Phạm Chí Dũng - Cung mệnh nào cho Trương Minh Tuấn?

Thứ Ba, 07 Tháng Tám 20184:13 SA(Xem: 7203)
Phạm Chí Dũng - Cung mệnh nào cho Trương Minh Tuấn?
Chẳng ai tiên liệu được tương lai. Dù được gấp rút và đặc cách chỉ định ngồi vào ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương khi âm mưu ăn cắp tiền ‘MobiFone mua AVG’ còn chưa hoàn tất cái bi kịch lịch sử của nó, số phận của cựu Bộ trưởng thông tin và truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn vẫn còn rất bấp bênh trong một tương lai không quá xa.
 
TruongMinhTuan-NguyenPhuTrong-1
Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn - Photo Thanh tra Chính phủ.
Lại răn dạy ‘đạo đức cách mạng sáng ngời’
Trương Minh Tuấn được Bộ Chính trị chỉ định là Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương - một cấp phó cho đàn em Võ Văn Thưởng - chỉ vài ngày sau khi ông Tuấn phải nhận thông báo bị ‘thôi giữ chức’, mà thực chất là bị cách chức bí thư ban cán sự đảng Bộ TT-TT, đồng nghĩa với việc bị cách chức bộ trưởng bộ nắm quyền sinh quyền sát đối với báo chí nhà nước - vị trí mà chỉ trong một thời gian ngắn chấp nhiệm, Trương Minh Tuấn đã nổi danh với biệt hiệu ‘sát thủ báo chí’.
Trương Minh Tuấn là quan chức bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi nhân vật này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho đàn anh Nguyễn Bắc Son, để Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG. Trương Minh Tuấn cũng là quan chức bị dư luận nghi ngờ về việc đã nhận một ngôi biệt thự trị giá hàng triệu USD của Phạm Nhật Vũ - em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và là một trong những kẻ chủ mưu vụ AVG nhưng cho tới nay vẫn không hề xuất hiện tên tuổi trong kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ về vụ AVG cũng như trong công bố khởi tố và bắt giam của Bộ Công an.
Thế nhưng chính vào lúc này đây, quan chức Trương Minh Tuấn - suýt nữa đã hoàn tất bộ phim ăn cắp khối tiền khổng lồ trong vụ AVG - lại một lần nữa nghiễm nhiên trở thành sếp của hơn 800 tờ báo nhà nước và có quyền răn dạy về ‘đạo đức cách mạng sáng ngời’.
‘Củi nhà’ khác ‘củi rừng’ như thế nào?
Cái ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương phải chăng là động tác vớt vát ‘thể diện và uy tín’ cho Trương Minh Tuấn?
Có thể lắm.
Nhưng vì sao lại thêm một quyết định chỉ định Trương Minh Tuấn làm Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương, khi vào tháng Tám năm 2016 ông Tuấn đã được Nguyễn Phú Trọng chỉ định ngồi vào cái ghế ấy kiêm chức bộ trưởng TT-TT – một cương vị đã chính thức đưa Trương Minh Tuấn thành ‘người của đảng nắm chính quyền’?
Phải chăng ông Trọng sợ rằng hai năm qua công luận đã quên bẵng Trương Minh Tuấn là người của Ban Tuyên giáo trung ương, nên hai năm sau phải công bố một quyết định mới nhằm ‘tân trang’ cho nhân vật đã chìm lỉm dưới vũng lầy lịch sử này?
Tình cảm ưu ái của Nguyễn Phú Trọng dành cho Trương Minh Tuấn là khá rõ, khác hẳn với trường hợp Đinh La Thăng, dù Trương Minh Tuấn ‘ứng’ với Đinh La Thăng bởi tính chất ‘rất nghiêm trọng’ trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Vào tháng Năm năm 2016, ngay sau khi bị kết luận ‘rất nghiêm trọng’ về những sai phạm vào thời kỳ còn là chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bị kỷ luật và phải rời hai cái ghế ủy viên bộ chính trị lẫn bí thư thành ủy TP.HCM quá màu mỡ, dù được chỉ định làm Phó trưởng ban Kinh tế trung ương, nhưng vụ Thăng bị khởi tố và tống giam bảy tháng sau đó đã khiến lộ rõ ý đồ của Nguyễn Phú Trọng: đưa Thăng về Ban Kinh tế trung ương chỉ do ‘biện pháp tình thế’, tức Tổng Trọng chưa thể ‘xử’ Thăng ngay vào thời điểm đó, mà để ‘tạm’ tại Ban Kinh tế trung ương như một cách ‘nhốt quyền lực vào lồng’, chờ cơ hội thuận lợi sẽ tống Thăng vào ‘lò’.
Còn Trương Minh Tuấn từ năm 2016 đã nổi lên như một ngôi sao sáng trên chính trường Việt Nam với thành tích lặp đi lặp lại không biết ngán ngẩm công cuộc ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ của người thày Nguyễn Phú Trọng. Về mặt tư tưởng hệ và cách thức giáo điều, ít ra trên phương diện đầu môi chót lưỡi Trương Minh Tuấn đã tỏ ra đồng cảm tuyệt đối với nhà mác xít Nguyễn Phú Trọng và dành được nhiều thiện cảm của ông Trọng.
Chẳng quá ngạc nhiên khi khác hẳn ‘củi rừng’ Đinh La Thăng mà đã bị Nguyễn Phú Trọng sẵn lòng xử án tù giám đến 31 năm, Trương Minh Tuấn lại là một dạng ‘củi nhà’, để dù có bị kỷ luật và bị cách chức thì vẫn có thể ‘hạ cánh an toàn’.
Với tình hình như hiện thời và nếu không có gì thay đổi, Trương Minh Tuấn sẽ ngồi ghế Phó ban Tuyên giáo trung ương cho đến hết nhiệm kỳ và sẽ đường hoàng nhận sổ hưu trí mà không phải quá lo lắng về khả năng bị tống vào tù như các quan chức ‘thời kỳ trước’.
Trừ vài tình huống mà sẽ khiến ông Tuấn khó còn cơ hội nhìn thấy ánh sáng của ‘thiên đường xã hội chủ nghĩa’…
Những kịch bản của địa ngục
Một trong những kịch bản có thể sẽ đột ngột xảy đến là sức ép gia tăng mạnh mẽ của dư luận xã hội và từ ngay trong nội bộ đảng - bao gồm không ít quan chức thuộc phe cánh chính trị ‘không thích Tuấn’, giới cách mạng lão thành và cả những cựu thần mà Tổng bí thư Trọng thường xuyên tham khảo ý kiến.
Cho đến tận gần cuối quý 2 năm 2018, vụ Trương Minh Tuấn bị kỷ luật có vẻ đã bị chìm xuồng, nếu ông Trọng không phải chịu một sức ép đủ lớn từ trong nội bộ đảng để buộc phải mang Tuấn ra ‘mần cho có’.
Khi đó, kết luận ‘rất nghiêm trọng’ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với hai quan chức cao cấp Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, cùng cái cách phát thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy áp lực dư luận đối với Nguyễn Phú Trọng trong vụ ‘Mobifone mua AVG’ là đủ lớn, để ông Trọng không thể chỉ ‘chống tham nhũng thời kỳ trước’ hay ‘chống tham nhũng một bên’, mà còn phải ‘chống tham nhũng cả phe ta’.
Nhưng sắp tới, số phận của Trương Minh Tuấn không chỉ phụ thuộc vào ý chỉ của Nguyễn Phú Trọng, mà còn biến đổi theo sự thay đổi bất thường trong quan điểm Nguyễn Phú Trọng, trong trường hợp ông Trọng bị chỉ trích nặng nề vì đã không xử Trương Minh Tuấn để ‘công bằng’ với các vụ xử ‘phe Nguyễn Tấn Dũng’.
Cũng còn một những kịch bản khác: nếu trong tương lai không xa, Tổng bí thư Trọng mệt mỏi trong cuộc chiến được xem là ‘chống tham nhũng’ nhưng chẳng đi tới đâu của ông ta mà do đó bắt đầu tìm cách thoái lui khỏi cái ghế quyền lực, hoặc ‘im cho nó lành’ trong cơn bể dâu chính trị nội bộ và những đối ngoại xáo xào chẳng biết đâu mà lường, hoặc chính quyền lực của ông Trọng bị lấn át bởi những thế lực mới nổi lên trong nội bộ đảng, khi đó không có gì bảo đảm là vụ Trương Minh Tuấn sẽ không bị một phe cánh chính trị nào đó trong đảng ‘xới’ lại, chưa kể vài trăm tờ báo nhà nước từng bị Trương Minh Tuấn ‘bóp miệng’ sẽ đồng loạt nhảy chồm lên đầu ông ta.
Khi đó, cái thế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương của ông Tuấn sẽ chỉ là ‘tạm’ như Đinh La Thăng đã từng ‘tạm Phó trưởng ban Kinh tế trung ương’, để tương lai ‘theo chân Đinh La Thăng’ sẽ tràn ngập cung mệnh Trương Minh Tuấn…
Phạm Chí Dũng 
(Blog VOA)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn