Mười nhân vật kiệt xuất của Minh Trị Duy tân là ai?

Thứ Tư, 30 Tháng Giêng 20191:00 SA(Xem: 6284)
Mười nhân vật kiệt xuất của Minh Trị Duy tân là ai?

150 năm trước, cuộc Cải cách Minh Trị đã diễn ra ở Nhật Bản và đưa đất nước này trở nên cường thịnh. Vậy ai là những người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc cải cách này?

Minh Trị Duy tân (Meiji-ishin) là một chuỗi cải cách được bắt đầu từ năm 1868 dưới triều đại của Thiên hoàng Minh Trị (Meiji-tenno). Đây là một trong những sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ với lịch sử Nhật Bản mà còn có tác động sâu sắc đến rất nhiều nước châu Á và cả thế giới cho đến ngày nay.

Ở Việt Nam, rất nhiều người đã tự hỏi: Những người có công lao lớn nhất để làm nên Minh Trị Duy tân là ai? Để trả lời câu hỏi này, rất nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản và thế giới đã đưa ra những câu trả lời, in ra thành hàng vạn cuốn sách.

Với PGS.TS. sử học Nguyễn Tiến Lực - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP. HCM, một chuyên gia nghiên cứu uy tín về Nhật Bản, thì danh sách này gồm thì 10 nhân vật.

Trong cuốn sách Duy Tân thập kiệt – Mười nhân vật kiệt xuất của Minh Trị Duy tân (NXB Khoa học Xã hội vừa xuất bản), TS. Nguyễn Tiến Lực cho rằng, 2 nhà tư tưởng hàng đầu, 3 nhà lãnh đạo mang tính lật đổ và 5 nhân vật là 10 người đã đặt nền móng xây dựng một nước Nhật hiện đại.

Muoi nhan vat kiet xuat cua Minh Tri Duy tan la ai? hinh anh 1
Trong cuốn Duy Tân thập kiệt , TS. Nguyễn Tiến Lực giới thiệu với độc giả chân dung 10 nhân vật kiệt xuất của Minh Trị Duy tân.

Cuốn sách được ra đời nhân kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy tân (1868-2018) và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2018).

Qua 340 trang sách, tác giả cho biết Minh Trị Duy tân không chỉ là sự kiện lật đổ chính quyền Mạc phủ, thiết lập chính quyền Minh Trị, mà là một chuỗi cải cách kéo dài gần 30 năm, làm biến đổi sâu sắc chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa Nhật Bản, đưa Nhật trở thành quốc gia “phú quốc cường binh”, một kỳ tích của châu Á và nhân loại nửa sau thế kỷ XIX.

Nhiều năm là trưởng bộ môn Nhật Bản của KHXH&NV TP. HCM và có quá trình nghiên cứu chuyên sâu về Nhật Bản và cải cách Minh Trị, TS. Lực đã lựa chọn 10 nhân vật tiêu biểu, trước hết gồm hai nhà tiên phong của sự nghiệp duy tân là Yoshida Shoin, Sakamoto Ryoma.

Đây là hai nhân vật có tầm nhìn trước thời đại, đặt nền móng “đảo Mạc” và giúp liên kết các Han tạo lực lượng chủ lực cho công cuộc lật đổ Mạc phủ Tokugawa thành công. 

Nhóm “Duy tân tam kiệt” gồm Saigo Takamori, Okubo Toshimichi, Kido Takayoshi - những người có công lớn nhất cho giai đoạn “Tôn Hoàng đảo Mạc”, lật đổ Mạc Phủ, lấy lại quyền lực về tay Thiên hoàng vào đầu thời kỳ Minh Trị Duy tân.

Tiếp theo là nhóm “Duy tân ngũ kiệt mới” gồm Iwakura Tomomi, Ito Hirobumi, Okuma Shigenobu, Fukuzawa Yukichi và Shibusawa Eiichi - 5 nhân vật này đã đặt nền móng xây dựng một nước Nhật hiện đại ở các lĩnh vực nội chính, ngoại giao, kinh tế, tài chính - tiền tệ, giáo dục…

Mỗi nhân vật đều được tác giả giới thiệu chi tiết về niên biểu hoạt động, các nét chính trong cuộc đời, những dấu ấn, thành tựu đáng chú ý nhất trong hoạt động của họ.

Tác giả cũng giải đáp câu hỏi mà độc giả sẽ đặt ra: Vì sao danh sách này không có tên Minh Trị Thiên hoàng. Ông cho rằng, Thiên hoàng Minh Trị là một vị minh quân, gắn liền với thời kỳ vinh quang nhất trong lịch sử Nhật Bản, tuy nhiên, vai trò của ngài phải được tiếp cận bằng một cách khác, trong một cuốn sách khác.

Là một nhà sử học, trong cuốn sách, TS. Nguyễn Tiến Lực tuân thủ nghiêm cẩn học thuật hàn lâm nhưng đồng thời cũng thể hiện văn phong lôi cuốn, khiến cuốn sách không chỉ thu hút giới nghiên cứu về Nhật Bản mà còn trở nên hấp dẫn với công chúng nói chung.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn