Apple. Không quá khi nói mảng dịch vụ của Apple đã cất cánh từ khi có iPhone. Thời kỳ đầu, Apple kiếm bộn tiền từ phí của nhà phát triển trên App Store. Những dịch vụ sau đó như iCloud, Apple Pay và Apple Music cũng đóng góp vào doanh thu của hãng.

Từ quý I/2019, Apple không còn công bố số lượng thiết bị đã bán mỗi quý. Thay vào đó, họ công bố một con số khác: số lượng thiết bị đang hoạt động. Apple muốn mọi người, trong đó có những nhà đầu tư, tập trung vào con số hơn 1,4 tỷ thiết bị sẵn sàng sử dụng các dịch vụ, hơn là vài chục triệu chiếc iPhone bán ra trong 3 tháng.

Không nói tới con số bán ra cũng là một cách để Apple nói với nhà đầu tư rằng thứ mà họ theo đuổi trong tương lai không hẳn là tiền, mà là một thứ khác còn quan trọng hơn: thời gian của người dùng. Apple không phải là công ty duy nhất nhắm tới điều này. Tháng 1/2019, CEO Reed Hastings của Netflix từng đưa ra nhận xét tương tự.

“Chúng tôi cạnh tranh và 'mất' nhiều với Fortnite hơn là HBO. Khi YouTube sập trong vài phút vào tháng 10, lượng thời gian xem cũng như đăng ký mới của chúng tôi tăng đột biến”.

Khi doanh thu iPhone giảm theo đà đi xuống không thể ngăn lại của thị trường smartphone, thời gian của người dùng, thứ không thể sinh ra thêm, mới là điều khiến Apple phải “cạnh tranh” với mọi công ty khác, không kể đó là Samsung, Netflix, Facebook hay Fortnite. Apple có lợi thế lớn với 1,4 tỷ thiết bị chạy iOS, giờ là lúc họ chuyển đổi con số đó sang thời gian người dùng.

Nhưng dựa vào dịch vụ và nội dung của một đối tác cung cấp, thay vì những thiết bị do họ tự thiết kế liệu có làm Apple mất bản sắc? Đây là vấn đề đã được nhiều người đặt ra.

Cây viết Mark Sullivan của Fast Company khi nói về sự kiện tháng 3/2019 cho rằng đây là một Apple hoàn toàn khác biệt. Lần đầu tiên những người xuất hiện và thu hút sự chú ý trên sân khấu không còn là những con người của Apple.

“Câu hỏi đặt ra ở đây là bản sắc của công ty. Tại sự kiện Apple, chúng ta đã quá quen với những người như Kevin Lynch (Apple Watch) hay Craig Federighi (iOS), những người mà bạn biết luôn sống và gắn bó với những sản phẩm ‘Thiết kế ở California’.

Hôm nay, công ty này nhấn mạnh vào một loạt nội dung và dịch vụ bên thứ ba, và chỉ nói sơ qua về những phần cứng đã giúp họ nổi tiếng. Liệu Apple có nên định vị bản sắc của họ với những sản phẩm mà họ không hề nắm giữ sự sáng tạo”, Mark Sullivan nhận xét.

Nhà phân tích Ben Thompson của trang Stratechery cũng có nhận xét tương tự về hình thức “cắt phí” từ App Store với mọi nhà phát triển. “Làm thế nào họ có thể dẫn đầu trong tương lai, khi mà những vị lãnh đạo quan tâm hơn đến việc kiếm lợi nhuận từ sự sáng tạo, đột phá của những công ty khác”, ông Ben Thompson đặt câu hỏi.

Phải chăng “mất bản sắc” là điều Apple phải chấp nhận, khi mà họ đi vào thời kỳ “hậu iPhone”. Họ sẽ phải làm thế nào để tiếp tục tăng trưởng trong khi giữ lấy những nét đặc trưng đã khiến người dùng yêu thích? Câu hỏi đó, có lẽ chỉ Tim Cook có câu trả lời.

Tim Cook va hanh trinh tim loi di cho Apple thoi ‘hau iPhone’ hinh anh 17

Anh Lê

Đồ họa: Nhân Lê.
Tham khảo: Fast Company, Wired, Vanity Fair, Bloomberg
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn