CON ĐOM ĐÓM - CAO MỴ NHÂN

Thứ Ba, 29 Tháng Năm 20186:00 SA(Xem: 6398)
CON ĐOM ĐÓM - CAO MỴ NHÂN
            636628846012930870zzzzaaa

      CON ĐOM ĐÓM  -  CAO MỴ NHÂN 

 

Có một vệt mây hồng rất mỏng đang gợi nhớ ở phương đông, nơi mặt trời thường mọc sớm vào mùa hạ. 

Một nhà thơ tiền chiến ca tụng mối "Tình Sầu" (tác giả Huyền Kiêu) của người thiếu nữ từ lúc ngây thơ, mùa xuân hồng đi bắt bướm vàng ngoài nội. 

Tới hạ đỏ, thiếu nữ đã mộng mơ, đi giặt tơ vàng bên suối. 

Thu xám thì thiếu nữ khăn trắng quấn quanh đầu, đi hát tình sầu trong núi. 

Rồi đông xám nữa, người khách tưởng là quen xưa, tìm gặp em thiếu nữ, biết được thiếu nữ đã hoa trắng phủ đầy mộ rồi. 

Như vậy hình ảnh thiếu nữ qua 4 mùa: xuân hồng, hạ đỏ, thu đông xám, đã kết thúc cuộc đời một thiếu nữ trong thơ của Huyền Kiêu, thi sĩ nổi tiếng mang 2 bài thơ "Tình Sầu và Tương Biệt Dạ đi vào Văn Học Sử" tiền bán thế kỷ 20 vừa qua. 

Được biết tác giả Huyền Kiêu (1915 - 1995) tên thật là Bùi Lão Kiều, sau cảm hứng tiểu tư sản trên, ông đã thiên hẳn về cách mạng vô sản. 

 

Kể một phần câu chuyện trên, vì sau 1975, gần như các tác giả tiền chiến đều vô Saigon, kể cả Huyền Kiêu, với nhiều thứ lý do. 

Có người định cư ngay tại thành phố đổi tên Hồ, như thi sĩ lừng danh Thế Lữ với bài thơ " Nhớ Rừng " xưa, mà hầu như thế hệ tôi đều đã học thuộc lòng. 

Những văn thi sĩ tiền chiến khác, ở lại Hà Nội với nỗi nhớ mơ hồ khác biệt. 

Quý vị ấy thường lui tới Úc Viên, gia trang của nữ sĩ Mộng Tuyết, nên tôi cũng chỉ tình cờ được diện kiến qua loa, họ vẫn có cái chung và vẫn có những cái riêng. 

Trong cái gọi là chung của họ, hình như họ không thật lòng với nhau, dù cùng giới tuyến, nhưng họ lại có vẻ thực tình với nữ sĩ Mộng Tuyết.

 

Nữ sĩ Mộng Tuyết và nhà thơ Đông Hồ, giáo sư Hán học, phu quân bà, tuy phát triến Trí Đức Học Xá ở Hà Tiên, nhưng cư trú tại Saigon, dù sao thì ảnh hưởng Tây Phương suốt thời son trẻ và trung niên.

Cách xử thế của nhị vị ấy khác hẳn dân Hà Nội đã đi theo Cộng Sản, nên tinh thần quảng đại, vẫn luôn luôn có trong tư tưởng nữ sĩ miền Nam này . 

Năm 1955, tức sau ngày chia đôi đất nước một năm, và còn năm sau là đóng cửa vĩ tuyến 17, ông bà Đông Hồ, Mộng Tuyết có ra Hanoi thăm lần chót bạn văn thơ nêu trên, nên sau 1975, nữ sĩ Mộng Tuyết giao hảo bình thường và hào phóng, hoá cho nên các vị thơ văn tiền chiến, rất ưa thích tới lui Úc Viên.

Thành vẫn có những kẽ hở suy nghĩ riêng tư, hay đúng ra quan điểm của mỗi người bộc phát khác nhau. 

Tôi cũng đã từng bắt gặp nụ cười rất hài của nữ sĩ Mộng Tuyết khi tiếp một người bên kia tỏ vẻ hay nói năng không hoà đồng được với tư tưởng phóng khoáng, thân thiện của người quốc gia, tự do.

 

Cuộc sống ở Úc Viên trước và sau 1975 hình như không bị ảnh hưởng gì, nhà thơ giáo sư Đông Hồ thì đã mất trước đó ít năm, nữ sĩ Mộng Tuyết, cùng ái nữ Yễm Yễm ( đọc là Diễm Diễm ) ra vào vườn Úc như hai cái bóng. 

