Phúc Lai - Viết dài trung bình về cuộc chiến tranh ở Ukraine ngày 19/09/2024

Thứ Năm, 19 Tháng Chín 20242:47 CH(Xem: 660)
Phúc Lai - Viết dài trung bình về cuộc chiến tranh ở Ukraine ngày 19/09/2024

tver_01

Hôm nay làm gì có chuyện gì ngoài mấy chuyện sốt sình sịch.

1. Chuyện thứ nhất: Rải bài.

Tôi có ông bạn vong niên (hiện nay đang pro Putox một cách kín đáo) giáo viên trường kiến trúc. Ông ta kể về một thằng học trò của mình, một dạng “đầu gối quá tai” (để cho các bạn nước ngoài dùng Google dịch từ tiếng Việt: Đây là một thành ngữ tiếng Việt dùng để chỉ những tay cờ bạc chuyên nghiệp, “cờ bạc gạo” để kiếm bánh mì, dạng như Huck Cheever (Eric Bana đóng) trong “Lucky You” 2007).

Thằng cha này thuộc hàng tiên phong về “ứng dụng công nghệ” trong cờ bạc bịp. Khi bọn đồng nghiệp của nó chưa biết “bài thửa” (bây giờ lên mạng gõ với từ khóa “Cheating playing cards” có khi còn mua được từ Shopee) là gì, nó đã đặt ở Trung Quốc về hàng trăm bộ. Suốt mấy tuần nó thuê người vào “rải bài” tức là bán những bộ bài đó trong cái xóm nào có cả chục sới bạc trong Hà Đông.

Nói chuyện này nhiều người không hiểu: Riêng bộ bài chúng nó chỉ đánh chục ván là vứt, nên các hàng xén xung quanh khu vực bán được rất nhiều. Thằng kia phải “rải” cả nửa tháng như thế để các sới họ mua cho quen đi, rồi cậu mới vào đánh. Đeo cái kính đặc biệt trông như một… nhà khoa học, hắn chọn những sòng nào dùng đèn nê-ông (hầu như nhà nào chẳng dùng, hồi những năm 1990 ấy). Dưới ánh đèn, bộ bài đặc biệt nổi bật lên ở mặt lưng, quân nào ra quân ấy lộ hết. Hắn chỉ đánh vài trận là thắng số tiền đủ mua nhà thời đó, rồi rút.

Bây giờ hóa ra anh Mossad cũng làm đúng chuyện đó, nhưng không phải là “Cheating playing cards” mà là pager và walkie-talkie (máy bộ đàm). Một kế hoạch quá hoàn hảo: biết được cả kế hoạch mua sắm của Hezbollah, cài được cả người vào nhà máy sản xuất ở Đài Loan, hack được cả phần mềm của nó và hack luôn cả hệ thống nội dung tin nhắn quy định theo mật hiệu.

Điều này bác nào có chuyên môn sẽ hiểu: Không phải cứ thích nhắn “hôm nay không về ăn cơm” mà được. Họ phải có hệ thống quy định mật hiệu, ví dụ “anh Bảy ốm” – có nghĩa là ông thoái hóa đốt sống cổ đang bị cơ quan điều tra cho vào vòng ngắm… Lúc đó máy mới mở cổng 0110001… gì gì đó, dòng điện đi vào fuse (ngòi nổ) mới kích hoạt để cho nó nổ được. Đại khái thế.

Tình báo thế mới là tình báo chứ. Có đâu như mấy cái anh báo cáo không nổi là Nga sẽ tấn công Ukraine, để ông đại sứ vênh vang: bà con yên tâm, sẽ không có chiến tranh đâu, cứ đánh golf tiếp đê…

2. Chuyện thứ hai còn nức lòng hơn: Cái kho to hàng khủng ở Tver bị đánh rung cả mấy tỉnh.

Trong bài hôm trước, tôi vừa bàn chuyện cùng lắm là bè lũ Putox làm được một trận “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” – tập kích đường không quy mô lớn vào các thành phố của Ukraine… Nhận xét này trong bối cảnh, hướng Pokrovsk – Kurakhove kể cả cố đánh, cũng đang tỏ ra vô vọng. Còn Kursk, từ 10/09 đến nay đã là 11 ngày, chiến thắng vẫn… không sủi tăm hay nói chữ là “bặt vô âm tín.” Ơ thế thì bây giờ còn đánh đấm cái gì nữa?

Đánh thế mới là đánh chứ!

3. Còn một chuyện khác còn nức lòng hơn – Putox ký lệnh tăng quân số. Tăng quân số trong điều kiện nào nhỉ… Máy bay không bay được. Trực thăng hỏng, và cứ bay là bắn rụng, bay là bắn rụng. Pháo sắp hết. Những khẩu còn thì không có nòng thay thế. Đạn Triều Tiên nổ trong nòng. Xe tăng sắp cạn. Xe bọc thép sắp cạn. Áo giáp chống đạn bằng gỗ. Súng AK rỉ sét, nòng cong vẫn phát cho lính.

Khố rách áo ôm. Chúng sẽ được phát xẻng để đánh nhau. 

Cái kho ở Tver trên kia toàn vũ khí chiến lược, nên chắc chắn vũ khí cá nhân chúng còn. Cái lũ này sẽ bị ủn ra chiến trường đúng là trong tình trạng khố rách áo ôm, không có từ nào để mô tả chính xác hơn.

Quân đội Nga hiện nay thật đúng như quân đội của Sa hoàng trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chính xác đến từng chi tiết. Ví dụ, quân đội Nga trước khi bước vào chiến tranh với Ukraine năm 2022, đã có một số cải cách từ 2008 (cải cách Gerasimov), thì quân đội Nga của năm 1914 cũng thế, và khi bước vào chiến tranh thì cả hai cùng bộc lộ những vấn đề y hệt nhau. Mặc dù có một số cải cách trước đó một thập kỷ, quân đội Nga vào năm 1914 được trang bị cực kỳ nghèo nàn, đến mức tệ hại để có thể chiến đấu trong một cuộc chiến tranh lớn, và cả giới lãnh đạo chính trị cũng như quân sự đều không đạt tiêu chuẩn yêu cầu.

Cuộc xâm lược Đông Phổ của Nga vào tháng Tám năm 1914 đã bị Paul von Hindenburg và Erich Ludendorff đánh bại tại Tannenberg, nhưng sự kiện này khiến người Đức phải gửi quân tiếp viện từ Mặt trận phía Tây và do đó đã cứu Pháp khỏi thất bại và sau đó giành chiến thắng ở Marne. Các chiến dịch năm 1915 và 1916 đã gây ra thương vong khủng khiếp cho quân đội Nga, thậm chí nhiều đơn vị của họ còn không có đủ súng trường và đạn dược thì thiếu kinh khủng.

Hiện tại quân đội Nga trên chiến trường Ukraine đang tỏ ra hết hơi – chỉ tấn công được ở một số hướng, không nhiều (không như trên báo chí xứ Đông Vạn Tượng nhiều khi mô tả là “đồng loạt tấn công trên toàn tuyến mặt trận”). Và ở các hướng được chú trọng, các tiêu chuẩn tập hợp nguồn lực để tấn công cũng chỉ được ở mức… chiến tranh thế giới thứ nhất, đương nhiên là thua xa Hồng quân trong Chiến tranh thế giới lần thứ Hai.

Điều này đặc biệt đúng với tình trạng thực tế của các trận tấn công: Chỉ huy cấp trung cao (trung đoàn trưởng) ra lệnh cho chỉ huy cấp trung (tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng). Cấp này ra lệnh cho chỉ huy sơ cấp (trung đội trở xuống) và từ đó trở đi liên lạc với cấp này cùng các đơn vị chiến đấu, gần như mất cho đến mức mất hẳn khi đơn vị bước vào chiến đấu. Thái độ của các cấp chỉ huy kia đối với đơn vị vừa được cử đi tấn công là “coi như mất trắng,” thương binh Nga nếu được đồng đội đưa về thì sống, chứ không có khái niệm tổ chức tải thương từ chiến trường về. Thương vong là cực kỳ lớn.

Thông tin hiện nay rất thiếu, nhất là từ các nguồn Ukraine. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy quân đội Nga là một quân đội của quá khứ, đang phải chiến đấu với một quân đội của tương lai. Các cấp chỉ huy của Ukraine nắm được tình hình chiến trường theo thời gian thực, và họ đang thi hành một chiến lược khác hẳn. Những bài báo của báo chí xứ Đông Vạn Tượng cho chúng ta cảm nhận điều gì? Với những người ít quan tâm đến lịch sử quân sự, thì không rõ lắm, nhưng với những nhà nghiên cứu hoặc chỉ cần đọc nhiều, thì sẽ nhận ra các diễn biến diễn ra trên báo đó là kiểu chiến tranh của Liên Xô, và các phóng viên của xứ Đông Vạn Tượng đang copy lại của Bộ Quốc phòng Nga.

Trên thực tế mọi chuyện diễn ra hoàn toàn khác hẳn. Những đoàn công-voa (convoy chứ nhỉ) của Nga kéo đi đánh trận bị săn lùng bởi hàng đàn UAV, drone… và cả ngay trên mặt trận, chúng cũng bay đến như đàn ruồi. Quân lính Nga bị tấn công từ xa và không có khả năng chống cự lại được với chiến lược – chiến thuật này. Để đối phó với “những làn sóng người” của Nga, Ukraine dùng những làn sóng drone.

Tôi thường dịch những bài phát biểu của Zelenskyy và ông ấy cũng khẳng định chiến lược drone của Ukraine, hôm qua tôi post lên mấy bài liền đều có ý này.

Có một điểm khác biệt rất lớn giữa quân đội Nga của Sa hoàng năm 1914-1916 là lòng dũng cảm của binh lính rất đáng ghi nhận – đặc biệt những đơn vị Cossak rất thiện chiến. Hồi đó người lính Nga còn có lòng trung thành với Hoàng đế, nó khác với thái độ của lính Nga đối với Putox bây giờ. Putox đã nhiều lần cố gắng nâng tinh thần lính Nga bằng nhiều trò: phi phát-xít hóa, phi quân sự hóa Ukraine, sáp nhập đất đai… và bây giờ thì giải quyết bằng… tiền.

Mặc dù quân đội Nga thời cách đây hơn 100 năm có những yếu kém, nhưng vẫn thu được thắng lợi vang dội với “Cuộc tổng tấn công của Brusilov” – dưới quyền của Đại tướng Aleksei Alekseevich Brusilov, chỉ huy của phương diện quân Tây Nam Nga. Với lực lượng cụ thể hơn là 40 sư đoàn bộ binh (573.000 quân), 15 sư đoàn kỵ binh (60.000 quân) đã tiến hành chiến dịch tấn công từ 4 tháng Sáu đến ngày 20 tháng Chín năm 1916 trong Chiến tranh thế giới thứ nhất của Đế quốc Nga nhằm vào Đế quốc Áo-Hung tại Galicia.

Với việc phòng tuyến quân Áo-Hung bị chọc thủng rất nhanh chóng, cuộc tổng tấn công này sau đó đã đem lại thắng lợi rất lớn cho quân Nga, tiêu diệt hoàn toàn chủ lực của quân đội Áo-Hung. Kết quả quân Nga còn chiếm được khoảng 25.000 ki-lô-mét vuông đất.

pl_643

Không nên quên rằng, chiến thắng của Brusilov tôi vừa đề cập trên đây đạt được là nhờ một phần rất lớn của lòng quả cảm của các đơn vị kỵ binh Cossak (ảnh, một đơn vị Cossak đang tấn công) và điều “thú vị” là, quân Nga đạt được thắng lợi với thương vong… gấp đôi quân đội Áo-Hung (440.000 người so với 200.000 người). Sau những thắng lợi “thần tốc” ban đầu của kỵ binh, bộ binh Nga theo lệnh của chính Brusilov, tiến lên với chiến thuật biển người đã bị thương vong kinh khủng và thu được những thắng lợi rất nhỏ ở giai đoạn sau của chiến dịch.

Tuy nhiên đây lại là một thất bại về chiến lược – dân Nga vẫn không coi đó là thắng lợi… tại sao vậy? Chủ yếu do chính sách kinh tế của triều đình Romanov có thể trên giấy tờ thu được những thành tựu to tát, nhưng…

Trích : “Mặc dù trước năm 1914, Nga là cường quốc công nghiệp lớn thứ tư nhưng còn kém Mỹ, Anh và Đức một khoảng cách xa. Trong các chỉ số về sản xuất thép, tiêu thụ năng lượng, tỉ trọng sản xuất sản phẩm trên thế giới và tổng tiềm năng công nghiệp Nga đã bị Anh và Đức làm lu mờ, và khi những số liệu này liên quan đến quy mô dân số và được tính trên cơ sở bình quân đầu người thì khoảng cách này thực sự rất lớn. Vào năm 1913 mức độ công nghiệp hóa bình quân đầu người của Nga chưa bằng 1/4 của Đức và chưa bằng 1/6 của Anh… “Vào năm 1913, bình quân thu nhập của một người Nga bị nhà nước chiếm dụng cho quốc phòng nhiều hơn 50 % so với bình quân thu nhập của người Anh dù thu nhập của người Nga chỉ bằng 27 % so với người Anh lúc đó”.

Dễ dàng hình dung ra chi phí xã hội lớn của sự kết hợp nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp hóa và chi tiêu quân sự nặng nề này. Năm 1913, trong khi chính phủ Nga phân bổ 970 triệu rúp cho các lực lượng vũ trang, chỉ 154 triệu rúp được chi cho y tế và giáo dục. Và vì cơ cấu hành chính không trao cho các địa phương quyền hạn tài khóa như của các bang Mỹ hoặc chính quyền địa phương Anh, nên sự bất cập đó không thể được bù đắp ở nơi khác.

Ở các thành phố phát triển nhanh, người lao động phải đối mặt với tình trạng không có hệ thống thoát nước, nguy cơ về sức khỏe, tình trạng nhà ở tồi tệ và giá thuê cao. Mức độ nghiện ngập của người dân thật đáng kinh ngạc, một lối thoát ngắn hạn khỏi thực tế tàn nhẫn. Tỉ lệ tử vong cao nhất ở châu Âu. Dưới những điều kiện như thế, kỷ luật áp đặt trong các nhà máy và không có bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào về mức sống đã tạo ra một sự phẫn nộ đối với hệ thống, từ đó lại biến thành một nơi sinh sôi lý tưởng cho những người theo chủ nghĩa dân túy, những người Bolshevik, những người theo chủ nghĩa vô chính phủ, cấp tiến và cho bất kỳ những ai (bất chấp sự kiểm duyệt) đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ.

(Từ cuốn “Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc” – Paul Kennedy).

Đến đây, quý vị sẽ thấy không phải là một sự “quen quen” nữa mà hoàn toàn tương đồng, giống nhau đến kỳ lạ. Putox không phải là Sa hoàng, lão ta không có được sự sùng bái tự nhiên có từ dân chúng mà cố tìm cách tạo ra bằng những trò “phông bạt” rẻ tiền và giả tạo – đến mức chính người Nga còn có những chuyện tiếu lâm dạng “Khi Putox ra đời, ông tự lái xe đưa bà thân sinh về nhà. Virus corona Covid-19 nói chuyện với Putox, lúc sau nó thấy đau họng, sốt và khó thở…”

Tinh vi hơn, Putox thi hành một trò phức hợp giữa việc kích động lòng yêu nước của dân chúng thông qua “ăn mày quá khứ” Chiến thắng 9/5 của cuộc Chiến tranh Vệ quốc. Lập lờ gọi Ukraine là phát-xít với những bổn cũ từ thời Liên Xô được soạn lại: Chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ và phương Tây, thổi bùng niềm tự hào của dân Nga về quá khứ Xô-viết, kết hợp với lòng hận thù chủ nghĩa đế quốc trong cái trọng tội làm biến mất cái “đế chế Đỏ.”

Nhưng cũng chính Putox phạm sai lầm nghiêm trọng về chiến lược, thậm chí còn thua xa Sa hoàng khi bước chân vào cuộc chiến tranh Thế giới thứ nhất. Mặc dù hầu hết các ngành công nghiệp chủ chốt của Nga cách đây hơn 100 năm đều thuộc nhóm… FDI, tức là thuộc sở hữu của các chủ nước ngoài (tỉ lệ sở hữu vốn nước ngoài từ 90 % đến 100 % trong hầu hết các ngành chủ chốt), nhưng (trích):

“Trong một giai đoạn rất dài từ năm 1860 đến năm 1913, sản lượng công nghiệp của Nga đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm đầy ấn tượng là 5 % và vào thập niên 1890, tỉ lệ này lên gần 8 %. Sản lượng thép của Nga trước Thế chiến I đã vượt qua Pháp và Đế quốc Áo-Hung đồng thời vượt xa Ý và Nhật Bản. Sản lượng than thậm chí còn tăng nhanh từ sáu triệu tấn năm 1890 lên 36 triệu tấn năm 1914. Nước này cũng là nhà sản xuất dầu lửa lớn thứ hai thế giới.” (Sách đã dẫn).

Trong khi đó như chúng ta đã biết, Putox tiếp quản nước Nga sau “10 năm Yeltsin” là 10 năm thả nổi cho tư nhân ăn cướp tài sản của Liên Xô để lại cho nhân dân và Nhà nước Nga, thì Putox tiếp tục 25 năm của mình. Tổng cộng cho ra cái gọi là “30 năm đại tàn phá công nghiệp Nga.” Đến mức chỉ cần các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi đất nước, cùng với các lệnh cấm vận về công nghệ, nước này phải quay về với hành vi “bòn, mót” những đồ bảo tàng rỉ sét do mồ ma Liên Xô để lại.

Hiện nay chính sách của Putox – như tôi viết trong bài trước “người chết mang lại nhiều giá trị hơn người sống” và hôm 27/08 tôi ước tính con số chi trả cả tiền tuất cho gia đình tử sĩ lẫn tiền bồi thường thương tật, là khoảng 31 tỉ đô-la Mỹ tại đây. Thì hôm qua, không rõ nguồn ở đâu đài RFI có bài đưa thông tin rằng số tiền chi trả trên đây, là 30 tỉ Euro. Chính lượng tiền này xổ ra xã hội đã giúp cho người ta có cảm giác không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, thậm chí có cảm giác phồn vinh. Hóa ra tôi ước tính sát ra phết – 30 tỉ euro tương đương 33 tỉ đô-la, chiếm 1,5 % GDP của Nga.

Như vậy chúng ta đã hình dung được chiến lược của Putox là gì. Nhờ có HIMARS, người Ukraine đã đẩy toàn bộ hệ thống hậu cần của quân đội Nga về phía sau cách tiền tuyến khoảng 90 đến 100 ki-lô-mét, điều này gây gánh nặng lên lực lượng… xe tải.

Trong một chiến lược lớn hơn, kế hoạch tấn công các nhà máy lọc dầu một cách khoa học và bài bản cùng với chiến thuật “tìm và diệt” xe tải (hôm qua 24.839, ngày 19/09/2023 là 8.601, vị chi là 16.238, trung bình 44 cái xe tải bị diệt 1 ngày trong suốt 1 năm); nó làm cho quân đội Nga không thể tổ chức được những chiến dịch tấn công lớn (như trận đánh chiếm cặp thành phố Sievierodonetsk và Lysychansk là lớn), và những trận cố đánh như hiện nay nhìn chung là vô vọng. Tuy nhiên để nuôi chiến tranh hiện nay, với Putox, hóa ra “bia thịt” vẫn là rẻ nhất. Một trận tên lửa bắn vào Ukraine, hơn 1 tỉ đô-la Mỹ. Số tiền đó trả được cho vài trăm nghìn mạng lính Nga trong 1 tháng… đại khái thế.

Hôm qua tôi có thằng bạn, mặc dù ủng hộ Ukraine nhưng hay hỏi những câu hỏi rất muốn cho ăn cái đá vào mông. Vừa đọc mấy bài báo “Nga phản công thần tốc ở Kursk” thì nó hỏi ngay: Ukraine thua à? Chẳng nhẽ tôi lại bảo: thua thua cái cục shit. Tôi không theo dõi các tin chiến trường, vì hầu hết nguồn mạng xã hội bắn mấy cái xe tăng… đó không phải là việc của tôi. Nhưng tôi có thể theo dõi được tin vê tinh thần chiến đấu của quân đội Nga là như thế nào… hoặc dự đoán ra được quá trình hết vòng bi của nước này ra sao.

Chuyện này bè lũ Gerasimov biết. Chúng cũng biết thừa rằng không thể thắng được trong bất cứ điều kiện nào, vì vậy chỉ có con đường duy nhất chiếm Pokrovsk, coi như “tiến được địa giới hành chính của Donbas với tỉnh Zaporizhia” đủ để tuyên bố chiến thắng. Chúng tin là nếu giữ ở đó, Ukraine sẽ không đủ sức lực để phản công đòi lại bất cứ diện tích đất nào.

Mà kể cả có không chiếm được Pokrovsk, thì với quân số đông như kiến, chết đói ăn mặc rách rưới cũng được, nhưng cứ dai dẳng kéo dài thì người Ukraine cũng chịu, không thể đòi lại được đất và sẽ phải chấp nhận mất những vùng đất đã bị chiếm. Chiến tranh sẽ kết thúc bằng cách đó với bọn Putox. Chiến lược như vậy đã rõ ràng: không cần xe tăng. Cũng chẳng cần máy bay. Quân lính đi bộ cũng được, miễn là còn Kalashnikov để phát.

Tôi tin là người Ukraine chẳng cần sự cho phép của Hoa Kỳ để có “tầm xa” tiêu diệt các mục tiêu bên đất Nga của bọn Gerasimov. Nếu không có sự cho phép này, Nga có khả năng kéo dài được chiến tranh – nhưng để phá nó thì người Ukraine làm được nhưng sẽ đổ máu rất nhiều. Vì vậy để kết thúc chiến tranh sớm, thậm chí trước tháng 11 năm nay, phải có sự cho phép đó.

Thằng nào gọi cuộc chiến tranh này là ủy nhiệm của Mỹ cho người Ukraine đánh người Nga, thì chúng ta cần đánh cho nó tòe mỏ. Ủy nhiệm phải có yếu tố xúi giục từ người Mỹ, đây còn đang phải xin xỏ bỏ mẹ.

Quay lại với cái thằng bạn của tôi. Quý vị hẳn còn nhớ hôm trước tôi viết khi Nga vừa mới phản công ở Kursk: Điều đó chắc chắn sẽ xảy ra, và chẳng nhẽ người Ukraine lại không biết? Và liền mấy bài phát biểu, ông Zelenskyy nói: Mọi việc đang diễn ra theo kế hoạch của Ukraine. Lắm lúc thái độ kiên quyết đến lì lợm của tôi cũng tỏ ra là đúng. Tôi tin vào những số liệu mình thu thập được và những tính toán từ những số liệu đó.

Lại “quay lại với” chính sách của Putox – bằng cách tung tiền thuê chính dân chúng của mình đi đánh nhau (và thành phân bón cho đất đai Ukraine! ngu không để đâu cho hết) hắn đạt được mục tiêu kép: ra vẻ xã hội Nga vẫn bình thường, thậm chí phồn vinh giả tạo. Điều này hắn hơn được Sa hoàng Nikolai II; và một mục tiêu khác là tiếp tục thu hút được lính lác đổ vào lò lửa chiến tranh.

Trao đổi với ông bạn chuyên gia kinh tế Havard trên cơ sở cung cấp những con số trên: Đúng, 1,5 % GDP không phải là lớn, số tiền hơn 33 tỉ đô-la chỉ bằng chi phí 1 tháng đến 1 tháng rưỡi cho chiến tranh, nhưng số tiền trên vì chi trả bằng rúp, thì sẽ gây lạm phát. Đúng là nó chiếm một tỉ trọng nhỏ (tính ra mỗi người dân Nga được hưởng 235 đô-la trong số đó, với dân số tính vo là 140 triệu dân). Nhưng thay vì tiền được đảm bảo bằng vàng, trong thời hiện đại được đảm bảo bằng sự luân chuyển của hàng hóa và dịch vụ trong xã hội. Trong khi đó kinh tế hàng hóa (tiêu dùng) Nga phụ thuộc Trung Quốc, còn Trung Quốc thì càng ngày càng làm căng lên về khâu thanh toán…

Một thằng lính Nga hiện nay ký hợp đồng chiến đấu nếu biến thành “kiện hàng 200” trong thời hạn 1 năm, gia đình nó sẽ được hưởng 52.000 euro (cũng theo RFI trên đây), khoảng 1 tỉ 400 triệu đồng tiền Việt Nam, thật không khác gì dân làng Mỹ Đình bán ruộng cho dự án hồi trước. Chỉ trong vòng 1 năm là tiêu sạch bách không để lại dấu vết, nhanh chóng đầu tiên nó trở thành hơn 200 đô-la Mỹ cho mỗi người dân Nga, rồi chạy vào túi chủ hàng người Tàu hết. Quá trình hút máu Nga Putox sang Trung Quốc và cả các “đối tác” khác như Iran (cho tên lửa, drone) hay Triều Tiên (cho đạn pháo…) sẽ càng ngày càng nhanh. 

Hóa ra anh bạn đẹp trai Budanov hôm trước nói đúng thật – kinh tế Nga sẽ xuống đáy, có khi còn phá đáy vào mùa hè năm 2025.

Nguy cơ lớn nhất với người Ukraine vẫn là cái trận “12 ngày đêm,” nay nhờ kho Tver nổ bung bét đã đỡ lo được phần nào. Chúng ta hãy chờ tuần sau Zelenskyy sang Nhà Trắng, xem tình hình như thế nào.

PHÚC LAI 19.09.2024

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo