Thực sự đang có rối loạn xung quanh Putler
Chúng ta cũng không thể ngờ được rằng chiến dịch tấn công vào Nga của người Ukraine lại là một chiến dịch không kích. Diễn ra chỉ trong một đêm 06/05 sang rạng sáng 07/05, tôi xin nhắc lại là Ukraine đã cùng lúc tấn công 5 cơ sở quân sự trên lãnh thổ Nga:
- Nhà máy sản xuất khoa học nhà nước “Splav”, Tula (cách 330 km) – sản xuất giàn hỏa tiễn phóng loạt Grad, Smerch, Tornado-S ;
- Nhà máy hệ thống sợi quang, Saransk (cách 660 km) – sản xuất sợi quang cho viễn thông và chắc là cả... UAV điều khiển có dây.
- Nhà máy Saranskkabel, Saransk (660 km) – sản xuất cáp và các điểm nút viễn thông.
- Sân bay Kubinka (420 km) – sân bay của các máy bay MiG-29 và Su-27 của đội biểu diễn “Các tráng sĩ Nga”.
- Sân bay Shaikovka (210 km) – là căn cứ của Tu-22M3.
Hiện tại, chúng ta không có thông tin về thiệt hại cụ thể, một phần vì phía Ukraine cũng chưa xác minh được chính xác thông tin nên việc rò rỉ lên mạng xã hội bị hạn chế. Nguyên nhân chính của việc này là do phía Nga giữ bí mật.
Theo tìm hiểu của tôi thông qua “bà hàng nước” ngồi ở vỉa hè gần trụ sở Ủy ban Kịch bản quốc gia Nga (FSB) phố Lubyanka, trách nhiệm điều tra ban đầu thuộc về cơ quan điều tra quân sự – an ninh quân đội. Nhưng nhiều khả năng nhiệm vụ này sẽ bị tịch thu lại và giao cho Ủy ban Kịch bản để tiếp tục tiến hành công việc. Các thông tin chi tiết về thiệt hại của Nga chỉ trong một đêm dù không được tiết lộ ra ngoài, nhưng cách tiếp cận này làm cho chúng ta có thể hiểu được, vấn đề đang là rất nghiêm trọng.
+ Đầu tiên là nhà máy “Splav” ở Tula. Cú nhằm mục tiêu này thực sự là một đòn đánh hiểm cho quân đội Nga trên chiến trường. Lâu nay do sự suy giảm nghiêm trọng của lực lượng pháo binh có nòng, quân đội Nga phải giao trọng trách cho pháo, hay còn gọi chính xác là “súng cối phản lực phóng loạt” (MLRS). Do việc không phụ thuộc nòng pháo của nó, đồng thời tính cơ động của MLRS tự hành vốn lắp trên xe tải 6x6 hoặc 8x8, đều nhanh nhẹn hơn.
Nếu so sánh tương quan theo báo cáo hôm qua của Bộ Tổng tham mưu Ukraine, số lượng cỗ pháo của Nga bị tiêu diệt là 27.718 cỗ, trong khi số giàn phóng loạt là 1.381 giàn. Ngoài ra còn có thông tin cho biết, gần đây Nga tập trung nghiên cứu cải tiến độ chính xác của các loại MLRS, chủ yếu là Smerch và Tornado-S để tăng độ chính xác, mong muốn của họ là làm đối trọng với HIMARS và ATACMS của Mỹ giao cho Ukraine. Có thể trong thời gian qua công cuộc nghiên cứu này đã đi được tới đích thành công.
Theo bà hàng nước, các báo cáo chi tiết về thiệt hại gây ra cho JSC Instrument Engineering Design Bureau và cả cuộc tấn công vào cơ sở sản xuất Splav – vốn cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất tên lửa và vũ khí chính xác của Nga, đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Cuộc tấn công này có thể làm giảm sản lượng tên lửa tới 30 – 40 %, và làm thiệt hại về tiền có thể tính tới hàng trăm triệu đô-la cho nền kinh tế chiến tranh của Nga.
+ Trong đoạn liệt kê trên đây quý vị thấy có 2 mục tiêu nhưng thuộc một lĩnh vực gần như trùng nhau, đó là Nhà máy hệ thống sợi quang ở Saransk và Nhà máy Saranskkabel cũng ở Saransk. Hai cơ sở này như vậy có liên quan mật thiết với nhau (như là một) và như vậy có thể là có quan hệ chuỗi cung ứng với nhau.
Trong thời gian qua đã ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của UAV tấn công Nga trên chiến trường, một phần lớn là nhờ chuyển sang dùng UAV điều khiển bằng cáp quang để chống Ukraine phá sóng. Vào thời điểm diễn ra cuộc tấn công, cư dân ở Saransk nhận thấy bị mất internet. Sau này mới rõ là hệ thống phòng không Nga có nhận diện được việc đang chuẩn bị bị tấn công, nhưng không còn các giàn phòng không nên họ tiến hành làm nhiễu hoặc can thiệp/phá sóng dẫn đến việc mất internet của khu vực.
Chúng ta thì không biết được 2 cơ sở này cái nào cung cấp cho cái nào, nhưng sản xuất đã ngừng ngay hôm sau hôm bị tấn công. Với diện tích hơn 300 ki-lô-mét vuông nên đây là một thành phố quy mô không lớn, vụ tấn công đã gây ra tình trạng hoảng loạn trong dân chúng trong hôm sau. Tôi thì cho rằng, việc tấn công cả hai cơ sở gần nhau là có chủ đích, vì không chỉ làm gián đoạn, cú tấn công làm tê liệt quá trình sản xuất sợi cáp quang để trang bị cho vũ khí.
+ Đòn tấn công của UAV Ukraine vào hai căn cứ không quân, Kubinka và Shaikovka, nhất là Kubinka chỉ cách trung tâm thành phố Mátxcơva có non 60 km đường chim bay, đã làm Nga phải kích hoạt chế độ “Kover”, mà một trong những nội dung của nó là đóng cửa không phận thành phố. Kết quả là 60.000 hành khách đi máy bay Nga bị kẹt lại trên các sân bay khắp đất nước.
Ban đầu, đúng theo truyền thống Nga là… đổ lỗi, các đơn vị thuộc quân chủng, binh chủng đổ lỗi cho nhau. Phòng không thì đổ lỗi cho… quân khu, chẳng hạn quân khu Mátxcơva đã rút hết lực lượng của họ về bảo vệ thủ đô. Đồng thời họ cũng đổ lỗi cho… công nghệ đã lỗi thời và lạc hậu với lý do “người Ukraine thì không lạ gì các đặc điểm kỹ thuật, chiến thuật của vũ khí Nga.”
Họ phân tích: Sở dĩ các máy bay không người lái tốc độ chậm của Ukraine có thể vượt qua được hệ thống phòng không của Nga nhiều tầng lớp với nhiều loại vũ khí tính năng khác nhau, tầm xa tầm gần, tầm cao tầm thấp… cũng khác nhau nhưng về lý thuyết là độ phủ rất đủ : Pansir-S, S-300, S-400 gì đó, đủ mặt anh tài. Nhưng người ta đổ lỗi cho một cái mắt xích tên là “cổng Doppler” gì đó, mà tôi cũng chẳng biết nó là cái gì. Nôm na là có lỗ hổng sẵn có trong cái hệ thống này và người Ukraine biết thừa lâu nay, khai thác đều đặn mà Nga không có cách nào để khắc phục.
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Cơ quan an ninh đặt câu hỏi : Tại sao người Ukraine ngoài việc cho vũ khí của mình lọt qua được hệ thống phòng không, lại biết tường tận về các cơ sở sản xuất đến như vậy ? Chúng ta hãy cùng tưởng tượng : Để chiếc UAV kể cả loại khá to, xuyên qua được tường hoặc mái của nhà xưởng sản xuất, không phải chuyện đơn giản : đến cái lồng ở trên xe tăng còn chặn được UAV nữa là.
Như vậy là người Ukraine muốn tấn công hiệu quả như vậy phải có chiến thuật, lớp lang của nhiều UAV các cỡ khác nhau… Như trước đây khi Nga còn nhiều giàn phòng không, thì có UAV đánh lạc hướng, UAV tấn công giàn phòng không và UAV làm nhiệm vụ chính. Bây giờ thì có “UAV mở cửa sổ” cho UAV chủ lực… chui vào để diệt thành phần chính của dây chuyền sản xuất.
Rõ ràng, người Ukraine từ lâu nắm tường tận sơ đồ nhà xưởng và quy trình sản xuất. Khác với nhà máy lọc dầu, chỉ cần quại vào tháp ngưng tụ đã đủ cho nhà máy đắp chiếu rồi, thì nhà máy sản xuất công nghiệp cơ khí – điện tử nó rất khác, muốn làm cho nó dừng hoạt động lâu lâu, nhiệm vụ khó khăn hơn rất nhiều. Chẳng cần đến Ủy ban Kịch bản Nga, mà gà mờ như chúng ta chắc chắn cũng không thể không nghi ngờ có tay trong cung cấp tin tức cho Ukraine, mà cung cấp đến 5 cơ sở một lúc, mà không phải tất cả cùng trong một lĩnh vực, thì đúng thật là tài. “Tên nằm vùng” này có thể ở một vị trí rất cao “chui sâu, leo cao” nhiều năm nay, hoặc nghiêm trọng hơn, là một vụ… phản bội điển hình.
Đơn cử, với “Splav” ở Tula – những “kẻ thủ ác” (ha ha ha) đã nhằm vào bộ phận nhiên liệu cho hỏa tiễn và nhân tiện tấn công luôn cả dây chuyền sản xuất cả ba thứ đạn phản lực phóng loạt kia. Khi nhằm vào bộ phận sản xuất – lưu trữ nhiên liệu tên lửa, cú đánh làm xuất hiện một thảm họa môi trường.
Bây giờ thì không chỉ cái nhà máy và viện nghiên cứu mà cả một khu vực lớn xung quanh có thể bị phong tỏa để bộ đội phòng hóa đến xử lý thảm họa môi trường. Việc xử lý này cần thời gian, do vậy không có chuyện nhà máy quay lại sản xuất được nhanh chóng. Xong xử lý môi trường, mới đến dọn dẹp, xây cất và lắp đặt dây chuyền khác. Với hai cơ sở này, người ta đánh giá nhanh thì 3 tháng hoặc có thể là 6 tháng ngừng trệ, mới có thể quay lại hoạt động được.
Câu chuyện với cặp nhà máy sản xuất sợi quang cũng như vậy, có thể nhẹ nhàng hơn về hậu quả nhưng nghi ngờ thì vẫn như vậy – tại sao cú đánh lại hiệu quả đến như thế ? Và kể cả là về hậu quả, do việc đặt hai nhà máy cùng chuỗi cung ứng cạnh nhau, đã làm cho cả một mảng lớn trong chuỗi bị sụp đổ.
Về câu chuyện hai sân bay thì đơn giản hơn – người Ukraine quá rõ về chúng, nhất là căn cứ Shaikovka chỉ các biên giới với Ukraine hơn 200 ki-lô-mét, các máy bay của Nga gần như chỉ cần cất cánh, bay ít phút, thả bom rồi bay về, rất… tiện lợi. Theo kế hoạch có sẵn, màn diễu hành máy bay qua Quảng trường Đỏ sẽ gồm có các máy bay trực thăng mang cờ Nga và cờ đỏ Liên Xô… sau đó đến các máy bay ném bom chiến lược Tu-160, Tu-95 vừa bay vừa biểu diễn tiếp dầu.
Đội hình khoảng 3 chiếc Tu-22M cũng sẽ nối tiếp theo, và sau đó mới đến giàn Sukhoi. Cuối cùng là hai biên đội “Các tráng sĩ Nga” và “Chim én.” Năm nay thì vắng bóng các máy bay chiến đấu không nói làm gì, nhưng bọn bay biểu diễn cũng không thấy thì phải chăng chúng đã bị tấn công đến thiệt hại gì đó, đến mức tổng duyệt thì bay được (trước lễ chiến thắng vài ngày có lễ tổng duyệt, nếu tôi không nhầm thì 5/5) còn chính hội thì biến mất ?
Như vậy, có thể gọi là chiến dịch tập kích đường không của người Ukraine được rồi. Trông thì có vẻ âm thầm lặng lẽ, nhưng tác động của nó là lớn và có thể nói là nghiêm trọng đối với bộ máy quân sự Nga. Tôi đánh giá tác động của nó lớn hơn việc tấn công cầu Kerch nhiều. Nếu đặt nó vào bối cảnh cú đánh vào kho 51 của Tổng cục Pháo binh Nga làm nổ hơn 240.000 tấn bom đạn vũ khí, thì thêm cú này không biết sẽ dẫn tới tình trạng gì của quân đội Nga.
Thực sự là, Ukraine không cần một lệnh ngừng bắn 30 ngày – dù ngừng bắn được ngày nào đỡ người thiệt mạng ngày ấy – nhưng mục tiêu của họ là giải phóng các vùng bị chiếm và đánh quỵ quân đội Nga, vì vậy họ cần có thêm một số vũ khí thay đổi cuộc chơi, đồng thời có thêm thời gian để điều động lực lượng. Với mục tiêu này thì 1 tháng là đủ, còn với Nga Putler thì 1 tháng là vô nghĩa. Tôi đã phân tích rồi : Hắn cần 6 tháng là ít.
Vì vậy trong thời gian tới, chúng ta sẽ thấy bóng đá qua, đá lại… Và đó cũng là quá trình chuẩn bị của người Ukraine cho một kế hoạch khác nữa. Đây là quá trình tất yếu không thể thay đổi hoặc đảo ngược.
Về phần mình, trò son phấn cho thây ma sắp chết của Putler – duyệt binh rình rang, không giải quyết được vấn đề gì, kể cả về chính trị. Ngoài Trung Quốc là tay máu mặt, tất cả những anh còn lại (kể cả Việt Nam) đều không mạnh mẽ gì nếu xét từ góc độ tự chủ về vũ khí nặng, vũ khí chiến lược. Do vậy, mặc dù có một số chuyên gia đánh giá việc tổ chức kỷ niệm và mời được khách cũng khá đông đảo, Putler đã thắng lợi ; nhưng cũng có những đánh giá ngược lại rằng nó thể hiện rõ cái sự bị cô lập vì tất cả những khách mời đó, khách thực tiễn nhất là Trung Quốc cũng chỉ là ngầm hỗ trợ, tất cả đều là trung lập hoặc thậm chí phụ thuộc, sống dở chết dở (Burkina Faso chẳng hạn).
Câu chuyện chưa dừng lại : Chiến dịch tập kích đường không của người Ukraine còn có một tác động về chính trị. Với dân chúng, đặc biệt là dân Mátxcơva, lần này là lần chính thức chán nản. Sân bay đóng cửa ảnh hưởng đến hành khách đi máy bay, và hành khách đi máy bay là nguồn tin xì xào đến các thành phần khác trong xã hội. Dần dần ai cũng biết cả : Đang có chiến tranh với Ukraine, và người Ukraine chẳng nhu mì gì, bây giờ đã thả UAV đến tận thủ đô.
Bây giờ thì dân Nga hỏi : Phòng không của các ông ở đâu, hỡi các nhà lãnh đạo ? Chúng ta có quân đội thứ nhì thế giới cơ mà ? Tại sao họ lại phải phá lễ duyệt binh nhỉ ? Vô nghĩa. Vừa làm chiến dịch hay thế còn gì. Tôi đã viết báo cáo quý vị rồi “Duyệt binh xong, rồi sao nữa ?” và bây giờ câu trả lời là “Putler phải xua quân đánh nhau tiếp chứ sao !”
Chiến dịch tập kích đường không này của người Ukraine hoàn toàn có thể là có người phía Nga giúp đỡ, thậm chí nó liên quan đến một âm mưu, một kế hoạch cung đình kinh thiên động địa hơn nhiều. Vì vậy, cá nhân tôi thì thấy đây thực sự là một sự rối ren không hề nhỏ xung quanh Putler. Tik tak, tik tak.
Một ý cuối : Cái nước cử cả quân đến giúp là Bắc Triều Tiên thì không được mời duyệt binh cùng, Putler đúng là quân ăn cháo đá bát.
PHÚC LAI 12.05.2025