Một hôm, tôi đi dự hội thơ ở tư thất nhà thơ cổ điển Vĩnh Mạnh Thường Quân, trở về có ghé Úc Viên thăm như

 thường lệ. 

Nữ sĩ Mộng Tuyết hỏi tại Hội thơ đó có những ai, xem có ai bà quen không. Tôi thưa chỉ toàn những văn nghệ sĩ Saigon cũ, nhưng đặc biệt có cụ Vũ Đình Liên, tác giả bài thơ Ông Đồ 

" Mỗi năm hoa đào nở

   Lại thấy ông đồ già

   Bày mực tàu, giấy đỏ ... bao nhiêu người thuê viết câu đối đón xuân đó " .

Bà Mộng Tuyết cười thật tươi nói : " Ông này phấn đấu miết mà có vô được Đảng đâu. Ai mời ông đó họp thơ ? " 

Tất nhiên là chủ nhà rồi. 

 

Vậy Cao Mỵ Nhân có đọc thơ không ? Nữ sĩ Mộng Tuyết thân mật hỏi, tôi cũng vui vẻ trả lời: 

Chẳng những đọc thơ, mà 

còn hoạ ngay một bài thơ của thi sĩ chủ nhà . 

Tôi kể cho bà nghe quý vị dự hội thơ đều đọc thơ hôm đó . Nhà thơ Phan Ngọc chất vấn " Ông Đồ Vũ Đình Liên"  là tại sao lại đốt những tập thơ của cụ Vũ Hoàng Chương. 

Cụ Vũ Đình Liên cười trừ.    

Trong nhà thi sĩ Vĩnh Mạnh Thường Quân có một chiếc lồng chim sáo, ông ta viết bài xướng Lồng Chim Sáo. 

Tôi đã cao hứng hoạ ngay bài thơ đặt tựa là Sau Chấn Song, nên đọc qua " đại tỷ " nghe thế nào . 

Đọc vừa xong, nữ sĩ Mộng Tuyết cười lớn: 

Nè, nội 2 câu đầu bài Sau Chấn Song ấy, đủ để khăn gói tái hồi cải tạo rồi : 

   Đồng ca hay đối thoại trong lồng 

   Vẫn chỉ tiêu đề : Vượt chấn song...

Là những con chim đồng ca, hay ít nhất 2 con đối thoại , rủ nhau xổ lồng , vượt tù đấy. 

 

Tôi hơi hoảng, vì có bạn thơ cho hay, mấy hôm trước  ông đồ Vũ Đình Liên đã đưa tác giả bài thơ " Cyclo phú " vô tập trung cải tạo, nay Sau Chấn Song với cá chậu chim lồng thì còn giải thích chi nữa. 

Nhưng nữ sĩ Mộng Tuyết lắc đầu : 

Yên tâm, Ông Đồ Vũ Đình Liên ấy còn phải lo thân " nhân dân lao động của ông đã, để đạt hoài bão " Được kết nạp đảng viên đảng cs.

Chứ lúc nào nhà thơ Ông Đồ Vũ Đình Liên cũng ca ngợi Võ Nguyên Giáp là bạn cùng dạy học trường Thăng Long với ông, nhưng  ổng có được Võ tướng không còn Nguyên Giáp đó giúp cho gì đâu. 

Tôi chợt nhớ bài thơ cụ Vũ Đình Liên đọc trong buổi hội thơ ở Thạch Động là bài "có con đom đóm ", cụ Vũ Đình Liên ví ông đại tướng là hải đăng, hay đèn gì đó, cụ chỉ là con đom đóm. 

Có lẽ ở đây không phải là sự khiêm tốn hay nỗi than phiền, mà vẫn là nhắc nhở người bạn cũ đang làm đại tướng có quên bạn thân một thời không đấy thôi. 

 

Vị niên trưởng của tôi, nữ sĩ Mộng Tuyết rất ôn hoà và an nhiên, bà bảo rằng : " Là thi sĩ thôi cũng đủ rồi, chịu khó làm thơ hay hơn, để mãi là thi sĩ, chứ hải đăng với đom đóm mà làm gì ". 

Tất nhiên, thi sĩ hay người làm thơ, cũng như những con chim hót ca cả ngày. Muốn giữ được tiếng hót trong veo, trái tim thơ phải an lành, êm ái luyến thương, phải có một không gian bát ngát...và bầu trời ấm nắng, tươi hoa... 

Chim trong lồng thì làm sao thể hiện được niềm tự do bất tận ngoài đời được. 

Từ đó tôi tạm quên những rào cản trước lồng son, tung mình đi kiếm một phương trời mới lạ, để thưởng thức tiếng hót của loài chim thơ êm đềm, diễm tuyệt ...

 

              CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn