NỖI TRẦM TƯ CŨ - CAO MỴ NHÂN

Chủ Nhật, 27 Tháng Năm 20186:00 SA(Xem: 5475)
NỖI TRẦM TƯ CŨ - CAO MỴ NHÂN
        636627900209444027zzzz11111

    NỖI TRẦM TƯ CŨ  -   CAO MỴ NHÂN 

 

Vào giữa thập niên 60 thế kỷ trước, có lẽ sau thời điểm biến động miền Trung, chính phủ đệ nhị Cộng Hoà đã vãn hồi được trật tự "hành chánh và quân sự " do Phật Giáo chủ trương (1966), có rất nhiều phái đoàn công, tư từ trung ương ra thăm viếng Huế. 

Có ý kiến nói Huế năm 1966 ấy, là cái nôi vô hình Thượng toạ Thích Trí Quang luôn tay đẩy nó, cái nôi, ru à ơi một phần dân chúng Huế, khiến sau này xẩy ra Tết Mậu Thân 1968, tính đến nay đã chẵn nửa thế kỷ (1968-2018) . 

Cho tới bây giờ, vẫn chưa có một cuốn sách nghiên cứu, phân tích thật kỹ càng, thật rõ ràng, và nhất là thật trung tính sự kiện cơn biến loạn đó, trong cái thời điểm phức tạp, chuyển hoá trong 2 năm (1966 -1968). 

Gần như hầu hết sách vở, văn thơ, báo chí, đều bắt nguồn từ hồi ký cá nhân, những suy nghĩ, suy diễn, được ghi chép lại, tất nhiên là theo cách nhìn quý vị liên hệ, xem như đúng nhất vì quý vị sống trong hoàn cảnh đó, thực tế Tết Mậu Thân Huế. 

 

Viết ra điều này, không phải tôi có được những dữ kiện gì, những tài liệu sống, hay những kỷ niệm nổi trội hơn những tài liệu của quý vị đã trưng dẫn . 

Và tôi lại cũng là một nhân chứng tình cờ, nên cũng có cách nhìn không tổng quát được, tôi nhìn từ hướng đông đảo quân nhân các cấp VNCH, bởi lẽ tôi là một nữ quân nhân chuyên làm công tác xã hội ở Quân Khu I  VNCH. 

Tuy nhiên đã làm việc xã hội, thì mặc nhiên thấy được 2 chiều khác biệt của vấn đề. 

Sau mùa hè năm 1966, và sau mùa xuân năm 1968, giai đoạn đó tôi tới lui 5 tỉnh và 2 thị xã miền Trung của...tôi như dệt cửi. 

Nghĩa là tôi phải tháp tùng hoặc hướng dẫn các phái đoàn từ trong nam ra cứu trợ hay quan sát. 

Tôi thấy dân chúng miền Trung trong 2 năm 66, 67 có vẻ lệch phần ưu ái đối với chính phủ do vị Chủ tịch Uỷ Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, là Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, sau này là Tong tong ...tôi. 

Thời bình minh của chế độ Cộng Hoà lần thứ nhì, lãnh thổ bên này sông Bến Hải, nó có vẻ gì gượng ép, hay là nhân tình thế thái người dân bấy giờ, còn nghi ngờ tài cán bộ 3 quý vị mà miền Trung hay gọi " Thiệu, Kỳ, Có" vậy. 

 

Tôi phải nhắc tới danh xưng này, vì 3 vị tướng VNCH bấy giờ đang lãnh đạo nội các chính phủ, hay nôm na nói là thống trị đất đai và dân chúng miền nam. 

Tuyệt đại đa số chưa tin 3 vị võ tướng: Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Trung tướng Nguyễn Hữu Có, và Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ. 

Tướng Kỳ giữ chức Chủ tịch Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương, vai trò Thủ tướng như các chế độ dân chủ, tự do trên thế giới. 

Hay đơn giản là Tổng thống Thiệu, Phó Tổng thống Có, và Thủ tướng Kỳ, bình thường thôi.

Song quý vị dân gian miền nam nói chung và các tỉnh miền Trung nói riêng, theo nội dung bài viết này, quý vị hồ nghi tài kinh bang tế thế của tam vị lãnh đạo nêu trên là sao? 

Có phải tam vị nêu trên không xuất thân từ hàng khoa bảng, từ đảng phái chính trị lỗi lạc, thì có vẻ không am tường hành chánh chăng? 

Thưa quý vị nhân dân trăm họ, tam vị tướng nêu trên là những chức sắc trên chiếu ngồi điều binh khiển tướng đấy . 

Tất nhiên tam vị tướng trên không phải là những ngôi sao bắc đẩu quá xuất sắc như quý tướng thuần tác chiến, trong đó có vị Tư Lệnh Quân Đoàn I/ Quân Khu I của ...tôi, tức Trung tướng Ngô Quang Trưởng, anh hùng Trị Thiên thời nào. 

 

Thế thì, miền Trung đẹp tươi, đã khởi sắc hơn kể từ sau 1968. Trận tử thủ ổn định Huế, sau này tướng Ngô Quang Trưởng còn được Tông Tông ...tôi giao trách nhiệm tái chiếm cổ thành Quảng Trị mùa hè năm 1972. 

Trong phạm vi bài này, tôi vẫn chỉ muốn nhắc tới niềm tin chính phủ và quân đội VNCH, sau thời gian hững hờ 1966-1968, dân chúng Trị Thiên mới nhiệt tình kính trọng và quý mến giới chức thẩm quyền, nhất là quân nhân các cấp QL/VNCH. 

Do ổn định Huế qua hình ảnh thượng kỳ trên Kỳ Đài Huế sau gần cả tháng bọn cộng sản chiếm ngụ Phú Vân Lâu, để phơi mảnh vải gắn sao vàng của chúng , để lấn miền nam, lâu nhất là Tết Mậu Thân Huế. 

Nên chi, khi Trung Tướng Ngô Quang Trưởng rời QĐlV về QĐI năm 1972, thì dân chúng miền Trung cười nói hân hoan, như người nhà đi mất, đã trở về. 

Bấy giờ chúng tôi có mặt ở Quảng Trị, để cùng Uỷ Ban Cứu Trợ Nạn nhân Chiến cuộc, đón dân chúng từ bên kia sông Thạch Hãn bơi về vùng Quốc Gia. 

Dân chúng tị nạn đói rách tả tơi, dồn về đầy ắp các trại tạm cư ở Huế và Đà Nẵng. 

Họ kể chuyện bên kia sông, và những tốp, đoàn dân chúng nhào qua sông, tất cũng có người chết, mất tích sao đó. Nhưng hình ảnh cô gái tên Tầm mà tôi nhớ mãi, rách toạc hết quần áo, tôi phải đưa về nhà tôi, tạm thời rồi thân chinh đưa cô ra Huế để Ty Chiêu Hồi hoàn tất thủ tục hồi chánh bắt buộc, mặc dù là dân miền Quảng Trị trước đó, nhưng đã mấy tháng bị ở với VC. 

 

Phải đụng trận, đụng việc rồi, mới rõ phải trái mọi mặt, mà với dân miền Trung, thì dù muốn dù không cái Tết Mậu Thân đã phơi bày những sự thật về chính trị xã hội thật rõ ràng. 

Nên khi trận chiến kinh hoàng mùa hè đỏ lửa 1972, và nhất là sau này 1975, dân chúng bên này ranh giới quốc cộng mới tin tưởng, thông cảm và tự quyết định cuộc sống họ. 

Chỉ tiếc rằng miền nam bị bức tử, quân đội bị tan hàng,mà tất cả dân và quân gần như ngơ ngác, rồi cũng đành lặng im ngó thời cuộc bất ngờ. 

Tuyệt nhiên dân chúng miền Trung không hề oán than quân đội Cộng Hoà, còn thương xót thật lòng, và buồn nỗi buồn chung của dân tộc, không được phe đồng minh tiếp tục yểm trợ để đánh thắng cộng sản. 

Phải thấy tận mắt vị Tư Lệnh QĐI/QKI đứng trước miền duyên hải Huế Đà Nẵng buổi cuối cùng, mới hiểu được tâm hồn võ tướng tan hoang, vỡ nát ...

Huynh đệ chi binh đã đẩy ông rời vùng trời thân thương , miền Trung mà Trị Thiên xem như...cốt nhục, vì tướng Ngô Quang Trưởng không muốn xa phần đất ấy . 

Lạ thế quý vị ạ, dân chúng Huế, Quảng Trị đã thuộc lòng từng cử chỉ của tướng Ngô Quang Trưởng, đã có những gia đình tìm đến ông, đứng sát bên ông mà khóc ròng ngày hoàn toàn mất Huế 1975. 

 

Khi người dân miền Trung đã cảm thấy tin tưởng vào quân nhân các cấp QL/VNCH, đã gởi gấm lòng tin yêu, quý trọng, mong muốn mãi được nhìn thấy các anh lính chiến trên lãnh thổ Quân Khu 1, thì lại không còn những hình ảnh ấy nữa. 

Trung tướng Ngô Quang Trưởng. (1929- 2007) cũng đã mệnh chung ở miền đông Hoa Kỳ, xứ sở lưu vong . 

Tro cốt tướng được phu nhân và mấy người con đã bình thản đưa về đỉnh đèo Hải Vân, để trải đều nơi phần đất linh thiêng, QĐI/QKI, lịch sử sẽ lưu lại những chiến tích của vị tướng tuy sanh trưởng ở miền nam, nhưng lại lập bao chiến công rực rỡ ở địa đầu giới tuyến . 

Có lẽ dân chúng miền Trung sẽ rất buồn trong nỗi trầm tư về người anh hùng lỡ dở sự nghiệp uy dũng, Ngô tướng quân đã thể hiện ở Trị Thiên nửa thế kỷ trước đây. 

 

           CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn