Kiến trúc sư Pháp Paul Andreu qua đời

Thứ Ba, 16 Tháng Mười 20185:50 SA(Xem: 6504)
Kiến trúc sư Pháp Paul Andreu qua đời
mediaKiến trúc sư Pháp Paul Andreu từ trần, thọ 80 tuổiGetty images

Nếu bạn là một hành khách thích đi du lịch khắp nơi, hẳn chắc chuyến bay của bạn đã từng đáp xuống một trong những phi trường quốc tế do ông Paul Andreu xây dựng. Kiến trúc sư người Pháp đã từ trần hôm 11/10/2018, hưởng thọ 80 tuổi.

Vài ngày trước khi ông mất, Paul Andreu còn xuất hiện tươi cười trước công chúng, bên cạnh nhiều đồng nghiệp nổi tiếng như Jean Nouvel, Renzo Piano, Dominique Perrault nhân buổi lễ tiếp tân trong đêm khai mạc triển lãm dành riêng cho kiến trúc sư người Nhật Tadao Ando. Vài hôm sau, Viện Hàn lâm Mỹ thuật thông báo ông qua đời. Sinh thời, ông được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm từ năm 1996.

Nhắc đến ông Paul Andreu, dân Pháp chủ yếu nghĩ tới công trình kiến trúc đồ sộ Grand Arche de La Défense bằng thép, thủy tinh và đá cẩm thạch mà ông đã từng hoàn thành vào năm 1989. Công trình xây dựng này ban đầu là dự án của kiến trúc sư Đan Mạnh Johann Otto von Spreckelsen, nhưng do ông đột ngột qua đời vào năm 1987, cho nên Paul Andreu đã đứng ra thay thế đồng nghiệp hầu hoàn tất công trình đúng thời hạn, nhân dịp kỷ niệm trọng thể 200 năm cuộc Cách mạng Pháp (1789-1989).

1018567-Grande Arche de la Défense : Khải hoàn môn thế kỷ XXBertrand Guay / AFP

Được mệnh danh là Khải Hoàn Môn của Thế kỷ 20, nhưng chủ yếu là để đề cao tính vượt trội của ý tưởng con người, hơn là ngợi ca các thành tích chiến trường (thời viễn chinh của hoàng đế Napoléon), công trình Grande Arche de La Défense với chiều cao 110 mét, có thể được nhìn thấy sân Napoléon của Viện bảo tàng Louvre xuyên qua Khải Hoàn Môn trên đại lộ Champs Élysées. Trong lối quy hoạch đô thị Paris, công trình này có chủ ý tiếp nối Trục Lịch Sử (axe historique) còn được gọi là ‘‘Con đường Hoàng gia’’, do André Le Nôtre từng vạch ra vào thế kỷ XVII dưới thời vua Louis XIV.

Sinh trưởng ở Caudéran, vùng Gironde, ông Paul Andreu tốt nghiệp trường Bách khoa, và đáng ngạc nhiên hơn nữa ông được đào tạo thêm tại trường Kỹ sư Công chánh (Cầu Đường) và Trường Mỹ thuật Quốc gia. Thời còn nhỏ, ông rất giỏi môn toán mà còn có đầy óc sáng tạo nhờ năng khiếu nghệ thuật. Ông chọn ngành kiến trúc vì theo ông, đó là một sự kết hợp nếu không nói là thỏa hiệp giữa các bộ môn khoa học với năng khiếu sáng tác hội họa. Đến lúc ra trường, kiến trúc trở thành niềm đam mê thực thụ : hầu như năm nào ông Paul Andreu cũng có đề án thiết kế, công trình xây dựng.

Lúc sinh tiền, ông Paul Andreu nổi tiếng nhờ thiết kế và hoàn tất việc xây cất nhiều phi trường trên thế giới, trong đó có các sân bay quốc tế Manila, Jakarta, Brunei, kế đến là sân bay Dubai cũng như phi trường Abu Dhabi, sân bay Cairo thủ đô Ai Cập, hay Dar-Es-Salaam tại Tanzania. Riêng tại Pháp, ông đã thiết kế sân bay đầu tiên của phi trường Roissy Charles de Gaulle, hoàn tất mở rộng sân bay Orly và ông cũng thiết kế sân bay Nice, Bordeaux hay Pointe-à-Pitre trên đảo Guadeloupe.

91300114_1_0Paul Andreu và công trình xây sân bay Roissy Charles de GaulleGetty Images /Andrew Holt

Ngoài các phi trường, ông Paul Andreu còn thực hiện nhiều công trình xây dựng khác, đặc biệt là Viện Bảo tàng hàng hải Osaka và Nhà hát lớn quốc gia Trung Quốc nhân kỳ Thế vận hội Bắc Kinh. Được mệnh danh là ốc đảo pha lê, Nhà hát lớn tại Bắc Kinh được xây bằng titanium và thủy tinh với đặc điểm lối ra vào không nằm trên mặt đất mà lại nằm dưới nước thông qua một vòm kính.

Trong suốt 50 năm sự nghiệp, ông Paul Andreu đã nhận được khá nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng lớn Kiến trúc quốc gia Pháp vào năm 1977, giải thưởng Florence GouId của Viện Mỹ thuật năm 1989. Vào năm 2006, Học viện quốc tế về Kiến trúc trao tặng cho ông giải thưởng Quả cầu Pha lê (Crystal Globe).

2010-04-20T162929Z_643283889_PM1E64K1EMT01_RTRMADP_3_EUROPE-AIR-FRANCE_0Lúc sinh tiền, Paul Andreu hoàn tất khoảng 20 sân bay quốc tếReuters / Gonzalo Fuentes

Thế nhưng vào năm 2004, sân bay (Terminal 1) Roissy Charles de Gaulle bị sập mái khiến cho 4 hành khách bị thiệt mạng. Tai nạn này khiến cho ông Paul Andreu bị xuống tinh thần trong nhiều năm liền, triệu chứng trầm cảm buôc ông phải gác mọi dự án kiến trúc qua một bên. Đó cũng là thời gian ông bắt đầu sáng tác và viết lách. Ngoài vẽ tranh, ông còn viết nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết. Ông nhận giải thưởng Goncourt dành cho tác phẩm đầu tay cho quyển truyện ‘‘La Maison’’, nhà xuất bản Stock năm 2009.

Nhưng quan trọng hơn cả có lẽ là quyển Thư gửi nhà kiến trúc trẻ tuổi (Deux lettres à un Jeune Architecte). Gợi hứng từ quyển sách nổi tiếng của văn hào người Áo Rainer Maria Rilke (Thư gửi người thi sĩ trẻ), ông Paul Andreu mượn lời tâm tình với giới thanh niên để bày tỏ quan niệm của ông về ngành kiến trúc nói riêng và về thế giới ông đang sống nói chung. Đâu đó, tác phẩm đã được viết như một bản di chúc đầy hy vọng và tâm huyết, vì ông Paul Andreu muốn gửi gấm hay nói cho đúng hơn là truyền lửa cho thế hệ tương lai.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn