Thế giới của những ngôi sao không hoàn hảo như mộng tưởng

Thứ Bảy, 04 Tháng Tám 20187:00 CH(Xem: 6130)
Thế giới của những ngôi sao không hoàn hảo như mộng tưởng

Hàng loạt người nổi tiếng tự sát

Đầu tiên là nhà nữ thiết kế thời trang nổi tiếng Kate Spade. Kế đến là đầu bếp Anthony Bourdain. Chỉ trong vòng có 3 ngày mà thế giới đã mất đi 2 tên tuổi sáng giá do hành vi tự sát. Những vụ người nổi tiếng tự sát như Spade và Bourdain không phải là điều chưa từng xảy ra trước đây.

Năm 2017, Chester Bennington - nhạc sĩ người Mỹ và thường được biết đến với vai trò ca sĩ chính của nhóm nhạc Linkin Park – tự kết liễu đời mình bằng cách treo cổ tại nhà riêng ở California. Năm 2010, nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Alexander McQueen cũng treo cổ tự sát sau khi sử dụng rất nhiều cocaine, thuốc an thần và thuốc ngủ. Còn diễn viên hài người Mỹ Robin Williams tự sát năm 2014 cũng bằng cách thắt cổ. Thái Lan cũng có nhiều vụ người nổi tiếng tự sát trong quá khứ.

33571342-b50b-44f6-8366-f72b4d635f93
Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Kate Spade.

Năm 2002, ca sĩ Amarin “Jo” Luangboriboon của nhóm nhạc rock Pause  tự sát bằng phát súng duy nhất vào thái dương. Năm 2003, ca sĩ Bundit “Tar” Dejkunchorn của nhóm nhạc nam Dr. Kids treo cổ tự sát do trầm cảm. Sau vụ tự sát của Kate Spade, người chồng tiết lộ vợ mình bị trầm cảm và lo âu trong thời gian dài. Đầu bếp Anthony Bourdain cũng được cho là bị trầm cảm nặng mặc dù bề ngoài có vẻ lạc quan.

Talinda Bennington, vợ góa của Chester Bennington, cho biết chồng bà tìm đến cái chết sau thời gian dài chiến đấu với chứng bệnh trầm cảm. Và mặc dù nổi tiếng với nhiều bộ phim, Robin Williams cũng không thể sống nổi với chứng trầm cảm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá tự sát là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 liên quan đến cái chết của dân số thế giới trong độ tuổi từ 15 đến 29.

Theo số liệu WHO, mỗi năm trên thế giới có hơn 800.000 người tự sát. Ở Mỹ, khoảng 45.000 người tự tìm đến cái chết vào năm 2016, tức tăng gần 30% kể từ năm 1999 – theo số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

Tự sát ở Hàn Quốc trở thành vấn đề thu hút sự chú ý toàn quốc sau cái chết do tự sát của một số nhân vật nổi tiếng, bao gồm: nữ thừa kế Lee Yoon-hyung của Chủ tịch Tập đoàn điện tử Samsung, các ca sĩ nhạc pop như Chae Dong Ha, siêu mẫu Daul Kim, 2 cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp Yoon Kiwon và Chung Jong-kwan và các diễn viên điện ảnh nổi tiếng như Choi Jin-shil, Kim Ji-hoo, Park Hye Sang, Lee Eun-ju, Jang Ja-yeon, Ahn Jae-hwan và Park Yongha.

Cựu siêu mẫu Kim Daul của Hàn Quốc được phát hiện treo cổ tự vẫn trong căn hộ ở Paris ngày 19-11-2009 lúc cô chỉ mới 20 tuổi. Trước khi chết, Kim Daul bị trầm cảm một thời gian dài. Kim Daul cũng từng viết trên blog cá nhân thừa nhận bản thân bị chứng mất ngủ triền miên và thường tự làm đau thể xác.

Tháng 10-2009, trong sự kiện Tuần Thời trang New York, Kim Daul viết trên blog mô tả bản thân bị “trầm cảm muốn điên lên vì làm việc quá sức chịu đựng”. Kim Daul là nhân vật nổi tiếng thứ 9 của Hàn Quốc tự tìm đến cái chết trong năm 2009. Kim Daul đều đặn xuất hiện trên các tạp chí thời trang nổi tiếng như British Vogue, I-D và Dazed & Confused.

Ở Hàn Quốc, Kim xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue phiên bản Hàn Quốc số tháng 8-2007 và tháng 5-2008 và Harpers Bazaar số tháng 7-2008. Kim xuất hiện trên sàn catwalk quốc tế lần đầu tại Tuần Thời trang Paris năm 2007. Karl Lagerfeld, Vivienne Westwood, Chanel, Alexander McQueen và Christopher Kane nằm trong số những nhà thiết kế thời trang hàng đầu thế giới thường xuyên sử dụng Kim Daul để giới thiệu những bộ sưu tập mới nhất của họ.

870fa361-76c6-4a68-acab-54c43242cbe4
Diễn viên hài người Mỹ Robin Williams.

Năm 2008, Kim được Tạp chí Anan bầu chọn là “người mẫu của năm”. Vụ tự sát vào năm 2007 của nữ diễn viên kiêm ca sĩ nổi tiếng U-Nee (tên thật là Lee Hye-ryeon), 26 tuổi, tại nhà riêng ở thành phố Seo-gu Incheon được coi là ví dụ điển hình nhất của chứng trầm cảm do không chịu nổi áp lực quá lớn từ dư luận. Lá thư tuyệt mệnh được cho là của Jonghyun tiết lộ ngôi sao K-pop phải đấu tranh với căn bệnh trầm cảm: “Cuộc sống nổi tiếng không bao giờ có ý nghĩa với tôi”.

Một người bạn thân của siêu sao K-pop Jonghyun đăng trên mạng xã hội lá thư anh để lại. Ngôi sao Hàn Quốc Jonghyun, 27 tuổi, được cho là tự sát vì trầm cảm vào hôm 18-12-2017.

Hàng loạt vụ người nổi tiếng tự sát – đặc biệt là 2 vụ mới nhất của Spade và Bourdain – cho thấy rõ những vấn đề về sức khỏe tâm thần đang lan rộng trên toàn cầu đến mức đáng báo động – theo Prakan Thomyangkoon, bác sĩ tâm thần và là chuyên gia ngăn ngừa hành vi tự sát Hiệp hội Tâm thần học Thái Lan (PAT).

Bác sĩ Prakan bình luận: “Dĩ nhiên, hình ảnh những người nổi tiếng tự sát phản ánh sự thật là cuộc sống và thế giới của chính họ không hoàn hảo như chúng ta tưởng. Người giàu có và nổi tiếng cũng cảm thấy thiếu thốn điều gì đó bên trong tâm hồn họ. Nhưng, có một điều đáng nói là chúng ta không quan tâm đến bệnh tâm thần. Phần đông những người tìm đến cái chết đều bị trầm cảm hay gặp vấn đề về lạm dụng thuốc hay ma túy”.

Chuyên gia nói gì về chứng trầm cảm

Lee Yu-jin, bác sĩ tâm thần và  là Giáo sư Đại học Y khoa Gacheon của Hàn Quốc, cho biết: “Không ít người đến gặp bác sĩ đa khoa hay chuyên khoa trước khi họ có ý nghĩ tự sát. Nhiều người trong số họ không biết bản thân đang mắc chứng trầm cảm mà thường chỉ than phiền về những triệu chứng thông thường như nhức đầu, đau cơ hay mất ngủ. Ngay cho dù đã có những biểu hiện muốn tự sát, họ cũng không nhận được sự trợ giúp bởi vì các bác sĩ cũng không biết phải làm gì”.

f254c098-a940-4861-8594-d50b8f942801
Nữ diễn viên kiêm ca sĩ nổi tiếng U-Nee.

Bác sĩ Lee Yujin cho biết khoảng 70% những người đến gặp bác sĩ trong vòng 1 tháng trước khi tự sát. Trong khi đó, chưa đầy 20% số bác sĩ này nhận được chương trình giáo dục về ngăn ngừa tự sát! Theo tính toán của Lee Yu-jin, nếu như các bác sĩ được hưởng chương trình giáo dục ngăn ngừa tự sát thì “chúng ta có thể giảm được khoảng 22% tỷ lệ tự sát hàng năm” ở Hàn Quốc. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết để hiểu tỷ lệ tự sát cao trong bối cảnh bao quát hơn để có thể có những giải pháp có hệ thống.

Trở lại Thái Lan, Prakan cho biết cứ khoảng 100.000 người thì có 6 người tự sát năm 2017, tương đương với con số 4.000 vụ/năm. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn tỷ lệ tự sát trên toàn cầu là 10 người trong số 100.000 người tự sát. Điều đáng lo ngại là 50-80% số vụ tự sát liên quan đến chứng bệnh trầm cảm.

Prakan Thomyangkoon, cũng là Chủ tịch Câu lạc bộ Ngăn ngừa tự sát (SPC) của Thái Lan, đánh giá: “Chúng ta thường nói bệnh tâm thần hiện nay được xã hội chấp nhận nhiều hơn. Nhưng, sự thật là không ai muốn đến gặp bác sĩ tâm thần, nhất là người mắc bệnh. Một số dạng bệnh tâm thần đòi hỏi điều trị y khoa kéo dài suốt đời. Vấn đề là không ai muốn bị coi là người mắc bệnh tâm thần, đặc biệt đối với những người nổi tiếng vì lo lắng cho hình ảnh của họ trước công chúng”.

Người nổi tiếng tự sát cũng dẫn đến bi kịch là một vài người “nối gót” theo sau đó. Sau khi Robin Williams tự sát, những vụ nam giới trong độ tuổi từ 30 đến 44 tìm đến cái chết tăng gần 13% mà trong đó những người “bắt chước” hành vi của ngôi sao điện ảnh Mỹ lên đến 32%. Hiện nay, nhiều chương trình hỗ trợ hay chiến dịch tuyên truyền được triển khai từ chính quyền hay khu vực tư nhân.

Bác sĩ Prakan phát biểu: “Ví dụ chính quyền Nhật Bản thành lập chiến dịch cung cấp tư vấn cho những người gặp vấn đề về giấc ngủ. Cách đây nhiều năm, khoảng 23 đến 24 trong số 100.000 người tự sát ở Nhật Bản. Sau khi chiến dịch được triển khai rộng rãi, con số giảm chỉ còn 18 người”.

Năm 2017, Trung tâm Quốc gia về Ngăn ngừa tự sát thuộc Bộ Y tế Thái Lan phát hành ứng dụng di động gọi là “Sabaijai” hỗ trợ tư vấn về hành vi tự sát. Ứng dụng do Bệnh viện Tâm thần Khon Kaen Rajanagatindra phát triển. PAT cũng tổ chức nhiều hoạt động vào tháng 9 hàng năm để nâng cao sự hiểu biết cũng như cảnh báo người dân nhằm ngăn ngừa tự sát.

Prakan nói thêm: “Nhiều nghiên cứu tiết lộ các bệnh tâm thần không chỉ do cảm xúc tiêu cực mà còn do những chất trung chuyển thần kinh bị cản trở hay tình trạng bất thường nơi não bộ. Do đó, bệnh nhân cần phải điều trị”.

Hiệp hội ngăn ngừa tự sát Hàn Quốc cùng làm việc với Bộ Y tế nước này để tổ chức những chiến dịch cảnh báo. Cũng giống như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng nằm trong số quốc gia có tỷ lệ tự sát được coi là cao nhất thế giới.

Để giải quyết vấn đề, Nhật Bản ban hành Luật cơ bản về những biện pháp chống tự sát trong năm 2006 như là một trong những bước đi đầu tiên chống hành vi tự sát, đồng thời chính quyền cũng đề ra nhiều chương trình khác nhau. Người ta có thể ngăn ngừa hành vi tự sát hay không? Câu trả lời thường là không thể bởi vì đó là vấn đề hết sức nhạy cảm nên khó có thể ngăn chặn được. Tuy nhiên, các chuyên gia tuyên bố hành vi tự sát vẫn có thể ngăn ngừa được bằng một số biện pháp.

Tiến sĩ Tadashi Takeshina, Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa tự sát ở Nhật Bản cho rằng: “Tôi tin có thể ngăn ngừa được. Phần lớn những vụ tự sát đều liên quan đến những sự kiện không may mắn do nhiều vấn đề cá nhân gây ra. Có nhiều biện pháp can thiệp để giải quyết những yếu tố nguy cơ”.

Tiến sĩ Tadashi Takeshina cho rằng các yếu tố nguy cơ bao gồm tính tình cá nhân, những sự cố đau buồn sớm trải nghiệm trong đời, rối loạn tâm lý và thể xác cũng như rối loạn tâm lý xã hội. Do đó, điều cần thiết là tập trung chữa trị những chứng bệnh liên quan đến tâm thần đồng thời phát triển một số dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần.

Trầm cảm là một căn bệnh mà ở mức độ nghiêm trọng nhất có thể khiến mọi người cảm thấy rằng cuộc sống không còn giá trị nữa. Nó có thể gây ra các triệu chứng thể chất như nhức đầu, mất ngủ và mệt mỏi liên tục có thể kéo dài hàng tháng.

Người bị trầm cảm cũng có thể cảm thấy lo lắng, cáu gắt và kích động mỗi ngày nhưng nó ảnh hưởng đến từng người theo những cách khác nhau và chỉ trong những trường hợp hiếm hoi trở thành lý do để bạo lực với người khác. Nếu người bệnh thừa nhận các triệu chứng của họ và nói chuyện với ai đó về cảm xúc của bản thân, căn bệnh trầm cảm có thể được chữa trị. Nhưng, rào cản lớn nhất để được giúp đỡ thường là sự kỳ thị và nỗi sợ tiết lộ những vấn đề về sức khoẻ tâm thần.

Duy Ân (tổng hợp)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn