DÒNG SÔNG CUỘC ĐỜI - CAO MỴ NHÂN

Thứ Bảy, 11 Tháng Mười Một 20176:00 SA(Xem: 6951)
DÒNG SÔNG CUỘC ĐỜI - CAO MỴ NHÂN
         636459389336621982zzzaaaaa

     DÒNG SÔNG CUỘC ĐỜI   -   CAO MỴ NHÂN 

 

Mới nửa ngày thôi, 12.15 trưa cuối tuần, nhưng có thể tiên đoán hôm nay trời rất đẹp...

Như vậy không có lý nào mình trách cứ, than van với anh như nhiều lần viết lách, hễ cứ cầm " điện bút" là y như khóc 

  gió thương mây, mặc dù mây gió vô tư thế kia, than vãn thương cảm chúng, mây gió, thật vô lý . 

Nếu mây gió biết được mình cứ chụp mũ sầu tư cho chúng, vẫn đang nói về mây gió, chưa đi vào lãnh vực " tám " ta bà...

Nhưng phải " tám " thôi, không quý vị sẽ hỏi một ngày như mỗi ngày, mà Cao Mỵ Nhân quên phứt kể lể à? 

Chủ biên ...tôi sẽ phán " 1001  chuyện cơ mà, cứ đổ đồng cho bấy nay là mới hơn nửa ngàn chuyện ...làm sao đủ hưu non mà về diện bích ? " 

Ố ô quan Đồ Ngu ơi, kẻ hèn thực sự này, chưa muốn về hưu nhá, dẫu giai phẩm Lá Cải có thêm " cà kê dê ngỗng " bản  chức vẫn muốn ngồi ì thần xác ra mà lý sự vặt cho vui vẻ cuộc đời . 

 

Số là từ lâu, Chủ biên ...tôi cứ nghe mơ màng về cái tôi xuất thân từ một sắc tộc nào đó ở thượng nguồn, giữa 2 con sông danh tiếng ngoài Bắc Kỳ quốc, là sông Hồng và sông Đà, là lâm nguyên Chapa ,nay thiên hạ đổi là Sa Pa, cũng tạm hay rồi . 

Nhưng đó là thủa ấu thơ với một phần niên thiếu thôi, hôm nay tôi tiếp tập 3, về 2 con sông khác nữa liên hệ tới tôi, nhưng chúng, 2 con sông ấy ở Quảng Nam, viết thầm thôi, không lớn tiếng, quý hội Quảng Đà lại hỏi thẻ hội viên Quảng Nam, Đà Nẵng của tôi bây giờ. 

Xin thưa 2 con sông cũng khá danh tiếng trong lịch sử đương đại: sông Hàn Đà Nẵng và sông Thu Bồn Quảng Nam, còn được gọi tắt là sông Thu .

 

Tại sao 2 sông vừa nêu, với tôi lại thuộc tập 3 ? 

Thưa vì tập 2 của dòng sông cuộc đời tôi là sông Đồng Nai hay sông Saigon cơ. 

Vậy chớ sông Hương sắm vai gì trong " tư duy "phức tạp của mình vậy ?

Thưa sau khi từ Đồng Nai ra Huế, con sông Hương danh tiếng quá, ngoài sức tưởng tượng của tôi và đời tôi, tôi đã không dám khu trú dòng Hương Giang ấy vào cuộc đời của mình.

Dòng sông êm ả mà tưởng như nồng nhiệt, vì sông và tôi đều tránh gặp nhau, sợ không vừa ý nhau ...

Đó là đan cử ra những dòng sông chính mà tôi đã đi sát bờ, một thời gian nào từng chuỗi hẹn hò hay buộc lòng phải tới đôi bờ, để làm công chuyện gì chẳng hạn . 

 

Tôi ở Đà Nẵng, hằng ngày tôi phải ít nhất một lần đi xe chạy song song với sông Hàn...Qua lại dòng sông ấy như lẽ đương nhiên, đi làm, đi chợ, đưa đón con đi học vv...

Ờ thì sông Hàn vậy đúng rồi, còn dòng sông Thu đó, nó uốn éo từ thượng nguồn, giữa ranh Kontum - Quảng Nam, chảy ngang qua nhiều quận huyện tỉnh Quảng Nam, rồi đổ ra Cửa Đại, Biển Đông, sao tôi dám vơ vào một địa danh lừng lẫy: 

" Sông Thu Bồn " .

Và không một văn nghệ sĩ nào đã thành danh, hay đang hoặc sẽ nổi tiếng, gốc Quảng Nam, mà không có tác phâm ngợi ca Thu giang yêu quý của họ : 

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng 

Nhạc, thi, văn sĩ  Vũ Đức Sao Biển

Các nhà văn, thi sĩ Thái Tú Hạp, Luân Hoán vv...và hằng loạt các thi sĩ cùng thời với quý vị đương nêu này. 

 

Mỗi tháng ít nhất một lần, tất có khi 2,3...lần trong một tháng, tôi lại phải vô Duy Xuyên, Hiệp Đức, lấn qua Quảng Tín, thì Tiên Phước ...để thăm viếng thường xuyên, hay đưa các phái đoàn trung ương và địa phương đi cứu trợ vv... 

Đó là những lần miền Trung bị bão lụt  liên tục khi lớn, lúc nhỏ, nhưng kể như năm nào cũng có bão , có lụt ... 

Kỷ niệm để đời nhất đối với thiên tai đổ xuống dân nghèo là trận lụt trắng nước san bằng làng xã bên sông Thu Bồn năm đó, thủa thiếu tá Cao Điền (sau lên trung tá) làm quận trưởng Duy Xuyên. 

Phái đoàn Hội Phụ Nữ X do phu nhân trung tướng Nguyễn Ngọc Lễ (1918 - 1972) hướng dẫn đi cứu trợ các gia đình nghèo ở Duy Xuyên . 

Bấy giờ tôi còn chưa biết trung tướng Nguyễn Ngọc Lễ quê ở xã V quận Duy Xuyên, nên toàn bộ gạo, tiền  buổi đó dành tặng dân làng này. 

Có điều ngạc nhiên là dân xã đều mang họ Nguyễn Ngọc ..,

Tôi đang băn khoăn thì đại tá Tham Mưu Phó CTCT/QĐI/QKI thản nhiên: " Cả làng này đều Nguyễn Ngọc ..." 

 

Song tới bây giờ dòng sông Hương mơ mộng, kiêu sa kia, một lần nữa lượn quanh tâm hồn tôi, như một giải lụa mầu thanh thiên lững lờ, quyến rũ ...

Tôi mang cảm giác vừa muốn rời xa, lại vừa muốn tới gần, muốn đứng sát bờ, bởi chính anh là dòng sông đó, mặc dầu như trên tôi đã tả, rằng ngày hôm nay trời đẹp quá...tất tôi phải yêu đời hơn chứ. 

Nắng giữa trưa rực rỡ mà không nóng nực, nắng thu thì dịu dàng thôi, đủ hâm nóng tình cảm tôi trong một lúc xúc động nhất, tôi tưởng tôi có thể giá băng, và héo úa cả từng chân tơ , kẽ tóc ...

Như vậy một lần nữa, hay lần thứ bao nhiêu, lần thứ vô cùng ...để biết rằng sông Hương đã như cái tên của nó, mầu sắc thì có, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người, tôi thấy nó mầu xanh như giải lụa da trời...đã huyễn hoặc tình tôi.

Có người nhìn ra sông mầu sáng bạc giống tà áo công nương ...trải dài trên thành phố Huế, mới là sang trọng, cửa quyền ...

Nhưng có lẽ chưa ai thực sự thưởng lãm được ...hương ngát của dòng sông...

Tôi thầm nhủ: " Hay là mình hỏi anh nhỉ ? Thủa giờ anh đã hít hà, nghe thử trong lòng chưa, Hương giang ngào ngạt  quế trầm, hay còn thơm hơn tất cả mùi vị thanh khiết nào ở cõi đời này. 

Anh sẽ cười thôi, lúc nào anh cũng kẻ cả, bao dung, chan hoà với mình, rồi trả lời: " Khúc sông Hương ngang qua bóng dáng tôi, là anh đó, không hề có bất cứ một loài thủy sản nào, chỉ có rong rêu, và sóng nổi mơ màng..." 

Ghê rứa, kiêu kỳ rứa ...

Biết rồi, lòng anh cũng nhẹ nhàng, êm ả như khúc sông ấy ...bóng dáng định mệnh của mình, cứ mơ hồ lãng đãng tháng năm ...

 

Đã qua trưa rồi, mây trắng dồn về phương nam như những vẩy bạc, vài giờ nữa trời sẽ dịu nắng, sẽ tối đi, dòng sông anh trong tưởng tượng sẽ lặng lờ, thanh vắng, bỏ lại cho mình tiếng hát vọng lại từ bờ xa: 

 

Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt

Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa

Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ

Về đồi sim ta nhớ người vô bờ ...

       (Thu hát cho người -  Vũ Đức Sao Biển) 

 

Ôi người tình nào bỏ người tình nào đi biền biệt thế nhỉ, chỉ dòng sông của mỗi đời người là biết rõ nhất ...

 

CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn