VIÊN ĐẠN ĐỊNH MỆNH - CAO MỴ NHÂN (Cập nhật)

Thứ Năm, 03 Tháng Năm 20186:00 SA(Xem: 6823)
VIÊN ĐẠN ĐỊNH MỆNH - CAO MỴ NHÂN (Cập nhật)
636606475310735647zzzzz111111

VIÊN ĐẠN ĐỊNH MỆNH - CAO M NHÂN (Cập nhật)

 

Cả năm nay tôi không liên lạc với nhà văn Duy Lam và phu nhân, lý do rất đơn giản là nhà văn Duy Lam thì đã quên quên nhớ nhớ mấy lâu rồi, còn bà lại thường yên trí với những sự việc suy diễn hay liên tưởng nhiều hơn thực tế. 

Tôi không hề phiền buồn bất cứ một điều gì đối với ông bà, mà mối thân tình của chúng tôi trải suốt 54 năm cứ hoà hợp vui vẻ, thân mến thêm. 

Nếu kể trong số người thân quen, tôi không dám nói là bạn, vì lúc nào tôi cũng xem nhà văn Duy Lam và phu nhân ông,  như anh chị ruột thịt, vì chúng tôi có nhiều " tình thân đơn vị " mà đại tộc KaKi của tôi, luôn " sống chết có nhau " . 

Đến nỗi chúng tôi thuộc cả tính nết nhau không sai một dấu phẩy, nếu phải viết ra trên giấy trắng mực đen chuỗi tháng năm thân thiết từ quá khứ tới nay. 

Thế nhưng tôi mới nghe tin phu nhân nhà văn Duy Lam  mãn phần vào ngày 25 -4 - 2018 vừa qua, khiến tôi bùi ngùi tưởng nhớ dĩ vãng của anh chị và chúng tôi nơi khung trời kỷ niệm Đà Nẵng xa vời.

 

Ngay khi Dịch giả Ái Cầm và Thi sĩ Thái Tú Hạp, giám đốc tuần báo Saigontimesusa tin cho hay chị Duy Lam đã mất,  tôi lại thầm trách: Tại sao tôi không phone cho anh chị mỗi tuần, để chị muốn nói chi thì nói, vì chị rất thích tâm sự cùng bạn bè khắp nơi. 

Tôi lại ỷ y các cháu con anh chị chu đáo trong mọi hoàn cảnh lâu nay, dù sao thì cuộc sống cuối đời của gia đình nhà văn Duy Lam cũng hơn hẳn những thân hữu, chiến hữu , bằng hữu 2 lãnh vực văn chương và đảng phái của ông. 

Có lẽ không việc gì phải ngần ngại khi tôi đề cập đến 2 sinh hoạt sau cùng nêu trên, là văn chương nghệ thuật, và lý tưởng xã hội mà nhà văn Duy Lam đã tôn thờ Việt Quốc, tức Việt Nam Quốc Dân Đảng vậy. 

Trước hết, tôi phải khẳng định nhà văn Duy Lam là ...ai ? Rồi từ đó lướt qua sinh hoạt cuộc sống gia đình ông, mới nổi bật được vai trò người vợ của nhà văn tên tuổi ấy, là bà Chu Thị Thịnh, phu nhân nhà văn Duy Lam, mới giã từ cõi thế.

 

Nhà văn Duy Lam tên thật là Nguyễn KIm Tuấn, trưởng thành trong binh nghiệp, ông nguyên cấp bậc Trung tá VNCH, lại hầu như chuyên trọng trách các chức vụ Chánh Văn Phòng Tư Lệnh Quân Đoàn, Sư Đoàn.

Song ông lại được kiêm nhiệm phụ trách các vấn đề hành chánh, văn hoá, xã hội thuộc lãnh thổ Quân Đoàn I/ Quân Khu I, các đảng phái hoạt động lâu đời, mà các vị Tư Lệnh muốn chuyên chú về quân sự, để việc hậu cứ phức tạp cho Trung tá Nguyễn Kim Tuấn, tức nhà văn Duy Lam trách nhiệm . 

Do đó vai trò của madame Thịnh Chu xuất hiện , bà hiền thê xuất sắc của nhà văn Duy Lam đã cáng đáng các thứ công việc mà bình thường phải mấy nhân viên mới làm tốt được. 

 

Đi sâu vào chi tiết vị " nội tướng " của nhà văn Duy Lam, quý vị mới thấy là bà Chu Thị Thịnh thật hoàn hảo từ ngày bắt đầu cuộc sống " Đồng chí VN Quốc Dân Đảng " của Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn. 

Vâng, thay vì bà  Thịnh Chu chỉ việc làm phu nhân một vị Trung tá Chánh Văn Phòng Tư Lệnh, hay làm ái thê một nhà văn danh tiếng là đã ...sáng giá lắm rồi. 

Chị lại ôm đồm công việc ngoại vi của một phụ nữ đã rất giỏi nội trợ. 

Ngoài công việc chợ búa tảo tần, với những bữa ăn gia đình ấm cúng, chị còn đảm đương luôn những bữa tiệc lớn mà nhà văn Duy Lam phải trụ trì các buổi họp VNQDĐ cấp cao, hay địa phương, thường tổ chức ngay tại biệt thự " tư thất " nơi cư xá Bác Ái, vốn thuộc Bộ Chỉ huy 1 Tiếp vận ( Quân Khu 1 ) Đà Nẵng . 

Phần việc này, tôi chỉ xin trích ngang, vì thường kỳ tôi không theo dõi, bởi không phải công việc của tôi.

Nhưng mỗi năm vào mùng 2 Tết Nguyên Đán, nhà văn Duy Lam tổ chức buổi tiếp tân lớn tại tư thất ông bà nêu trên, bằng tất cả những món mặn ngọt mà đều do chính tay bà thực hiện .

Thí dụ : nấu bánh chưng, bánh tét, tất cả các thứ bánh ta, tây, mứt món, thực đơn chính thức cỗ bàn, và nhất là không thể thiếu các thứ rượu khai vị ta tây như nếp cẩm, nho, mận, vv...

Thức ăn , thức uống như nêu trên, phu nhân nhà văn Duy Lam đã một tay thầm lặng dành dụm, tích lại từ cả tháng trước đó. Nên chỉ nhìn vào thực chất buổi tiếp tân thịnh soạn là thấy thiện chí của người vợ " đồng chí " VNQDĐ ngay rồi.

 

Như thế, quý vị cũng thấy được lòng yêu thương, tính tháo vát, đức hạnh của một phụ nữ VN tiêu biểu cho nền nếp xã hội vừa phong kiến vừa tân tiến của phu nhân nhà văn Duy Lam.

Một nét đặc thù của những thành viên xuất xứ từ cái nôi dòng dõi Tự Lực Văn Đoàn, mà chị là dâu trưởng của cụ bà nhà văn Nguyễn Thị Thế, người phụ nữ duy nhất trong dòng văn học cách mạng trí thức tiểu tư sản thập niên 30, 40 thế kỷ trước ở Hanoi, gồm quý ông Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam  là những người bác, cậu của nhà văn Duy Lam vậy. 

Với một tiểu sử khá ly kỳ, trong phạm vi bài này, tôi không đề cập tới các mặt văn chương hay xã hội của Tự Lực Văn Đoàn, mà Duy Lam là người cháu chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ quý ông đương nêu.

Để có thể ...nhắm mắt hiểu rằng: nhà văn Duy Lam với thêm vào một số dữ kiện, đồng thời là một vị quan 5 VNCH, cá

nhân Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn đủ để thu hút phần nào quý vị nữ lưu giai nhân thủa ấy. 

Nên không thể không ca tụng phu nhân trung tá nhà văn Duy Lam , vốn là một nữ lưu sáng giá cả về nhan sắc lẫn phẩm hạnh. 

 

Tư tưởng " Tự Lực Văn Đoàn " cũng thấm ít nhiều trong tính độc lập của phu nhân nhà văn Duy Lam, nên chi trong cuộc đổi đời bất hạnh của miền nam VN, trung tá VNCH Nguyễn Kim Tuấn cũng bị đi tù cải tạo như các quân cán chính chế độ cũ. 

Phu nhân nhà văn Duy Lam đưa 3 con gái dưới 15 tuổi về Đà Lạt tá túc với bà nội, tức cụ bà Nguyễn Thị Thế, rồi chị bị bắt đi Kinh tế mới ở Lâm Đồng .

Tại đây đã có sự tranh chấp giữa bà và bạo quyền Cộng sản địa phương. 

Bà đã nói thẳng vào mặt bọn cán bộ quản lý việc đưa dân đi khắc phục ma thiêng quỷ khốc rằng: 

" Ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói một câu mà hồi đó thì chúng tôi không tin, nhưng nay, hoàn toàn đúng: Đừng nghe những gì cộng sản nói , mà hãy nhìn những gì cộng sản làm " . 

Tất nhiên chị bị hành hung vì chúng bắt chị cải chính câu nói trên, nhưng chị đã không cải chính mà còn nhắc lại 3 lần câu vừa nêu, dù chúng giao hẹn một cách thổ phỉ tàn ác là không theo lệnh chúng, chúng sẽ dùng vũ lực kết thúc . 

 

Chị Thịnh Chu đã đi tù cải tạo lâu hơn tôi, một thiếu tá QLVNCH. Tôi đang vội vàng vô Bưu Điện Bình Thạnh, thì nghe tiếng gọi : " Mỵ Nhân, Mỵ Nhân" . 

Tôi quay nhìn lại, té ra phu nhân nhà văn Duy Lam. Mặc dầu chị đang trong bộ quần áo đen bạc phếch, chiếc nón lá mà tôi không thể nào quên, nón cũ rách đã đành, nhưng quai nón đã nối tới 3 đoạn dây vải cũ xấu xí, thế mà ngó chị vẫn trẻ đẹp như hồi còn ở Đà Nẵng trước 30 -4 -1975. 

Vị phu nhân sang trọng quý tộc này đã từng có tới mấy tủ quần áo toàn đồ đầm, sang trọng,  chị chỉ may vài áo dài để mặc khi lễ lạc cần thiết .

Ngay tức khắc lúc tái ngộ đó, tôi nhớ tới viên đạn chị tự bắn vô đầu năm 1968, tôi ứa nước mắt hỏi thăm chị : 

" Chị ơi, chị có khoẻ không ? " . 

Lập tức tôi nối lại " bang giao " những ngày xưa thân ái dưới chế độ VNCH ở miền nam . 

Và tức tốc đưa chị đến Câu Lạc Bộ Dưỡng Sinh học để kịp thời điều trị những u uất tinh thần, cùng những khó khăn vật chất, trong thời gian nhà văn Duy Lam đã từ nơi khác chuyển về trại tù Hàm Tân . 

 

Thế là chúng tôi vui vẻ dắt dìu nhau, chúng tôi đã luôn luôn thông báo cho nhau những tin tức mới nhất thủa hậu tù cải tạo ấy. Kể cả việc chị tự tìm cách liên lạc với Văn Bút Quốc Tế để thông báo chuyện tù đày của nhà văn Duy Lam. 

Những năm sau đó, chúng tôi vẫn cùng nhau đi thăm viếng bạn cũ thuộc Bộ Tư Lệnh QĐI/ QKI. Cho tới khi Trung tá Nguyễn Kim Tuấn ra trại trong dịp gọi là Tổng trở về đợt I, tức 2-9-1987. 

Và sau nữa là chuần bị ra đi trong chương trình tị nạn HO, nhà văn Duy Lam tới Mỹ vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước cùng phu nhân và 2 con gái chưa lập gia đình. Cô bé đầu được ông bà bảo lãnh, cũng đã sang Hoa Kỳ sau này. 

Có một điều là tất cả mọi chi tiết sinh hoạt trong gia đình nhà văn Duy Lam, chỉ một tay chị Thịnh Chu làm . 

Thế nên các thứ như lập hồ sơ ra đi tái định cư, rồi tới Mỹ, các thứ hồ sơ xin trợ cấp để hội nhập Hoa Kỳ, xin thi vô quốc tịch Mỹ vv...đều do chị làm, chị cũng vô quốc tịch trước anh, hầu bảo lãnh cho gia đình Phương Lan . 

 

Làm chủ tình hình như thế, phải có một nghị lực bền bỉ, và một tình yêu ... khủng khiếp lắm, mới vượt qua được những khó khăn cùng những cay đắng mùi đời nếu có.

Phu nhân nhà văn trung tá Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn là một minh chứng cho điều đó, yêu nhà văn và lo lắng cũng như nghi ngại tình yêu bị chia sẻ, đã khiến bà phải lấy súng của chồng để bắn vô đầu, trong một giây mất bình tĩnh nhất. 

Bà không biết là anh em nhà văn Duy Lam, Thế Uyên đã chẳng hề có một hình ảnh nào chấp chới trong đầu óc các ông. 

Duy Lam đã phải đưa phu nhân vô cấp cứu ở Tổng y viện Duy Tân, các bác sĩ khu giải phẫu, kể cả các bác sĩ Mỹ thời đó đều  ngưng tay, vì sao ? 

Vì đầu đạn đã ép sát vào giây thần kinh chi đó, khiến cuộc giải phẫu phải đặt lên một bàn cân suy nghĩ thế nào. 

Cuối cùng thì bà phải trở về với trạng thái nguyên vẹn nhưng không hề nguyên vẹn bình yên, vì đầu đạn vẫn cận kề giây thần kinh tối trọng đó. 

Đầu đạn định mệnh đã ở cùng chị Chu Thị Thịnh đúng 50 năm.

Nửa thế kỷ với nỗi ưu tư thảm khốc về một tình yêu to lớn, rồi nay, cuối đời bà, nỗi ưu tư vẫn ám ảnh vì đầu đạn lỳ lợm ở lại vĩnh viễn với chị, nó, miểng đạn sẽ theo chị đi mãi về hư vô ...

Hiện diện ở thế gian 85 năm. 

Như vậy dấu đạn thù đã hăm doạ chị từ năm chị mới có 35 tuổi đầy xuân sắc. 

Nay chị về cõi khác, như tính tháo vát xưa, có lẽ chị về nơi ấy, để sửa soạn cho ngày nào anh, nhà văn Duy Lam, sẽ gặp lại hiền thê, người đã sướng và khổ vì yêu anh đến chết ... 

          

         CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn