KHÁCH LẠ - CAO MỴ NHÂN

Thứ Bảy, 09 Tháng Sáu 20186:00 SA(Xem: 5564)
KHÁCH LẠ - CAO MỴ NHÂN
636640016119941501zzzrrrrrr

KHÁCH LẠ  -   CAO MỴ NHÂN 

 

Đang còn giờ hoàng đạo, mà tôi cứ nhất định ra vườn sau, ngồi hứng nắng đầu mùa hạ. 

Người tha hương buồn vui lúc nào cũng chỉ một nửa nỗi niềm vui buồn ấy, còn một nửa dành cho những thầm kín hay bươn chải ở quê người. 

Cũng có người tha hương căm giận điều quy cố. 

Hay là mang cảm giác buồn chán đến tuyệt vọng, có thể chết dần mòn nơi đất khách. 

Tâm hồn tôi thì cứ trải ra mặt phẳng ngang, để lùa vui buồn vào những kẽ hở trong cuộc sống, mà tôi không cách nào lấp đầy được những kẽ hở lạnh buốt, hoặc đã đóng băng trong mớ tâm tư, tình cảm lạc lõng của mình. 

Tôi bắt gặp câu thơ thứ ba trong bài thơ 8 câu 5 vần như vầy: 

"Đất khách nửa đời tình vẫn lạ..."  (NĐC) 

Để có thể ...lôi câu thơ đó lên bàn mổ, xem thử tại sao tác giả nghĩ như vậy ? 

 

Trước nhất người tha hương đó là ai,  đã già chưa mà nói chuyện nửa đời với chả nửa đoạn . 

Tôi hoàn toàn không biết gì về ông ta trước khi ông lưu vong ở xứ sở nào không phải VN. 

Ô hay, không phải VN, thì chẵng lẽ  có chuyện lưu vong ngay trên quê hương mình sao ? 

Có đấy quý vị ạ, tôi cũng đã từng nghe hay đọc thơ, văn gì đó, người viết than thở rằng "Trời ơi, mỗi lúc tôi về VN xưa, không còn gì liên hệ nữa, cái chi cũng lạ từ lời nói tới thức ăn vv...tôi có cảm tưởng như tôi là một khách lạ, đi du lịch VN thôi." 

Có vị không tin điều đó, nhưng tôi tin, bởi tôi cũng đã từng là khách lạ mấy lúc trở về ...nguồn. 

Thành ra, theo câu thơ tôi "vớ" được từ bài thơ của Thi sĩ Giáo sư Ngô Đình Chương, mà nay ông đã chán mùi ...danh lợi hão huyền, ông viết: 

          TÂM TƯ 

Mấy dòng sao nói hết tâm tư

Ngày tháng nhìn trang lịch thẫn thờ

Đất khách nửa đời tình vẫn lạ

Quê hương nghìn dặm nghĩa không mờ

Sáng nay dạo núi chân cao, thấp

Buổi ấy xa nhà tâm tỉnh, mơ

Hồn nước non ơi, mau trở lại

Vàng ba sọc đỏ rợp màu cờ.

          Thiền Sư Xóm Núi   (NDC) 

 

3 chữ NDC trong dấu ngoặc là tôi thêm vào, để lỡ quên tên của một Thiền Sư ở Xóm Núi hiện nay, lại có thể lộn với ít nhất là vài ba vị đều ẩn danh qua hình ảnh Thiền Sư nơi đâu đó, thì chẳng lẽ khách thập phương lại đòi coi ID, hay CMND như trong nước cấp để kiểm soát . 

Vị Thiền Sư Xóm Núi có chính danh là Ngô Đình Chương, hậu duệ của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm thời Đệ nhất Cộng Hoà . 

Ông rời VN đi di tản có lẽ trước ngày 30 -4 - 1975. Bởi vì tôi nghe một bạn Huế nói rằng: " Khi nghe tin vị Tổng Thống suýt nữa đệ nhị rưỡi Cộng Hoà, Big Minh tuyên bố đầu hàng Việt cộng, ông đã nhìn ra đại dương có đảo Guam, hét lớn.

Rồi vô dãy nhà vệ sinh ở trại tị nạn Guam ấy, cọ rửa mấy chục cầu tiêu, để tự hành xác mình, hay là tự trừng phạt mình, ông cho rằng ông là một trong số người miền Nam, đã để mất miền nam VN. 

Ông, Thiền Sư Xóm Núi bấy giờ hành xử nỗi mỉnh như một bịnh nhân tâm thần, tức khắc vô lều trại mang cặp giấy dầy đã đánh số tới 10,000 (mười ngàn ) trang bản thảo của một công trình khảo cứu về văn hoá xã hội, văn chương nghệ thuật, hay về tôn giáo chính trị, mà mấy lần hạnh ngộ ông, tôi chưa dám hỏi, ra xé bỏ tan tành ...

Sau đó, dòng chảy tị nạn cuốn ông vào thế giới lặng câm . 

 

Tới đây, tôi liên tưởng tới cái thế giới tịnh ngôn của anh hiện nay. Giống như tôi là một hậu duệ của Big Minh xưa, anh đã không còn điều gì để nói.

Anh khơi một kinh đào Suez băng giá, giữa khoảng cách có sẵn từ lâu đời chúng tôi, để tất cả chỉ còn là kỷ niệm, hay một quá khứ kéo dài tới  vị lai luôn. 

Tôi nhìn vào cuộc sống của ông, người tị nạn khổ hạnh năm 1975 ở Guam, còn anh với tôi không ai tị nạn ai, mà sao để tình cảm lưu vong quá đỗi . 

Vị Thiền Sư nêu trên không hề về VN đã 43 năm nay. 

Có lẽ Thiền Sư vẫn nghĩ VN, hay riêng quê hương Huế của ông ...vẫn Sông Hương, Núi Ngự, Nam Giao, Linh Mụ vv...nên ông mới đoan chắc : 

Đất khách nửa đời, tình vẫn lạ

Quê hương nghìn dặm, nghĩa không mờ 

            ( Tâm tư -  Ngô Đình Chương ) 

Khác với ông, tôi thì đã về, và đã thấy sự đổi thay không phải là đẹp hơn, vui hơn hay gì cả. 

Tôi thấy một VN xa lạ, chán chường, đến nỗi tưởng như một xứ sở châu Á nào vậy . 

Lần sau cùng, tôi đã cảm thấy lòng tôi như khúc ruột của con chim rừng có tên là " Bắt Cô Trói Cột " . 

Tôi sớm nghe một lần rất lâu rồi, hơn 50 năm trước, tiếng hót mài mại câu : " bắt cô trói cột " trong chuyến đi chơi rừng ở  tây nam Hải Vân. 

Tức là đi vô Tùng Sơn, từ địa phận Nam Ô, Đà Nẵng, năm 1966. 

 

Quý vị sẽ hỏi tôi : " Sao đi tới được trong thời chiến tranh vậy ? " 

Ấy tôi lại phải kể thêm rằng, bấy giờ ông xã tôi đang là người vẽ bản đồ cho công trình xây cất các công sự chiến đấu, của MACV đơn giản thôi. 

Một ngày đẹp trời, tôi theo mẹ chồng tôi lên cái bệnh viện Mỹ trên làng Thượng núi Tùng Sơn, để mẹ chồng tôi cắt một cái mụn cóc trên ngón tay, do"xã tôi" giới thiệu bác sĩ Mỹ chuyên làm cho lính tráng và dân thiểu số Tùng Sơn . 

Có con chim rừng bay trên triền núi, giọng chim trong veo , não nuột "bắt cô trói cột". Mẹ chồng tôi bảo: "Mỵ ơi, có nghe tiếng con chim đó hót không? Bắt cô trói cột đó nờ..." 

Thiếu đường tôi thổn thức ngay khi nghe tiếng chim rừng hót thật buồn bã ấy . 

Thế thì, đó mới là một trong muôn một những gì ở cái quê hương xa vời bên kia đại dương trời ạ. 

Song bây giờ, muôn một đều đã đổi thay, làm sao tôi không xa lạ với ngày xưa. Hay là ngày xưa không còn trước mắt chúng ta nữa , ở đâu cũng thế . 

Nhưng với tôi, có một điều khoả lấp được vực thẳm ngày xưa, là tôi vẫn mơ hồ giữa không gian bát ngát, với anh, tất cả như vẫn đầy huyễn ảo,  mà lại rất hiện thực chuỗi tháng năm còn lại ở xứ người . 

Cho nên, đất khách nửa đời thơ mộng lạ, Thiền Sư đang " Mô Phật, thiện tai, thiện tai..."  

Tôi dấu nụ cười, nhớ về anh say đắm, thiết tha ...

 

           CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn