Google, Amazon và Facebook có nên sợ phụ nữ này?

Thứ Hai, 22 Tháng Tư 20196:00 CH(Xem: 3145)
Google, Amazon và Facebook có nên sợ phụ nữ này?
bbc.com

Google, Amazon và Facebook có nên sợ phụ nữ này?

Chris Baraniuk BBC Business News

Senator Elizabeth Warren Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Elizabeth Warren, phụ nữ hy vọng là ứng cử viên tổng thống, nghĩ rằng các công ty công nghệ đã trở nên quá mạnh mẽ

Người phụ nữ hy vọng là ứng cử viên tổng thống Elizabeth Warren nghĩ rằng các công ty công nghệ đã trở nên quá mạnh mẽ.

Bà Warren nói rằng sẽ xét đến việc chẻ nhỏ những công ty công nghệ khổng lồ nếu chiếm được ghế lãnh đạo hàng đầu nước Mỹ.

Nhưng liệu điều này có khả thi?

Điệp khúc những công ty khổng lồ của thế giới công nghệ - Apple, Google, Facebook và Amazon - đang trở nên quá lớn và nên bị chẻ nhỏ ngày càng lớn trong một số giới.

Nhưng giáo sư Harry First, một chuyên gia về luật cạnh tranh tại Đại học New York, nói điều này không dễ thực hiện.

Như vậy, muốn làm được điều này, chúng ta cần phải làm gì?


Google, Apple, Facebook and Amazon app logos on screen Bản quyền hình ảnh Getty Images

Giới phê bình cho rằng những công ty công nghệ khổng lồ có trụ sở tại Hoa Kỳ thống trị thị trường, sử dụng nền tảng cực kỳ phổ biến của họ để ưu đãi các sản phẩm và dịch vụ của riêng mình, và dường như có thể trốn tránh kỷ luật của hầu hết các cơ quan giám sát.

Cũng có một mối lo ngại ngày càng gia tăng là các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và YouTube (thuộc sở hữu của Google) đang trở thành thiên đường cho những kẻ độc hại phát tán nội dung bất hợp pháp, không chính xác, hoặc liên quan đến khủng bố.

Và Liên minh châu Âu (EU) nói riêng đã chỉ trích các công ty công nghệ lớn không nộp đủ thuế.

Vào tháng Ba, EU phạt Google 1,68 tỷ đôla vì tội chặn các nhà quảng cáo trực tuyến đối thủ. Đây là khoản tiền phạt lớn thứ ba mà EU đã đặt lên Google trong vòng hai năm. Tổng số tiền phạt hiện lên đến hơn 10,13 tỷ đôla.

Nhưng, như nhiều người chỉ ra, ngay cả khi Google nộp số tiền phạt này, thì đó cũng chỉ là một phần tương đối nhỏ trong số tiền mặt dự trữ của công ty, hiện vượt quá 100 tỷ đôla.


Giới ủng hộ việc chẻ nhỏ các công ty khổng lồ cho rằng công ty nhỏ hơn cạnh tranh với nhau trên một sân chơi tương đối bình đẳng sẽ mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn.

Tình trạng cạnh tranh gia tăng, giới ủng hộ lập luận, cũng làm cho các công ty ít có khuynh hướng hành xử xấu.


Lấy siêu thị làm ví dụ.

Cạnh tranh giá tại các siêu thị rất khốc liệt, người tiêu dùng có thể so giá giữa những siêu thị để mua hàng rẻ, và những siêu thị mới có thể tham gia vào thị trường khá dễ dàng.

Giới chuyên gia cạnh tranh không thích việc các công ty lớn sát nhập với nhau, tạo bất lợi cho người tiêu dùng, đó là lý do tại sao hai hệ thống siêu thị Sainsbury và Asda tại Anh đang gặp khó khăn trong đề nghị hợp tác của họ với Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường của nước này.

Nhưng với các công ty công nghệ khổng lồ, thì đây lại là một chuyện khác.

"Trước tiên, người dùng khó có thể chuyển đổi giữa các nền tảng một cách dễ dàng", tổ chức Sáng kiến Tiền tệ Kỹ thuật số và Trung tâm Truyền thông Dân sự MIT nhận định, "và hầu hết các nền tảng lớn không tương tác", MIT nói.

Nói cách khác, khi đã dùng một nền tảng nào, người dùng sẽ bị kẹt với nền tảng đó, ít ra là một thời gian.

Chưa nói đến tất cả dữ liệu những công ty này thu thập - kho thông tin khổng lồ về sở thích, không thích, thói quen mua sắm, nghe nhạc và giải trí, thói quen tìm kiếm trên mạng, v.v. Đó là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá mà ít người có quyền truy cập.

Một số trong giới này nghĩ rằng các công ty như Apple, Google, Facebook và Amazon trở thành "quá lớn để đổi mới" và đơn giản là chộp lấy các công ty có ý tưởng đột phá mới khởi nghiệp.

"Đây là lý do tại sao Facebook không thể phát minh ra Instagram - và họ phải nghĩ đến việc mua công ty này", giáo sư Howard Yu tại IMD Business School ở Thụy Sĩ nói.

Alphabet - công ty mẹ của Google - đã mua hơn 200 công ty, chẳng hạn.

Và Simon Bryant tại công ty nghiên cứu thị trường Futuresource cho biết ông hay trò chuyện với các công ty nhỏ hơn, những người cho biết ý tưởng của họ thường xuyên được những công ty khổng lồ đóng gói lại, vì họ đã có quyền truy cập vào một khối người dùng lớn.

"Một mặt những công ty nhỏ muốn làm việc với những khổng lồ công nghệ, mặt khác họ cũng thấy khó lòng cạnh tranh," Bryant nói.

Amazon thường được gọi là ông kẹ của những cửa hàng truyền thống, đã khiến biết bao tiệm sách, cửa hàng thời trang và âm nhạc phải đóng cửa.

Nhưng Sam Dumitriu từ The Entrepreneurs Network, một think tank, lập luận rằng, giới nghĩ ra công nghệ mới có thể làm rung chuyển các thị trường đã được thiết lập và phục vụ cho lợi ích của người tiêu dùng.

Ví dụ, khi Amazon mua chuỗi siêu thị lớn Whole Food, nhà bán lẻ khổng lồ Walmart đã buộc phải suy nghĩ lại về chiến lược giao hàng tận nhà của mình - kết quả là Walmart hợp tác với Uber, Lyft và Postmate.

"Đột nhiên người dùng ở Mỹ tiếp cận tốt hơn với việc giao thực phẩm tại nhà", ông Dumitriu nói: "Nó mang lại lợi ích cho giới tiêu thụ."

Nhưng ngay cả khi bạn nghĩ rằng việc chẻ nhỏ các công ty công nghệ lớn là con đường phía trước, Giáo sư Harry First nói những lựa chọn vô cùng hạn chế.

Luật cạnh tranh của Hoa Kỳ khiến tòa án khó tìm được cơ sở pháp lý để biện minh cho việc chẻ nhỏ một công ty lớn, ông giải thích.

Nếu có bằng chứng là những công ty này có hành vi xấu thì một thẩm phán có thể nghĩ đến việc đưa ra yêu cầu như vậy. Nhưng các công ty có thể hứa sẽ "sửa chữa" những hành vi xấu và tiếp tục hoạt động.

Đó là đại khái những gì đã xảy ra cách đây 20 năm, khi một thẩm phán Mỹ ra lệnh là Microsoft phải bị chia làm hai.

Điều đó đã không bao giờ xảy ra. Một phần vì Microsoft đã đồng ý thực hiện các thay đổi để đối thủ cạnh tranh có thể dễ dàng tích hợp phần mềm của họ với Windows hơn.

"Cố gắng sửa đổi họ tốt hơn không cố gắng, nhưng bạn không thể đi vào suy nghĩ này, là chúng ta có một loại đũa thần," Giáo sư First nói.

Ông lập luận rằng trao dữ liệu mà các công ty công nghệ khổng lồ thu được từ người dùng cho các đối thủ cạnh tranh có thể là một cách để hạn chế sức mạnh ngày càng tăng của những công ty lớn.

Chẳng hạn, dữ liệu bản đồ khổng lồ của Google có thể được cấp phép dùng cho các công ty khác đang tìm cách tạo các ứng dụng dựa trên bản đồ của riêng họ. Những công ty mới này có thể thất bại, hoặc họ có thể đưa ra một cái gì đó tốt hơn một cách đáng kể và sáng tạo hơn, ông nói.

Đây là một cách mà chính phủ Anh đang xem xét về khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Thay vì ủng hộ việc chẻ nhỏ các công ty lớn, chuyên gia Jason Furman cho rằng nên buộc các công ty khổng lồ này cho phép người tiêu dùng chuyển dữ liệu cá nhân của họ sang các công ty cạnh tranh.

Bạn không thích cách Facebook vận hành mọi thứ? Chỉ cần yêu cầu dữ liệu của mình được chuyển đến mạng xã hội mới.

Giáo sư Yu có một ý tưởng khác.

Một khu vực như Châu Âu, nơi có nhiều áp lực điều tra đối với các công ty nước ngoài, tại sao không kiểm toán thuật toán của các công ty công nghệ lớn, giống như cách các tài khoản của các ngân hàng được kiểm toán thường xuyên? Ông đặt câu hỏi.

Giáo sư Yu nói rằng EU có rất nhiều chuyên gia dữ liệu có khả năng, nếu những người này được phép giám sát, họ có thể đảm bảo rằng nền tảng của các công ty công nghệ lớn sẽ không ưu tiên cho dịch vụ của mình hoặc khóa và lạm dụng dữ liệu cá nhân của người dùng.

"Không cần chẻ nhỏ, bạn chỉ cần giám sát kỹ lưỡng những công ty này", ông nói.

Vì vậy, giống như một bác sĩ nói với một bệnh nhân thần kinh, cơ quan quản lý giám sát có thể khẳng định chắc chắn: "Đừng lo, đó là vì lợi ích của chính bạn."

Và cũng là cho chúng ta, người tiêu dùng.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Tư, 24 Tháng Tư 20191:27 SA
Khách
Nhung nam thang gan day,khong hieu tai sao lai co nhung dua da ca lan dua,u-u cac cac ,ngu si dan don lai trung cu va chiem che leo len dau len co ban dan thien ha,ngu o cac co quan lap va hanh phap leo lai quoc gia.Khong biet roi ra nuoc My se ra sao nua.Nhung nguoi bo phieu cho bon ho,phai chiu trach nhiem ve la phieu cua minh,ke ca nhung nguoi u li,luoi bieng khong chiu thi hanh bon phan cong dan di bau,de cho bon lua dao,mi dan dac cu, khong the noi,di bau hay khong di bau cung the.Dat nuoc la cua chung,du ti nan,cong dan,cung phai co trach nhiem ve noi minh dang song.Mat khac,cung nho Trump ma moi nguoi moi nhan ro rang bo mat that cua con LUA.Ong ta da noi dung " lanh luong bang tien thue cua dan,nhung khong bao ve dan..." toan la LUA-LUA-LUA !
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn