1. Duyệt binh chiến thắng 2025: Lại thêm một trò bịp bợm
Hôm qua sau khi theo dõi toàn bộ buổi tường thuật lễ duyệt binh mừng 80 năm chiến thắng từ Quảng trường Đỏ, tôi bắt đầu nghe phong thanh về trò bịp bợm của truyền hình Nga:
Họ trộn video đội bay biểu diễn “Các tráng sĩ Nga” bầu trời thủ đô Mátxcơva, là các video cũ – thông tin từ một diễn đàn của người Nga nên tôi sẽ không trưng các nội dung liên quan ra đây. Một tài khoản Facebook bằng tiếng Việt cung cấp thêm thông tin: Đoạn Su-25 bay phun khói màu, là từ buổi tổng duyệt hôm 07/05/2021 cho lễ duyệt binh năm đó.
Tôi chỉ nói đơn giản như thế này thôi này: Xin quý vị kéo đến đoạn 1:08:00 – màn trình diễn máy bay bay qua Quảng trường và xem đến hết nó, cũng không đến 1 phút đâu. Nếu có thật, thì camera của nhà đài sẽ quay cử tọa trên khán đài, đặc biệt chú trọng vào Putler và năm nay là Tập Cận Bình và có thể cả các lãnh đạo nước ngoài khác, xem thái độ hào hứng của họ trước airshow. Năm nay hoàn toàn không có cảnh đó. Chỉ một sự thật đơn giản như vậy đã bóc trần toàn bộ bệnh bịp bợm trầm kha của người Nga.
Thêm một video nữa cho chắc, trên kênh YouTube của đài PTTH Thanh Hóa, quý vị kéo đến 1:07:55 sẽ xuất hiện máy bay:
Cá nhân tôi khi xem đoạn này hết sức sửng sốt vì trên diễn đàn kín kia, tôi được người ta cho xem từ… 4 ngày trước.
Thông thường, nếu có một show như vậy thì sẽ có các video trôi nổi khác ở trên mạng với nhiều nguồn khác nhau từ các góc quay khác nhau. Tuy nhiên khi tìm kiếm video không thấy bất cứ một video nào khác, trừ một video được cắt ra chính từ video của truyền hình Nga để biến nó thành khuôn hình đứng (ảnh).
Để tìm hiểu sâu thêm một chút nữa, tôi quyết định gửi ảnh đội hình Su-25 của ngày hôm qua (phun khói màu) và ảnh cũng đội này của ngày 07/05/2021 cho một chuyên gia khí tượng, thì người này cho rằng hình thái mây của hai ảnh là tương đồng, có thể cho đó là mây tích (Cumulus) với đặc điểm bồng bềnh, hơi gồ ghề. Còn hôm qua trên bầu trời Mátxcơva mây có vẻ giống như mây tầng tích (Stratocumulus) hoặc mây trung tích (Altocumulus) hơn (Ảnh).
Tất nhiên trong điều kiện xem ảnh có thể nhận xét của người này không chính xác, quý vị có ai là chuyên gia có thể giúp đỡ tôi thì tốt. Đây là video buổi tổng duyệt hôm 7/5/2021:
Câu hỏi đặt ra là: Đội bay Các tráng sĩ Nga và Chim én trú ở sân bay Kubinka bị không kích đêm 06/05, có làm sao không?
Vậy cảm nhận của tôi về sự kiện duyệt binh hôm qua của Nga tại Mátxcơva là gì?
Là người theo dõi hầu hết các cuộc duyệt binh kiểu này của Nga, bất chấp lời ca ngợi của nhà đài Truyền hình quốc phòng Việt Nam là đơn vị tiếp sóng có thuyết minh tiếng Việt hôm qua là “lễ duyệt binh hoành tráng nhất” – tôi không rõ “nhất” của họ là so với cái gì, với năm nào. Đơn cử chỉ cần dẫn năm 2019 thôi, đã hoành tráng hơn rất nhiều rồi.
Năm 2021, màn trình diễn có số lượng khí tài lớn hơn nhiều, thậm chí có cả Su-57 tham gia airshow. Về lực lượng diễu hành, tất cả là từ các Học viện và chỉ có duy nhất một khối đáng chú ý là “các chiến binh tham gia Chiến dịch quân sự đặc biệt.” Xin lưu ý trước cuộc chiến tranh xâm lược của Putler vào Ukraine, các cuộc duyệt binh còn có các khối diễu hành của các đơn vị chiến đấu.
Có người viết trên mạng xã hội tỏ vẻ bất bình khi thấy thái độ của Putler đối với Tổng bí thư Tô Lâm là “lạnh nhạt”. Theo tôi có thể nhìn chuyện này dưới hai góc độ. Tôi thì lại nhìn thấy sự xun xoe bợ đỡ thấy rõ của Putler đối với Tập Cận Bình, nhìn rất là nản. Có lẽ điều mọi người nói, cả nhiều người Nga nói đã trở thành sự thật: Nước Nga của Putler đã chính thức trở thành thuộc địa của Trung Quốc.
Tôi vẫn không thay đổi nhận xét của mình trong bài sáng hôm qua: Lễ duyệt binh dối già của Putler. Chưa bao giờ có cuộc duyệt binh nào cường quốc quân sự thứ hai thế giới lại phải đi mượn xe tăng để diễu trên quảng trường. Đã thế lại còn phải cử chuyên cơ đi đón lãnh đạo Burkina Faso đến dự lễ duyệt binh…
Hết lễ, tôi còn nán lại xem đoạn giao lưu của kênh Quốc phòng Việt Nam, đến đoạn một cậu thanh niên nào hỏi một ông tướng nào đó rằng “Ông ấn tượng (hay quan tâm gì đó) đến vũ khí nào nhất?” thì ông kia trả lời lằng nhằng… Tôi mà ở đó thể nào cũng nói leo: Tiếc là không có hai binh chủng, binh chủng lừa chiến Nga và binh chủng ba-bét-nhè (Babetta) diễu qua lễ đài…
2. Cuộc Chiến tranh Giữ nước Vĩ đại của nhân dân Liên Xô từ ngày nào đến ngày nào?
Ngày hôm qua nếu theo dõi cuộc duyệt binh trên kênh Quốc phòng Việt Nam, quý vị có thể thấy người dẫn chương trình Nga (sau đó được người dẫn tiếng Việt đi theo) luôn luôn nói: Chào mừng ngày kết thúc cuộc Chiến tranh Giữ nước Vĩ đại.
Ngược dòng lịch sử. Ngày 28 tháng Mười năm 1944 là ngày Hồng quân Liên Xô giải phóng Kyiv, và ngày đó hiện nay trở thành Ngày Giải phóng của Ukraine. Trước đó, ngày 29 tháng Tám năm 1944 được tính là Ngày Giải phóng Belarus. Còn Ngày Giải phóng Moldova còn trước một chút nữa, ngày 20 tháng Tám năm 1944.
Về sự kiện giải phóng Ukraine khỏi ách phát-xít, Wikipedia tiếng Anh viết:
“Các khu định cư đầu tiên ở miền Đông Ukraine đã được Hồng quân giải phóng vào tháng 12 năm 1942. Các trận chiến lớn để giải phóng Cộng hòa Xô-viết Ukraine kéo dài từ tháng 1 năm 1943 đến mùa thu năm 1944. Vào thời điểm này, một nửa Ukraine nằm trong tay Hồng quân. Ngày 23 tháng 8 năm 1943, thành phố Kharkiv đã được giải phóng.
Ngày 27 tháng 10 năm 1944, Uzhhorod đã được giành lại từ tay quân Đức và quân đội Liên Xô đã đến nơi sẽ là biên giới phía tây hiện đại của Ukraine. Ngày 28 tháng 10 năm 1944, lãnh thổ cuối cùng của Ukraine hiện tại (gần Uzhhorod, khi đó là một phần của Vương quốc Hungary) đã được giải phóng khỏi quân Đức; sự kiện này được tổ chức hàng năm tại Ukraine (vào ngày 28 tháng 10) như là “ngày kỷ niệm giải phóng Ukraine khỏi Đức Quốc xã.”
Như vậy, ngày lãnh thổ Liên Xô được chiếm lại trọn vẹn khỏi ách chiếm đóng của phát-xít Đức là ngày 28 tháng Mười năm 1944. Tôi đính kèm theo đây là bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Italia, ông Ando Gilardi (1921 – 2012) chụp ảnh các chiến sĩ biên phòng Xô-viết dựng tấm biển có chữ viết tắt “Liên Xô” ở biên giới Ukraine khoảng thời gian đó.
Như vậy, có thể nói chính xác, cuộc Chiến tranh Giữ nước Vĩ đại của nhân dân Liên Xô bắt đầu ngày Chủ nhật 22 tháng Sáu năm 1941 đến ngày thứ Bảy 28 tháng Mười năm 1944, tổng cộng là 1.225 ngày (theo công cụ tính “Timeanddate dot com”) chứ không phải là 1.418 ngày như Liên Xô và Nga vẫn thường tuyên truyền.
3. Như vậy, Liên Xô tham gia vào Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai từ lúc nào và qua những giai đoạn như thế nào?
Giai đoạn 1. Liên Xô tham gia vào cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai từ ngày 17 tháng Chín năm 1939 và đến rạng sáng ngày 22 tháng Sáu năm 1941 thì giai đoạn này kết thúc, bắt đầu cuộc Chiến tranh Xô – Đức như trên đây tôi đã đề cập, và được Liên Xô gọi là Chiến tranh Giữ nước Vĩ đại (hay Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại). Đây là giai đoạn Liên Xô là đồng minh của phát-xít Đức, Stalin thỏa thuận với Hitler bằng Hiệp ước bất tương xâm Molotov – Ribbentrop, cả hai cùng xâu xé Ba Lan.
Giai đoạn 2. Cuộc Chiến tranh Giữ nước Vĩ đại, như trên đây tôi đã báo cáo.
Giai đoạn 3. Từ sau ngày 28 tháng Mười năm 1944, Hồng quân bắt đầu tiến qua biên giới quốc gia của mình tiến vào Ba Lan và vùng Đông Phổ, từ đó bắt đầu một giai đoạn mới của sự tham gia của họ vào Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nhưng đã có sự đổi vai. Giai đoạn này Liên Xô tham gia cuộc Thế chiến với vai trò của một nước trong phe Đồng Minh và kết thúc vào một trong hai ngày.
Ngày thứ nhất có thể tính là ngày 30 tháng Tư năm 1945, là ngày Hồng quân Liên Xô (cụ thể là bộ đội của Phương diện quân Belarus thứ nhất dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Liên Xô G.K. Zhukov) đã chiếm Nhà quốc hội Đức. Ngày thứ hai có thể được tính theo “cách của Liên Xô” là ngày 9 tháng Năm năm 1945, ngày phát-xít Đức ký văn kiện đầu hàng trước đại diện của các nước Đồng Minh, mà chúng ta đã biết có sự lằng nhằng bắt “ký đi ký lại” từ phía Liên Xô.
4. Thực chất, những Lễ kỷ niệm ở các nước khác nhau như thế nào?
Hôm 08/05/2025 trên Facebook xuất hiện bài của một kẻ, tôi sẽ không che tên, cũng mong quý vị đọc xong thì không nên sỉ nhục ông ta trên tường nhà tôi, dù tôi biết chắc chắn có nhiều vị sẽ cảm thấy ghê tởm, khi đọc những gì ông ta viết về Tổng thống Zelenskyy.
Thực chất, ông này viết từ một góc nhìn khác, góc nhìn của Nga – Putler. Như trên đây tôi phân tích, cuộc Chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô chỉ đến ngày 28 tháng Mười năm 1944. Ông ta viết “Cháu trai của người lính Hồng quân Semyon Zelensky trong mấy năm qua đã liên tục phá hủy mọi ký ức về Chiến thắng Vĩ đại trên lãnh thổ do Kiev kiểm soát”.
Nếu ai quen ông này xin nhắc ông ta hộ rằng, cái “Chiến thắng Vĩ đại” mà ông ta đang đề cập, là chiến thắng của nhân loại chống chủ nghĩa phát-xít, mà Liên Xô là một phần, là người tham gia trong đó (giai đoạn 3 trên đây). Và trong đó có phần tham gia của cả người Ukraine (công lao của người Ukraine trong cuộc chiến đã được rất nhiều thành viên cõi Facebook làm rõ trong mấy ngày qua, còn tôi thì nhắc đi nhắc lại: “Trong Hồng quân, cứ 6 người lính thì có 1 người Ukraine, cứ 3 người được phong Anh hùng Liên bang Xô-viết, thì có 1 người Ukraine” và bây giờ thì bổ sung thêm: Có 34 người Ukraine được phong 2 lần Anh hùng Liên Xô).
Để tham gia kỷ niệm chung với nhân loại, Ukraine đã chọn ngày 8 tháng Năm để chính thức kỷ niệm cùng châu Âu và toàn thế giới. Tổng thống Zelenskyy của Ukraine đã cùng giàn lãnh đạo nước này đã tới Công viên Vinh quang Vĩnh cửu (Парк Вічної Слави) đặt hoa tưởng niệm những người đã hy sinh trong Chiến tranh :
Còn việc nhân dân nước này tham gia vào cuộc Chiến tranh Vệ quốc, đã được Ukraine ghi nhận ngày 28 tháng Mười năm 1944 trên đây rồi. Vì vậy việc lão phản động này viết “Và hôm nay, thậm chí ai đó ở Ukraina đăng lời chúc mừng Ngày Chiến thắng trên phương tiện truyền thông xã hội cũng có thể sẽ bị lĩnh án tù thực sự”. Nếu việc này có thì chắc chắn nó gắn tới việc thông đồng với Nga để tuyên truyền cho ngày 9 tháng Năm, ngày mà Nga và Putler nhập nhèm giữa cuộc chiến tranh này với cuộc chiến tranh khác.
Với các nước Đông Âu, giai đoạn từ sau ngày 28 tháng Mười năm 1944 được coi là giai đoạn “giải phóng” nhưng đồng thời cũng là một giai đoạn chiếm đóng mới của Đế chế Xô-viết.
5. Ba lãnh đạo Anh, Pháp, Đức ngay sau khi Putler tổ chức duyệt binh, đã đến Kyiv
Ba nhà lãnh đạo châu Âu cùng Tổng thống Zelenskyy đã có cuộc trò chuyện với Trump, việc này được Bộ Ngoại giao Ukraine đưa tin: “Ukraine và tất cả các đồng minh đã sẵn sàng ngừng bắn hoàn toàn, vô điều kiện trên bộ, trên không và trên biển trong ít nhất 30 ngày, bắt đầu từ thứ Hai. Nếu Nga đồng ý và đảm bảo giám sát hiệu quả, lệnh ngừng bắn lâu dài và các biện pháp xây dựng lòng tin có thể mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình.”
Để đáp trả, con khỉ đỏ đít của điện Kẩm-linh vội vàng tuyên bố: “Sẽ không có lệnh ngừng bắn nếu phương Tây không ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine”.
Thằng hề rẻ tiền này nói với ABC rằng “Putler bác bỏ ý tưởng ngừng bắn 30 ngày do Ukraine đưa ra nếu các đồng minh (phương Tây) tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kyiv trong thời gian ngừng bắn này”. Và giải thích “Đó sẽ là một lợi thế cho Ukraine. Ukraine sẽ tiếp tục huy động toàn diện và sẽ chuyển quân mới đến tiền tuyến. Họ sử dụng thời gian này để huấn luyện quân mới và cung cấp thời gian nghỉ ngơi cho những người đang chiến đấu. “Vậy tại sao chúng ta lại phải trao cho Ukraine lợi thế như vậy?”
Ngoài ra, Kẩm-linh tin chắc rằng “Ukraine đang cố gắng tránh đàm phán; họ chưa sẵn sàng cho các cuộc đàm phán ngay lập tức”.
Cùng lúc đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trước đó đã bày tỏ sự sẵn sàng tuyên bố lệnh ngừng bắn trong 30 ngày mà không cần điều kiện tiên quyết. Và ông đã bác bỏ ý tưởng về lệnh ngừng bắn ba ngày vào ngày 9 tháng 5 do Putin đưa ra và trực tiếp gọi đó là một “màn kịch”.
Ừ, có giỏi thì lôi lừa chiến với ba-bét-nhè ra mà đánh nhau tiếp đê.
PHÚC LAI 10.05.2025