Alexandre Yersin – ân nhân vĩ đại của người Việt : Đam mê nghiên cứu và cống hiến cho y học

Thứ Hai, 04 Tháng Hai 20199:00 CH(Xem: 7182)
Alexandre Yersin – ân nhân vĩ đại của người Việt : Đam mê nghiên cứu và cống hiến cho y học

Mỗi căn nhà đều có dấu vết của con người cùng đồ vật gắn bó với những kỉ niệm. Mỗi thành phố luôn ẩn chứa trong nó bao nhiêu vết tích tàn dư của lịch sử. Hôm nay, lật lại từng trang ký ức đang dần bị lãng quên bởi thời gian, tôi muốn làm sống lại một con người, để chúng ta lại có dịp gọi tên ông thêm một lần, và rất nhiều lần nữa… Lịch sử đời đời nhớ đến ông – bác sĩ, nhà bác học Alexandre Yersin, không phải chỉ trong những trang giấy, mà còn trong cả trái tim những người ở lại.

Nếu bạn đã từng một lần được tiêm chủng, chích ngừa… hãy biết ơn người đã cứu mạng mình.

Nếu bạn đã từng được thưởng thức một ly cà phê hay ca cao nóng… hãy nhớ ơn người đã mang chúng về Việt Nam

Nếu bạn đã từng được ăn cà rốt, súp lơ, su su… hay ngắm nhìn vẻ đẹp của hoa lay-ơn, cẩm tú cầu… đừng quên người đã trồng nên chúng…

***

Ngoài đam mê với hành trình khám phá thiên nhiên kỳ bí, bác sĩ Yersin vẫn hăng say với việc nghiên cứu y khoa và đạt được nhiều thành tựu đáng nể phục. Từ việc trở thành người đầu tiên trên thế giới tìm ra nguyên nhân gây dịch hạch, dập tắt mối đe doạ đại dịch toàn cầu, cho đến việc di thực thành công cây canh-ki-na trị sốt rét về Việt Nam…

Từ bỏ con đường học thuật tươi sáng ở Châu Âu để đến Đông Dương

Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1883, chàng thanh niên trẻ Alexandre Yersin đến Lausanne (Thuỵ Sĩ) để học y khoa, rồi sang Marburg (Đức), tiếp tục theo đuổi ngành học của mình. Trong thời gian ở Marburg, qua báo chí bác sĩ Yersin biết được về David Livingstone – bác sĩ y khoa, nhà truyền giáo và thám hiểm người Scotland. Từ đó, Livingstone trở thành hình mẫu lý tưởng cho chàng trai Yersin (là một thành viên Giáo hội Tin Lành Cải cách Tổng Vaud) nhiều hoài bão.

yersinportrait
Chàng trai trẻ Yersin nỗ lực học y khoa và đam mê thám hiểm. (Ảnh: Vietnam Architecture)

Khi còn là sinh viên y khoa, ông làm việc ở Paris cùng Émile Roux khám phá ra chất độc ngoại bào do trực khuẩn bạch hầu sản xuất. Đương lúc giữa đỉnh cao sự nghiệp, bác sĩ Yersin đã để lại mọi thứ phía sau để đi tìm mục đích sống chân chính của mình.

Bác sĩ Alexandre Yersin rời châu Âu vào năm 1890 với tư cách là một bác sĩ chăm sóc thuyền viên và khách hàng trên tàu hơi nước hoạt động ngoài khơi Đông Dương. Cùng lúc đó, bác sĩ Yersin bắt đầu cuộc thám hiểm của mình. Ông đã khám phá các nguồn của sông Đồng Nai, khám phá cao nguyên Lâm Viên, đưa Đà Lạt lên bản đồ Việt Nam. Năm 1892, ông tham gia dịch vụ y tế thuộc địa và được phái đến Hồng Kông vào năm 1894, nơi ông và Kitasato Shibasaburo độc lập phát hiện ra trực khuẩn dịch hạch.

Hành trình gian nan tìm ra trực khuẩn dịch hạch

Trong khi bác sĩ Yersin đang chuẩn bị cho cuộc thám hiểm thứ tư ở An Nam thì bệnh dịch hạch đã bộc phát ở miền Nam Trung Hoa và có nguy cơ lan truyền xuống Đông Dương. Tháng 5/1894, dịch bùng phát mạnh ở Hồng Kông, gây tử vong cao và trở thành mối đe dọa cho tất cả cảng biển có giao dịch thương mại với Trung Hoa bấy giờ, trong đó có cảng Hải Phòng. Trước tình hình này, nhà cầm quyền thuộc địa đã cử bác sĩ Yersin đến Hồng Kông để nghiên cứu bệnh dịch. Ông đi đơn độc với một chiếc vali chứa vài bộ quần áo, tất cả những chỗ trống còn lại ông dành cho kính hiển vi, đồ nghề, thuốc thử y tế…

Khi bác sĩ Yersin đặt chân đến Hồng Kông thì cảnh tượng thê lương hiện ra trước mắt. Xác người chết vì dịch hạch ở khắp mọi nơi, trên đường phố, giữa những vũng nước, trong các khu vườn, trên ghe thuyền đang cắm neo… Bác sĩ Yersin quan sát tỉ mỉ, cẩn thận quan cảnh và có những ghi nhận ban đầu của mình: “Tôi nhận thấy có rất nhiều chuột chết trên mặt đất”.

dicca3ch-hacca3ch-653x366
Người chết vì dịch hạch ở Hồng Kông có ở khắp mọi nơi. (Ảnh minh hoạ: www.fxp.cz)

Ba ngày trước đó, một vị bác sĩ người Nhật tên là Kitasato đã đến Hồng Kông cũng để nghiên cứu bệnh dịch. Với sự hỗ trợ cơ sở vật chất đắc lực từ người Anh, ông Kitasato lập một phòng thí nghiệm trong Bệnh viện Kennedy Town. Bác sĩ Yersin chỉ được đến quan sát nhóm Kitasato làm việc. Mọi thiết bị và phòng nghiên cứu đều dành cho các bác sĩ người Nhật, còn ông phải ra ngoài hành lang chật hẹp để làm thí nghiệm. Bác sĩ Yersin ngạc nhiên về phương pháp làm việc của nhóm nghiên cứu Kitasato: Xét nghiệm máu và cẩn thận khám nghiệm các cơ quan bộ phận khác của tử thi nhưng lại bỏ qua chỗ sưng bạch hạch. Ông yêu cầu được mổ tử thi nhưng không được sự đồng ý. Mọi nỗ lực hợp tác và trao đổi kiến thức chuyên môn y khoa của ông bất thành.

Năm ngày sau, ông quyết định hoạt động độc lập. Với sự trợ giúp của Vigano, một người Ý sống ở Hồng Kông, bác sĩ Yersin làm việc trong một cái lán bằng tre phủ rơm với vài xác chết có được. Từ đó bắt đầu công cuộc nghiên cứu đầy gian khổ của ông. Bác sĩ Yersin và bác sĩ Kitasato gần như cùng lúc công bố công trình nghiên cứu bệnh dịch của mình. Do đó, theo sau là một cuộc tranh cãi ồn ào ai là người đầu tiên đã khám phá ra trực khuẩn dịch hạch. Tuy nhiên, trong các thư từ để lại, bác sĩ Yersin có vẻ chẳng quan tâm gì đến cuộc tranh luận “ai trước”, mà vẫn tiếp tục công trình nghiên cứu tìm phương pháp chữa bệnh của mình.

bac-sicc83-alexandre-yersin-occ9bcc89-hocc82ng-kocc82ng-478x366
Bác sĩ Alexandre trong mài nhà tranh để nghiên cứu bệnh dịch hạch của với một chiếc kính hiển vi tại Hồng Kông. (Ảnh: researchgate.net)

Bác sĩ Yersin chứng minh được rằng trực khuẩn hiện diện ở chuột và người bệnh là một, nhờ đó ông giải thích được phương thức truyền bệnh. Tên của trực khuẩn gây bệnh ban đầu được bác sĩ Yersin đặt là Pasteurella pestis (theo tên người thầy của ông). Sau đó trực khuẩn này lại được thế hệ các nhà khoa học sau này gọi theo tên của ông: Yersinia pestis.

Bệnh dịch hạch đã nhiều lần bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới. Từng gây ra đại dịch được mệnh danh là “cái chết đen” cướp đi sinh mạng khoảng 50% dân số châu Âu vào thế kỷ 14. Đây là dịch bệnh gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nhân loại. Cho đến thế kỷ 19, khi bệnh dịch bùng phát ở Trung Hoa. Bác sĩ Yersin chính là người tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị chấm dứt những ngày tháng sống trong nỗi lo sợ của người dân toàn thế giới.

Tiếp tục nghiên cứu thuốc dập tắt dịch hạch

Từ năm 1895 – 1897, bác sĩ Yersin nghiên cứu thêm về bệnh dịch hạch. Năm 1895, ông trở lại Viện Pasteur ở Paris và cùng với Émile Roux, Albert Calmette và Armand Borrel điều chế ra huyết thanh chống bệnh dịch hạch đầu tiên. Cùng năm đó, ông trở về Đông Dương và lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại Nha Trang để sản xuất huyết thanh (năm 1905 viện này đã trở thành một chi nhánh của Viện Pasteur). Cơ sở ban đầu chỉ là một căn nhà tạm với 20 con ngựa dùng điều chế huyết thanh. Tuy nhiên, một số trong 20 con ngựa được ông nuôi chết dần vì những căn bệnh chưa tìm được nguyên nhân.

trang-tracca3i-nuocc82i-ngucc9bcca3a-occ9bcc89-nha-trang-481x366
Trang trại chăn nuôi ngựa ở Suối Dầu, Nha Trang. (Ảnh: Solidarité & Progrès)

Thất bại ban đầu không làm ông nản lòng. Năm 1896, ông tiếp tục phát triển phòng thí nghiệm, lập trang trại ở Suối Dầu chăn nuôi các loại gia súc, nuôi ngựa để sản xuất huyết thanh. Ông đã chuẩn bị huyết thanh chống lại bệnh dịch ở người và gia súc; nghiên cứu thêm các bệnh gia súc, uốn ván, dịch tả, đậu mùa… Bác sĩ Yersin đã đến Quảng Châu, được phép tiêm huyết thanh được điều chế tại Nha Trang cho người mắc bệnh tại đây, và mau chóng thu được kết quả. Ông trở thành người thầy thuốc đầu tiên cứu sống bệnh nhân dịch hạch. Sau đó, ông tiếp tục cuộc hành trình chống bệnh dịch hạch bằng huyết thanh với những điểm đến kế tiếp là Hạ Môn, Formosa (nay là Đài Loan), Macao…

Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y khoa Đông Dương

Năm 1902, Toàn quyền Paul Doumer, trước khi rời Đông Dương, đã mời bác sĩ Yersin từ Nha Trang ra Hà Nội để mở một trường Y, một bệnh viện, và một trung tâm vệ sinh. Từ đó, Trường Y khoa Đông Dương được thành lập và khai giảng vào ngày 1/3/1902.

bac-sicc83-yersin-489x366
Bác sĩ Yersin được bổ nhiệm là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y khoa Đông Dương. (Ảnh: Twitter.com)

Bác sĩ Yersin được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đầu tiên của trường, là tiền thân của Đại học Y Hà Nội ngày nay. Ông thiết lập giáo trình theo hình mẫu đại học y của Pháp – sáng đi lâm sàng ở bệnh viện, chiều dành cho việc học lý thuyết. Đích thân ông giảng dạy trong các giờ vật lý, hóa học, và phẫu thuật. Ghi nhận của bác sĩ Yersin về những sinh viên Y khoa đầu tiên được đào tạo ở Đông Dương:

Họ rất chăm học, có những người xuất sắc ngang với những sinh viên giỏi nhất bên Pháp. Điều thú vị là ngay cả những người thông minh cũng học rất chăm. Gần như có thể nói rằng không có ai lười biếng.

Tuy nhiên, sau 2 năm đảm nhiệm vị trí đứng đầu của trường y khoa, mọi thứ đã đi vào guồng quay thì bác sĩ Yersin xin từ chức, để quay trở về Nha Trang bắt đầu một giai đoạn khác trong cuộc đời của mình: Sống ẩn dật, âm thầm cống hiến cho người dân bản địa (An Nam), bỏ lại phía sau những hào quang của một huyền thoại – người đẩy lùi bệnh dịch hạch, khám phá ra cao nguyên Lâm Viên.

Kiên trì di thực thành công cây canh-ki-na điều trị sốt rét đến Việt Nam

Sau khi rời bỏ vị trí hiệu trưởng trường Y khoa Đông Dương, ông vẫn tiếp tục con đường nghiên cứu y khoa của mình. Ở Việt Nam thời bấy giờ, bệnh sốt rét đang là một hiểm họa mà chưa có thuốc đặc trị. Bác sĩ Yersin đã mạnh dạn đưa cây canh-ki-na (một loại cây có dược tính để điều chế thuốc ký ninh trị sốt rét) về trồng ở một số vùng phía nam nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn.

canhkina_cay-12-488x366
Cây canh-ki-na. (Ảnh: agarwood.org.vn)

Sau nhiều lần khảo sát ươm trồng và thất bại, năm 1915, ông tìm đến Hòn Bà, Khánh Hoà (có độ cao 1.500m so với mặt nước biển) khí hậu mát mẻ quanh năm. Tại đây, ông trồng thử nghiệm bằng hai cách, hạt giống và cây ghép được lấy từ vườn thực vật Buitenzorg, Pháp. Cây ghép không thành công. Chỉ có hạt giống nảy mầm thành cây phát triển tốt nhưng chỉ một thời gian bị ẩm mốc.

Cuối cùng, ông chuyển cây canh-ki-na về Lâm Đồng. Khí hậu cùng thổ nhưỡng ở đây đã tạo thuận lợi giúp cây phát triển. Được sự trợ giúp từ đồng nghiệp và chính phủ Pháp, ông đã thành lập các đồn điền và điều chế thuốc. Từ năm 1932 – 1942, bác sĩ Yersin gắn bó với Trại Lang Hanh (Lâm Đồng) và Viện Pasteur để xây dựng một quy trình tổng hợp từ ươm trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khai thác, chế biến vỏ cây canh-ki-na. Trong đó, ông nghiên cứu cả phương pháp đơn giản chế biến ký ninh để đồng bào ở những vùng hẻo lánh xa xôi cũng có thể tự mình dùng canh-ki-na trồng ở vườn nhà làm thuốc.

Với những đóng góp to lớn cho nền y khoa Việt Nam và thế giới, Alexandre Yersin đã trở thành một huyền thoại, một tượng đài vĩ đại cho mọi thế hệ. Chúng tôi – những kẻ hậu sinh vô cùng kính ngưỡng công ơn của tiền bối, người đã dành cả cuộc đời cống hiến cho dân tộc Việt Nam và phụng sự nhân loại…

An Chi

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn