CÕI THẦM LẶNG - CAO MỴ NHÂN

Thứ Sáu, 18 Tháng Năm 20186:00 SA(Xem: 8077)
CÕI THẦM LẶNG - CAO MỴ NHÂN
      636621106420956909zzzzvvvvvvvvvvv

    CÕI THẦM LẶNG  -   CAO MỴ NHÂN 

 

Hình như tôi đã mấy lần kể với quý vị về 2 nhân vật thơ hàng chức sắc, trong làng thơ VN ở thế kỷ 20 vừa qua, là nhị vị thi sĩ lớn Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng. 

Còn nhị vị phu nhân quý thi sĩ trên, thì tôi hay nhắc đến nữ sĩ Đinh Thị Thục Oanh, là phu nhân của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, còn là hiền tỷ của thi sĩ Đinh Hùng . 

Tuyệt nhiên tôi chưa " kể " về phu nhân thi sĩ Đinh Hùng. Kể cũng là một thiếu sót . 

Hôm nay tôi xin trở lại người thứ tư trong cái gia đình 4 người tưởng là bé nhỏ, nhưng hoá ra ảnh hưởng ngoài xã hội rộng lớn vô cùng: bà Đinh Hùng. 

Tất nhiên đây là một bài chuyện vãn thôi, không phải để sưu tầm lý lịch, nhất là ít có trường hợp người ta đi tìm hiểu phu nhân một nhà thơ bao giờ.

 Mặc dầu yêu mến thơ ca từ thủa nảo nao, có lẽ tôi đã có dịp mua mấy tập thơ của nhị vị thi sĩ đương nêu về lưu trữ trong tủ sách bé nhỏ của tôi, từ ngày tôi bắt đầu viết lách năm 1953,ở Hải Phòng . 

 

Tới khi theo gia đình di cư vô Nam năm 1954,  tôi càng làm thơ nhiều hơn ...nhưng bấy giờ tôi như a thần sầu vào hàng ngũ " không phải là mầm non văn nghệ đâu " , chúng tôi đã có ít nhiều ...thành tích làm thơ " được " rồi, tối ngày viết "thoải mái " để gởi đăng báo liên tục . 

Tuy nhiên tuỳ cách lớn lên ở Saigon bấy giờ, tôi vẫn phải đi học, đi thi, đi tìm cách ra đời khả dĩ có thể  xây dựng tương lai theo ý mình, hoặc theo thời đại chúng tôi bấy giờ. 

Đầu thập niên 60 thế kỷ trước, tôi đã vô Nội trú trường Cán Sự Xã Hội Caritas ở số 38 đường Tú Xương Saigon. 

Thời gian đó quý sơ dòng Nữ Tử Bác Ái tổ chức 2 khoá học : khoá 1 nhận 10 khoá sinh, trong đó có tôi , khoá 2 nhận 8 khoá sinh

Trong khoá 2 này,có Xuân Q, cũng thích làm thơ như tôi, nhưng không đăng báo, mà cứ nắn nót viết trong một tập giấy pelure mầu xanh lợt thật đẹp, để chỉ cho một người duy nhất đọc, là thi sĩ Đinh Hùng .  

 

Xuân Q người Nam, cùng tuổi tôi, không đẹp lắm nhưng có  đôi mắt thật to lúc nào cũng ướt lóng lánh. 

Mỗi ngày sau buổi học chiều, ăn cơm xong, là chúng tôi được tiếp khách ở phòng khách nhà trường, gồm 3 bộ salon kê cách khoảng nhau ...

Không biết thi sĩ Đinh Hùng đi bằng phương tiện gì, nhưng từ cửa trường đi vô, đã thấy vị khách mặc đồ lớn thong thả bước qua sân rộng, và lập tức Xuân Q từ dãy nhà ngủ được ma sơ kêu lên, tiếp ...người nhà . 

Chúng tôi bấy giờ còn vài năm nữa mới 20, nên nhìn đời trong sáng và đơn giản lắm ...

Xuân Q cứ tưởng thi sĩ Đinh Hùng đọc thơ mình, chứ 

thực sự ông có đọc đâu, ông thích đến  thăm thôi . 

Mỗi lần như thế, xuống nhà ngủ Xuân Q lại kéo tôi ra hàng hiên cười khúc khích, khoe thi sĩ Đinh Hùng khen thơ chi đó . 

Khoá học 3 năm, nhưng Xuân Q chỉ học 1 năm rồi nghỉ luôn. 

 

Tôi đã quên Xuân Q theo năm tháng ... 

Nhưng vẫn có thơ được ban Tao Đàn cho ngâm nga, do quý vị ấy coi báo rồi đưa lên, chứ tôi còn chưa biết cách gởi tới đài phát thanh nữa. 

Phải nói là tôi chưa bao giờ  liên lạc với ban Tao Đàn thủa đó.

Rồi tôi ra trường, đi làm, năm 1967 thì nghe tin thi sĩ Đinh Hùng mất, tôi hoàn toàn quên Xuân Q đang ở đâu, làm gì. 

Ra trường, đi nhiều đơn vị, năm 1967 đó, tôi đã mang cấp bậc Trung uý, đã làm Trưởng phòng Xã hội Bộ Tư Lệnh QĐI/QKI rồi . 

30 -4 -1975, tan hàng, phải đi tù cải tạo . 

Rồi ra tù cải tạo ...tôi bắt đầu thân với nữ sĩ Đinh thị Thục Oanh, vì bấy giờ tôi ở trong hội thơ Quỳnh Dao, nhỏ tuổi nhất, nên quý bà hội viên toàn là các mệnh phụ phu nhân thuộc giới dòng dõi văn học, hay có địa vị xã hội...

 

Nữ sĩ Đinh thị Thục Oanh rất khiêm tốn, rất " công dung ngôn hạnh ", nên bà luôn thương cảm giai đoạn tôi đi tù cải tạo, bà cứ rủ tôi về nhà bà chơi, ăn uống chút quà, tấm bánh do bà làm theo ...đặt hàng của bạn bè quen biết xưa, lấy công làm lời, chi dùng một chút qua ngày ...

Những lần như thế, chị với tôi phải đi bộ ...việt dã luôn, tức là có khi từ Úc Viên, tư thất của cặp thi sĩ lão thành Đông Hồ, Mộng Tuyết tọa lạc tại khu Lăng Cha Cả, gần phi trường Tân Sơn Nhứt.

Qua tới Bến Vân Đồn, nhà chị gần chùa Kim Liên bên đó ...và vv các tuyến đường khác, cũng xa tương tự ...

Tới nhà nữ sĩ Đinh Thị Thục Oanh, thật ra là căn nhà vừa nhỏ,vừa ọp ẹp của ông bà thi sĩ Đinkh Hùng, em trai và em dâu chị . 

Bấy giờ ở đấy vào đầu thập niên 80 thế kỷ trước, căn nhà tạm phân chia như sau: trên gác là phần nữ sĩ ĐT Thục Oanh và con trai, Vũ Hoàng Tuân khoảng quanh 25 tuổi, có việc làm ở nhà máy ciment Hà Tiên Thủ Đức . 

Phần nhà dưới, rộng rãi hơn một chút, là phu nhân thi sĩ Đinh Hùng và 3 cháu Đinh Hoài Ngọc, Đinh Giáng Hương và Đinh Hoàng Kim, các con của thi sĩ Đinh Hùng cư ngụ . 

 

Khi tới nhà nhị vị thi sĩ tên tuổi đã quá cố, có 2 điều tôi thấy đặc biệt hơn người, không phải là thơ với phú 

đâu, mà là phong cách của những người sinh sống trong ngôi nhà ọp ẹp này, rất nền nếp : 

1/ Từ cửa đi vô, ngay bên tay phải, 2 bức hình lớn cỡ  

     ( 24  x. 30 )cm của nhị vị thi sĩ  Vũ Hoàng Chương và 

     Đinh Hùng, với 2 bát nhang và bình bông đặt giữa 2 bát     

     nhang ấy. 

    Nữ sĩ Đinh thị Thục Oanh vẫn thường xuyên hương

     Khói cho phu quân bà, và người em trai duy nhất . 

2/Các cháu con của thi sĩ Vũ Hoàng Chương và thi sĩ 

     Đinh Hùng rất lễ phép, trong giao tế với bằng hữu 

     của 2 gia đình thi sĩ đương nêu . 

Cho dù văn nghệ sĩ có không lão bá, không xê xích tuổi các cháu bao nhiêu, các cháu vẫn xưng hô như với các bậc trưởng thượng ...thưa bác, chú, cô, dì và xưng cháu. 

 

Trong đám khách thơ đến dự kỵ giỗ nhị vị thi sĩ nêu trên, có Đoàn Yên Linh ( ngâm sĩ Ban Tao Đàn trước 1975) và tôi là kể như còn ...trẻ so với quý thi sĩ gạo cội Bàng Bá Lân, Bùi Khánh Đản vv...quý cụ khác, chúng tôi vẫn nghe các cháu đáng tuổi em mình, xưng " cháu " với chúng tôi . 

Và có thể nói, là lối sinh hoạt văn nghệ ( ! ) ở ngôi nhà ọp ẹp trên, trong hẻm 129 Bến Vân Đồn, đã rất tôn trọng sự kiện cần thiết cho một buổi ...lễ, Tết vv...đó là các phần hành trong nhà, nếu không có việc gì ở nhà để thù phụng ...tân khách, thì không bao giờ xuất hiện lảng vảng chật nhà ...

Thành ra mỗi lần chúng tôi đến kỵ giỗ, chẳng thấy bà Đinh Hùng, tức em dâu nữ sĩ Đinh Thị Thục Oanh đâu. Có lẽ bà qua chơi tạm nhà hàng xóm ...Vũ Hoàng Tuân thì đi làm,Đinh Giáng Hương( con gái giữa) và Đinh Hoàng Kim( con trai út) nhà thơ đinh Hùng cũng không thấy mặt . 

 

Khi chúng tôi đi ngang đầu hẻm chùa Kim Liên, thấy một thanh niên ốm hom hem đang ngồi vá xe đạp cho khách nghèo phố chợ, chị Thục Oanh nói với tôi : 

" cậu đó là Đinh Hoài Ngọc vừa từ Thanh Niên Xung Phong về, cháu đào giếng, vét mương nhiều quá, nên bị đau thần kinh toạ, nhà nước cho về đó " ...

Tôi chẳng biết nói gì hơn, cũng chẳng có phương tiện giúp đỡ nữa. Đinh Hoài Ngọc là con trai cả của thi sĩ Đinh Hùng . 

Khi vô nhà, có thể là những lần khác, tôi vẫn thấy phu nhân thi sĩ Đinh Hùng ngồi thản nhiên trước rổ rau, hay mẹt gạo hẩm toàn thóc sạn vv...bà đang ngồi lượm thóc sạn để kịp giờ nấu ăn ...

Lúc nào tôi chào bà, bà cũng vui vẻ thăm hỏi, tuyệt nhiên chẳng bao giờ bà nhắc tới thơ ca, làm như món xa xỉ phẩm, hay là những hào nhoáng vinh hoa ở đời vậy . 

 Hình như có hơn một lần, nữ sĩ Đinh Thị Thục Oanh nói cho tôi hay về bà Đinh Hùng, nhưng tôi quên mất , có lẽ bà không thuộc giới văn nghệ sĩ, song nhìn vào cách thức "Giáo huấn " con cái, tôi thầm phục quý bà Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng lắm, chứng tỏ 2 bà phẩm chất đức hạnh , mới dạy con cái như vậy được 

 

Một hôm, tôi đang ngồi trên gác cùng nữ sĩ Thục Oanh thì nghe một giọng nói vừa khoan thai vừa buồn ở dưới nhà, có một chút như vời vợi nỗi nhớ, nhưng lại như sầu đời chi lạ...

Tôi chưa kịp hỏi thăm chị Thục Oanh, thì chị đã cười nhẹ, một cách cam phận, chị bảo : bà Đinh Hùng đấy, có lẽ hôm nay cô ấy buồn, cô ấy có chút say ...

Chao ôi, sao lại " thâm cung bí sử " của một nhà thơ, tôi hỏi nữ sĩ Thục Oanh có bao giờ thế không, nữ sĩ Thục Oanh mỉm cười, vẻ cũng buồn ghê lắm : 

" Vợ con Đinh Hùng buồn lắm..." 

Tất nhiên nhìn vào thực tế thiếu thốn thì ai mà không buồn chứ, chị thở dài ...

Tôi ngẫm nghĩ, rồi hỏi thăm nữ sĩ Đinh Thị Thục Oanh, người chị chồng của phu nhân thi sĩ Đinh Hùng rằng : Chị ơi, chắc là ngày xưa chị ấy ( vợ nhà thơ Đinh Hùng ) 

đẹp lắm phải không, thì mới được tác giả Đinh Hùng

( 1920  - 1967 )làm thơ Mê Hồn Ca ( 1954 ) chứ ? 

Nữ sĩ Đinh Thị Thục Oanh cười sặc lên : " Cao Mỵ Nhân làm thơ mà còn nghĩ thế, thì độc giả thơ còn tưởng tượng nhiều hơn là phải rồi, Đinh Hùng viết chi thì cứ viết, cũng như ông Chương nhà này, còn vợ con các ông ấy thì đây này, em ở gần chúng tôi quá rồi, nói gì thêm nhỉ ? "

Phu nhân thi sĩ Vũ Hoàng Chương hỏi vọng xuống nhà dưới : Này cô ấy đã đi chợ chưa  ? Chị Đinh Hùng thưa: Chị về bao giờ thế ? Nữ sĩ Thục Oanh nói : đưa Cao Mỵ Nhân về chơi đấy mà ...

Tôi thò đầu xuống cầu thang gác chào phu nhân thi sĩ Đinh Hùng : " thưa chị " . 

Bà Đinh Hùng nhoẻn cười, giơ tay : tới chơi hả ...rồi bỏ đi ra ngoài . 

Nữ sĩ Thục Oanh thầm thì : " tội bà ấy quá chứ, buồn lắm ." ...

Tôi chợt nhớ chuyện cũ hồi ở Caritas , bèn hỏi chị Thục Oanh: 

Chị ơi, ngày xưa  em có một con bạn, tên nó là Xuân Q nó

" mê " Anh Đinh Hùng lắm, chị có biết không ? 

Chị Thục Oanh nhìn tôi rồi thở dài : 

" ông Hùng thì nhiều bà, nhiều cô mê lắm, phải con nhỏ ..." 

Đúng rồi, nó có tới nhà anh chị Đinh Hùng bao giờ không chị ? 

Nhiều người mê thơ Đinh Hùng tới đây, vậy mà xem kìa, 2 ông ấy đang ngồi trên nóc tủ kia, có ai tìm không ? Ý nói 2 bức hình thờ để trên nóc tủ.

Cao Mỵ Nhân biết không, hôm đưa ma ông Hùng, nó xoã tóc trước mồ đấy, sau đi tu rồi , nhưng mà thực, làm thơ thì làm, chứ ông Chương, ông Hùng có quan tâm gì đâu . Lãng mạn vậy, chứ quý vợ con lắm ...

Bà Đinh Hùng phải kể là ...ngoan lắm nha, một phép tôn trọng Đinh Hùng, nên làm sao mà xa được ...

Thời gian sau thì phu nhân thi sĩ Đinh Hùng mất, người lo mai  táng cho phu nhân thi sĩ Đinh Hùng cũng là nữ sĩ Đinh Thị Thục Oanh, người chị chồng của bà ...

         

          CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn