Cái chết bí ẩn của Yuri Gagarin: Nga công bố nguyên nhân sau 43 năm, công chúng "dậy sóng"

Thứ Sáu, 05 Tháng Tư 20197:00 SA(Xem: 6538)
Cái chết bí ẩn của Yuri Gagarin: Nga công bố nguyên nhân sau 43 năm, công chúng "dậy sóng"
Cái chết bí ẩn của Yuri Gagarin: Nga công bố nguyên nhân sau 43 năm, công chúng "dậy sóng"

Hơn 4 thập kỷ sau cái chết của phi hành gia Yuri Gagarin, Nga mới công bố nguyên nhân. Tuy nhiên, lý do đó khiến không ít người hoài nghi.

Yuri Gagarin (1934-1968), anh hùng vũ trụ người Liên Xô, người đầu tiên trong lịch sử nhân loại bay ra ngoài vũ trụ đã tử nạn trong một chuyến bay huấn luyện thường lệ. 

Một tài năng vũ trụ xuất chúng của Liên Xô lại tử nạn trên một chiếc máy bay quân sự? Cái chết của anh đặt ra rất nhiều nghi vấn, rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra nhằm lý giải nguyên nhân về sự ra đi của Yuri Gagarin.

Trở thành huyền thoại của thế giới sau chuyến bay lịch sử ra ngoài không gian ngày 12/4/1961. Trên con tàu Phương Đông 1, Yuri Gagarin đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh bay vòng quanh Trái Đất trong 108 phút.

Người phi công 27 tuổi năm đó rời Trái Đất với vị thế là một phi công vũ trụ bình thường, nhưng khi trở về, anh trở thành biểu tượng của niềm tự hào dân tộc ở Liên Xô, được cả thế giới ngưỡng mộ.

Cái chết bí ẩn của Yuri Gagarin: Nga công bố nguyên nhân sau 43 năm, công chúng dậy sóng - Ảnh 1.

Chủ tịch Fidel Castro trao cho Yuri Gagarin cái ôm thắm thiết, nồng hậu. Ảnh chụp năm 1961. Nguồn: Legion Media/RBTH

Sau sứ mệnh vinh quang đó, Liên Xô nhanh chóng cử Yuri Gagarin đến thăm 30 quốc gia trên thế giới. Trong chuyến đi đó, anh vinh dự được dùng bữa trưa với Nữ hoàng Anh Elisabeth II. Tổng thống Ai Cập đã trao cho Gagarin chiếc chìa khóa vàng vào cổng Cairo và Alexandria, trong khi ở Havana (thủ đô Cuba) Chủ tịch Fidel Castro trao cho anh cái ôm thắm thiết, nồng hậu.

Chẳng ai có thể ngờ, anh hùng vũ trụ Liên Xô trẻ tuổi với nụ cười luôn thường trực trên môi ấy lại qua đời 7 năm sau đó.

Cái chết bí ẩn của Yuri Gagarin: Nga công bố nguyên nhân sau 43 năm, công chúng dậy sóng - Ảnh 2.

Sau 3 năm đến thăm nhiều quốc gia trên thế giới, Yuri Gagarin quay trở lại với công việc của mình. Để cải thiện kỹ năng bay, anh đăng ký tham gia chương trình huấn luyện bay của Học viện Kỹ thuật Không quân Zhukovsky với khát khao được trở lại không gian một lần nữa.

"Chúng tôi không thể biến Yuri Gagarin thành một vật trưng bày trong bảo tàng được, điều đó sẽ giết chết anh ấy." - Tướng Nikolai Kamanin, người đứng đầu đào tạo phi hành gia trong chương trình vũ trụ của Liên Xô, cho biết.

Ngày 27/3/1968, một ngày nhiều mây.

Yuri Gagarin sẽ lên đường thực hiện chuyến bay huấn luyện cùng với cố vấn Vladimir Seryogin trên chiếc tiêm kích MIG-15UTI. Đại tá Vladimir Seryogin là một phi công giàu kinh nghiệm, ông đã được trao tặng Huân chương Anh hùng Liên Xô trong Thế chiến II. 

Cái chết bí ẩn của Yuri Gagarin: Nga công bố nguyên nhân sau 43 năm, công chúng dậy sóng - Ảnh 3.

Sau chuyến bay vào không gian năm 1961, Yuri Gagarin luôn khát khao trở lại vũ trụ một lần nữa.

Lúc 10:19 phút sáng ngày 27/3, Yuri Gagarin và Vladimir Seryogin cất cánh từ Căn cứ Không quân quân sự Chkalovsky, gần Moskva. Theo kế hoạch, cả hai sẽ bay huấn luyện trong vòng ít nhất nửa giờ. 

Nhưng vào lúc 10:32 phút cùng ngày, Yuri Gagarin thông báo với trạm chỉ huy mặt đất rằng họ đang trên đường trở về căn cứ.  

Cái chết bí ẩn của Yuri Gagarin: Nga công bố nguyên nhân sau 43 năm, công chúng dậy sóng - Ảnh 4.

Ngay sau đó, mọi thông tin liên lạc với chiếc MIG-15UTI do Yuri Gagarin điều khiển hoàn toàn mất liên lạc với trạm chỉ huy mặt đất.

Ngay sau khi chiếc tiêm kích MIG-15UTI biến mất khỏi màn hình radar, Liên Xô lập tức cử các máy bay và trực thăng để tìm kiếm trên diện rộng. Bốn giờ sau, chiếc MIG-15UTI chỉ còn là một đống đổ nát, được phát hiện gần thành phố Kirzhach (Vùng Vladimir, cách Moskva 133 km về phía đông).

Chiếc máy bay gặp nạn giống như một đống hỗn độn. Đội cứu hộ nhận thấy thi thể của hai phi công lão luyện hoàn toàn "bị xóa sạch" sau vụ tai nạn!

Cái chết bí ẩn của Yuri Gagarin: Nga công bố nguyên nhân sau 43 năm, công chúng dậy sóng - Ảnh 5.

"Thật khó tin Yuri Gagarin đã chết! Gagarin - biểu tượng của khát khao nhân loại, của những giấc mơ không giới hạn trên bầu trời và vũ trụ - đã không còn trên đời 7 năm sau cái ngày đi vào lịch sử ấy." - Tướng Nikolai Kamanin nói, khi đó, các cuộc điều tra về nguyên nhân cái chết của Gagarin bắt đầu.

Mãi đến năm 2011, hơn 4 thập kỷ sau cái chết đầy uẩn khúc của Anh hùng Liên Xô Yuri Gagarin, kết quả điều tra mới chính thức được tiết lộ. Nhân kỷ niệm tròn 50 năm Liên Xô đưa người bay ra ngoài vũ trụ, Nga mới công bố nguyên nhân.

Theo Alexander Stepanov, một quan chức thuộc Phòng lưu trữ  tổng thống cho hay, nguyên nhân của thảm kịch đau buồn này đến từ bóng thám không. 

Theo đó, một bóng thám không đã bất ngờ xuất hiện trong khu vực bay của Yuri Gagarin. Bất ngờ với vật thể khổng lồ, Gagarin đã nỗ lực điều khiển chiếc MIG-15UTI tránh đâm vào bóng thám không. Tuy nhiên, kết cục lại không được như mong đợi, và thảm kịch giết chết hai phi công lão luyện là Yuri Gagarin và Vladimir Seryogin đã xảy ra ngày 27/3/1968.

Sau khi Nga công bố nguyên nhân cái chết của 2 phi công, không phải ai cũng đồng ý với thông tin mà chính phủ đưa ra, kết quả là nhiều giả thuyết đã xuất hiện, trong đó có 4 giả thuyết chính sau.

Cái chết bí ẩn của Yuri Gagarin: Nga công bố nguyên nhân sau 43 năm, công chúng dậy sóng - Ảnh 6.

1. Vladimir Seryogin đột ngột bị bệnh

"Tôi tin rằng, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn rất có thể đến từ việc Vladimir Seryogin bị lên cơn đau tim đột ngột. Việc bất ngờ gục xuống cần điều khiển đã dẫn đến hậu quả chết người như chúng ta thấy" - ông Vitaly Zholobov, một phi hành gia Liên Xô nói.

2. Bất tỉnh ở độ cao 4.000 mét

Igor Kuznetsov, một phi công tham gia điều tra cái chết của Yuri Gagarin, tin rằng việc hạ thấp độ cao bất ngờ của máy bay đã giết chết hai phi công. Một số người nghĩ rằng khi ở độ cao 4.000 mét, hai phi công bắt đầu bất tỉnh do giảm áp đột ngột, dẫn đến mất kiểm soát máy bay.

3. Động cơ bị hỏng

Kỹ sư Valentin Kozyrev đã viết trong hồi ký của mình rằng, một trong những nhà điều tra đã nói với ông rằng động cơ của chiếc MIG-15UTI bị hỏng. Hai phi công đã cố gắng khắc phục nhưng những nỗ lực của họ trở thành vô ích.

4. Xuất hiện một máy bay phản lực khác 

Năm 2013, phi hành gia Alexey Leonov cho rằng, lộ trình chưa được thông báo trước của một chiếc tiêm kích khác đã dẫn đến cái chết của hai phi công Gagarin và Seryogin. Khi bay sượt qua một chiếc tiêm kích khác với tốc độ siêu thanh thì MIG-15UTI chẳng khác gì một mũi tên lao xuống đất.

Phi hành gia Alexey Leonov là bạn đồng hương của Yuri Gagarin. Cùng với Gagarin, ông là một trong 20 tài năng vũ trụ được Liên Xô đào tạo cho chương trình không gian đầu tiên của nước này.

Tháng 3/1965, phi công Alexey Leonov cùng chỉ huy Pavel Belyayev trên tàu Voskhod 2 đã thực hiện sứ mệnh: Lần đầu tiên trong lịch sử đi bộ ngoài không gian (đọc chi tiết).

Cái chết bí ẩn của Yuri Gagarin: Nga công bố nguyên nhân sau 43 năm, công chúng dậy sóng - Ảnh 8.

Đài tưởng niệm Yuri Gagarin cao hơn 40m tại Leninsky Prospekt ở thủ đô Moskva, Nga.

Gần 6 thập kỷ đã qua sau sứ mệnh đi vào lịch sử của Anh hùng Liên Xô Yuri Gagarin, nhân loại vẫn nhớ mãi những cống hiến vũ trụ to lớn của phi hành gia trẻ tuổi ấy. Dù cho, cái chết của anh có khó hiểu mức nào thì nụ cười thường trực trên môi của anh mãi là dấu ấn không thể quên trong lòng công chúng thế giới.

Bài viết sử dụng nguồn: RBTH

Ý kiến bạn đọc
Thứ Bảy, 06 Tháng Tư 20197:29 SA
Khách
Nhân bản tin của VCCorp về cái chết của Đại tá Phi hành Gia Nga sô Yuri Gagarin với nhiều nghi vấn và huyền thoại cũng nên tìm hiểu.
Gagarin sinh mùng 9 tháng 3 năm 1934 là còn thứ 3 trong gia đình có 4 người con, cha làm thợ mộc và thợ hồ, mẹ làm nghề vắt sữa bò và gia đình truyền thống Thiên Chúa Giáo đông phương. Ông là người có chí tự lập và ham học hỏi, cầu tiến và trở thành phi công phi cơ Yak-18 loại có khả năng oanh tạc đêm. Do đó năm 1955 (21 tuổi) được tuyển dụng vào không quân, trở thành phi công Mig-15 năm 1957. Năm 1960 được tuyển chọn làm phi hành gia đầu tiên bay vào vũ trụ trong 20 phi hành đang được đào tạo, nhờ ông thông minh, lanh lợi, tính toán cẩn trọng mau và chính xác, nhất là ông nhỏ con đủ (cao 1m 57) để lọt vào phòng lái chất hẹp phi thuyền Vostok. Ngày 12 tháng 4 năm 1961, lúc 6:07 Sáng ( UTC) Ông đã bay thành công chuyến bay của con người ra ngoài vũ trụ làm chấn động giới khoa học NASA Mỹ và cả thế giới, khỏi đầu cho cuộc chạy đua chinh phục không gian hai khối tự do và công sản. Gần trọn 7 năm sau hào quang anh hùng vũ trụ ngày 27 tháng 3, 1968 ông và đại tá Vladimir Seryogin đã bị thiệt mạng trong hành trình bay huấn luyện thường lệ của Mig-15. Một cái chết không có giải đáp thỏa đáng sau 4 cuộc điều tra của an ninh tình báo KGB, Chính phủ và quân đội vào những năm 2003, 2007, 2011 và 2013 như bản tin VCCorp sưu tầm và đăng tải.
Tuy nhiên không ai trình bày về sự kiện Gagarin bị loại khỏi danh sách phi hành sau khi phản đối việc bay phi thuyền Soyuz 1 ngày 24 tháng 4, 1967 vì thiếu thiết bị an toàn cần thiết do người bạn thân là : Vladimir Komarov điều khiến, và quả nhiên Soyuz bị rớt làm người này thiệt mạng. Ông bị thất sủng và đưa về làm phu tá huấn luyện viên phi hành không gian.
Người ta cũng gán cho ông tuyên bố câu nói ngạo mạn sau khi bay vào không gian : "I don't see any God up here." (Tôi chẳng thấy Thiên Chúa nào ở trên đây ) mà sau này một người bạn thân quen đại tá Valentin Petrov khẳng định không nói câu đó trong bất cứ cuộc nói chuyện ghi âm nào của Gagarin, mà câu nói đó là từ miệng của tổng bí thư Nga Nikita Khrushchev tuyển bố trong đại hội Trung Ương đảng Cộng Sản rồi gán cho Gagarin tuyển bố. Quả thật già đình và vợ con Gagarin là tín đồ Thiên Chúa Giáo đông phương (Orthodox Catholic Church ) vài ngày trước khi bay vào quỹ đạo, ông đưa con gái lớn Yelena vào nhà thờ rửa tội theo nghi thức Thiền Chúa Giáo (có giấy chứng nhận rửa tội của cha xở họ đạo) và thường tổ chức lễ mừng Chúa Giáng Sinh và Phục Sinh kín đáo tại gia đình, thì làm sao ông chối bỏ niềm tin khi bay trong không trung.
Một người thông minh, tự tin, lỗi lạc là niềm hãnh diện của Liên sô có nụ cười gây niềm tin và ấn tượng lại chết khó hiểu, đẩy nghi vấn, mà nhiều người dù ghét chế độ Cộng Sản cũng mến mộ, ra đi trong tai nạn bí ẩn ở thời điểm Cộng Sản Nga sô đẩy mạnh việc đóng cửa các nhà thờ Thiên Chúa Giáo từ 22,000 năm 1959, xuống còn 7,873 năm 1965.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn